• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Ngọn gió xuân đơm hồng nụ mùa đào (p3)

Thứ năm - 21/03/2024 16:07


(Ảnh: Trần Bảo Toàn)


NGỌN GIÓ XUÂN ĐƠM HỒNG NỤ MÙA ĐÀO (p3)

(La Vinh)



Thời gian và công chúng không nghĩ như Tản Đà. Sự nghiệp của ông là một giá trị tinh thần vô giá cho nhà văn học Việt Nam bởi trước hết ông là một nhà thơ dân tộc. Ông tiếp nhận những tinh hoa văn hóa dân tộc và bằng cá tính, phong cách độc đáo của mình, ông đã tạo nên những giọt mật thơm thảo cho đời từ muôn vạn đóa hoa thơm ngọt. Thơ Tản Đà có tính dân tộc và hiện đại; có truyền thống và cách tân: “Tản Đà là tự mình làm cơn gió lạ, nối dài một truyền thống sáng tạo bằng hàng loạt những sáng tác mẫu mực”. (Trần Ngọc Vương ). Tản Đà tự hòa “Văn đã giàu thay lại lắm lối” có lẽ nhờ sự kết hợp tuyệt vời những nguồn học vấn mà ông am hiểu sâu sắc.


Tản Đà là một “thi sĩ rất An Nam, có thể nói là hoàn toàn An Nam” (Xuân Diệu), “Ông là một thi sĩ có tâm hồn đặc Việt Nam, cái tâm hồn của phần đông người Việt” (Vũ Ngọc Phan). Không chỉ dồi dào nguồn thơ ca dân tộc, Tản Đà còn rành thơ phú từ khúc văn chương chữ Hán; ông thông thạo tuồng chèo và các điệu ca lý dân gian không chỉ ở nông thôn mà ở các đô thị, chợ búa, chốn ăn chơi… Tản Đà chưa kịp thành Nho sinh với văn chương cử tử có nếp thì ông đã rời bến sang bờ bên kia đem văn chương bán phố phường. Vì thế ảnh hưởng của văn học bình dân, của ca dao dân ca giúp ông lên ngôi với tư cách một nhà thơ dân tộc tầm cỡ. 


Hãy đọc những câu mà Tản Đà gọi là “phong thi” nói về người phụ nữ:


Đương trưa qua một cánh đồng

Em đi mua rượu cho chồng em xơi

Chồng hư mang tiếng mang tai

Tiếng tai thiếp chịu, hơn ai không chồng!


Đó thật là cái chung tình nhẫn nhục thường thấy của người vợ Việt Nam nhưng phảng phất trong lời “ca dao” ấy, hình như có tiếng nói của vợ ông Nguyễn Khắc Hiếu. 


Những câu thơ trêu ghẹo mà trinh bạch:


Gió thu thổi lọt song đào

Chồng ai xa vắng, gió vào chi đây!


Không có cái “vốn Lý Bạch” để ngọn gió xuân đi vào phòng the của thiếu phụ thì Tản Đà khó có cái trong trẻo dân dã Việt Nam này.


Và đây là cái tình tứ duyên dáng vốn có ở ca dao:

 

Anh đi lẽo đẽo đường trường

Công danh chẳng thấy, những thương cùng sầu

Lại đây ăn một miếng trầu

Kẻo mai tuyết nhuốm trên đầu hoa râm.


Trong bản “hòa âm nước mắt” cuối tác phẩm “Đời thừa” của Nam Cao, mấy câu phong thi của Tản Đà được dùng thật đắc địa:


Ai làm cho khói lên trời,

Cho mưa xuống đất, cho người biệt li.

Ai làm cho Nam, Bắc phân kì

Cho hai làng lệ đầm đìa tấm thân.


