• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Vẻ đẹp trong “Làm rể miền Tây” của Nguyễn Hội

Thứ sáu - 04/08/2023 10:24



(Ảnh: THT)

VẺ ĐẸP TRONG “LÀM RỂ MIỀN TÂY” CỦA NGUYỄN HỘI

 


Tôi được thưởng thức cuốn tản văn “Làm rể miền Tây” - quà tặng quý của Trung tá Nguyễn Hội - Đồn trưởng đồn Biên phòng Sông Trăng tỉnh Long An. Sách do nhà xuất bản Văn học phát hành tháng 11/2022.  

Hơn 200 trang sách với lối viết dung dị, giàu cảm xúc như những bài thơ văn xuôi, khiến người đọc không khỏi bồi hồi xao xuyến trước vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp của tình quân dân và vẻ đẹp của một miền quê hương trong ký ức thương yêu của người chiến sĩ Biên phòng.  

Không phải ngẫu nhiên Nguyễn Hội chọn Tản văn để gửi gắm lòng mình, Tản văn là những trang viết giàu cảm xúc, không câu nệ về kết cấu, không bó buộc bởi những yêu cầu về đặc trưng thể loại như truyện ngắn, tiểu thuyết. Tản văn  không chinh phục người đọc bởi sự cầu kỳ, bởi những chi tiết, mâu thuẫn, xung đột...  Tản văn là tiếng nói của trái tim đến với trái tim. Tản văn cho người viết quyền được tung tăng trên cánh đồng chữ nghĩa mênh mông. Người viết sẽ chọn hái những bông hoa ngôn từ nào để bó hoa văn chương của mình đẹp nhất, được bạn đọc nâng niu nhất...   

Đọc Tản văn của Nguyễn Hội cho tôi cảm giác được đắm mình giữa "mùa hoa ô môi" của một vùng biên cương xa lắc. Hoa ô môi như biểu tượng của sức sống mãnh liệt giữa không gian rát bỏng, “mặt đất phủ trùm một màu héo úa” “Dòng sông co quắp khô cằn giữa không gian rát bỏng, như nung như rang ấy, rặng ô môi bỗng trút bỏ toàn bộ lớp lá già nua năm cũ. Những tưởng chúng đang lặng đi vì khát cháy. Nhưng không, ở mỗi mắt lá nhú ra chi chít những nụ hoa hồng hồng, nho nhỏ, xinh xinh - rồi “bung nở thành từng chùm, từng chùm bông ô môi nở kín nhành cây... hồng tươi rực rỡ cả một góc trời... Đó là vẻ “đằm thắm dịu dàng nhưng chẳng kém phần lộng lẫy kiêu sa”. Là người lính biên phòng, Nguyễn Hội có cách cảm, cách nghĩ thật riêng về thiên nhiên, mảnh đất biên cương đầy nắng và gió, mưa trong “Mênh mang một miền chiều thơ”. Với vẻ đẹp “không nồng nàn” “chẳng mộng mơ” nhưng “dịu hiền” của loài hoa tím miền thôn dã. "Tháng 3 nơi miền thôn dã..., chiều tím mỏng manh nhưng chứa đựng sức sống dẻo dai bền bỉ.   

Mảnh đất nơi người lính biên phòng đóng quân là vùng đất của ngọt ngào hương thơm, sắc màu của những loài hoa thôn dã: "Hoa điên điển” vàng tơ rực rỡ “Bông súng có màu nâu non” và sau vụ gặt... Cả cánh đồng chuyển mình thành một đầm sen bát ngát".

Đó còn là một vùng đất “lắm cá nhiều tôm”. Hồi xưa cá dưới sông nhiều vô kể có khi cả bầy bơi vô chen chúc nhau...”

Đó là vẻ đẹp rất riêng vào mùa nước nổi “từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch” hàng năm, nước từ thượng nguồn sông Mê kông đổ về... nước lên nhanh nhưng không ầm ào, dữ dội... cứ âm thầm dịu nhẹ dâng lên dần đều đưa cả miền Tây nổi bồng bềnh trên một nền trắng bạc.  

Đó là vẻ đẹp của những cánh đồng trong mùa vàng bất tận. “Mùa đông Đồng tháp Mười nắng vàng buông tỏa trên những khu vườn cây trái sum xuê. Trên những cánh đồng lúa vàng trĩu hạt... Khi những tia nắng lấp lánh trong những giọt sương long lanh đầu ngọn, bầy chim sáo líu lo rủ nhau bay đi kiếm mồi. Đàn cò trắng nhấp nhô trong những đầm sen tỏa hương ngào ngạt…” hay “Khi những tia nắng cuối ngày như dát vàng trên thảm lúa, ấy là khoảnh khắc đẹp nhất của cánh đồng, của mùa vàng, mùa lúa chín”.

Mỗi trang của Nguyễn Hội là một bức tranh với những gam màu tươi sống hiền hòa, thấm đẫm chất thơ. Nguyễn Hội đã khắc họa vẻ đẹp bình yên, trù phú, đôi khi có phần khắc nghiệt của dải đất này bằng sự cảm nhận đầy mến yêu, trân trọng.

