- Lý luận - Phê bình
Đọc những tiếng lòng
Thứ năm - 12/03/2020 21:50
Người ta bảo thơ là tiếng lòng của thi nhân. Đọc thơ tức là đọc tiếng lòng của người viết, mà cũng là tiếng lòng người. Những lúc rảnh hay đang trong tâm trạng không ưu tư, mình thường tìm thơ để đọc, để lắng tiếng lòng người, để cảm và để hiểu mình hơn. Mà là đọc theo cách mình thích, tức là cứ “nhâm nhi” từng câu một, từng chữ một. Là đọc chậm. Như thế mới “đã”. Nếu đọc lướt qua thì cũng giống như xem phim, ta cứ phải “chạy” theo những thước phim đang quay không dừng; hay đi đường, ta cứ phải đi theo nhịp độ của luồng giao thông mà không thể nào tự ý tăng hay giảm tốc được.
Với mình, nếu không có thời gian “nhâm nhi” thơ, hay nói theo cách của cậu em mình là “trì” là “tụng” thơ, thì mình khó có thể cảm nhận hết điều mà tác giả muốn nhắn gửi. Trong một bài thơ, để bắt được cái “thần” của nó, có khi chỉ cần đọc tiêu đề, câu mở đầu hay câu kết. Nhưng nếu muốn có nhiều lắng đọng, cảm giác trào dâng, để rồi tâm đắc với những câu thơ hay, nhất là những câu kết, thì lại phải “nhâm nhi”. Mình thường như vậy, để cảm tiếng lòng của thi nhân, cũng là một dịp để nhìn lại mình, chính lại mình, để rồi có thể “đặt tâm xuống”.
Trong những ngày Tháng Ba yêu thương này, nhắc đến thơ là mình lại nhớ đến Hồng Oanh, lại nhớ tới bài thơ Hạnh phúc. Cảm giác ngọt ngào, sâu lắng với nhiều trải nghiệm và đúc kết mới qua những từ ngữ không hề mới. Thơ của Hồng Oanh luôn như vậy. Bài thơ mở ra quan niệm rất riêng và rất thâm sâu về Hạnh phúc. Đó là sự lựa chọn những điều chân thiện cho mình giữa cái mớ hỗn độn, từ những lời khuyên hay những tri thức tích cóp được từ những trải nghiệm cuộc sống bon chen, cực nhọc. Và tất nhiên, hạnh phúc ấy, muốn hiện thực, muốn lâu bền đều là “tự mình”, từ phút đầu cho đến phút cuối. Nó chính là con đường đi, là Đại đạo, được hiện hữu trong bốn câu kết này:
Tôi miết bàn chân cho chân cứng đá mềm
Rồi tự đan một chiếc sàng khôn mới
Giữa chín phương trời, giữa mười phương đất
Tôi lựa cho mình Tâm đạo. Rồi đi…
Trong bài thơ “Mỗi ngày”, Hồng Oanh lại có những câu kết rất riêng, rất sâu. Cảm giác về thời gian trôi đi, qua mỗi ngày, đối với tác giả là mỗi khác. Lại thấy nao lòng khi thấy có những điều vừa gần thế, đã chợt xa xôi, vừa mới có đây mà đã vội vàng tan mất. Ngày thì nhiều, sao tháng năm lại mỏng manh thế! Xếp thời gian thành những ngày tháng năm, nhiều đến vậy rồi, mà sao ta vẫn không có được một đời vui:
Ngày nhiều tháng vẫn mỏng manh
Năm nhiều mà vẫn khó thành đời vui
Chợt gần gũi đã xa xôi
Trái tim sống được chẳng nuôi nỗi buồn.
