- Lý luận - Phê bình
Những dấu yêu gửi lại
Thứ hai - 07/10/2024 13:02
(Ảnh: Nhóm Văn Búp bên cây gạo gù Thái Thụy tháng 3/2024)
NHỮNG DẤU YÊU GỬI LẠI
(Trần Huyền Tâm)
Tôi gặp Phạm Minh Châu vào mùa hè năm 1980, tại Lớp bồi dưỡng dành cho các em thiếu nhi có năng khiếu sáng tác văn thơ do Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình tổ chức, lúc đó Châu chưa tròn 11 tuổi. Sinh ra ở miền quê lúa Thái Bình, Châu và nhóm Búp chúng tôi đã có chung một khung trời kỷ niệm với những mối cơ duyên mà sau này nhà thơ Kim Chuông, một người thầy đặc biệt của chúng tôi, khi nói về Nhóm Búp, đã rất tự hào tuyên bố rằng: có đốt đuốc lên giữa ban ngày để tìm khắp đất nước Việt Nam này cũng không thể tìm đâu ra một Nhóm văn nào đặc biệt như thế. Đó là, chúng tôi cùng sinh ra ở quê lúa Thái Bình, dẫu có lúc đói cơm nghèo áo nhưng vẫn luôn được tự hào về một vùng đất địa linh nhân kiệt, về những trang sử oai hùng và những vĩ nhân lưu danh sử sách. Dù kẻ trước người sau, lớn lên ở những làng xã khác nhau, nhưng chúng tôi đều cùng sở hữu những năm tháng tuổi thơ ăm ắp kỷ niệm với những dòng sông đỏ nặng phù sa, mùa mùa lặng lẽ chăm chút cho sắc hương của những cánh đồng lúa, đay, ngô, khoai thẳng cánh cò bay. Với những con đường làng rợp mát bóng cây sóng sánh những mùa trăng, những mùa hoa trái nức hương đồng gió nội. Với những cây đa, cây gạo cổ thụ đứng bên đường đợi chờ, trông ngóng. Với những ngôi chùa, đền đình cổ kính rêu phong, những mái ngói thâm nâu đằm sâu trong câu hát điệu chèo làm mê đắm lòng người. Với những đặc sản đã làm nên hương sắc một miền quê như bánh cáy, múa rối nước, kẹo lạc, chả quế, giò mỡ (nây)... Sau cùng, nhưng trên hết, là đều có mối cơ duyên với văn chương, với cái nôi Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình một thuở “Búp trên cành”; đều là học trò của những người thầy văn chương nổi tiếng như: nhà văn Tô Hoài, nhà văn Bút Ngữ, nhà thơ Phạm Hổ, nhà thơ Phong Thu, nhà thơ Định Hải, nhà thơ Kim Chuông, nhà văn Lê Bính, Bùi Công Bính, Đức Hậu,…. Đều có những sáng tác đầu tay hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng, đầy cảm xúc, ghi tên mình là “nhà văn, nhà thơ nhí” của một vùng đất địa linh nhân kiệt. Và những tác phẩm nhỏ bé xinh xắn ấy đều cùng được ưu ái chọn đăng tải trong các chương trình văn nghệ của đài, báo trung ương và địa phương: tập san Búp trên cành, báo Thiếu niên tiền phong, tạp chí Văn nghệ Thái Bình, báo Văn Nghệ, Đài tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh và truyền hình Thái Bình…
Được làm một “Nhà văn nhí” của Hội Văn nghệ từ năm chưa đầy 11 tuổi, Châu không phải là một ngoại lệ trong nhóm Búp chúng tôi, bởi cũng có một vài Búp còn được mời về Hội sớm hơn, từ những năm lên 7, 8 tuổi. Nhưng những câu thơ, dòng văn mà Châu viết hồi ấy thực sự là hiện tượng đáng nói bởi sự dạt dào xúc cảm, thăng hoa, dí dỏm, tinh nghịch, nhưng vẫn dịu dàng, chững chạc, chỉn chu. Chúng là những “sản phẩm có hậu”, là những bước đi nối dài của Châu, từ các kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh và của quốc gia đến với Lớp “Búp trên cành”, với cánh đồng văn chương Thái Bình, và ngược lại… Và tôi, một kẻ sinh ra và lớn lên từ Làng Lác, cách Phố Tăng nhà Châu chỉ “một con sông và mấy quãng đồng”, thì Búp em Minh Châu lúc nào cũng là một “đặc sản” của miền đất Chèo, đất Lúa, đất Văn, đất Học…. Lúc nào cũng là một “đặc sản không thể thiếu vắng của Nhóm Búp Trên Cành” năm xưa và Nhà Búp (nhabup.vn) ngày nay.
Bẵng đi một thời gian khá dài do phải tối ngày bươn chải với mối lo cơm áo gạo tiền, Nhóm Búp chúng tôi đã kết nối trở lại vào năm 2015. Tất cả là nhờ vào công cuộc kiếm tìm năng nổ, nhiệt tình, chu đáo và rất chi là kiên trì nhẫn nại của Châu cùng các Búp quê. Gặp lại Châu sau hơn 30 năm xa cách, tôi rất vui khi thấy em vẫn xinh tươi, hồn nhiên, trong sáng, dí dỏm như xưa. Và tôi đã không ngạc nhiên khi Châu khoe với tôi về những tác phẩm mà cô sáng tác. Châu viết không nhiều và không thường xuyên. Nếu so với một số người trong nhóm Búp thì gia tài mấy chục bài văn, bài thơ của Châu vẫn còn khiêm tốn. Tuy nhiên, đúng như nhiều nhà phê bình văn học đã nói, rằng khi đánh giá sự nghiệp sáng tác văn chương của mỗi thi nhân, văn nhân, người ta không dựa vào số lượng tác phẩm nhiều hay ít, dài hay ngắn, viết theo phong cách hiện đại hay cổ xưa, mà chỉ dựa vào việc tác phẩm ấy hay hay dở, sức rung động công phá của nó đối với tâm hồn và trí tuệ của người đọc như thế nào, sức vang của ý tưởng và nghệ thuật của tác phẩm ấy ra sao. Đọc Châu, thấy rõ là: tuy cô viết không nhiều và không thường xuyên nhưng bài nào Châu viết cũng chất, cũng lượng, cũng say, cũng đắm. Cũng mê hoặc lòng người. Cũng đánh thức người đọc về một cõi thiêng mà ai cũng nên, cũng phải, cũng ước được đắm về. Cũng đáng để cho ra mắt một vài cuốn sách riêng để công chúng bạn đọc thưởng thức, thích thú và ngợi khen. Nhưng rồi vì lý do nào đó mà mãi đến hôm nay, khi đã bước qua cái tuổi tri thiên mệnh, Châu mới cho ra mắt một tác phẩm đầu tay của mình: Một “Dấu yêu gửi lại” với 54 bài thơ trong “Gọi mùa” và 13 bài văn trong “Dấu yêu gửi lại”.
