- Lý luận - Phê bình
Một hồn thơ ngân lên từ nỗi nhớ
Thứ năm - 07/11/2024 08:34
MỘT HỒN THƠ “NGÂN LÊN TỪ NỖI NHỚ”
(Đọc “Ngân lên từ nỗi nhớ“ - Tập thơ của Nguyễn Phương Thủy –
NXB Hội Nhà văn Việt Nam - 2024)
Nhà thơ KIM CHUÔNG
(Nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình
Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Thái Bình)
Vào mùa hạ, năm 2023 - Cách đây hơn một năm, Nữ Thi sĩ Nguyễn Phương Thủy – “Nhà văn của Nhóm Búp” đã cho ra mắt tập thơ “Đường vào ánh sáng” của ba tác giả Nguyễn Thị Uyển, Nguyễn Phương Thủy và Hoàng Tố Uyên Rose. Tập thơ gây được niềm cảm mến trước sự đón nhận của đông đảo công chúng trong nước và bạn bè trên xứ sở của nước Đức xa xôi.
Là Nhà văn từng đi qua “Lò luyện văn chương” của Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình từ khi mới mười hai tuổi, Nguyễn Phương Thủy, cô gái thông minh, xinh đẹp, quê Vũ Hòa, Kiến Xương đã sớm nổi danh qua các sáng tác được đăng tải trên các báo chí Trung ương và trên những tập tuyển văn học của Hội Văn học Nghệ thuật ở một miền quê lúa.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà giáo. Gia đình trí thức. “Gia đình Nghệ sĩ”. Bởi, cả người cha, người mẹ của Thủy đều là người thầy. Người cả đời gắn mình với trường lớp, với sự nghiệp cao cả: “trồng Người.” Nguyễn Phương Thủy là người đa tài, từng nhiều năm là giáo viên, giảng dạy ở Thái Bình. Rồi, trên nước Đức bây giờ, Thủy vẫn đang làm thầy, dạy tiếng Đức nơi đất bạn.
Thủy sáng tác thơ bằng tiếng Đức, tiếng Anh, rồi tự dịch từ nguyên bản ra tiếng Việt, hoặc ngược lại và gửi in các Báo. Thủy làm thơ. Vẽ bìa sách. Sáng tác những bức tranh nghệ thuật với hình khối, màu sắc giàu gợi cảm và ấn tượng. Thủy say mê khiêu vũ. Say mê ôm cây đàn ghi-ta thả hồn mình theo những cung bậc bổng trầm, mê đắm...
Với hồn thơ ấy. Người thơ ấy. Nguyễn Phương Thủy được ông “Trời phú cho” cái năng khiếu văn chương có từ thuở ấu thơ. Từ rất sớm, Thủy đã lặng thầm “Học và viết,” lặng thầm khai sáng hồn mình, qua những cảm xúc chân thành, tươi tắn, qua những ký thác từ nỗi niềm, tri kỷ được thăng hoa, phát lộ.
Sau “Đường vào ánh sáng,” tập thơ đầu tay được in chung của ba tác giả. Dường như, có một ngọn lửa mới mẻ được nhóm nhen. Một vang chấn được dồn lên, thôi thúc. Một mạch nguồn tươi xanh được khơi mở, dâng trào... Nguyễn Phương Thủy bỗng viết nhiều, xuất hiện nhiều. Thủy viết cả văn xuôi. Thơ và Truyện của Thủy được in trên Tạp chí văn nghệ quê hương. Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành trên cả nước.
“Ngân lên từ nỗi nhớ,” tập thơ thứ hai này, gồm trên 200 bài được “đẻ ra” chỉ trong hơn một năm miệt mài lao động. Đủ thấy, với thơ, Thủy đang “buổi dậy thì,” đang hoài thai, quẫy đạp trong “trái - tim - người – thơ” giàu “phồn sinh, phồn khí” …
Cũng giống như “Đường vào ánh sáng,” “Ngân lên từ nỗi nhớ,” là tập thơ được Nguyễn Phương Thủy đắp dầy và nối dài một giọng điệu chính mình. Đấy là, “Thơ không cậy nhờ nhiều vào hiện thực”. Không cậy nhờ nhiều vào “Diện kiến, đối thoại”. Mà, phần lớn, thơ tựa vào “cái Động - Hồn mình”. “Hồn mình” mới là đối tượng, là năng lượng, vốn liếng để chính mình khai thác.
