• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Đỗ Mục và nỗi niềm thời vãn Đường qua bài thơ "Thanh minh" P1

Thứ hai - 01/04/2024 21:31


(Ảnh: Trần Bảo Toàn)



ĐỖ MỤC VÀ NỖI NIỀM THỜI VÃN ĐƯỜNG QUA BÀI THƠ "THANH MINH"

(La Vinh)


Tôi không sao quên được cái cảm giác lần đầu tiếp xúc với thiên nhiên và con người miền Tây Nam Bộ khi vác cái túi hành lý lép kẹp toàn là sách vở lên con tàu vào đất phương Nam vốn trước đây chỉ biết qua sách vở. 


Hôm ấy, ngồi lên con thuyền ba lá với mấy học trò còn xa lạ, tôi cứ muốn đứng tim mấy lần. Chúng tôi đi ra sông, trôi vào lạch, rồi  lách vào kênh chằng chịt với những loài cây dại. Cứ như lạc vào rừng nguyên thủy. 


Rồi cũng vào được một căn nhà lợp lá dừa, vách lá dừa và đồ gia dụng tuềnh toàng. Ra vườn ăn trái cây uống nước dừa thỏa thuê rồi thì tát mương bắt những con tôm càng xanh nướng ngay trong khu vườn xào xạc gió sông Tiền…


Lại đi bộ xuyên qua bao vườn cây trái không thấy bóng người. Vào một ngôi nhà khang trang giữa màu xanh um tùm. Cùng với ông chủ nhà còn ngại khách lạ nên ít nói, uống trà thơm nghe chim cu cườm gáy gần gáy xa. Chợt tôi chú ý bộ ấm trà tiếp khách. Có lẽ là thứ ấm chén cổ ngày xưa từng ở đất Trung Hoa.


Ngoại tôi ngày xưa cũng có những bộ ấm chén này. Mỗi lúc bỏ nó vào chiếc thau đồng vàng óng để nhẹ nhàng cọ rửa, tôi cứ nhìn mãi những bức họa và những chữ thư Pháp rồng bay phượng múa...Kỳ thực, nó không đẹp. Nhưng có cái thần thái ngồ ngộ cho tâm hồn trẻ thơ của tôi lúc ấy được tưởng tượng, phiêu diêu. 


Cặp mắt tôi như hai trái nam châm bị hút chặt vào chiếc ấm sứ mỏng manh mà kiểu cách. Ban đầu thì nhìn. Khi chủ nhà xin lỗi xuống nhà dưới thì tôi mới nhẹ xoay. Và, thật bất ngờ. Hình ảnh ấy, bài thơ này như cùng Nam Tiến với mình vào một nơi xa xăm hun hút, thanh tịnh như chốn Thiên Thai...Tim mình đứng lại. Rưng rưng. 


Đó là bức tranh mô tả một ông lão áo dài, mặt gầy guộc đang lầm lũi, lướt thướt  đi; thiên nhiên tiêu sơ, gò mả nhấp nhô và mênh mông nhòe nhoẹt đến vô cùng... 


Chỉ đọc hai chữ "Thanh Minh", trong tâm khảm xưa đã nghe tiếng ngâm thơ chậm rãi của Ngoại ngày nào :


*清明  

清明時節雨紛紛, 

路上行人欲斷魂。 

借問酒家何處有? 

牧童遙指杏花村。


*Thanh minh 


Thanh minh thời tiết vũ phân phân, 

Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn. 

Tá vấn tửu gia hà xứ hữu? 

Mục đồng dao chỉ Hạnh Hoa thôn.


*Dịch nghĩa 


Tiết thanh minh mưa rơi lất phất 

Người đi trên đường buồn tan nát cả tấm lòng

Ướm hỏi nơi nào có quán rượu 

Trẻ chăn trâu chỉ xóm Hoa Hạnh ở đằng xa


*Dịch thơ (Tương Như dịch) 


Thanh minh lất phất mưa phùn 

Khách đi đường thấm nỗi buồn xót xa 

Hỏi thăm quán rượu đâu à? 

Mục đồng chỉ lối Hạnh Hoa thôn ngoài.


Thử đọc lại từng câu, thật chậm:


"Thanh minh thời tiết vũ phân phân" - Đúng vào lúc tiết Thanh Minh, mưa cứ bay lất phất.


Hai chữ láy "phân phân" cho ta cảm giác " tĩnh" hơn so với "lâm thâm, lây rây, lất phất" trong tiếng Việt. 


