• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Từ sông ra biển

Thứ năm - 25/05/2023 10:36


(Ảnh: Đại Dũng)



TỪ SÔNG RA BIỂN

(Về tập thơ Khúc hạ yên của Nguyễn Thành Tuấn, 

NXB Hội Nhà văn xuất bản năm 2022)


Cầm Khúc Hạ yên, chắt lọc từ hơn 30 năm làm thơ của Nguyễn Thành Tuấn, tôi tự hỏi nếu ngay từ những ngày đầu làm thơ mà anh đã tự trang bị dầy dặn các kiến thức về lý luận phê bình văn học như mấy năm gần đây, thì thơ anh sẽ như thế nào? 


KHÚC MỘT: ĐƯỜNG LÀNG


Khúc một được mở đầu bằng một bài thơ trong trẻo, như một câu chuyện nhỏ nhưng cũng đầy kịch tính:

“bây giờ còn biết làm sao

phong thư thì đã thả vào thùng thư” – Những dòng thư đi


Giọng điệu ra chiều nuối tiếc ân hận lắm, nhưng cái cách nhấn nhá gọi tên từng món như từng “nhân vật” trong chuyện “phong thư”, “thùng thư” lại có vẻ giễu nhại, chí ít là bản thân mình. 
 

“đã bảo rằng cứ từ từ

đứng ngồi nửa buổi ai ngờ lại quên”


Cái quên đáng ngờ lắm! Nhưng cũng không thể xác quyết được đâu, bởi tình bồng bột nhiều khi có những hành động theo…. Vô thức.
 

“trách mày lắm đấy tay ơi

ai xui mà viết những lời nhớ nhau”


Ngay khi sợ “thế nào em cũng cười thầm mất thôi” thì chàng đã phải vội vàng tìm nơi để mà đổ lỗi. Không đổ được cho ai dù đã than “ai xui”, chàng đành phân thân để phần này đổ cho phần kia, lý trí đổ cho cảm xúc. Chàng làm như cái tay không phải của mình, và cái kẻ xui cũng không phải là mình nốt! Xem ra chàng cũng là một tay “khôn từ bé”.
 

“nhưng có riêng cho em đâu

khi tôi gửi gắm những câu mặn nồng

mà còn cho cả bến sông…”

 
Và cứ thế, chàng tiếp tục cái mạch gửi ấy cho những nhân chứng vật chứng của tình yêu:
Hàng nhãn xanh, hơi ấm đầu cành…. Cái mạch “bòng bong” đặc trưng của tuổi trẻ nhiều uốn éo vòng vo này vươn tới đỉnh cao khi mà:

 

“còn ba cái dấu chấm than

tôi ngăn câu viết khỏi tràn nhớ mong”

 
Thì chàng đã thành khẩn hơn! 


Nhưng dù hết sức thanh minh thanh nga, rút cục chàng vẫn không thoát khỏi nỗi phấp phỏng lo lắng về thân phận một tình yêu chớm hé:

“làm sao lấy lại những dòng thư đi”


Tình yêu ấy hẳn là rất chân thành!


Học sư phạm toán, rồi bỏ toán đi bộ đội vì thích văn học về người lính. Xuất ngũ anh lại về học triết. Như một triết nhân, anh luôn nhìn nhận các thái cực của đời sống cân bằng. Anh nhận dạng cái lo vừa oái oăm vừa liên hoàn, bất tận trong bài Anh tôi ở quê:
 

“chiêm thì lo khê mùa thì lo úng

trồng màu lại lo rồi bán cho ai” 

Có chút ưu tư trước thời gian trôi nhanh:

“chưa vơi chén rượu đã nửa đời người” 


Nhưng cũng không bỏ qua dấu hiệu tích cực của đời sống mới, cũng là cái “quả” từ “nhân” lo:

“tháng ba bây giờ gà có hạt rơi” 


Khi triết nhân đến với tôn giáo thì như “cá vào bể quen” rồi. Trong bài Tôn giáo, anh triết lý: 
 

“hạnh phúc

là còn được khổ đau”


Chắc có chút liên tưởng từ Dostoievski “ngươi còn cảm thấy khổ đau tức là ngươi còn tồn tại”. Và cứ thế, theo cái mạch về sự sinh tồn, thơ đi đến cái chết:
 

“những ngôi sao chẳng vì ta biêng biếc

tan lâu đài tan trên cát thuở theo trâu”


Nghĩa là những ngôi sao sẽ vẫn biêng biếc mà thôi, như hàng tỷ năm đã vậy, chỉ có sự thay đổi là “chẳng vì ta”. Cái đẹp mà Tuấn sáng tạo được ở đây là sự tương phản giữa cái sang chảnh của “lâu đài” dẫu rằng “trên cát” với cái bình dị “theo trâu”. 


