- Lý luận - Phê bình
Đi đến tận cùng khao khát
Thứ bảy - 07/12/2019 10:16
(Về hai tập thơ Mặt trời xa lắc và Hoa nở không mùa của Phạm Hồng Oanh)
Tôi xin mượn câu thơ của Phạm Hồng Oanh để làm tiêu đề cho bài viết này, bởi trong bài “Hạnh phúc” có hai câu được coi như phương ngôn dẫn dắt chị trên con đường sáng tác văn học:
Hãy cứ đi đến tận cùng khao khát
Sẽ thấy đâu là lối của mình
Dõi theo chặng đường 30 năm cầm bút và đọc toàn bộ tác phẩm của Phạm Hồng Oanh thì thấy chị rất trung thành với phương ngôn ấy ít nhất là cho đến lúc này. Phạm Hồng Oanh bắt đầu viết văn làm thơ từ tuổi vị thành niên. Tác phẩm đăng thường xuyên trên các tờ Hoa học trò, Mực tím, Hương đầu mùa, Áo trắng. Sau này in trên báo Tiền phong, Văn nghệ trẻ, Văn nghệ ,Văn nghệ Quân đội. Tập thơ " Hoa nở không mùa " của Oanh được giải của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2018.
Hết thời học sinh phổ thông đến thời sinh viên, trở thành cô giáo dạy văn trung học, rồi lấy chồng, sinh con, xây nhà dựng cửa… Khi thuận lợi, lúc khó khăn, vui buồn đều đã nếm trải, nhưng tình yêu dành cho văn học thì vẫn vẹn nguyên, chưa khi nào trồi sụt, thuyên giảm. Tự răn mình đi đến tận cùng của tình yêu và sự sáng tạo thì sẽ tìm thấy lối đi của mình, và Phạm Hồng Oanh đã và đang tìm thấy. Đúng là thơ Phạm Hồng Oanh có một khẩu khí, phong vị riêng: vừa tôn vinh truyền thống vừa khát khao dung nạp những nền văn học mới.
Cảm nhận đầu tiên của tôi là thơ Phạm Hồng Oanh trữ tình, nồng nhiệt, chân phương nhưng không đơn giản, một chiều. Trong một chuyến vãn cảnh chùa Hương thời thiếu nữ, Phạm Hồng Oanh đã sáng tác thơ, mà thơ theo kiểu “đi đâu tức cảnh thành thơ đấy” rất dễ sinh ra thứ thơ ngâm vịnh thù tạc biền ngẫu sáo mòn; nhưng Phạm Hồng Oanh đã không giẫm lên lối mòn ấy, thơ chị dư ba tâm trạng:
Núi còn hun hút hang sâu
Mưa sao đã rắc trắng phau nỗi niềm
Không mơ bạc, chẳng cầu tiền
Chỉ mong gửi chút ưu phiền lại đây...
(Chùa Hương).
Bước sang thời làm vợ, khi Oanh muối dưa cải lại phát hiện ra những biến thái bất ngờ của sự sống, nhân sinh:
…Tươi cái mất, héo cái còn
Tôi đem nén những nỗi buồn làm dưa
Tưởng vừa chớm độ đến chua
Lại ra vị đắng chẳng ngờ vì đâu
Một thời mặn nhạt cho nhau
Xót xa nào nghĩ nát màu lá xanh…
(Muối dưa).
Trưởng thành hơn, chín chắn hơn, Oanh càng trải nghiệm thấm thía cái phức điệu, đa thanh của cuộc sống con người. Mỗi con người là một thế giới riêng, vừa phô bày vừa bí ẩn, cao thượng, chân thật, nhân từ đấy nhưng lại cũng thấp hèn, độc ác, gian dối đấy. Cách đây hơn hai ngàn năm Đức Phật cũng đã phát hiện ra con người có Tham, sân , si, ái, ố, hỉ, nộ. Vậy cho nên, trong thơ Oanh viết:
…Mỗi ngày lại có ngày mai
Thời gian cứ nhặt tàn phai góp vào
Lời cho không thật ngọt ngào
Nên câu nói dối lúc nào cũng xanh
Ngày nhiều tháng vẫn mỏng manh
Năm nhiều mà vẫn khó thành đời vui
Chợt gần gũi, đã xa xôi
Trái tim sống được bởi nuôi nỗi buồn…
(Mỗi ngày).
