• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Tác phẩm hay: Một thuở thanh xuân

Thứ năm - 15/02/2024 11:19


(Ảnh: Nhà văn Biên Linh)



TÁC PHẨM HAY: MỘT THUỞ THANH XUÂN

(Bùi Thị Biên Linh)


Tuổi thanh xuân – tuổi của hoài bão ước mơ và khát vọng, tuổi làm nên những kỳ tích của cuộc đời. Ba chàng trai trẻ cùng chung niềm yêu thích thơ ca cùng lên đường ra mặt trận trong những năm chống Mỹ. Thơ ca đã kết nối họ thành bộ ba tri kỷ. Họ đã hòa “một thuở thanh xuân” của mình vào nhịp sống chiến đấu của toàn dân tộc. Tập thơ chung của họ là tập thơ được chắt chiu từ những năm tháng đời người đẹp nhất của ba cái tên đã từ lâu vô cùng quen thuộc với những người yêu văn học Việt Nam: Lê Hoài Nguyên (sĩ quan an ninh xã hội), Châu La Việt (nhà thơ nhà văn,nhà biên kịch, nhà báo) và Trường Phước (biên tập viên đài truyền hình Việt Nam).


Nhà biên kịch Châu La Việt - người chủ biên cuốn sách từng viết: “một ngày kia, tôi muốn được in một tập thơ chung thật đẹp của ba chúng tôi, ít nhất là để kỉ niệm một thời thanh xuân trai trẻ của chúng tôi trong lửa đạn”. Nhà thơ Lê Hoài Nguyên cũng cho rằng “tuổi thanh xuân của tôi là tươi đẹp theo ý nghĩa thời đại. Là một người lính sinh viên cầm súng… bên trong mỗi chúng tôi là những bi kịch riêng, mất mát riêng… nhưng dù sao đi nữa đó vẫn là phần đời đẹp nhất của chúng tôi”.


“Phần đời đẹp nhất” của các tác giả được tái hiện qua những vần thơ thật lãng mạn tươi hồng (cái lãng mạn của tâm hồn tuổi trẻ mang bóng dáng của một thời đại cách mạng)


“Đêm trong mơ hương vào giấc ngủ

Ngỡ em vừa mới ghé thăm qua”


Hay 


“ Núi đồi rừng biển là tranh

Tiếng chim là nhạc hồn anh là trời”


Sự lãng mạn trong tâm hồn đem đến cho thơ Lê Hoài Nguyên những câu thơ tươi sáng tràn đầy nhiệt huyết và tình yêu tổ quốc.


Nỗi nhớ và tình yêu tổ quốc làm màu trời đẹp lên gấp bội

Dù còn bao nhiêu gian lao vất vả

Vẫn muốn ôm đất nước vào lòng 


bởi vì: 


“Dù cho đến mai sau

Không bao giờ quên được

Những năm đời đẹp nhất 

cùng nhau đi chiến trường

thiêng liêng lời cứu nước”


Nếu Lê Hoài Nguyên với những câu thơ nhẹ nhàng bay bổng thì Châu La Việt vui tươi hồn nhiên mạnh mẽ và sôi nổi với những câu thơ mang âm hưởng hùng tráng


“hành quân bước gấp gấp

Đâu cũng là bạn bè”


Hay


“Đường hành quân sao hôm đến sao mai

Một ngôi sao rung hai đầu mặt trận”


Trong thơ Châu La Việt, hình ảnh những cô gái văn công,những cô thanh niên xung phong xinh đẹp trên những cung đường ra trận luôn là những hình ảnh lấp lánh như những “ bông hoa ngoài mặt trận”


“Cô gái và bông hoa đỏ

Nở bừng giữa đạn lửa

Mọc suốt con đường ra trận ngày đêm”


Với Trường Phước,vẻ đẹp của sự lãng mạn có phần đằm hơn


“Chỉ tim mỗi người

Hằn trí nhớ một thời

Mãi mãi xanh reo một giảng đường gió hát.”