Đọc Dấu yêu gửi lại của Châu, tôi không sao kìm nén được cảm xúc hào hứng, ngạc nhiên, thích thú, say mê. Có cảm giác như hồn mình đang được tắm trong cái thanh trong dạt dào của dòng suối mát. Như đang lạc vào hương sắc phù sa mênh mang của những cánh đồng bất tận (mà ở đó Châu đã và đang cần mẫn gieo trồng, chăm chỉ xới vun, chăm bẵm để những mùa vàng nối những yêu thương). Như được trở lại miền quê yêu dấu nơi đã cất giữ tuổi thơ của mình. Như được sống lại một thời ở cõi tiên an lành xa xưa nào đó, trong một kiếp nhân sinh nào đó, mà có khi là từ muôn kiếp trước, nhưng do bận mải với những lo toan của cuộc nhân sinh này, tôi đã trót quên đi, đã lỡ đánh rơi mất. Như đã chạm vào hồn vía của một văn nhân, thi nhân luôn cháy bỏng nỗi niềm khát khao, yêu thương, cống hiến, ước mơ. Một tâm hồn được chăm chút bồi dưỡng đắp đầy từ thuở “Búp trên cành”, và giờ đây thăng hoa, cất cánh, …
Trong bài bình về văn thơ của Châu, Nhà thơ Kim Chuông có nhận xét, đại ý rằng: Nếu nói Văn là người thì Phạm Minh Châu là hình mẫu của cái Đẹp. Bởi, với văn chương, không phải bất cứ ai trên đời, hiền lành xinh đẹp đều làm được thơ văn hay. Nhưng, theo ông, sự thống nhất và ăn khớp giữa Thơ Văn và Người ở Phạm Minh Châu, là một cặp phạm trù tuyệt diệu. Tôi thấy lời nhận xét của ông rất chí lý. Vì Châu thực là một bông hoa đẹp thơm, sắc hương hài hòa. Châu có gương mặt khả ái, ưa nhìn. Nụ cười rạng rỡ, ánh mắt ngời sáng của cô gái vừa tài hoa vừa hiền thục này đã làm nên vẻ đẹp lấp lánh của một viên ngọc quý (đúng như tên gọi của cô), vẻ đẹp của người xưa, mẫn tiệp và quý hiếm, như không phải ở cõi này, như bị thần thời gian bỏ quên đã lâu. Dường như cả bốn mùa hương sắc đều đủ đầy hội tụ ở con người ấy, ở tâm hồn ấy. Ở Châu, ở bất cứ lúc nào, cũng thấy cô rạng ngời một sắc xuân nồng, vừa xanh tươi như hạ, vừa ngọt ngào như thu và vừa ấm áp như ngọn lửa hồng trong đêm đông giá lạnh. Có lẽ vì được “chế tác” bởi một người như thế nên Tập văn thơ gan ruột này của cô cũng Đẹp, cũng Trong, cũng thanh tao và cũng quyến rũ, hệt như tâm hồn của cô vậy.
Đã có nhiều bài viết thẩm bình về tập thơ văn này. Riêng về thơ, cô giáo nhà thơ Nguyễn Thị Toán trong bài “Phạm Minh Châu và tiếng gọi Mùa” đã có một nhận xét rất chuẩn rằng: hầu như các bài thơ trong “Gọi mùa” đều được Châu lấy cảm hứng từ các mùa. Là “mùa của thiên nhiên, mùa của tuổi học trò, và mùa của tuổi trẻ, tình yêu, hạnh phúc. Mỗi chữ, mỗi câu dường như được thốt lên, viết ra từ tiếng gọi MÙA náo nức, mê say.”. Là từ “cánh én gọi xuân về rạo rực, như tiếng chim tu hú khắc khoải, tha thiết gọi hè, như những đàn chim gọi nhau ríu rít giữa trời xanh trên hành trình mải miết bay về phương Nam trú rét mỗi độ cuối thu khi tiết trời dần ngả về phía heo may…”.
Thú thực, tôi đã từng bị những bài thơ về mùa của Châu “bắt” hết cả hồn vía. Với cô, “mùa” chỉ là cái cớ để cho cô “đối cảnh sinh tình”, để giãi bày tâm sự, biện hộ cho cái việc tâm mình đang bị dẫn động trước cảnh mà thôi. Nó là cái duyên để cho tâm hồn Thi nhân cất lên những tiếng tơ lòng. Mỗi ý nghĩ, mỗi lời nói, mỗi câu từ, mỗi khoảnh khắc mùa đến, mùa đi trong lời thơ, câu văn của Châu đều như chất xúc tác, như nhắc nhớ người đọc ngoảnh nhìn, hoài niệm.
