- Lý luận - Phê bình
"Hỏi nắng đi mô" - một ca khúc nặng tình Miền Trung
Thứ ba - 20/10/2020 09:28
Tình cờ, tôi lên mạng, vào trang YOUTUBE, nghe ca khúc “Hỏi nắng đi mô” nhạc Thu Hường, phỏng thơ Lương Duyên Thắng do ca sĩ Bùi Thúy trình bày. Bài hát đã truyền cảm xúc đến người nghe, làm thức dậy những tình cảm thân thương đối với miền Trung đã và đang phải gánh chịu những tổn thất nặng nề do bão và lũ lụt gây ra.
https://www.youtube.com/watch?v=T15T2pjiSNQ
Tôi điện thoại hỏi nhạc sĩ Thu Hường (Hội viên hội Nhạc sĩ Việt Nam hiện đang là giáo viên âm nhạc ở Lâm Đồng) về ca khúc trên. Được biết nhạc sĩ Thu Hường và nhà thơ Lương Duyên Thắng có “duyên nợ âm nhạc” từ lâu, hai người đã ra chung một album 11 ca khúc do Thu Hường phổ thơ Lương Duyên Thắng. Ấy thế mà hai người bạn này chỉ quen nhau trên Facebook chưa một lần gặp mặt.
Bài hát “Hỏi nắng đi mô?“ ngay cái tên đã nghe rất lạ. Nó cũng ra đời trong một hoàn cảnh rất lạ. Miền Trung vào mùa lũ lụt, bà con miền Trung có người mất nhà, có người mất con. Nhà thơ Lương Duyên Thắng có viết hai câu thơ gửi cho Nhạc sĩ Thu Hường
“ Hỏi trời mang nắng đi mô?
Để mưa làm nát ruộng ngô em trồng”
Và sau khi đọc xong Thu Hường đã nhắn lại cũng bằng hai câu thơ:
“Nắng ơi! Nắng có buồn không?
Mưa chừ ngập hết ruộng đồng nắng ơi!“
Cùng trong tâm trạng xót thương cho bà con ở miền Trung, từ 4 câu thơ như một lời sẻ chia tâm tình ấy lại ra đời một ca khúc hay.
Ca khúc Hỏi nắng đi mô thuộc thể loại âm nhạc dân gian đương đại có kết cấu hai đoạn đơn phát triển. Mở đầu là hai câu nhạc có tiết tấu và nhịp điệu tự do (Ad Libitum) giống như câu vỉa trong nhạc chèo. Sau đó vào kết cấu chính với nhịp điệu Bolero, rất phù hợp với phong cách âm nhạc dân tộc Việt Nam.
Đoạn nhạc A gồm hai câu, mỗi câu 5 nhịp, sử dụng nhiều luyến láy làm cho giai điệu đậm chất miền Bắc Trung bộ (Nghệ An, Hà Tĩnh đến Huế). Đây là câu thứ nhất trong đoạn A:
Tiếp đến đoạn nhạc B cũng gồm hai câu nhạc, mỗi câu 9 nhịp, là sự phát triển của âm hình chủ đạo của đoạn nhạc A, với âm điệu được đẩy lên cao, dồn nén, dùng thủ pháp kéo dài giai điệu bằng cách lặp lại 3 lần âm hình tiết tấu:
Và kết câu 2 cũng là kết đoạn bằng âm hình:
Hai câu kết (coda) là sự nhắc lại nhân tố âm nhạc của đoạn A có biến hóa. Giai điệu của câu kết cuối cùng tuy đơn giản nhưng lại tạo được ấn tượng sâu sắc nhất (cố nhiên là có sự kết hợp với lời ca):
Ca khúc viết ở giọng Rê thứ, tuy nhiên như đã nói là giai điệu mang âm hưởng của dân ca Bắc Trung bộ nên rất mượt mà, âm vực không rộng (chỉ từ nốt La thấp đến Mi2), âm điệu lặp lại ở mỗi đầu câu nên dễ thuộc, dễ hát. Điều đặc biệt là tuy sử dụng giọng Rê thứ nhưng tất cả các nốt Xi đều bình, như một sự ly điệu sang giọng Son trưởng. Cũng có thể đây là dụng ý của tác giả là muốn cho âm điệu sáng lên một chút để có thể làm vơi đi nỗi đau thương của người dân miền Trung đang phải gánh chịu lũ lụt (!?)
Lời ca mộc mạc, giản dị, gần gũi với ngôn ngữ đời thường. Nhiều câu hỏi: hỏi trời, hỏi mây, hỏi bạn hay hỏi lòng ta rằng nắng đi mô, cũng chính là sự kêu gọi tình cảm thương yêu, chia sẻ của mọi người trước những thảm họa do bão lũ gây ra với người dân miền Trung.
Lời ca có thể nói là hòa quyện với âm nhạc. Chắc rằng hai tác giả thơ và nhạc cùng đồng hành với nhau trong quá trình sáng tác ca khúc này. Tuy là ca khúc phổ thơ nhưng Thu Hường đã thành công trong việc tiến hành giai điệu, tránh được một lỗi rất hay gặp phải của một số nhạc sĩ là “hát thơ” (giai điệu phụ thuộc vào thơ, thậm chí … chạy theo thơ). Tuy nhiên một số ca từ nếu trau chuốt thêm chút nữa thì thật là hoàn hảo!
Thành công của ca khúc không thể không nói đến ca sĩ. Ca sĩ Bùi Thúy đã hát rất có cảm xúc ca khúc này. Với giọng hát mượt mà, sáng, lại phù hợp với các ca khúc mang âm hưởng dân ca, Bùi Thúy đã thực sự hóa thân vào bài hát, có cảm giác như đây là bài hát dành riêng cho Thúy, là người con của miền Trung hát về miền Trung (mặc dù quê hương của Bùi Thúy là Thái Bình).
Thế là: một nhạc sĩ Thu Hường quê Quảng Nam, một bác sĩ - nhà thơ Lương Duyên Thắng quê Khánh Hòa và ca sĩ Bùi Thúy quê Thái Bình vì đã rất yêu thương quê hương miền Trung đã làm nên một ca khúc “Hỏi nắng đi mô” rất thành công. Xin cảm ơn tấm chân tình của nhạc sĩ, nhà thơ và ca sĩ đã dành cho quê hương miền Trung!
GIẢNG VIÊN THANH NHẠC NGUYỄN THANH TỐ
(Đà Nẵng)