Nhưng kỳ lạ thay, nhìn vào bức tranh và cảm nhận cái hồn vía "ý ở ngoài lời" ta lại cảm thấy, cảm nhận hai con chữ ấy rất "động". Bởi câu 2:


"Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn" -  Người đi trên đường muốn đứt nát từng mảnh hồn


Vâng, ngày thanh minh là ngày đoàn tụ gia đinh, quyến thuộc. Người ta hàn huyên để chuẩn bị kéo cả làng nước ra chăm sóc người cõi Âm. Người ta đắp mồ mả, trải những thảm cỏ xanh lên mộ Tổ tiên và cho cả những ngôi mồ vô chủ. Rồi thì trẩy hội:


"Dập dìu tài tử giai nhân 

Ngựa xe như nước, áo quần như nêm"

(Nguyễn Du)


Hầu như ai đã từng sống lại những ngày phùn mưa nhẹ như khói lam đất Bắc đều biết tới tiết trời Thanh Minh. Đây là mùa của cả Lễ và cả Hội. 


Đó là cái ngày mà chị em Thúy Kiều chộn rộn, đợi chờ, ra giữa thanh thiên bạch nhật để du xuân:


"Thanh Minh trong tiết tháng ba

Lễ là Tảo mộ, hội là Đạp Thanh

Gần xa nô nức yến anh... "


Không hiểu cớ sao họ Đỗ lại chọn cho mình một con đường độc hành xa chốn cố hương, xa ông bà Tổ tiên để làm thân lữ thứ đi lại trên con đường hun hút của gió mưa?


Con đường hẳn dài, thời gian đi hẳn đã lâu nên những người Việt dịch câu thơ này mỗi người cảm nhận một cách. Hầu như hai chữ "phân phân" chứa tất cả những từ láy gợi cảm trong tiếng Việt miêu tả trời mưa dai dẳng bất thường của tiết Thanh Minh trong riêng bài thơ này.


Thử đọc thêm một số câu dịch:


"Thanh minh trời RẢ RÍCH mưa tuôn"

"Thanh minh TẦM TÃ mưa sa "

"Tiết thanh minh khi mưa DỒN DẬP "

"Thanh minh gặp tiết mưa LÊ THÊ "...


Quay trở lại câu thứ 2. 


"Lộ thượng" là trên con đường lớn, người Việt thường hay gọi là đường Cái (đường Mẹ); có lúc gọi là đường Cái Quan.


Chợt nhớ một trường ca âm nhạc của Phạm Duy: "Trên đường Cái Quan". Lựa chọn một cách nói dân gian và họ Phạm cho thấy con đường ấy là con đường mở nước, con đường gian nan và hào hùng của dân tộc. 


(Đây là một vài nghĩa của chữ Lộ trong Từ Điển: *Đường lối, cách làm, phương pháp, mạch lạc**Con đường chính đáng. § Cũng nói chánh đạo 正道. ◇Mạnh Tử 孟子: Nghĩa, nhân chi chánh lộ dã 義, 人之正路也 ***Chính phái, đứng đắn, đoan chính (phẩm hạnh, tác phong...****Đường cái, đường lớn)


Chữ xưa có nhiều từ chỉ con đường. Nếu Lộ là đường cái thì Sá lại là đường nhỏ hẹp; Đồ lại là đường có lối cần phải dấn bước. Nó nghiêng về nghĩa bóng (tiền đồ, chính đồ...). Nếu Lộ là đường lớn thì Tiểu Lộ là đường hẹp hơn; Đại Lộ hiển nhiên sẽ lớn hơn. Người đi trên Lộ trong nghĩa ẩn dụ là hàm ý nói về những kẻ đàng hoàng đường đường chính chính tự tin và dám chấp nhận những thử thách. 


Người xưa, rất sợ mình bị coi là kẻ hèn kém, tiểu nhân. Do đó trong cuộc sống họ chú ý cả những tiểu tiết nhỏ nhất. Thậm chí, Quan Công mất mạng cũng bởi cách ứng xử ngỡ như máy móc không "tòng quyền" tùy biến của sự kiện. Ta biết, khi tình thế lâm nguy, Kinh Châu bị mất, chỉ còn đơn thân, Quan Công được khuyên chạy thoát thân bằng đường nhỏ nhưng ông khẳng định kẻ Đại Trượng Phu không chấp nhận điều đó... 


Hai chữ "Lộ thượng" nếu dịch ra tiếng Việt chỉ giản dị là "Trên đường". 


Ngoài những liên tưởng rộng như trên thì nó còn thêm nghĩa bổ sung qua lại cho 2 chữ tiếp theo "hành nhân" (người đi).


Vâng, nhìn bề ngoài thì "hành nhân" chỉ đơn giản là "người đi" nhưng trong thơ văn xưa, nó ẩn náu một "chinh nhân" đang đi trên một con đường để thực hành sứ mệnh "chinh đồ"...


Người ta thường cho câu thơ thứ Hai này là cách nói khoa trương, phóng đại thiếu thuyết phục: Chỉ là người đi trên đường bình thường như hàng vạn người đang đi lại thời ấy vậy sao lại đến nỗi trong tâm can phải "dục đoạn hồn" (muốn đứt nát hồn ra từng mảnh nhỏ)?