Thơ Châu sử dụng những thi liệu rất giản dị, gần gũi, nhẹ nhàng, tình cảm, vừa thẳm sâu, lắng đọng, vừa bay bổng, thiết tha. Những hình ảnh con chuồn ớt, nhành phượng vàng, một tiếng ve ru buổi trưa hè, một cánh diều, vạt cỏ may, quả thị vàng vô cùng mộc mạc, bình dị, giản đơn đã được cô khéo léo đưa vào trong thơ của mình. Chúng dắt díu nhau, hòa vào nhau, làm nền cho cô tung hứng, rồi biến hóa thành những “cảnh”, những “sự” của hình, thanh, tượng, có năng lượng cuộn hút, công phá, mạnh tới mức có thể “bắt” hết hồn vía của người đọc, đưa người ta vào một tình thế ngu ngơ khó kiểm soát tâm trạng của mình. Có thể kể ra rất nhiều bài được viết theo phong cách riêng của Châu, đối cảnh mà sinh tình như thế. Nào là Tháng Giêng vô tình, Rằm tháng giêng; Trẩy hội chùa hương, Tháng Ba… viết cho chị!!!; Lời chào tháng Tư; Mùa thi (tháng 5). Nào là Giã bạn (Tháng 6); Ngày trở về (Mùa hạ). Tháng Bảy không mưa ngâu; Phượng thu; Mùa thu Tây Bắc; Tháng Mười Hai; Lập đông; Gọi mùa (Mùa đông)... Tất cả các mùa đều theo tiếng gọi của thi nhân mà ríu ran, líu lo thành thơ. Mùa nào cũng đẹp, cũng ngất ngây, say đắm. Cũng phản chiếu một tâm hồn trong sáng, bao dung, yêu thương thăm thẳm mà tĩnh tại đến lạ kỳ. Ở mỗi một bài thơ, với mỗi tiết mùa chuyển giao, khi viết cho riêng mình hay nói hộ tấm tình trĩu nặng của những người trong cuộc, Châu đều viết với tất cả niềm yêu thương, luyến nhớ gửi vào. Đó là một điểm mạnh trong văn phong của Châu, với những dấu yêu mà cô gửi lại.
Tôi đã dừng lại rất lâu ở bài thơ “Giao mùa”. Để rồi, lại chạnh lòng nhớ về những người bạn của tôi, những người đã phải rời xa mùa Đông Miền Bắc trong luyến lưu, tiếc nhớ:
“Bạn quen với nắng phương Nam
Có còn xao xác Đông sang, Thu về
Có còn nhớ cỏ triền đê
Đuổi con chuồn ớt mải mê cuối chiều
Rơm thơm nâng tiếng sáo diều
Mưa Ngâu nối nhịp cầu kiều trái ngang
Thị vàng ai hái mang sang
Treo bên cửa sổ cho nàng ngẩn ngơ
Sẽ còn nhớ đến bao giờ
Sắc hoa gạo đỏ bên bờ sông xưa…”
Chắc hẳn khi viết những dòng thơ này, Châu đã rất chênh chao với nỗi nhớ về những người bạn của mình ở phương Nam vào những tiết giao mùa nơi phương Bắc. Thế nên những câu thơ gan ruột của cô mới trào dâng, mới xuyến xao, mới miên man, mới bung biêng, mới cảm đồng, mới sẻ chia đến thế. Nỗi nhớ theo thơ bay đi mọi nẻo, mọi phương. Nẻo nào cũng ngập tràn những yêu thương lưu luyến vô biên vô lượng. Từ mảnh đất tây nguyên đại ngàn lộng gió đến Đồng Tháp Mười ngạt ngào hương sen. Từ rừng cao su bạt ngàn xanh ở Bình Phước đến thành phố biển Nha Trang xinh đẹp, rồi Bình Dương, Vũng Tàu, Sài Gòn náo nhiệt. Nhớ Phú Quốc xa khơi sóng nước phập phồng ngày đêm nhịp trẻ. Đã bao ngày sinh sống ở phương Nam, chắc hẳn những người bạn cô đã quen với cái thời tiết hai mùa trong năm. Không biết rằng, giữa thời khắc giao mùa này, họ có xao xác nhớ về đất Bắc. Nhớ tia nắng ban mai tháng ba non nớt, nhớ cơn gió liu diu buổi trưa hè, nhớ trận mưa chiều tháng 7, nhớ đôi cánh chuồn chuồn mong manh tháng 8, hay chút lãng đãng của sương khói lúc trời chập choạng tháng 12. Họ có thầm hỏi, rằng hôm nay ngoài Bắc có mưa không? Rằng, sợi khói lam chiều có còn nặng trĩu, trầm tư bò trên mái tranh nghèo? Gió lúc này đã trở mùa chưa? Còn có ai ra ngoài triền đê, trong cái tiết hanh hao này, để ngu ngơ ngồi gỡ cỏ may, hay khóc một mình bên bờ sông vắng….
Đọc “Dấu yêu gửi lại”, thấy Phạm Minh Châu đi nhiều và ghi chép không ít. Cô từng đôi lần khoe mình có đủ 10 cái hoa chân nên cứ như có phép thần thông, thoắt ẩn thoắt hiện, ở nơi này, nơi kia. Khi thì ở Bến Ninh Kiều với Miền Tây trong nỗi nhớ “Mảnh Trăng dùng dằng nhớ sóng/Bình minh hò hẹn con thuyền”. Khi thì ở biển Vô Cực, Thái Bình với Biển Mùa Xuân “Và tiếng cười ai vang xa/ Ấm vào chân sóng...!!!”. Từ những chuyến du quê cùng chị hai đến những chuyến du ca cùng Nhóm Búp hay bạn bè, đồng nghiệp. Từ Hòa Bình, Sapa, Ninh Bình, Hạ Long, Sầm Sơn… đến Đất Mũi, Long An, Ninh Kiều, Củ Chi… Và xa hơn nữa là các nước Châu Âu, Châu Á. Những chuyến đi mang lại cho cô những trải nghiệm, những vốn sống, những kỷ niệm. Những chuyến đi làm thỏa chí tìm tòi, khám phá của cô. Có lẽ cô đã làm đúng lời khuyên của nhà bác học đại tài Lê Quý Đôn, thực hiện một cách “nghiêm túc” mong muốn tích tụ trong mình không chỉ có “ba vạn cuốn sách”, mà còn có cả “ngàn vạn núi sông kỳ lạ của thiên hạ”. Để cái nhìn, cái ngắm, cái biết, cái ngộ trong cô sau mỗi chuyến du ca sẽ ào ạt chảy vào từng trang viết. Để cô thỏa chí tang bồng với từng phút giây trải nghiệm, được sống, được cất lên những tiếng tơ lòng, cho cái hiện hữu hôm nay, cho quá khứ huy hoàng hôm qua và cho cả tương lai thù thắng đang dần dần bay tới.