Rồi đến cái cảm giác “chênh chao” khi cả mùa thu và người ấy đã đi xa rồi, chỉ còn lại mình mình với thời gian, Hồng Oanh thú nhận cái trống vắng, khoảng đắng trong sự ngọt ngào đã bắt đầu, đã ran rát:
Lá cứ vàng, gió cứ xạc xào qua
Người thăm thẳm chân trời góc bể
Ta và cả thời gian không thể
Gom lá vàng lấp khoảng trống người đi…
Khi nghe câu “Tùy hứng qua cầu”, Hồng Oanh đã nghẹn ngào ước mong một cái kết chung cho kiếp người:
Ước gì bao nỗi nhớ mong
Cũng thành câu hát "bằng lòng đi em..."
Để rồi khi ánh trăng lên
Không ai ngồi khóc thầm bên dốc cầu.
Lời ca tưởng đã cũ nhàu
Sao Tùy hứng lại bắt đầu từ ...tôi?!!
Trong bài “Tạp cảm cho mình”, Hồng Oanh đắng đót nhận ra sự khắc nghiệt của sự ôm giữ và tha thứ, buông bỏ, của sự “cho đi” và “nhận về”. Điều này, nếu không “ngộ” thì khó mà “cảm” được:
Lời vu vơ viết cho người
Hóa ra ám ảnh chính đời mình thôi.
Tặng người thảy những lời vui
Thẳm sâu tự hái đơn côi tặng mình.
Và đây nữa là tiếng lòng của nhà thơ Tiểu Vũ trong bài “Lão nhân câu cá”. Mấy câu kết của bài thơ như tiếng chuông thức tỉnh con người. Đích thị là tâm thái của một người có cảnh giới tinh thần cao, vượt trội lên trong cõi u phàm:
Người phàm phu, mò cua nơi đáy nước
Kẻ hào kiệt, lựa cá đoạn sông trong
Có biết chăng cần câu này không lưỡi
Lão nhân ta câu cá ở trong lòng.
Dường như đó là tiếng lòng của người đã biết được quy luật cho - nhận, tha thứ - hạnh phúc, đã biết được cần phải bao dung với chính bản thân mình, tha thứ cho chính mình, để rồi mà vượt qua phần đối đãi khó nhất trong một đời người. Đó là đối mặt với bản thân mình, để biết được mình là ai, mình đang ở đâu - điều này Nhà Phật gọi là hướng nội, là hướng vào tâm mình để tu tâm sửa tính.
Một lần, mình đã nhắn nhủ Tình yêu của mình như thế này:
Phía phù du đã khép lại niềm đau
Nụ cười thiên thần thiện giải duyên ngày cũ
Những đóa hồng thêm một lần nhắn nhủ
Chẳng bao giờ ta để lạc mất đâu
Chốn cũ nhớ về, dấu yêu nhé, cùng nhau!
(Thệ ước hoa hồng)
Lời nhắn rất riêng này nếu Tình yêu hiểu được, thì đó chính là nhân duyên thiên niên giữa chúng mình đã được cảm ngộ, được trân quý, được hóa giải. Và rồi, Tình yêu sẽ biết được mình là ai, để rồi có thể tự tin trước câu hỏi “Vì sao lại thế, hỏi vì sao lại thế? Sao không thế này mà lại là thế kia?”. Hay cũng sẽ không còn băn khoăn tự hỏi mình như thế này:
Ta là ai mà như người mắc nợ
Giữa cõi người ta sống bởi vì đâu?
(Nhớ và quên)
Và đấy cũng là lời hẹn với Tháng Ba của mình, để cho mỗi chúng ta đều thấy nhẹ lòng, để cảm được thế nào là thiếu, là đủ, là ngộ, là buông trong cõi vô minh này:
Thiên địa ngập tràn sắc sắc, không không
Tâm Pháp viên minh, diệu kỳ, đắc đủ
Chốn cũ an hòa, hoa người hội tụ
Hạo đãng ân lành, xuân tới thinh không…
(Có ai hẹn gì với tháng Ba không?)
Lòng những mong cho hoa và người sớm tụ lại, vẹn toàn lời nguyện xưa. Đơn giản chỉ là vậy thôi, Tháng Ba à!
Trần Huyền Tâm
(Tản mạn miền sương khói - Tản văn - Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2019)