- Lý luận - Phê bình
Ngọn gió xuân đơm hồng nụ mùa đào (p2)
Chủ nhật - 10/03/2024 16:53
(Ảnh: Thủy Bin)
NGỌN GIÓ XUÂN ĐƠM HỒNG NỤ MÙA ĐÀO
(La Vinh)
(Tiếp theo)
Và có một lần, lúc canh ba, dậy đun nước uống, đi tung tăng ra sân gặp tiên mời về trời để đọc thơ cho Trời nghe:
Đọc hết văn vần sang văn xuôi
Hết văn thuyết lí lại văn chơi
Đương cơn đắc ý đọc đã thích
Chè tươi nhấp giọng càng tốt hơi.
“Văn đã giàu thay lại lắm lối”
khiến cho:
Chư tiên ao ước tranh nhau dặn:
Anh gánh lên đây bán chợ Trời
Và chính Trời cũng phê:
Nhời văn chuốt đẹp như sao băng
Khí văn hùng mạnh như mây chuyển
Êm như gió thoảng, tinh như sương
Đầm như mưa sa, lạnh như tuyết”
Chỉ có trong mộng nhà thơ Hầu Trời trích tiên ấy mới có được vần thơ tiên cách. Sự lưu đày nhà thơ tiên cách ấy dưới cõi thế là cốt đem cho đời cái đạo Thiên Lương. Với mộng, Tản Đà “đi qua cái hỗn độn của xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX với tấm lòng bình thản”.
Với mộng, ông làm nên những câu thơ tuyệt xướng. Trong bức thư gửi cho Chu Kiều Oanh hay nhất vẫn là bài thơ man mác:
Giấc mộng mười năm đã tỉnh rồi,
Tỉnh rồi, lại muốn mộng mà chơi.
Nghĩ đời lắm nỗi không bằng mộng,
Tiếc mộng bao nhiêu dễ ngán đời.
Những lúc canh gà ba cốc rượu,
Nào khi cánh điệp bốn phương giời?
Tìm đâu cho thấy người trong mộng!
Mộng cũ mê đường biết hỏi ai!
(Giấc mộng con, trang 168, Hà Nội 1941)
Nói đến Tản Đà, người ta nghĩ ngay tới chữ ngông. Ông ngông trong cuộc đời và ngông trong thơ văn mình. Tản Đà ngông nhưng không ngông nghênh gàn quái. Cũng như mộng, Tản Đà dùng cái ngông của mình để vỗ mặt cái xã hội nhố nhăng mà ông sống. Kẻ trích tiên, phường Trang Tử ấy sống trong xã hội tư bản pha phong kiến đầy “nước đục bụi trong” muốn giữ được nhân cách, muốn có bản lĩnh của cái Tôi ắt phải phản ứng đối kháng. Tản Đà thoát khỏi khuôn sáo công thức của xã hội Mê bằng ngông ( một đánh giá từ phía người thường) . Và những sáng tạo độc đáo của ông cũng được gọi là ngông.
Hai tập du kí “Giấc mộng con I” và II đã kể lại hai cuộc đi chơi bằng tưởng tượng. Lần chơi thứ nhất, Phạm Quỳnh – vốn là người đọc nhiều văn Pháp Âu đã “cảnh báo” Tản Đà. Và nhà văn đã “cảnh cáo” lại bằng cuộc chơi thứ hai: lên thiên đình gặp giai nhân tài tử lừng danh quá khứ. Tản Đà “đem cái thân thể mình làm chuyện cho người đời xem”. (Phạm Quỳnh) trong thời ấy như vậy đã là ngông, đã là sự thách thức những khuôn mẫu cũ.
Trong bài “Hầu Trời”, Tản Đà thẳng thắn nói tội mình dõng dạc không ấp úng:
Thiên Tào tra sổ xét vừa xong
Đệ sổ lên trình Thượng Đế trông
“Bẩm quả, có tên Nguyễn Khắc Hiếu
Đày xuống hạ giới về tội ngông”
Tản Đà viết thư cầu hôn con gái Trời:
Xem thơ Trời cũng bật cười
Cười cho hạ giới có người oái ăm!
Khách hà nhân giả?