Đọc những bài văn trong “Dấu yêu gửi lại” tôi như bị cuốn vào cách kể chuyện có duyên, tỉ mỉ tới từng chi tiết sự việc nhưng vẫn đậm đầy chất thơ của Châu. Cũng như thơ, mảng văn của Châu dạt dào cảm xúc, nhìn qua thì có cảm giác là dài lê thê, dài đến phát ngán, nhưng khi đọc thì lại thấy vô cùng lôi cuốn, hấp dẫn và lý thú. Châu có tài dẫn dắt người đọc theo cùng câu chuyện với cô, nhẩn nha gặm nhấm các kỷ niệm cùng cô, tận hưởng những cái sướng, cái vui trong mỗi khoảnh khắc sống chậm cùng cô. Chủ đề mà cô chọn viết cũng rất gần gũi, rất thân quen. Có lẽ vì thế mà nó rất dễ chạm tới tâm hồn của người đọc. Cô như thôi miên người đọc, dắt họ cùng cô lên chuyến tàu tốc hành vượt thời gian, không gian. Khi thì trở về quá khứ, nơi có một miền nhớ mang tên ngày xưa, về cái thuở còn là Búp trên cành, là học sinh của các lớp bồi giỏi, với những cái tên bạn bầu tri âm tri kỷ xa ngái một thời (Bạn bè tôi ngày ấy, bây giờ; Chiếc xe đạp của cha tôi). Khi thì đưa họ đến với cảnh quê thiên nhiên tuyệt đẹp ở một vùng nông thôn điển hình của đồng bằng Bắc Bộ, mà rồi đây những cảnh quê này chắc sẽ dần dần bị co hẹp lại, thậm chí biến mất trong quá trình đô thị hóa (Phố Làng, Du quê cùng chị Hai). Với những Người quê hồn hậu, dễ mến, dễ thương, với Cha Mẹ, bạn bè, với những gì thật gần gũi, thân thuộc (Người Hiền, Mẹ chồng tôi, Chiếc xe đạp của cha tôi, Ai có quê thì về, Bến đời). Những trang viết là tất cả những yêu thương gắn bó ấm áp tình người của cô, thổi bùng lên những giao cảm không lời, những thiện lành, chân ái. Cho ta thấy cái đẹp, cái duyên trong tâm hồn của người thơ này, ở mỗi góc nhìn, mỗi tầm với, ở cái gốc của đạo làm người, Kính Cha, Kính Mẹ, yêu thương trân quý vạn sự vạn vật.
Ở bài viết “Buổi đầu tôi đi gặt”, cô bé 12 tuổi ấy đã có những cảm quan, suy nghĩ rất đáng nể như này: “Tôi lên bờ ngồi bên gốc cây cầm cái nón quạt lấy quạt để. Một lúc sau, mẹ tôi và anh Hùng gánh lúa lên đặt tạm xuống bờ mương. Tôi cầm nón quạt cho mẹ. Anh tôi rót nước mời mẹ. Mẹ uống nước, những giọt mồ hôi ròng ròng, nhỏ vào bát nước chè xanh. Mặt mẹ đỏ sạm vì nắng… Chiếc nón trên tay, tôi bỗng dừng lại, tôi nhìn mẹ thấy trong cổ mình có một cái gì nghèn nghẹn. Tự nhiên, tôi thấy mình có lỗi, đây là lần đầu tiên tôi phần nào hiểu được nỗi vất vả của mẹ và bà con quê tôi để làm ra hạt lúa.”
Càng đọc tôi lại càng bị cuốn vào những câu chuyện tuổi thơ của Châu, về những người thân trong gia đình Châu, những người dân quê hiền lành, chịu thương chịu khó, bạn bè ở lớp Búp, lớp bồi giỏi, lớp Đại học. Càng hiểu hơn về Châu, về cái gốc gác tạo nên vẻ đẹp thể xác cũng như tâm hồn Viên ngọc sáng này.