Chữ "Hồn" có nghĩa là: "Phần thiêng liêng nhất của con người". Cũng có nghĩa nữa là: "Thần chí, ý niệm". Như vậy nội tâm của người "hành nhân"  này không chỉ là "nỗi đoạn trường" (đứt ruột) mà là phần thiêng liêng nhất; phần ý niệm, Thần chí được đánh thức khiến cho nỗi đau trở nên trầm trọng, sâu thẳm, muốn vỡ tung…


Dù là có những nỗi buồn, những rắc rối nào đó của kẻ tha hương khi thanh minh tới không được đoàn viên sum họp với gia đình tổ tông thì cũng không đến nỗi rơi vào tình trạng của những cơn bão lốc tâm hồn như vậy. 


Rõ ràng, bốn cái chữ bình dị kia (Lộ thượng hành nhân) chỉ cho ta thấy cái bình thường qua thị giác. Khi ráp lại với 3 chữ sau (dục đoạn hồn) thì ta thấy nỗi buồn bên trong đã kết uất thành bi kịch, cần phải giải tỏa. Có một con người ẩn dấu sâu xa chứa đựng những giá trị thần linh bị khuấy động bất an. Đó là cái buồn mà theo Đạo Gia, nó đụng đến Nguyên Thần vốn là bản ngã của con người! 


Phải chăng ở đây có một lý tưởng bị tan vỡ, một sự nghiệp đã bất thành rạn nứt thành nức nở? 


Và sâu xa hơn cõi tâm linh tín ngưỡng cũng bị thời thế bới gốc chặt rễ. Văn hóa tâm linh được Đường Thái Tông trân trọng bao nhiêu thì hậu duệ của Vua xúc phạm bấy nhiêu. 


Năm 842, Đường Vũ Tông (chết ở tuổi 32) ra lệnh mỗi nơi chỉ được xây một ngôi chùa, buộc các nhà sư hoàn tục. Sang năm 845, cuộc đàn áp diễn ra với quy mô rộng lớn hơn. Chỉ trong một năm có tới hơn 260.000 tăng lữ bị bắt phải hoàn tục, nộp thuế như bình dân. Đã có hơn 4600 ngôi chùa bị phá hủy. Đất đai nhà chùa bị tịch thu, tượng Phật bị nung chảy để đúc đồng. Sử cũ gọi là “Hội Xương diệt Phật”.


Câu thơ của Đỗ Mục có thể dùng từ "đoạn trường" (đứt từng khúc ruột) một thi liệu quen thuộc. Thế nhưng ông lại  viết "đoạn hồn". Có lẽ những cuộc bức hại tín ngưỡng đang làm tâm linh ông tan nát! 


Tại sao vào tiết thanh minh người ta náo nức với "Lễ tảo mộ" để hướng vào chốn tâm linh sâu thẳm; người ta náo nức với "Hội Đạp Thanh" để vui với mưa xuân rây trên cỏ biếc... Thì tâm hồn của họ Đỗ lại bị băm chặt ra từng khúc đớn đau khôn cùng như vậy?


Câu chữ bình lặng đánh lừa chúng ta. Nỗi đau này phải là bi kịch, kết tủa bao nhiêu nỗi niềm khó bày tỏ! 


Câu thơ thứ 3 và 4 nối lại tường thuật một sự kiện tưởng chừng như chuyện vặt thường ngày:


"Tá vấn tửu gia hà xứ hữu" - (Ướm hỏi nơi nào có quán rượu)

"Mục đồng dao chỉ Hạnh Hoa thôn" - (Trẻ chăn trâu chỉ xóm Hoa Hạnh ở đằng xa)


Câu hỏi của một lão già đi trên đường giá rét về một quán rượu đế nghỉ ngơi, để được ấm bụng không có gì đặc biệt. Cậu bé chăn trâu trả lời cũng tự nhiên như thế. Nó có lẽ đang dùng cái roi chăn trâu để chỉ về phía xa, nói với ông lão: “Quán rượu là nơi ấy”. Và địa chỉ của nơi ấy là một thôn làng có cái tên rất thơ mộng. Là danh từ riêng: "thôn Hoa Hạnh"!


Thơ Đường chỉ giới hạn có 4 câu: Đề,Thừa, Chuyển, Hợp. Vậy thôi!


Tác giả đã nói ra lời. Người đọc phải Đồng Sáng Tạo để đọc cái "ý ở ngoài lời" đó! Theo tư duy tuyến tính, chúng ta có thể nghĩ rằng: Ông già đã có cái mà hỏi, có điểm đến mà đi. Như vậy, lão sẽ tới thôn Hạnh Hoa, sẽ ghé một quán rượu nào đó. Mọi tâm sự "dục đoạn hồn" sẽ tan biến trong ly rượu... 

(Còn nữa)


Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.