Cớ làm sao suồng sả dám đưa thơ?
Và rồi Trời từ chối, kẻ thích tên vẫn bị lưu đày:
Mở then mây giăng giã bức hồng tiên
Mời khách hãy ngồi yên trong đời tục
Tản Đà thi rớt, ông nói ngông không rụt rè:
Bởi ông hay quá ông không đỗ
Không đỗ, ông càng tốt bộ ngông.
Không đỗ, người yêu lên xe hoa “Cử, tú không mà rể cũng không”. Tản Đà “Dạm bán áo đoạn”:
Thơ lung chất nặng, tay buồn rỗi
Bán áo mà mua giấy viết ngông.
Ấy vậy mà ở cái tuổi 49, viết thơ Tết “Tiễn ông công lên chầu trời”, con người của những bi kịch và dang dở ấy đã làm ta ứa nước mắt:
Khi làm chủ bút, lúc viết mướn,
Hai chục năm dư cảnh khốn cùng.
Ngày xanh như ngựa, đầu xanh bạc,
Chán cả giang hồ, hết cả ngông.
Những năm cuối đời, Tản Đà cũng rất thành thực quảng cáo trên báo là mình sẽ lấy số Hà Lạc cho ai cần. Tú Mỡ cũng có những bài viết về “các tài” này của Tản Đà:
Nào hãy đến Tản Đà Cốc Tử (…)
Dù thầy có tán giăng tán cuội
Nghe nhà thơ lời nói hoa văn
Nhất khi rượu đã khề khà
Tán đâu ra đấy đậm đà có duyên
Thời khách mất đồng tiền đặt quẻ
Cũng vui tai và sẽ vừa lòng
Nhưng xin thầy chớ “nói ngông”
Tản Đà viết thơ đáp lại với câu kết chua chát:
Tuổi già nay tớ không ngông
Xuân Diệu bình: “Có những thứ hương hoa rừng hãy còn đăng đắng giữa mùi hương, đặc sắc ở cái đắng ấy; bây giò hương mất cái đắng ấy rồi”, Tản Đà không ngông không còn là cá tính, bản lĩnh của nhà thơ núi Tản sông Đà nữa.
Có lẽ cái mộng và cái ngông kia cần có say để biểu hiện thành cá tính, phong cách. Tản Đà tuyên bố một lẽ sống không thể thiếu rượu và thơ:
Trời đất sinh ta rượu với thơ
Không thơ không rượu sống như thừa
Tản Đà nhìn thấy thánh hiền trong mình, khi say:
Được lúc gần say, say hẳn lấy
Say thời, say vậy để mà điên
Tửu trung tự hữu thánh hiền
Nếu ngông có bộ, có lối thì say:
Say lắm vẻ: say mê, say mệt, say nhừ, say tít
Trong làng say ai biết nhất ai say?
(Say)
Chỉ có như vậy mới đáng là thần tiên: “Tửu trung ưng thị thần tiên”.
Thực ra, có lúc Tản Đà hiểu: “Say sưa nghĩ cũng hư đời”. Nhưng đã say là phải đi hết cuộc chơi, phải sống thật trọn vẹn trong say. Tản Đà đã tạo nên một lối say ngạo mạn thách thức:
Hư thời hư vậy, say thời cứ say
Đất say đất cũng lăn quay
Trời say mặt cũng đỏ gay ai cười?
(Lại say)
Say để nhìn thấy đất trời cũng say, quả là Tản Đà muốn hoàn tất một cuộc rong chơi ngất ngưởng trong vũ trụ.
Dù là say, mộng hay ngông, Tản Đà đều dùng nó để tiêu sầu bởi:
Cảnh đời gió gió mưa mưa
Buồn trông ta phải say sưa đỡ buồn
Rượu say, thơ lại khơi buồn
Nên thơ, rượu cũng thêm ngon giọng tình
Rượu thơ mình lại với mình
Khi say quên cả cái hình phù du.
(Thơ rượu)
Xuân Diệu cho rằng “Chính cái sầu trong thơ Tản Đà là đầu mối quỷ thuật chính yếu dụ người ta (…) Tản Đà đưa ra lừng lững hiện diện một cái sầu, đặt lên trang sách, tức là trước xã hội. “Diễn tả cái tình man mác là sở trường của Tản Đà (…) Tản Đà đã đưa đến một điệu tâm tình, một giọng tâm hông mới mẻ.