Tôi cho rằng sự trải nghiệm đã đến độ lịch duyệt, bút lực đã đã đến một độ chín mới viết được những câu thơ minh triết như thế.
Phạm Hồng Oanh sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn thuần khiết, vùng quê lúa Thái Bình. Cảnh vật con người nông thôn với những mưa nguồn chớp bể, nắng cháy, sông ngòi, ao chuôm, lợn gà, cua cáy, chim muông, đói no… thấm sâu vào tâm hồn chị:
…Con cá thương ta chỉ bơi không quẫy
Con chim cuốc lủi nhanh vào lau sậy
Con cua kềnh giương mắt ngó trời cao…
(Dòng sông cuối mùa đông).
Rõ ràng nông thôn trong thơ Oanh vẫn thấm đẫm hương vị đồng quê nhưng cái nhịp sống đương đại đã khiến cho mạch thơ trở nên nhanh nhạy, khoát đạt hơn thơ của các bậc tiền bối sống với nông thôn cái thời tự cung tự cấp. Ngay cả thơ lục bát - thể thơ truyền thống - vẫn là câu sáu trên câu tám dưới, nhưng mạch thơ, hơi thơ đã tỏa ra cái mùi vị hiện đại, nó không chỉ còn dành cho những người nhà quê xưa vốn quen với ca dao tục ngữ đọc:
Rì rào một thoáng tháng ba
Lá vừa chợt biếc và hoa chợt hồng
Lòng vừa chợt những mênh mông
Gió lang thang đã chợt mong thổi về
Cỏ còn xanh những đam mê
Hoa còn thắm những tràn trề giêng hai
Sông xanh như tiếng thở dài
Tiếng chuông chùa vắng thoảng ngoài bến xa…
(Rì rào một thoáng tháng ba).
Lấy cảm hứng từ chuyện cổ tích Tấm Cám, bằng giọng thơ lục bát truyền thống, nhưng cái nhịp điệu và thông điệp thì nhà thơ lại hướng về phía bạn đọc của thời 4.0:
Bao nhiêu hạnh phúc cho vừa
Thị thơm nào lỡ đánh lừa thế gian
Vẫn còn sót chiếc giày oan
Nghĩa là còn có gái ngoan xỏ nhầm…
(Đọc lại Tấm Cám)
Một nhà thơ đã một lòng một dạ với phương ngôn “Hãy đi đến tận cùng khao khát” để sáng tạo thì những năm tuổi trẻ của mình, ứng với thời xã hội chúng ta mở cửa hòa nhập với thế giới, Phạm Hồng Oanh không thế không đón nhận những khuynh hướng sáng tác mới lạ, nhất là khuynh hướng hậu hiện đại mà nhiều cây bút lứa tuổi Oanh ngưỡng mộ. Tôi cũng nhận ra cái hơi hướng hậu hiện đại trong tác phẩm của chị. Có rất nhiều bài thơ của Oanh đọc để cảm sẽ hiệu quả hơn là mổ xẻ phân tích, bởi đã mổ xẻ phân tích thì rất dễ mất đi cái vẻ đẹp lạ lùng, vừa ẩn tàng vừa lấp lánh, vi diệu:
Về thành phố trước cơn mưa
Nắng chưa kịp tái, trời chưa kịp chiều
Hình như mưa nắng dãi dầu
Cũng luôn đa cảm như màu áo ta
Những gì ở phía trời xa
Chẳng bao giờ nói, chỉ òa mưa thôi
(Về thành phố trước cơn mưa)
…Năm thì ít, tháng thì nhiều
Cuộc đời dồn lại một chiều hoàng hôn
Héo vàng lắm mảnh trăng non
