• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Những câu thơ kết của Trần Ninh Hồ

Thứ tư - 09/08/2023 17:23



Nguồn: Bức ảnh khu vực núi non thuộc tỉnh Fars của Iran, do phi hành gia người Italia Paolo Nespoli chụp từ Trạm vũ trụ quốc tế. Hóa ra, bùn đáy sông với những dãy núi vĩ đại cũng rất giống nhau.


Những câu thơ kết của Trần Ninh Hồ
(Bùi Đại Dũng)


“Một chiều mưa” là câu mà nhà thơ Trần Ninh Hồ viết thêm vào cuối lời đề tặng tập thơ “Những dấu ấn chưa qua” cho tôi cùng vết mưa còn hoen mép giấy. Chắc ông có duyên đặc biệt với “chiều” nên những câu thơ kết mỗi bài cũng chứa đựng trong đó những lời như gửi gắm, như nhấn nhá một thời khắc chuyển đổi. Ở đề tựa của tập thơ, Trần Ninh Hồ viết: 

“Giấy như mây/ Trắng lắm/ Phía chân trời”.

Đó là đề tựa hay một câu kết? Không dễ phân biệt được. Nếu “vật cực tất phản” thì có lẽ đề tựa với câu kết cũng chỉ là một. Đầu tiên là giấy, rồi đến cuối, nó cũng chỉ là giấy mà thôi. Nhiều người coi giấy là thứ tầm thường, “đáng mấy xu”, nhưng nó “trắng phía chân trời”. Thế thì, giấy chẳng phải là giấy nữa, đó là cái mốc của trời đất vậy. Giấy riêng bản thân nó không làm được điều ấy, mà cần “những dấu ấn” in hằn trong đó. Khi ấy, nó là tấm gương, là tín hiệu cảnh tỉnh của sự u mê. Khi ấy, nó vượt qua giới hạn vô thường, trở thành thứ trường tồn, là điều đáng sợ và đáng kính ngưỡng… và những dấu ấn đó “chưa qua”. 

Xin cùng xem những điều “chưa qua” trong những câu thơ kết của Trần Ninh Hồ: 

“Tôi ngoái tàng thư viện/ Nắng sớm đã qua thềm”.

Ông lại nhắc đến “chiều”. Tàng thư viện là nơi lưu những thứ đã rất “chiều” rồi, mà còn chìm trong nắng qua thềm thì dấu ấn “Qua viện tàng thư” nói càng rõ không gian và thời gian mà ông đang trải qua. Có điều cảm nhận của ông về “chiều” chứa nỗi niềm gì đó. Buổi chiều này bao la quá. Chiều này đã muộn với ai chăng? Chính ông cũng quay lưng với không gian và thời gian diễn ra cảm xúc đó, chỉ còn “ngoái” lại. Lạc lõng, trơ trọi rồi an ủi mình:

“Ngựa xe như nước người đâu tá/ Ta với riêng ta đã đủ đời”.

Thoáng thấy có hơi hướng “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”, nhưng Bà Huyện Thanh Quan buồn vì “xe ngựa”, “lâu đài”, và “người” đều vắng bóng. Trần Ninh Hồ buồn vì “ngựa xe” vẫn đông đúc, chỉ hiềm một nỗi “không người”. Sao chốn nườm nượp “ngựa xe” chỉ có “người” là hiếm. Trong tranh cổ, chỉ một gã gối nậm rượu dưới gốc thông là đủ đầy với hắn xưa. Còn đủ đầy với hắn thời nay, chắc chỉ có “ngựa xe” loang loáng phản chiếu qua ô kính mà hắn lặng lẽ một mình trong đó. 

Trần Ninh Hồ tiếp tục trăn trở về “dấu chân chưa qua”: 

“Đến cả những dòng sông chết/ Đáy bùn vân sóng còn trôi”.

Điều cảm nhận này như một thị hiện của nguyên lý “nhân quả”. Cũng giống như Trịnh Công Sơn đã viết: “Không có cái chết đầu tiên… đâu có cái chết sau cùng”. Không có chữ “xong”, không có cái gọi là “ngẫu nhiên”, cũng không có cái gọi là biệt lập, bởi vì mọi thứ đều được nhân quả chi phối trong một guồng quay tuyệt đối hoàn hảo. Với những ai cho rằng mọi hành vi, lời nói, cho đến ý nghĩ có thể: thôi, hết, chấm dứt… thực ra chỉ là lừa người và tự lừa chính mình, giống như “bịt tai ăn trộm chuông”. Vân sóng đáy bùn có thể là lời phán xét đanh thép, nhưng cũng có thể là lời nhắn nhủ từ bi vô hạn rằng chẳng thể “xóa đi để làm lại” hoàn toàn; không có cái đầu tiên và cũng chẳng có cái cuối cùng là như vậy.

Có người đọc thơ sang sảng, riêng Trần Ninh Hồ đọc thơ lại như thầm thì, nhưng lạnh tóc gáy:

“Mặt đất sẽ rất vắng vẻ/ Coi chừng vắng đến… đời sau”.

Lời cảnh tỉnh này có vẻ như được đưa ra trong “buổi chiều” đời trước, buồn mà day dứt tới đời sau. Trần Ninh Hồ dường như luôn dành câu thơ kết trong bài để nói những điều tích góp, dồn nén, hoặc chắt lọc nhất. Tuy nhiên những câu kết thực ra không “kết” mà chúng là những cánh cửa mở ra khoảng không mênh mang… là không gian của những điều, những thứ mà cả bài chỉ là đường dẫn để đi đến cái khung cửa mở đó chăng?
 

Bùi Đại Dũng


 

 

 

 



Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.