Trong văn xuôi: “Từ độ sầu đến nay. Ngày cũng có lúc sầu, đêm cũng có lúc sầu, mưa dầm lá rụng mà sầu trăng trong gió mát mà càng sầu; một mình tịch mịch mà sầu; nằm vắt tay lên trán mà sầu, đem thơ văn ngâm vịnh mà càng sầu. Sầu không có mối, chém sao cho đứt; sầu không có khối, đập sao cho tan”. (Giải sầu, 1918)
Trong thơ:
- Bốn phương mây nước, người đôi ngả
Hai chữ tương tư, một gánh sầu
- Nửa ngòi bút ngỗng ba sinh lụy
Một mối tơ tằm mấy đoạn vương
- Gió gió mưa mưa đã chán phèo
Sự đời nghĩ đến lại buồn teo
- Thơ nghĩ chưa ra, già đã tới
Buồn chăng, ai hỡi bạn làng thơ.
Tản Đà coi uống rượu, ăn ngon và thú giang hồ xê dịch như một cuộc chơi không cùng của đời mình để quên sầu. Ông viết nhiều về “Thú ăn chơi”, về việc ăn được nâng lên thành thứ nghệ thuật, thứ văn hóa đẳng cấp cao. Cả bài thơ “Còn Chơi” 15 khổ 4 dòng đã được Tản Đà say sưa tán dương cái lối sống độc đáo ấy:
Tớ muốn chơi cho thật mãn đời
Đời chưa thật mãn tớ chưa thôi
Chẳng hay đời tớ lâu hay chóng?
Dù chóng hay lâu tớ hãy chơi.
Người ta cho rằng "Tản Đà cũng là người bật thức ra cái mầm của chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Việt Nam thế kỉ XX". Trên bề mặt quả là như vậy. Nhưng "Cái Tôi" không phải là đặc sản của con người cá nhân nhập khẩu từ phương Tây. Có chăng, để phù hợp với khoa học và sinh hoạt theo tiêu chí thỏa mãn vật chất của phương Tây mà có con người cá nhân bộn bề hơn, nhiêu khê muôn mặt mâu thuẫn hơn. Con người cá nhân phương Đông bị ước thúc bởi Đạo Đức, nó thuần khiết. Chẳng phải Lý Bạch, Đỗ Phủ là khác nhau? Nguyễn Trãi, Nguyễn Du là khác nhau? Tản Đà lại là một nhân vật khác với những người khác. Cái cá nhân của ông độc đáo nhưng vẫn nằm trong hệ thống của Đạo Đức. Hẳn nhiên, ảnh hưởng của thời đại có tác động nhất định. Cái Tôi của ông đậm đặc chất phong tình, ông công nhiên nói về tình yêu của mình một cách đắm say. Nhưng nhất định có khoảng cách với các nhà thơ Mới như Xuân Diệu chẳng hạn. Cái Tình vốn là đặc trưng của Tam Giới. Xấu tốt của con người cũng từ nó mà ra. Cái Tình ở trong Đạo Đức nó duy hộ sự tồn tại của nhân loại. Tản Đà mang cái Tình rất tao nhã của thi nhân tài tử. Đọc thơ ông, có cái say đắm nhưng là cái đắm say của Kim Kiều; có cái tao nhã của thơ Đường trinh bạch cao thượng như hoa mai:
"Tương tư nhất dạ mai hoa nở
Bước tới song tiền, ngỡ là ai..."
Có lẽ tuổi trẻ bây giờ sống gấp, sống lệch lạc không theo chuẩn mực có Đạo Đức chế ước đọc Thề Non Nước của Tản Đà thấy lan man, nhàm chán, thi liệu không mới mẻ.