Khi kể về những tháng ngày được cha đưa đi học ở những nơi xa nhà trên chiếc xe đạp cũ, giọng cô như nghẹn lại, rưng rưng, tiếc nuối. Cái tiếc nuối của một sự ngộ, rằng dù có ao ước bao nhiêu đi nữa, dù có trong mình bao nhiêu phép thần thông đi nữa, chúng ta cũng sẽ chẳng bao giờ được trở lại những tháng ngày xa xưa: “Dù nắng hay mưa trong cái thời tiết cuối Xuân đầu Hạ (tôi thường đi học vào tháng 2, 3), trên những con đường nông thôn liên xã lầy lội hay ngồn ngộn rạ rơm, thầy tôi gò lưng chở tôi trên cái gác-ba-ga có lót mảnh áo mưa cho khỏi đau mông vì ngày ấy, đường xóc long sòng sọc. Nhiều đoạn đường xấu quá, thầy tôi phải xuống đẩy hay dắt xe. Nếu là đường gồ ghề thì tôi xuống xe lẽo đẽo đi sau; nếu đường lầy lội, thầy tôi vẫn cố cho tôi ngồi trên xe vì sợ tôi đi bộ thì bẩn quần áo, không kịp vào lớp học đúng giờ. Thầy tôi dầm chân trong bùn lầy lõng lõng hòa lẫn phân trâu bò, cố sức giữ và đẩy chiếc xe cà tàng. Tôi ngồi sau yên xe, chân cố nâng cao tránh bùn lấm, mặt tái đi vì sợ, chỉ muốn xuống đường đi mà thầy tôi không cho... Thực ra, lúc ấy tôi chưa biết thương thầy tôi như bây giờ, và vì vậy mỗi lần nhớ lại, tôi lại se sắt một nỗi ân hận muộn màng. … Mỗi chặng đường, mảnh đất và con người tôi đi qua cùng thầy tôi trên chiếc xe đạp cọc cạch, cà tàng ấy là những hoài niệm tuổi thơ tươi đẹp luôn có dáng hình thầy tôi và chiếc xe đạp thiếu nhi cũ kỹ, bé nhỏ.” (Chiếc xe đạp của cha tôi)
Ở “Phố Làng”, Châu cũng bám vào lối kể chuyện dí dỏm, có duyên của mình để tạo dựng lại những kỷ niệm của một thời ấu thơ. Tôi đọc mà khâm phục trí nhớ của Châu, dù cô luôn miệng than rằng cô mắc bệnh hay quên, bị lú lẫn (Châu có biệt danh là Búp Lú). Cô viết rất chi tiết, tỉ mỉ về con người và mảnh đất quê hương mình. Từ chuyện những con người ở Phố Tăng, làng Tăng, chuyện cái quán nước, cái ngôi nhà mà Châu sinh ra và lớn lên, đến những thói quen của ông, bà, của cha, mẹ, của những bà hàng xóm láng giềng. Phố Làng trong ký ức của Châu thật đẹp (mà tiếc là bây giờ những cảnh vật xưa đã không còn như xưa nữa):
“Chị cả tôi kể: Phố Làng nhà tôi xưa rất đẹp, vẻ đẹp đặc trưng của một làng quê đồng bằng thuần nông như quê tôi. Kề bên mặt đường, là ngôi Chùa Khánh Lâm, khuôn viên rộng và nhiều cây cổ thụ. Đình làng sau Chùa cũng to đẹp, vây quanh có ba cái ao rộng, giếng nước trong vắt, có những cây gạo cổ thụ mọc quanh. Sau này lớn thêm, được đi học bồi dưỡng học sinh giỏi văn ở nhiều nơi trong huyện, tôi tưởng tượng ra cái cảnh ấy – khi được đến những ngôi làng khác tương tự như vậy. Khi tôi lớn lên, Đình và Chùa đều bị phá trong Cải cách ruộng đất, chợ đã chuyển đi nơi khác. “Phố Cổ” của tôi chỉ còn cái “siêu thị” lớn nhất của cả xã có cái tên “Cửa hàng hợp tác xã mua bán xã Phú Châu”. Nơi có ngôi chùa năm xưa được thay bằng một dãy nhà to và dài, gọi là “Hội trường thêu”… “Ngày ấy, mỗi độ xa nhà đi học bồi dưỡng học sinh giỏi văn ở các xã trong huyện và tỉnh, nhớ nhà, trong tôi hay hiện lên hình ảnh góc phố có cây bàng cổ thụ sum suê và hai bà cụ gánh trên vai bao ước ao tuổi ấu thơ của bọn trẻ nhà quê khổ nghèo, thiếu thốn. Cái cây Bàng “chứng nhân lịch sử” đã mang theo trong từng mắt lá, từng chùm quả hình ô-van của nó “hồn vía” của Phố-Làng tôi suốt bao nhiêu đời. Những cái cây mang theo trang sử xanh của Đất Làng vô cùng nhẫn nại và chung thủy ấy đã bị “khai tử” khi Phố-Làng được mở rộng… để rồi mấy chục năm qua, chẳng còn ai nhận ra nơi đây đã từng là Làng. Dù số phận của Cây Bàng Phố Tăng quê tôi cũng là số phận của biết bao “cây đa, bến nước sân đình” khi cuộc sống con người thay đổi, giàu có và hiện đại hơn…, nhưng cái khoảng trống mà nó để lại chẳng bao giờ lấp đầy.”
Tuy những cảnh xưa, người xưa nay không còn nhưng “Phố Làng” đã giúp tôi hiểu được nguyên do khiến Châu luôn là người đảm đang, tinh tế và chu đáo trong các chuyến du ca của Nhóm Búp. Đó là nét đẹp mà Châu được thừa hưởng từ bà mình, mẹ mình, từ những người đàn bà thôn quê suốt đời quanh quẩn nơi góc bếp, mảnh vườn:
“Tôi nhớ quán nước của bà tôi rất đắt hàng vì nhà tôi có một bể nước mưa to để nấu nước chè tươi rất ngon. Mẹ tôi lại hay chọn mua chè vườn ở quê để nấu nước bán (khác với chè đồi mang từ miền núi về) nên bát nước chè thường xanh và ngọt, có hương thơm hơn chè đồi. Các cụ bà nhà quê vốn sành nước chè giống như các cụ ông nghiền thuốc lào; chỉ ngửi khói là các ông biết thuốc ngon hay dở, thuốc trồng ở Tiên Lãng hay Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Hôm nào không mua được chè vườn hay chỉ cần nấu sai “tỉ lệ vàng” là các bà phê bình ngay. ... Tôi dạo ấy cũng biết giúp bà và mẹ đun nước chè bán vào buổi chiều, có nhiệm vụ mang những cái bát uống nước ra ao, lấy tro bếp cọ rửa sạch sẽ, chuẩn bị cho ngày hôm sau. Thích nhất là thỉnh thoảng tôi còn được sai đi bộ qua hai quãng đồng (chừng hơn hai cây số) vào làng Nguyễn lấy kẹo cho bà bán.”