Đây là cái tinh nghịch từ câu hát xẩm:


“Chúng anh xưa chẳng biết ở nơi nào

Ông trời xô đẩy anh phải vào cái chốn nhân gian

Thẹn vì tình mà ngơ mắt với giang sơn

Công danh chẳng có cũng xẩm xoan cho nó hào

Bấy lâu nay anh nghe tiếng má đào

Mà thề có thấy (một cái) cô nào thì anh cũng đui”


Chính hồn thơ dân tộc đã khiến cho Tản Đà khi dịch Đường thi cũng mang phong cách riêng ông:


- Trong vòng danh lợi thương ta

Cái thân nhăng nhít cho qua với đời

(Vấn Hoài Thủy)


- Hiểm xưa còn đó ngàn năm

Ai hay trời để chơi khăm đôi người

(Kí Vi Chi – Bạch Cư Dị)

 

Đọc Tản Đà, và thật kỳ diệu có những bài thơ sử dụng ngôn ngữ dân tộc điêu luyện của ông lại cho ta như được thưởng thức những bài thơ Đường trác tuyệt. 


Đề tài mùa thu đã được khai thác để cho ra đời bao nhiêu kiệt tác. Nhưng trong "Cảm thu" Tản Đà vẫn cho ta nhập vào cái dịu buồn diệu vợi của một tâm hồn mênh mang:

 

 "Từ vào thu đến nay 

Gió thu hiu hắt 

Sương thu lạnh 

Giăng thu bạch 

Khói thu xây thành 

Lá thu rơi rụng đầu ghềnh 

Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly 

Nhạn về én lại bay đi 

Đêm thì vượn hót, ngày thì ve ngâm 

Lá sen tàn tạ trong đầm 

Nặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa 

Sắc đâu nhuộm ố quan hà 

Cỏ vàng, cây đỏ, bóng tà tà dương "


Câu chuyện Lưu Nguyễn lạc vào cõi Tiên nhưng vì nhớ quê trở về mà không có cơ hội thứ hai đến chốn xưa đã thành một nuối tiếc không nguôi, một khát vọng còn dang dở :


"Lá đào rơi rắc lối thiên thai 

Suối tiễn, oanh đưa những ngậm ngùi 

Nửa năm tiên cảnh 

Một bước trần ai 

Ước cũ, duyên thừa có thế thôi! 

Đá mòn, rêu nhạt. 

Nước chảy, hoa trôi 

Cái hạc bay lên vút tận trời 

Trời đất từ nay xa cách mãi 

Cửa động 

Đầu non 

Đường lối cũ 

Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi ...."

(Tổng biệt)


Ngày xuân đến, những ca nương Hà Thành không ai không đắm mình trong điệu hát đầy lạc quan của Tản Đà:


"Gặp xuân ta giữ xuân chơi 

Câu thơ chén rượu là nơi đi về 

Hết xuân, cạn chén, xuân về 

Nghìn thu nét mực xuân đề vẫn xuân! 

Xuân ơi xuân hỡi! 

Vắng xuân lâu ta vẫn đợi, chờ, mong 

Trải bao nhiêu ngày tháng hạ, thu, đông 

Ròng rã nỗi nhớ nhung, xuân có biết?

Khứ tuế xuân qui, sầu cửu biệt 

Kim niên xuân đáo, khách tương phùng 

Gặp ta nay xuân chớ lạ lùng 

Tóc có khác, trong lòng ta chẳng khác 

Kể từ thuở biết xuân bốn chín năm về trước 

Vẫn rượu thơ non nước thú làm vui 

Đến xuân nay ta tuổi đã năm mươi 

Tính trăm tuổi, đời người ta có nửa 

Còn sau nữa lại bao nhiêu xuân nữa 

Mặc trời cho, ta chửa hỏi làm chi 

Sẵn rượu đào xuân uống với ta đi 

Chỗ quen biết kể gì ai chủ khách 

Thiên cổ vị văn song Lý Bạch 

Nhất niên hà đắc lưỡng Đông quân 

Dẫu trăm năm gặp gỡ đủ trăm lần 

Thơ với rượu cùng xuân, ta cứ thế 

Ngoài trăm tuổi, vắng ta trần thế 

Xuân nhớ ta chưa dễ biết đâu tìm! 

Cùng nhau nay hãy uống thêm!"