Nhưng sẽ có ngày, Đạo Đức được phục sinh, nhịp sống chậm trở lại, ta đọc để thấy Tình Yêu này mới thực sự là tiêu chuẩn của quan hệ lứa đôi:
"Nước non nặng một nhời thề
Nước đi đi mãi không về cùng non
Nhớ nhời nguyện nước thề non
Nước đi chưa lại non còn đứng không
Non cao những ngóng cùng trông
Suối tuôn dòng lệ chờ mong tháng ngày
Xương mai một nắm hao gầy
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương
Giời tây chiếu bóng tà dương
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha
Non cao tuổi vẫn chưa già
Non thời nhớ nước, nước mà quên non!
Dẫu rằng sông cạn đá mòn
Còn non còn nước hãy còn thề xưa
Non xanh đã biết hay chưa?
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn
Nước non hội ngộ còn luôn
Bảo cho non chớ có buồn làm chi!
Nước kia dù hãy còn đi
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui
Nghìn năm giao ước kết đôi
Non non nước nước không nguôi nhời thề"
Trong “Giấc mộng con I”, Tản Đà đã gặp và yêu Chu Kiều Oanh – một Việt Kiều ở Pháp nhưng lại rất quý văn hóa quê nhà. Ở Giấc mộng con II, ông lại gặp tình nhân xưa và rồi Tản Đà đặt bà hát, Chiêu Quân đàn, Quý Phi múa, Tây Thi thì hát… thật là vương đế với yến oanh xưa cũng không bằng.
Tản Đà không chỉ yêu người, thất tình vì người mà còn phải kêu lên quặn lòng:
Vì ai cho tớ phải lênh đênh
Nặng lắm ai ơi, một gánh tình
Tản Đà tế Chiêu Quân với những lời thống thiết:
Trời Nam thằng kiết là tôi
Chùa Tiên đất khách khóc người bên Ngô
Cô với tôi, tôi với cô
Trước sân lễ bạc có mồ nào đây?
(Bản dịch Nguyễn Thiện Kế)
Tản Đà viết một loạt bài thơ gửi những tình nhân:
-
Thư gửi tình nhân có quen biết
-
Thư gửi tình nhân không quen biết
-
Thư trách người tình nhân không quen biết
-
Thư lại trách người tình nhân không quen biết
Chỉ cần đọc qua tên những tác phẩm ấy, ta cũng thấy tình yêu của Tàn Đà nó mở rộng biên giới trái tim ông đến mức nào. Cái giọng phân tình ân ái này đã trở thành một nét phong cách cố hữu của Tản Đà.
“Nhớ bạn sông Thương” toàn là những lời đằm thắm tha thiết, khắc khoải nhớ nhung “yêu nhau thì họa chữ thương mấy vần”, cứ y như trai gái bị “chia loan rẽ thúy”. Thực ra đây là thơ Tản Đà gửi bạn thơ, bạn rượu của mình.
Bài “Thề non nước” ở trên là tấm lòng son sắt của nhà thơ với nước non. Thế nhưng hình tượng đôi trai gái thề nguyền làm cho bài thơ vẫn tràn ngập giọng điệu phong tình ân ái. Giọng điệu này nhiều lúc nó bộc lộ cái tươi mát, trẻ trung khỏe khoắn trong tình yêu như của dân gian, hay của Hồ Xuân Hương; Nó đối lập với cái khô khan xơ cứng của những “thi sỹ ba xu” làm thơ yêu, chắp nối vần vè "tám câu ba vần", hoặc "lục nhạt, bát nhòa".
Tản Đà đã nhìn hoa sen rất phong tình:
Mặt nước chân trời thân gái lạ
Đài xanh, cánh trắng, nhị vàng chen
Xôn xao bay rối vài con bướm
Đủng đỉnh bơi xa một chiếc thuyền
(Hoa sen nở trước nhất trong đầm)
Tản Đà là con người của xê dịch. Những vần thơ nói về thiên nhiên của ông, dù là thiên nhiên thực hay ảo đều rất tự nhiên và say đắm. Ông nhìn ở đó những điều độc đáo và luôn hiện diện cái Tôi của mình trong cảnh vật.