Bởi vậy, khi bám vào hồn mình. Chui vào “cái vỏ” hồn mình. Tự rút hồn mình như con tằm rút tơ, nhả kén… Thơ Nguyễn Phương Thủy được xem là một dòng chảy của tâm tình mát lành, xanh trong, xa vọng. Thơ của con tim thi sĩ, dễ da diết, xao lòng. Hãy đọc, chỉ một “Nụ hôn chia tay” nào đó, để rồi, trong góc hồn, tâm tưởng… Thi sĩ của niềm yêu thương vẫn diết da, ám ảnh thế này:
Nụ hôn đầu đắm say
Đủ cho hai năm tình thầm lặng.
Hoặc, Tôi đã từng:
Quên không phơi góc hồn xưa non nớt
Vết thương lòng còn ẩm ướt cơn đau.
,,,
Chiều bải hoải ngã vườn xao xác lá
Trống rỗng đơn côi xám một cõi trời.
Hoặc:
Nước mắt trào mi
Chẳng biết tại điều gì
Đời buồn vui nhiều quá
Khóc cho lòng nguôi ngoai...
(Không đề)
Rõ ràng, những câu thơ trên với giọng điệu có vẻ trầm, cái nghĩ nhiều hơn cảm? Nhưng cảm xúc ở đây đã cô nén, đã lặn vào cõi sâu ngôn từ và thi liệu. Hình ảnh : “Một nụ hôn/đủ cho hai năm/ tình thầm lặng... Hay: “Quên phơi góc hồn xưa/ non nớt” Để “vết thương/ còn ướt cơn đau”... Là thi ảnh với nghệ thuật “điển hình hóa”, nghệ thuật “cá thể hóa” đã gây được sức ám ảnh không nhỏ trong thơ với hiệu quả, hiệu ứng có được.
Bởi bám vào hồn mình, chui sâu vào vỏ bọc hồn mình, Nguyễn Phương Thủy phải đòi hỏi ở chính mình, cái khả năng khơi dậy, khả năng tung tẩy và đánh thức tâm tình, đánh thức nỗi niềm, “đánh thức những câu thơ” vang dậy. Để rồi, ở đây, những câu thơ ra đời, không phải có từ “cái ngoài ta” rộng lớn kia, mà nó có từ cái “góc khuất hồn ta”, qua xới cày, đào lật. Ví như:
Ngày nhập ngũ
Anh giấu lòng không khóc
Một góc trời quê
Em gói trong lời hát
Ghi ta dập dìu… mi thứ...
Chia tay...
Hoặc “Hoàng hôn đỏ“:
Bán đảo Norden, bạn hiền tôi ở đó
Sóng lặng thầm khi hoàng hôn thẫm đỏ
Màn đêm loang, xóa lời thương bỏ ngỏ
Có một người xa xứ nhớ quê…
Hoặc, trong bài thơ viết tặng em…:
Đi đâu thế em, trời vắt ngang làm áo
Để màu xanh hiền, thơm đến nôn nao.
Rồi:
Đi đâu thế em, giữa màu xanh bất tận
Để nắng quên mình mãi bận rộn giăng tơ…
Trên lối đi mà thơ đã mở, từ tâm tình, tri kỷ, Nguyễn Phương Thủy liên tục đào tìm để có được cái giống nhau mà khác nhau ở cảnh huống. Ở chuyện kể. Ở diễn biến nơi góc nhìn, góc tiếp cận, góc móc nối từ hiện thực ngoại giới đến hiện thực nội tâm…Ví như,
Hà Nội ơi, lòng sao xa vắng
Liễu giăng giăng, hàng mi em chớp
Sóng sánh nỗi gì
Hoàn Kiếm mắt em trong…
(Hà Nội nơi xa)
Hoặc thơ tặng Trần Huyền Tâm:
Chị của em xanh lẫn trời xanh
Mây tung nắng ôm bàn tay bé nhỏ
Nụ cười tươi hòa tan cùng gió
Sông nước ngọt ngào thơm chị sớm nay...
“Ngân lên từ nỗi nhớ” là điểm sáng của “lối thơ” đi từ “tầng chìm của góc hồn mình” dội lên. Thơ bám vào cái mong manh, cái lát cắt nhỏ nhoi. Cái ngỡ như không dễ nắm cầm được nó. Bởi vậy, khi đọc lên những tiêu đề: “Giọt thơ, Tìm thơ chiều mưa, Sự thật, Hoàng hôn đỏ, Sáng nay xanh, Tay trong tay, Tôi đã từng, Vầng trăng rơi, Mây tung nắng, Em hãy về, Khoảng trống không tên, Rơi, Tháng Tám tròn”… Người đọc thật không hiểu rằng: Rồi, “Người viết” sẽ tựa vào đâu? Nhờ cậy vào đâu? Phản ánh những gì? Biểu đạt thế nào? Biến hóa thế nào? Và, cuối cùng là, sẽ nói gì? Sẽ có gì đọng lại? Sẽ có gì “òa lên” ở phía sau trang viết?