(Gặp Xuân) 


Đọc Tản Đà, chúng ta như gặp lại Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du; như gặp lại Tú Xương, Nguyễn Khuyến…Dĩ nhiên, nồng độ cảm xúc và bản lĩnh nghệ thuật vẫn rất Tản Đà! 


Từ trước tới nay, khi nghiên cứu Tản Đà, như một thói quen người ta đều dựa vào thái độ của Hoài Thanh trong cuốn "Thi nhân Việt Nam ". Hoài Thanh đã đặt vị trí Tản Đà trang trọng ở đầu cuốn sách. Ông cho ta cảm giác Tản Đà là người dạo đầu như chuẩn bị cho ta bước vào một phòng hòa nhạc tân kỳ đang sắp sửa để nghe dàn đại hợp xướng của phong trào Thơ mới làm nên một thời đại thi ca Việt Nam.


Nhận định này cũng chung cái ý thơ Tản Đà là cái cầu nối, là bước quá độ từ văn chương cổ sang hiện đại. Nó “không như thứ rượu quỳnh tương, nấu lâu cất kĩ, rót ra chén ngọc trạm rồng mà như nước suối thiên nhiên chảy ra trong mát nơi khe suối”, thơ ông “mở đường vào thể cách bình dân (…) phong phú lắm vẻ, đủ trang hoàng cho cả một giai đoạn văn học. Nó còn gây dư ba rộng rãi sang cả giai đoạn sau” (Phạm Thế Ngữ).


Tôi đồng ý với ông Phạm Thế Ngữ khi nhấn mạnh điều này: Tản Đà vẫn nghiêng về phía văn chương truyền thống. 


Tản Đà có địa vị đặc biệt bởi ông tiếp nối dòng chảy của những con người bất hủ. Ông chung dòng với Nguyễn Trãi, Nguyễn Du...; gần hơn là Nguyễn Khuyến, Tú Xương... ; xa hơn nữa là Lý Bạch, Thôi Hiệu... 


Cái thời chúng ta mới tiếp xúc với văn minh Phương Tây bao nhiêu điều mới lạ, bao nhiêu lợi lộc và những quan điểm phóng khoáng về tự do cá nhân khiến ta thiếu bình tĩnh. Chúng ta phủ nhận cha ông không tiếc lời. Cái đồng hồ Tây không bao giờ sai đã trở thành một mặc định! 


Văn minh do khoa học và tư tưởng mang lại từ phương Tây ngày ấy trên mọi phương diện chúng ta coi như đó là những giá trị tuyệt đối để phủ nhận văn minh truyền thống. 

Chỉ thời gian chưa lâu so với lịch sử dài đằng đẵng của nhân loại, ta có dịp để cay đắng thấy rằng khoa học và tư tưởng tự do cá nhân đang đưa chúng ta vào tuyệt lộ. Bài toán Hạnh Phúc của con người thêm nhiều biến số và bất khả thi khi tự do cá nhân đã trở thành những kẻ bất kham không bị chế ước bởi các tiêu chuẩn Đạo Đức. Con người thời hiện đại sống rời rạc hơn, thô lậu hơn. Vì Lợi ích của mình trở thành những kẻ "thập ác bất xá"


Không hiểu sao, bây giờ thì, tôi muốn tách Tản Đà ra khỏi cuốn "Thi nhân Việt Nam".

Núi Tản ấy, sông Đà ấy sừng sững đứng riêng. 


Nếu là con người tu luyện sống thật trong những chứng nghiệm của trường phái Đạo Gia thì tôi rất tin Tản Đà là một vị "trích Tiên" bị Trời đày. Cũng như xưa kia, Lý Bạch cũng tâm sự như vậy. Cả hai không phải tưởng tượng ra mà họ có những mách bảo từ Thiên Thượng, hoặc họ có những công năng có thể nhận biết! Chính khoa học ngày nay đã đưa ra rất nhiều những bằng chứng về những người kể chi tiết, mạch lạc về những kiếp chuyển sinh luân hồi của mình đó sao?


Tản Đà vốn có quê hương từ trời cao. Ông biết tại sao mình lại bị rớt tầng xuống hạ dưới. Là vì ông đã phạm tội. Ông không oán trách Trời mà chấp nhận hình phạt của Thiên Ý.