Đây là cảnh Hòa Bình:
Non Tượng trời cho bao tuổi lẻ
Sông Đà ai vặn một dòng quanh
Dòng sông Đà cứ phương Bắc mà chảy, nó không giống bao sông suối khác hướng về Đông. Thiên nhiên ấy, con người này:
Vì ai cho tớ phải lênh đênh
Nặng lắm ai ơi một gánh tình
Đến với Hàm Rồng: “Dưới cầu nước biếc in hình thi nhân” Tản Đà mơ ước:
Có ngày xe lửa đi qua
Trong xe lại có Tản Đà đứng trông
Nói đến Tản Đà, người ta nói tới cái chữ nghĩa lãng mạn thoát li; nói tới người: “đã tạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kỳ đang sắp sửa” (Hoài Thanh – Hoài Châu, Sdd). Thực ra, Tản Đà khinh đời ngạo thế với những gì ô trọc chứ ông chưa bao giờ muốn quay lưng với đời. Chính ông chủ trương phải hướng nhiệt tình vào văn “vị đời” nghĩa là tập trung viết báo để “dự một phần ngôn trách”, để “bóng mây hơi nước đến dân xã”. Ông đề xướng hai mục trên "An Nam tạp chí" 1930 để kêu gọi ghi chép những biến động của xã hội. “Đệ tử” Nguyễn Công Hoan của ông đã đi rất xa và trở thành nhà văn hiện thực phê phán xuất sắc sau này cũng bắt đầu từ khởi động ở Tản Đà.
Cái Tôi của Tản Đà đã không tách rời khỏi cộng đồng dân tộc. Tản Đà ca ngợi các anh hùng dân tộc như Bà Triệu, Lê Lợi, Quang Trung. Ông bóng gió nói tới các chiến sĩ xuất dương với niềm thương nhớ thiết tha:
Phượng kêu trái núi bên Tê
Rồng bay bốn bể nhạn về nơi nao
Ông đả kích không thương tiếc những thứ họa mi nuôi trong lồng (Ám chỉ Hoàng Cao Khải):
Lồng son cửa đỏ thảnh thơi,
Mi bay mi nhảy sướng đời nhà mi!
Nghĩ cho mi cũng gặp thì
Rừng xanh mi có nhớ gì nữa không?
Với hàng loạt các bài thơ lặp từ “non nước non nước”, các bài gửi tình nhân có quen và không quen, ta thấy được tâm sự nhức nhối của người dân mất nước:
- Ơn nhà nợ nước hai vai
Nước nhà ai để riêng ai nặng nề
- Dân hai lăm triệu ai người lớn
Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con
Tản Đà hướng cặp mắt thương cảm của mình vào những cơ cực của nhân dân. Ông miêu tả hiện thực cảnh lụt lội “Miếng ăn chẳng có con nhìn bố” đến nỗi:
Năm hào một đứa trẻ lên sáu
Cha còn sống đó con mồ côi.
Ông căm phẫn những đám quan tham ô lại (Vịnh tri phủ họ Đào). Và đặc biệt, ông lấy ông để mô tả cái quẫn bách của người trí thức, của cả xã hội ngột ngạt:
“Trần gian thước đất cũng không có…
Giấy người, mực người, thuê người in.
Mướn cửa hàng người bán phường phố”.
Ở ông có những tính toán thật sống sít khiến ta xót xa:
“Ông chủ nhà in, in đã đắt
Lại ông hàng sách mấy mươi phân”
Dù nhiều lúc không cam thất bại:
Bạc đánh còn tiền, thua cóc sợ
Đời chưa đáng chán chị em ơi.
Nhưng cái quẫn bách:
Con theo cạnh nách méo môi sò
Nợ réo ầm tai câm miệng hến.
Khiến cho Tản Đà chua chát mỉa mai:
Mười mấy năm xưa ngọn bút lông
Xác xơ chẳng bận chút hơi đồng.
Bây giờ anh đổi lông ra sắt,
Cách kiếm ăn đời có nhọn không?
Ở tuổi 50, Tản Đà lại viết thơ Tết nhân “Tiễn ông Công lên trời”:
Qua hết đông này năm chục tuổi
Xuân sang đã nửa giấc mơ mòng
Văn chương quẫn mãi cùng thân thế
Sự nghiệp mong gì với núi sông!
Nhà thơ đâu ngờ được đây là bản di chúc tổng kết cả một đời mình chứ không phải “nửa giấc mơ mòng!”