Vâng, với văn chương, viết về cái gì? Đề tài gì? Đâu phải điều hệ trọng, cốt lõi của nhà văn. Mà, cái thông điệp nơi nhà văn gửi gắm. Cái tư tưởng mang chiều sâu trong nhận biết về xã hội, con người mà nhà văn phát hiện, kiến giải, mới làm nên tia sáng, mới đem lại “cho đời ta thêm những lần mở mắt, nhìn đời…”
Với “Ngân lên từ nỗi nhớ.” Với Phương Thủy. Đấy là mạch chảy dài của dòng tâm tình, vừa đi vừa giãi bày, tự sự. Tự sự để tìm ra cảm xúc. Tự sự để có được sự liên tưởng, ví von. Tự sự để tái tạo và sáng tạo thi liệu, thi ảnh. Tự sự để đẩy tới và trụ lại bến bờ của “cuộc trần tình” trong cái mơ hồ, cái khói sương xa vợi. Cái mong manh… có từ “Gốc rễ” là “Nguyễn Phương Thủy với Hồn thơ” đang “Ngân lên từ nỗi nhớ.” Ngân lên từ “bể lòng” dạt dào, dồn xô và loang chảy. Ngân lên từ con tim với những vần thơ mà “tự nó hát lên”…
Thơ Nguyễn Phương Thủy không quan tâm đến thế sự. Không ôm trùm “những Sự,” “những Việc” xương xẩu, bộn bề, to tát của hiện thực ngoài đời. Dẫu có đôi bài viết tặng Thu Huê, Minh Châu, Diệu Liên, Nguyễn Thị Toán, Biên Linh, Thúy Hằng, Thanh Thủy… Những bạn văn yêu quý. Hay những bài thơ viết tặng bố mẹ với niềm tôn kính, nhớ thương của đứa con với tháng năm dặc dài xa xứ. Hay viết về người thầy giáo ra đi. Viết về bão lụt, chiến tranh… Song, một “Không gian thơ” luôn vươn xa, chảy trong lành, êm xiết… Vẫn là không gian của “cõi hồn Phương Thủy” với tất cả tâm tình mướt xanh mà đọng lại, mà tụ về, mà ánh lên cái hương sắc phù sa… “Ngân lên từ nỗi nhớ” là “tập thơ Tình.” Là tình Người – Tình bạn – Tình yêu – Tình Đời – Tình Quê hương nấu nung, day trở. Từ bến mở này, thơ Nguyễn Phương Thủy có những câu hay ở lối kể, ở sức gợi, ở cái cảm, cái nghĩ vang sâu. Ví như:
“Bạn ơi về với tôi không
Con đường trải nắng mênh mông, đứng chờ
Trời xanh, mây cũng xanh lơ
Bụi tre, khóm trúc ngẩn ngơ bóng hình
(Say quê)
Hoặc “Mùa thu nở hoa“:
Gió âm thầm thương, chiều buốt lạnh
Con vớt mùa thu, phơi dưới mây xanh
Đêm thanh tao, góc vườn, hoa quỳnh nở
Lấp lánh trên trời, thu cũng nở - hoa trăng…
Hoặc:
Xuân này mới thực là xuân
Thắm như dải yếm một lần bỏ quên
Hoặc “Anh không về nữa“:
Quãng đường đời trơn ướt
Em vịn vào mây
Em ngã vào cơn gió buốt
Vần thơ cong, em chèo chống nỗi buồn
Vân vân và v.v…
Với “Ngân lên từ nỗi nhớ.” Với lối thơ vận động. Ở hầu như các bài viết, Nguyễn Phương Thủy đã bám vào lối kết, khi thi liệu, ý tứ đã đậm dày, trội vượt, thì “cái Đế” khép lại thường được bỏ lửng, tạo sự mờ đi trong “vệt đọng,” thấm loang…
Vâng.Với niềm yêu văn chương nơi con tim “đang độ Xuân thì.” Với thử thách, trải nghiệm đã và đang băng vượt trên chặng đường lao động, sáng tạo nghệ thuật. Từ “Đường vào ánh sáng,” đến “Ngân lên từ nỗi nhớ”… Thơ Nguyễn Phương Thủy đang vào buổi “triều cường.” Đang mê say, vỡ vạc, cấy gieo. Đang kết đọng, chín thơm… hẹn về mùa gặt mới!
Đội ngũ những “Nhà văn Nhóm Búp” đang vui, trong hy vọng, đợi chờ - Nguyễn Phương Thủy - Một trong những gương mặt Thi sĩ giàu nội lực, yêu tin!
Hải Phòng, Mùa thu – 2024
K.C