Và đây là những dòng mà Văn nhân Minh Châu dành viết về mẹ chồng mình. Đọc Châu, tôi chợt nhớ đến nhân vật bà Hòa trong cuốn phim “Mẹ chồng tôi” của đạo diễn Khải Hưng, được Đài Truyền hình Việt Nam công chiếu cách đây hơn 2 chục năm. Cũng như bà Hòa, mẹ chồng Châu thực sự là một hình mẫu tuyệt đẹp (mà có lẽ ai trong chúng ta cũng đều ao ước, khâm phục, kính nể):
“Khác với một số bà mẹ chồng hay bênh con trai, hai bà cùng nhỏ to bàn bạc và một mực bênh vực em dâu tôi, át điều tiếng thêu dệt bên ngoài để bảo vệ hạnh phúc cho gia đình con, cháu. Mẹ nói với chị chồng tôi: “Phải bảo vệ con dâu, vì đó là mẹ các cháu mình. Gia đình nó tan vỡ thì cháu mình bơ vơ. Đàn bà có ai không khổ, nó lại là đứa con dâu tốt, nó có sai lầm thì cũng là chuyện thường, con trai mình cũng có vô tội đâu”. Tôi kể chuyện ấy cho bạn tôi ở thành phố nghe, tất cả đều lặng đi vì cảm phục và xúc động. Đó bà mẹ chồng “nhà quê” đã hơn 80 tuổi, không được học hành, lại được giáo dục bằng lễ giáo phong kiến... nhưng lòng nhân từ, vị tha và sự sáng suốt của các cụ, tôi nghĩ, nhiều người trẻ có học có khi không bằng… Mẹ tôi yêu quý và đối xử công bằng với tất cả con cháu trong nhà, không phân biệt nội ngoại, trai gái, dâu rể. Bà luôn có phần thưởng khá to cho các cháu khi học hành, đỗ đạt. Bà luôn cầu khấn tổ tiên cho các cháu trong việc học hành, và những lời nguyện cầu ấy, thật kỳ diệu, rất linh thiêng.”
Ở bài “Người Hiền”, Châu viết về bố chồng cô với những lời đầy kính yêu, ngưỡng mộ. Một người cha, người ông đầy trí tuệ, chuẩn chỉ, nhân hậu, sống có Đức, Thiện, Nhẫn hiện lên dưới ngòi bút tài tình của cô thực sự là Người Hiền - người của cõi tiên an lành - người đến từ xứ Giao Tiên, Đào Nguyên, thiên thượng:
“Mỗi khi chúng tôi về thăm quê, bao giờ ông cũng hỏi thăm sức khỏe của cha mẹ chúng tôi và động viên chị em tôi. Ông hay hỏi chúng tôi về “tội” của mấy ông chồng và an ủi chúng tôi chịu khó nhẫn nhịn để gia đình yên ấm. Dù không hay nói, nhưng tôi biết ông rất hiểu từng cái mạnh, cái yếu của các con mình. Ông hay kể với chị em dâu chúng tôi về chồng chúng tôi ngày xưa: tính tình, sở trường, sở đoản của từng người và khuyên chúng tôi cách đối xử, điều hòa các mối quan hệ trong gia đình. Những lời khuyên của ông bao giờ cũng hướng về Đức, Thiện và Nhẫn. Có lẽ nền giáo dục Nho học của người cha là Cụ Đồ kiêm Thầy Thuốc luôn ảnh hưởng tới tính cách, quan điểm sống của ông…
... Cha mẹ tôi đúng là mẫu mực của tình vợ chồng gắn bó từ thuở tào khang, cho dù một người là Đại-trí-thức ở nông thôn thời bấy giờ, một người chỉ biết đọc qua lớp bình dân học vụ. Phải chăng, cha mẹ tôi là cặp “trời sinh” ở chốn làng quê xưa, được các bậc sinh thành xe duyên từ độ “Nữ thập tam, nam thập lục” (mẹ tôi hơn cha tôi ba tuổi, và khi lấy nhau, bà mới mười sáu tuổi).”
Khi viết “Dấu yêu gửi lại”, Châu đã bước vào tuổi tri thiên mệnh. Có lẽ vì thế mà giọng văn của thi nhân này có phần đằm thắm hơn, vững vàng hơn, giàu hình ảnh hơn, giàu cảm xúc hơn. Tôi như bị Châu lôi vào cái “sự”, bị dẫn vào cái “tình” trong mỗi một bài viết. Ví như, ở “Bến đời” Châu như thể muốn dốc hết những tâm tư tình cảm của một đời làm nghề gieo hạt vào những con chữ. Vào cảnh vật, vào con người, vào cái sự, cái tình, cái duyên của một Bến đời đã cho cô neo đậu. Vào Làng Chài với những người bạn Chài vô cùng thủy chung và tình nghĩa, vững bền và dẻo dai trong sóng gió cuộc đời:
“Đứng trên hành lang tầng bốn, nhìn xuống sân trường im ắng đã ba tháng vắng bóng học trò, một tâm trạng nôn nao, lộn xộn ứa lên trong tôi. Chuyến Đò Đời cuối cùng của tôi ở bến sông này cũng đã bắt đầu “nửa chặng cuối”. Chỉ mấy tháng nữa thôi, tôi và ba người bạn cùng tuổi sẽ là những “bà giáo già nhất” trong trường. Tôi và họ đã có Duyên gặp nhau tại đây, cùng đứng trong đội ngũ của những Người Làm Vườn Chữ Nghĩa trên cánh đồng này. Bao mùa màng đã qua, mưa thuận gió hòa hay khô hạn úng ngập, chúng tôi vẫn bám ruộng đồng gối vụ thâm canh. Được mùa mẩy hạt hay sâu bệnh thiên tai, những người nông dân vẫn bền bỉ gieo hạt hy vọng cho ngày mai. Không phải không có lúc chúng tôi kiệt sức và mệt mỏi. Không phải tất cả sản phẩm của chúng tôi đều không bị lỗi… Nhưng rất ít người trong số chúng tôi bỏ nghề. Bởi với chúng tôi, đó không chỉ là Nghề mà còn là Nghiệp, là Duyên, là Phúc! Tôi yêu mảnh đất này, yêu những dòng sông và bến bờ nơi đây, những nẻo đường phù sa đã in dấu chân Người Gieo Hạt… Bởi nơi đây đã cho tôi một Bến Đời neo đậu, những Bạn Chài thủy chung và dẻo dai trong sóng gió... Tôi yêu Ngôi Trường này, yêu Thành Phố Những Cánh Buồm - quê hương của những con tàu rẽ sóng ra khơi và sẽ lại trở về Bến Quê bình yên!”