Gió lê những bước chân mòn vào đêm…
(Năm tháng)
Tiếp cận với văn chương hậu hiện đại nhưng Phạm Hồng Oanh không dùng nó làm vật trang trí, tô vẽ cho mình, để tỏ vẻ “ta đây” với bạn bè đồng nghiệp; trái lại, chị đã “Việt hóa” cái lăng kính mới lạ ấy để rồi soi vào cuộc sống nơi quê hương cố quận, phát hiện ra những sắc màu, cung bậc phức điệu hơn, đa thanh hơn, đôi khi dùng cái tia lade phi lý để tìm ra cái có lý, làm cho hiện thực cuộc sống hiện diện ở tầng cao hơn, sâu hơn, huyền ảo hơn:
…Lời đi trước, người đi sau
Càng say lời hẹn càng đau lời tìm
Đầm trong mưa những nỗi niềm
Mắt ai trông đã ướt mềm cánh hoa…
(Tình bầy con sít),
…Tôi bước theo đon đả nhịp phố phường
Gót giày nhọn làm oằn lên rơm rạ
Những cái nhớ mẹ thường hay kể
Lại là điều tôi dễ dàng quên…
(Trước ngôi nhà tuổi thơ),
…Tôi mang Tùy hứng đèo bòng
Đi dò những khúc sông không đợi mình…
(Tùy hứng qua sông),
…Lời thu sao quá mong manh
Điều chưa kịp nói đã thành hư không…
(Lời thu),
…Tuổi trôi trên những tháp ngà
Mà chưa thuộc được thánh ca của mình
Đức tin…gửi đấng an lành
Để cây thập giá tim mình trổ hoa…
(Bên thềm Giáng sinh),
…Con sông trôi mang cả sắc trời đi
Sao vẫn sót những chùm mây hoang dại…
(Nhặt ở vườn thu)
…Người gần thế mà sao chậm thế
Gái đồng trinh nâng quả lỡ mùa…
(Thu ở làng Bo)
Những áng thơ vần vũ, đẹp một vẻ siêu hình như thế xuất hiện khá dày trong hai tập thơ. Có cả những nghịch lý và hoài nghi, chênh chao và nghiêng ngả, trái ngang và tan vỡ, song bản lĩnh nghệ thuật của tác giả chưa khi nào gãy đổ. Cái phương châm “Đi đến tận cùng khao khát” đã giúp nhà thơ chân cứng đá mềm vượt lên tất cả những trái ngang, chông gai của một xã hội đang phát triển mà mỗi thành công có cả máu và nước mắt. Không hiếm khi nhà thơ phải tự thắp sáng mình mà đi:
Thôi trăng không sáng thì em sáng
Cho lòng mình đỡ gió heo may…
(Nhật ký ngày ngâu).
Cho dù cuộc đời có khi đắng chát:
Hạt giống vàng hạnh phúc
Gieo ở cánh đồng xa
Người thương ai chẳng biết
Đã gặt về trước ta…
(Không đề),
và có cả những trớ trêu mà người nghệ sĩ thường vướng phải:
Lời vu vơ viết cho người
Hóa ra ám ảnh chính đời mình thôi
Mang tặng người những lời vui
Thẳm sâu tự hái đơn côi tặng mình…
(Tạp cảm cho mình )…
Và điều cuối cùng tôi muốn nói, cảm hứng chủ đạo toàn bộ các sáng tác trong hai tập sách là niềm tin của tác giả vào con người, cái niềm tin ấy có thể gói trong hai câu thơ thật hay:
Quả táo chua thấm vào lòng vị ngọt
Khi con người còn khao khát tìm nhau.
Hà Nội, Trung Thu 2019.
Lê Hoài Nam