Và sự ngạc nhiên thú vị là, cháu rất hiểu bà, cả tâm linh lẫn tiềm thức:

“1972

Mong manh khói hương nhà Phật

Tôi biết bà chẳng cần thiên đường, địa ngục” 

“những câu Pali bà không hiểu nghĩa bao giờ” 


Anh đã đóng góp một lối ví von mới mẻ, đảo ngược trình tự thông thường trong bài Đường làng
 

“cho con nhận từng viên gạch

cho bầu trời xanh như sông

trôi giữa đôi bờ tre trúc” 


Anh khéo léo cho con thấy sự khác biệt giữa xưa và nay mà không giáo điều, để thế hệ mới có thể dễ dàng tiếp nhận:

“bố dắt con qua sân đình

nơi bố khai trường thuở nhỏ” 


Anh dắt con đi xa hơn nữa, cho con được làm quen một cách nhẹ nhàng với các thái cực trái ngược của chân đế và tục đế:  
 

“bố dắt con qua ngõ chùa

tiếng mõ gõ vào quên lãng

lũ chào mào chẳng quên mùa

mổ trái ổi thơm gọi bạn” 


Và tất nhiên, cuối cùng cũng là để đến được cái đích rất cụ thể:
 

“lớn lên rồi con bước tiếp

bắt đầu từ đây cổng làng”


Nguyễn Thành Tuấn cũng thực hiện nhiều hòa âm của tam – tứ tấu thú vị trong các cuộc Hội làng (I). Cái nhìn của anh đầy cảm thông và yêu mến:

“những cặp ngực héo mòn mùa màng sinh nở

Thèn thẹn đơm bông mỏng mảnh áo dài” 


Và cũng rất phá cách:
 

“ta bay lên bằng đôi cánh thần linh

bằng ẩn ức sau lũy tre xưa cũ

bằng tình tứ quết trầu

bằng ánh nhìn thô lỗ”  


Anh trẻ trung, tình tứ hết tầm trong sự tương phản và dung hòa các tiếng nói – giá trị thế hệ khác nhau:
 

“xin cứ để yên bô lão hướng lên trời

cho chúng con chen nhau mặt đất

chuếnh choáng đường làng

ấm áp vai mông” 


Và đôi khi anh cũng để lại cho người đọc đầy băn khoăn, thắc mắc trong độ chênh của chữ và nghĩa (định mệnh gì và nồng nàn như thế nào đây?): 
 

“những hạt mưa định mệnh nồng nàn” 


Sẵn sàng để cảm xúc của người đọc cùng anh lên bờ xuống ruộng với lối viết ý trước đứng xuôi ý sau đổ ngược –  nhắc lại với ý đồ nhấn nhá khiến ấn tượng hằn sâu:
 

“ta đến đâu cũng gặp mình thổn thức

đêm hội tan những gót chân son

giã biệt hào hoa liền anh liền chị

sớm mai vùi dưới mặt bùn” – Hội làng II


Vào tuổi 40, chàng chiêm nghiệm bi ai: 

“nhường em nhát chọi thế mà trắng tay


Phải chăng cái “nhường em nhát chọi” mang hàm ý rằng cả một đời chàng đã sống trong nhường nhịn và thua thiệt, và định mệnh ấy đã bắt đầu ngay từ thái độ ở tuổi hoa niên. 
 

“bỏ đi từ thuở trăng đầy

chưa đâu xuân đã hao gầy bốn mươi

gia tài còn một trận cười

và còn một cọng cỏ tươi không đầu” – Không đề 40


Ô hay, bỏ đi thì mất phần là chuyện đương nhiên, thì giữ được cái cười kiểu “cậu khóa trượt thi”, giữ được chút kỷ niệm đẹp dù “không đầu” cũng là có phúc rồi đấy ạ. Hãy chú ý chữ “tươi” này, nó không đơn giản vì hợp vần mà sinh ra và có mặt ở đó, nó mang ngụ ý rằng dù sang tuổi 40 thì ký ức đẹp là phần thưởng bù đắp cho thiệt thòi của chàng sẽ mãi mãi tươi dẫu “xuân đã hao gầy”. 


Sống giữa quê, làm thơ về quê có nhiều người, nhưng Nguyễn Thành Tuấn vẫn sẵn sàng tạo ra được cái lạ từ cảnh sắc đã quen đến mòn nhàm: “se lạnh sao mai”, “sao hôm tím ngắt” , “mùi đất đồng chiêm thức mỗi đêm”. 