Theo ông kể thì ở trên ấy, ông vướng vào chữ Tình. Mà tầng của nhân loại này lại là đặc sản của chữ Tình nhiều hệ lụy đó. Nhân loại sống trong Tình nên tối khổ bởi chữ Mê. Ông phải xuống nơi có chữ Tình chi phối để phù hợp tầng thứ ấy ! 


Đạo Gia luôn khẳng định ngôi nhà của mình, quê hương của mình là ở trên kia. Chốn trần gian là cõi mộng. Có lẽ, trong những lần bất chợt thoát Mê, Tản Đà đã coi đời mình từ giấc mộng con, giấc mộng lớn cho đến những khối tình con như một tham chiếu để hiểu mình của hiện tại và mình của quá khứ. 


Dùng thuật ngữ "lãng mạn" chỉ là khái niệm của văn chương. Tôi nghĩ rằng, Tản Đà sống hồn nhiên như nhiên, coi khinh mọi giá trị thế gian từ Danh, Lợi, Tình đã là nhập Đạo. 


Nói đến ông là nghĩ tới câu mở đầu trong Tam Tự Kinh: "Nhân chi sơ, tính bản Thiện".

Nói tới ông là nghĩ tới những Anh Nhi, Anh Hài nhảy nhót cười vang lừng trên Kim Thân của Di Lặc Phật. 


Ông thuần khiết trong bản tính tiên thiên. Ông sống tới "tri thiên mệnh" nhưng buông bỏ tất cả. Người ta bồi bổ cái phần Hậu Thiên là những kinh nghiệm tranh đấu, lọc lòi. Ông không phải là khước từ mà lại là không có nó. 


Ông đúng là trích Tiên. Ông biết mình bị đày nên phải "đái công chuộc tội". Ông lãnh sứ mệnh truyền Đạo Thiên Lương cho con người. Cả một xã hội nhố nhăng "chí cha chí chát ", "Á Âu hỗn loạn" đã đến nước Việt. Đọc thơ ông ta như được bơi lội trong dòng sông quê. Đọc ông ta được về một thời vang bóng của nhân cách, khí tiết và Đạo Đức Á Đông. 


Không phải ngẫu nhiên mà người đệ tử Nguyễn Tuân của ông luôn nhắc tới Thiên Lương; các nhân vật của Nguyễn đẹp tuyệt vời với nhân cách xưa, đạo đức xưa, ứng xử xưa... 


Tin xuân đến ngọn cây đào

Báo cho hoa biết ra chào mùa xuân


Câu thơ xuân cuối cùng của Tản Đà (1939) tràn trề lạc quan. Ông là mùa xuân vĩnh viễn của thơ ca Việt Nam. Tôi không quan tâm ông là nhà thơ của hai thế kỷ hoặc ông là người mở đường cho thơ mới, phân lượng hiện thực và lãng mạn là bao nhiêu.... Ông chính là ngọn gió xuân đầy vượng khí hạo nhiên.


Khi những cung đàn của buổi hòa nhạc tân kỳ Thơ Mới, rồi Thơ hiện đại với đủ các trường phái biến dị đang rời xa Thiên Lương. Đọc Tản Đà khiến ta nhìn và quý trọng  những giá trị vĩnh cửu. Như qua bao cuộc biến dời dâu bể ta vẫn nhìn được núi Tản kia còn đó; Đà giang đó còn đây. Như ta nhìn thấy Lý Bạch vẫn ngồi kia với núi Kính Đình, nhìn Trường Giang xa khuất dưới chân Hoàng Hạc Lâu.  


Trong tôi, Tản Đà luôn là một Tiên Ông. Tôi tin thế bởi trong hàng trăm người dịch Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, bản dịch của ông xứng đáng là kiệt tác của một du Tiên:


"Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?

Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ!

Hạc vàng đi mất từ xưa,

Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.

Hán Dương sông tạnh cây bày,

Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non.

Quê hương khuất bóng hoàng hôn,

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?"

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.