Cái hồn vía ấy lại được Châu khéo léo đưa vào chuyến du quê thật tuyệt vời với chị Hai khi đắm mình vào trong hương sắc của quê hương: “Buổi sáng mùa Hè ở đồng quê là đây, lâu lắm rồi mình mới được gặp lại. Mùi đất đai hoai hoải lẫn cả hương hoa cỏ và bùn non. Đất tốt nên lúa quê mình khác hẳn: mướt mát xanh tươi, nõn nà hừng hực sức sống… Rìa làng ngày xưa âm u lối cỏ đã không còn. Mình ngỡ ngàng trước những trang trại xanh tươi với ruộng vườn, ao, chuồng, quán bia ngay trong khuôn viên rộng rãi, mát mẻ và tươm tất, rất "dịch vụ" theo cái "gu" của Người Quê. Mình tròn mắt ngạc nhiên trước những vườn ổi, táo, dưa, rau, đỗ... quả sai trĩu trịt, còn chị thì say sưa giảng giải: "đây là nhà ai, con ông bà nào, ở xóm nào, học cùng ai trong nhà ta...". Những cái tên, những gương mặt người quê lờ mờ hiện lên trong trí nhớ tồi tàn của mình sau lời kể của chị. … Tôi nao nức khi còn nhìn thấy những cây duối già, bồ đề, đa và si cổ thụ đứng trầm ngâm bên những ngôi cổ tự chưa phá hết để xây mới. Thỉnh thoảng, nơi này vẫn còn sót lại vài mảnh vườn tạp có bờ rào tre hay râm bụt ta, cánh đơn nở đỏ, rung rinh chiếc nhụy dài cong cong mà trẻ con xưa hay dán vào mặt làm râu.”
Và đây là chuyến đi tới Bình Định cùng với những tri âm tri kỷ của cô. Với cách kể chuyện dí dỏm, có duyên, “Nào, mình cùng lên xe buýt!” đã làm cho người đọc thêm yêu quê hương mình, muốn ngay lập tức khoác ba lô lên đường, đến tận nơi, để tận mắt ngắm nghía chiêm ngưỡng những cảnh vật hoang sơ của một vùng biển tuyệt đẹp, gió mát, nước xanh, cát trắng, nắng vàng:
“Vẻ đẹp còn khá nguyên sơ của biển đảo, cỏ cây và con người thật tuyệt vời! Đảo nhỏ được ôm ấp bởi những dãy núi hình vòng cung để chỉ còn những con sóng hiền hòa ru vỗ bờ cát vàng mơ. Điều vô cùng thú vị là biển ở đây không chỉ trong xanh, cát mịn nắng vàng mà nước lại rất nông để cả những kẻ nhút nhát nhất cũng cảm thấy mình luôn được Mẹ Biển che chở. Và cá! thật kỳ lạ là những chú cá nhỏ cứ nhởn nhơ bơi rất gần người như lời nhắc nhở: “Chúng ta mới là chủ nhân nơi đây”. Ai có “năng khiếu” lang thang ngắm san hô thì đừng bỏ qua nơi này nhé! Nước nông, biển lặng sẽ làm nền cho những rặng san hô vẽ nên bức tranh huyền ảo nơi đáy nước, để ta hiểu thế nào là sự kỳ diệu của đại dương mênh mông ở mọi tầng bậc của sự sống. Những người Ngáo ảnh thì sẽ vô cùng sung sướng vì có hẳn một chiếc “cầu tàu” chỉ để thỏa mãn nhu cầu “sống ảo”giữa một không gian cổ tích “Biển xanh thẳm cánh buồm lồng lộng trắng/ Từ những miền cay đắng hóa thành thơ” (Xuân Quỳnh). ... Từ Kỳ Co về Eo Gió, hãy mặc một chiếc váy xòe nhiều màu, hãy mang theo một chiếc khăn voan rộng, hãy thả tự do cho mái tóc và đứng trên một mỏm đá mà bạn thích và có thể, nhắm mắt lại, vươn cao tay, bạn sẽ thấy cảm giác được nâng bổng, được bay lên như em bé trong bài thơ Mây và Sóng trong bài thơ của Ta-go là có thật. Bạn nhớ nhé, phải là eo gió nha!”
Đọc đoạn văn Châu viết về Chùa Thầy, một nơi linh thiêng và cổ kính ở xứ Đoài, có lẽ ai cũng có cảm giác như chính mình đang được an nhiên tĩnh tọa giữa đất trời nơi ấy: “Nơi đây, mỗi phiến đá đều mang linh khí đất trời an tọa cùng những bức tượng cổ vài trăm năm tuổi vẫn nguyên vẹn màu sơn; hiền hậu nhân từ hay hùng dũng uy nghiêm vẫn luôn làm người hành hương trào dâng một cảm giác tôn kính và được che chở.”