Chất lãng mạn của tâm hồn giao hòa với gió, với trăng,với hoa tạo nên khoảnh khắc “thực xuân”


“Vườn sau hoa bưởi thơm rồi

Hôm nay mới thực đất trời vào xuân”


Hay


“Lúc anh soi vào đáy mắt mình

Anh mới biết mình là hoàng tử

Sinh ở trời thơ anh rơi vào bể khổ

Vườn thơ này mới đúng thật vườn anh”


Đọc “ Một Thuở Thanh Xuân” người đọc còn cảm nhận được những câu thơ sâu sắc rút ra từ những trải nghiệm của những người đối diện với gian lao. Nhiều câu như tuyên ngôn về lẽ sống không chỉ của riêng họ mà còn của cả thế hệ thanh niên thời chống Mỹ. Nếu như Lê Hoài Nguyên cảm nhận:

 

“Mặt trận bao giờ trăng được bình yên

Người giận dữ trăng theo người giận dữ”


Thì Châu La Việt với những câu thơ chắc, khỏe, sâu, vững chãi


“Như chẳng thể có gì mãnh liệt hơn

Giữa mặt trận có những bài ca ấy”



“Tôi yêu cuộc đời bằng tình yêu của đứa trẻ mồ côi

Đầy xót xa cay đắng

Nhưng tôi hơn tất cả những kẻ giả dối 

Vì một tình yêu chân thật

Và chao ôi cái tình yêu nghệ thuật

Cái tình yêu cứu sống cả đời tôi.”


Tình yêu của những người chiến sĩ được khắc họa thật đẹp và đầy ấn tượng


“Họ yêu nhau họ là hai đồng chí

Có màu cờ đậm trong mỗi nụ hôn”


Nguyễn Trường Phước-hình ảnh người biên tập viên sắc sảo đầy nhiệt huyết trong các chương trình bình luận những sự kiện chính trị,kinh tế trong và ngoài nước đã từng gửi “một thuở thanh xuân”của mình trong những câu thơ đằm sâu triết lí sống cao đẹp


“Chao cái vùng xa xôi

Một thoáng gặp in lòng ta vết bỏng

Tình yêu đắng cay và tin tưởng

Cao thiêng như là quê hương”


Là một nhà báo tên tuổi, Trường Phước đi nhiều nơi trên thế giới. Đi nhiều càng thêm yêu tổ quốc Việt Nam. Trường Phước có những câu thơ đong đầy khát vọng và đằm sâu những triết lý sống thật sâu sắc


“Tôi đã có bao nhiêu cơn mơ

Ảo giác lọc lừa đắng cay lầm lỗi

Nhưng vẫn cứ cần

Một niềm mơ để mà đi tới”


hoặc


“Như những lần vì vô tâm vụng dại

Tôi lỡ hẹn với bao điều lớn lao tốt đẹp trên đời”


Những ngày trên giường bệnh trước khi ra đi vào cõi vĩnh hằng, Trường Phước đã có những dòng thơ diết da,đầy suy ngẫm:


Na zim bảo “những người cực tốt

Trái tim thường hay đau

Nhưng những người cực tốt có nhau

Bất kỳ ở đâu”


Đọc một thuở thanh xuân của Lê Hoài Nguyên - Châu La Việt - Trường Phước, người đọc không thể không nâng niu những vần thơ đã được chắt chiu và cất cánh từ cuộc đời chiến sĩ. Một nhà văn đã nói “chỉ có những người trong cuộc đã dấn thân,dám dấn thân mới được quyền viết về những năm tháng ấy với tất cả sự chân thật và say mê”. Ba tác giả, ba cách biểu đạt khác nhau nhưng đều hội tụ chung về lý tưởng sống cao đẹp, về sự lãng mạn bay bổng của tình yêu cuộc sống,sự sâu sắc của những người giàu trải nghiệm từng cận kề giữa sự sống và cái chết. Họ đã mang cả Một Thuở Thanh Xuân của mình hòa vào đội ngũ của hàng triệu những chàng trai cô gái lên đường ra mặt trận thời chống Mỹ. Những vần thơ của họ sẽ sống mãi cùng lịch sử. Nhà thơ Châu La Việt đã có những câu thơ tha thiết đầy ý nghĩa trong bài”Bản Tình Ca Bên Dòng Sông”


“Chỉ có dòng sông, chỉ có dòng sông

Còn lưu lại những yêu thương đau khổ

Và đấy là bản tình ca đạn lửa

Theo muôn ngàn con sóng gửi mai sau”


Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam gọi đó là thứ “của tin” quý giá, sáng trong. 


Bùi Thị Biên Linh


 


Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.