Anh miêu tả một cách chính xác mà sống động, tinh tế:
 

“bà lão đón tôi khua vang mũi gậy” – Làng Nôm

 


KHÚC HAI: CẦM NHÁNH DẠ HƯƠNG
 

Cái đau tình sẽ thấm thía hơn khi đan cài cùng cái đau chia lìa trong Lời ru Cao Bằng:

“tôi bỏ lại tìm chi phía trước

vành trăng sau lưng rạch một lưỡi liềm” 

“Tôi” đã thế thì em phải làm sao?

“hoàng hôn gỡ cỏ may hoài niệm

em đã bên kia một điệu ru hời” – 

Rồi “tôi” vớt vát: 

“kìa nguyên vẹn cả một nhành trăng khuyết

bé ngủ rồi thao thức những buồn xa” 


Đã trăng khuyết lại còn nguyên vẹn, đã “mẹ bỉm sữa” rồi còn mong người ta “thao thức những buồn xa”!

Khi cái “tình tự” nó chung chung thì chàng vừa tài năng vừa mạnh mẽ trở lại. Góc nhìn triết nhân cho chàng thấy giá trị vật chất và tinh thần hòa quyện:
 

“ơi rau khúc nở xa xưa giáp hạt

lại nở bây giờ cho khúc hoang sơ” 


Mô tả một “em” chung chung thì bao giờ cũng “thuận”, ít bị nguýt lườm:
 

“và em vẫn có quyền cởi áo

trút dưới chân trần tất cả những mùa đông

giọt nước đầu tiên từ vai em lăn xuống

bật chồi xuân khắp châu thổ sông Hồng” – Phóng túng sông Hồng


KHÚC 3: ĐI


Thực ra Nguyễn Thành Tuấn đã đi hoài đi hủy, từ quê ra phố, lên núi rừng ở cả khúc 1 và 2 rồi, nên đến khúc anh đặt tên là ĐI thì chừng đã mỏi. 
 

Tuy nhiên phải tới đây mới có cái thực gọi là đi, vào chiến trận và thân phận con người:
 

““muốn gặp riêng chúng tôi

đừng tìm trong sử sách

chỉ tướng tài lưu danh

sau tháng năm xa lắc


đất nước trăm trận mạc

muốn gặp người lính thường

hãy tìm trong dáng đá

vọng phu qua gió sương” – Lính thường


Anh ngộ được hóa ra sự bền bỉ quan trọng hơn tầm vóc lớn hay bé, anh thấy ở biển nắng cũng có thể “lộng” chứ không chỉ gió:
 

“những cuồng phong nông nổi tắt xa sau

ánh hạt cát miệt mài còn sáng lại

biển lộng nắng cánh buồm nâu thư thái

chợt hiểu đam mê của những dã tràng” – Nhặt vỏ ốc cho con ở biển Trà Cổ


Có những lúc cái ĐI đã trở nên bế tắc, mất phương hướng:
 

“đêm nay trăng sáng trèo tường tôi ra

đi xa chùa phố thật xa


đi cùng với bóng mình và… đi đâu?”- Chùa Phố Hiến II


May thay, ở cuối con đường ấy, anh đã gặp Bằng Giang ơi!: 
 

“sao bạn lại rời tôi

rời bỏ Tổ quốc của tôi….”

“nơi mỗi sớm bạn trao những ống bương đầy nước

mỗi chiều tôi trao tấm thân trắng ngần”


Những thắc mắc ấy trong hệ qui chiếu của quốc gia công thổ là rất có lý. Tuy nhiên sông đáp: 
 

“chúng tôi không có Tổ quốc, 

chỉ có đất mẹ thân thương

chúng tôi chảy trong vòng tay mẹ

rì rầm đi bên con người


chúng tôi đau cùng mẹ

mỗi khi bị tổn thương

vì những tham lam dại dột của con người”


Giá mà con người bớt tham lam dại dột, bớt tranh giành và biết cùng nhau sống hòa thuận an yên bên mẹ trái đất, vị “Bồ tát Thanh Lương đại địa” của muôn loài thì đời và thơ đều đẹp biết bao!
 

Nguyễn Thành Tuấn đã khép lại phần nội dung chính tập thơ của mình bằng một tiếng nói mang tầm hệ quy chiếu hành tinh. Chúng ta kỳ vọng sẽ gặp lại tiếng nói ấy trong những tập thơ tiếp theo của anh.


Hà Nội, cuối thu 2022

Hoàng Liên Sơn

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.