Tôi còn háo hức cùng cô tung tẩy trong hành trình tới nước Nga xa xôi với những người bạn tri kỷ, để tận hưởng “Bản Xô-nát dòng sông”, để ngắm nhìn và chiêm ngưỡng cảnh đẹp Nga, con người Nga mà bao lâu nay cô và bè bạn mới chỉ được làm quen qua những trang sách học trò: “Mùa hè của năm 2019 sẽ mãi là một bài thơ dịu ngọt về Xứ sở Bạch Dương - niềm mơ ước của tất cả những ai đã từng bị nước Nga “bỏ bùa” từ thời sinh viên qua những trang thơ văn của A.Puskin, K.Pau-tốp-xky, A-tơ-ma-tốp, Lép Tôn-xtôi, Sô-lô-khốp…!”… “Mùa hè ở nơi đây thật đẹp, trời xanh ngắt, nắng long lanh như thủy tinh mà vẫn hơi lành lạnh như cuối thu ở quê mình. Ấn tượng đầu tiên của mình về nơi này là sự đường bệ “như nước Nga đường bệ”… Những tòa nhà, con phố, dòng sông, công viên hay nhà thờ nơi này đều mênh mông, dài rộng, cao vút và lừng lững… tạo nên vẻ quyền uy, thách thức dù vẫn rất trang trọng, thanh sang.”… “Và những tháp chuông nhà thờ hình tam giác, hình “củ tỏi” dát vàng lấp lánh hay xanh dương đầy ấn tượng rực lên long lanh dưới ánh mặt trời, bên bóng bạch dương…, đã xinh đẹp thế, nó lại cứ đứng bên hồ bên sông, để làm mê mẩn những kẻ như mình - chỉ được ngắm lướt qua, nhanh hơn cưỡi ngựa.”….“Vào ngôi nhà gỗ của người Nga, ngồi bên em gái Nga đang dệt vải; nghe ấm xa-mô-va reo trên bếp lửa để đụng chạm vào cái mát lành, trong trẻo của tâm hồn con người. Đứng dưới gốc bạch dương để lắng nghe tiếng thầm thì kể chuyện của Đất và Nước. Nằm dài trên thảm hoa vàng và cỏ xanh, nhắm mắt lại để cảm nhận những ân huệ cuộc sống đã ban cho mình trong mỗi chuyến đi xa!”
Đọc Châu, đọc “Dấu yêu gửi lại”, tôi như được đọc cuốn nhật ký về cuộc đời cô. Có cảm giác như cô đã gói trọn cả thân, thần mình trong mỗi trang viết đó. Bởi, những chặng đường cô đã đi qua, những tháng ngày mà cô đã sống, những kỷ niệm vui buồn, những nhọc nhằn đắng cay hay niềm hạnh phúc vô bờ bến… đều được cô nâng niu cất giữ trong cái rương ký ức diệu kỳ của mình. Và bây giờ, những kỷ niệm ấy được tôi, với tư cách là bạn học, bạn đọc của cô, cùng nâng niu, cùng đồng cảm, cùng sẻ chia, cùng thăng hoa và cùng viên mãn.
Nhà thơ Kim Chuông, người thầy văn chương vĩ đại của nhóm Búp chúng tôi từng nói: “Văn chương có một quy luật riêng. Nó chẳng khác ngôi nhà bốn phương không cửa. Mỗi “khách Văn, đề huề lưng túi gió trăng” này, đều đơn thương, độc mã, “tự nguyện” đặt bước chân “xuất - nhập.” Họ đến và đi. Vào và ra. Tới và lui, lúc nào? Đều giống như “phong vân” kỳ ảo. Bởi vậy, có thần đồng sáu, bảy tuổi, đã nổi tiếng trên văn đàn quốc gia, thế giới, rồi tự dưng biến mất. Lại có người năm, sáu, bảy mươi tuổi, thậm chí đã “bát thập niên” rồi mới đặt bút, thả tiếng sét rạng ngời vào bầu trời văn chương nhân loại. Sáng tạo văn chương giống như công cuộc săn tìm, khai thác quặng. Có người bổ nhát cuốc đầu tiên đã gặp quặng chói sáng. Có người gặp đất đá. Rồi, quặng. Rồi, đất đá. Rồi, quặng. Cũng có người thực sự vô vọng trước năm tháng săn tìm. Mặc dù, cuộc săn tìm ấy tốn không ít mồ hôi, công sức”.
Trong “cuộc săn tìm khai thác quặng” này, Minh Châu có lẽ là một người may mắn. May mắn mỉm cười với Châu từ thuở được là nhà văn nhí “Búp trên cành”, lớn lên trong cái nôi của ngôi đền thiêng Hội Văn nghệ Thái Bình, rồi được ghi tên mình vào danh sách Văn nhân của Nhà Búp (nhabup.vn), được tâm sự, sẻ chia, gắn bó, dấu yêu trong ngôi nhà ấm áp những miền thương mến. Hơn 40 năm trong chặng đường dài miệt mài kiếm tìm, rồi tích cóp, chiêm nghiệm. Rồi lắng gạn, thanh lọc. Rồi sáng tác, mài dũa. Hôm nay, thật vinh dự và tự hào: “Búp trên cành” đã thành hoa thơm, quả ngọt! Viên ngọc Minh Châu đã trình làng “một vỉa quặng” sáng chói, một tác phẩm đầu tay đồ sộ, đáng nể: Một Tập thơ và văn xuôi dày dặn (tới gần 500 trang) với những DẤU YÊU GỬI LẠI cho đời.
Tôi muốn dành lời kết của bài viết này để chúc mừng Viên ngọc quý Phạm Minh Châu! Chúc mừng người hữu duyên của “một lứa bên Giời”! Chúc mừng những dấu yêu lưu vết một thời! Chúc mừng những dấu yêu gửi lại cho đời!
Hà Nội, tháng 8/2024