Đó là vẻ đẹp ấm áp tình quân dân. Tình cảm quân dân vốn là một tình cảm thiêng liêng, ấp áp. “Quân với dân như cá với nước” đã được tái hiện trong nhiều tác phẩm văn học. Nhưng Nguyễn hội vẫn có cách riêng để người đọc cảm nhận được tình cảm hồn hậu rất Nam Bộ của người dân nơi đồn Biên phóng Sông Trăng đóng quân.các chiến sĩ chèo xuồng, lội bộ đến từng nhà từng cụm dân cư kiên trì thực hiện “Ba cùng”… Trên bờ ruộng, bên cuộc trà, tình nghĩa quân dân ngày càng quây quần ấm cùng… Những lớp họctình thương ra đời mang con chữ cho trẻ em chưa có điều kiện đến trường. Những viên thuốc quân  đến đúng người đúng thời điểm…

Trong gian khổ, thiếu thốn, người hciến sĩ Biên phòng không quản ngại “Nơi đầy đủtiêu chí bốn không: không điện, không đường, không trường, không trạm y tế. Chỉ có người lính biên phòng và những người dân nghèo bám trụ…” ở nơi như thế, những thầy giáo quân hàm xanh mang nhiệt huyết để dạy cho học trò con chữ “Chưa đầy một năm học nhiều em đã biết đọc, biết viết và làm những phép toán thông thường”…

Tình quân dân qua các trang văn của Nguyễn hội, ấm áp như tình cảm gia đình: Mộc mạc, thân thương đến lạ!

“Mấy anh em Biên phòng chúng tôi theo học bà con, làm chục cái cần câu cá lóc cắm xung quanh trạm, sáng sáng đi thăm cũng đủ nồi canh chua…” Mỗi lần xuống ấp, chúng tôi thường ghé nhà má Sáu để nắm tình hình và bàn công việc. Gặp má, chúng tôi vẫn thường nghe một câu quen thuộc,… “Mấy đứa nhỏ đâu rồi xuống bến bắt cá nấu cơm cho các anh ăn nghe”.

Chính những bữa cơm đơn sơ đạm bạc, ám áp nghĩa tình quân dân ấy đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn chúng tôi gắn bó với địa bàn biên giới.

Bước chân người chiến sĩ Biên phòng “Trải qua những con đường gồ ghề… mùa khô bụi đỏ bay mù mịt… còn mùa mưa con đường sống trâu trải một lớp bùn lầy nhão nhoét. Hai bên biên giới, cây cối rậm rạp phủ kín mọi đường ngang lối tắt. Nạn cướp, cướp có vũ trang thường xuyên diễn ra”…

Trước khó khăn, phức tạp ấy những người lính Biên phòng tuần tra, kiểm soát giúp dân xóa đói giảm nghèo… bảo vệ sự an nguy của người dân.

Người chiến sĩ Biên phòng thầm lặng bảo vệ từng tấc đất biên cương bảo vệ bình yên cho mỗi ngôi nhà. “Chiều biên cương phương Nam mùa này là đồng khô cỏ cháy, là những cơn mưa đầu mùa bất ngờ ập đến… ở đó có những người lính biên phòng đang đối mặt với muôn vàn khó khăn gian khổ, những chịu đựng hy sinh”. “Chốt biên phòng dựng tạm bằng những tấm tôn. Nói là nhà nhưng chẳng khác nào chiếc lò xông hơi khổng lồ. Cái nóng cứ như những cây kim châm vào mặt, cắm vào da thịt nhoi nhói… quần áo, đồ đạc trong phòng khô cứng lại như vừa bị bỏ vào chảo rang lên”. Mùa mưa giông gió là thời điểm những đối tượng xuất nhập cảnh trái phép hoạt động mang theo bao hiểm họa, các chiến sĩ kiên gan tuần tra, ướt sũng. Những đêm dài họ “căng mình trên biên giới”.

Sau những ngày gian khổ, tết đến xuân về và chương trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”. Người dân đến chung vui cùng chiến sĩ đồn biên phòng Sông Trăng. Tiếng nói cười, lời ca câu hát, có cả những giọt nước mắt xúc động khi người dân biết cán bộ chiến sĩ Biên phòng không quên những hộ gia đình khó khăn, xa xôi nhất. Tình quân dân gắn bó, yêu thương đã có dịp đơm hoa kết trái. Tình yêu lứa đôi đẹp lớn lên qua mỗi dịp đi công tác chung.

“Tôi quen em khi mùa nước nổi đang về. Buổi đầu gặp gỡ… buổi ban đầu gặp gỡ hai đứa cùng song ca bài vọng cổ… những buổi đi công tác chng là những lần hẹn hò thầm trộm nhìn nhau trong ngượng ngùng bẽn lẽn” và rồi “Đám cưới của tôi và em giản dị đơn sơ được tổ chức ngay bên cánh đồng khi ruộng lúa đang vào thì con gái”.

Đọc mỗi trang văn viết về tình quân dân của Nguyễn Hội, là một lần cảm nhận được những ấm áp nghĩa tình của quân và dân nơi biên cương xa xôi của Tổ quốc.

Sẽ thật phiến diện nếu không cảm nhận được vẻ đẹp ân nghĩa, thủy chung, luôn hướng về nguồn cội của nhà văn chiến sĩ. Trong ba mươi tác phẩm, đã có tới chục tác phẩm viết về quê nhà. Chỉ cần đọc tên thôi, đã thấy gợi về một khoảng trời dấu yêu nhung nhớ lấp lánh trong lòng anh.

Bước đường hành quân của người lính biên phòng nơi biên cương xa xôi bạt ngàn sông nước, bỗng da diết nhớ về “Cơm chiều mẹ thổi khói bay”, Một khoảng trời xanh mát trong”, “Khu vườn của mẹ”. Cả một miền yêu dấu hiện ra trong những sắc màu, hương vị “Nhớ hoài màu tết quê hương”, “Quê ngoại”. Bao hoài niệm vui, rộn ràng của tuổi thiếu niên trong “Tết Trung thu quê tôi”.

Ở mảng này, người đọc cảm nhận được nồng ấm tấm lòng người con xa quê luôn mang theo những ân tình, bóng hình của mẹ. Người mẹ tảo tần, vén khéo để các con có cơm ăn, áo mặc trong những ngày cơ cực đói nghèo. “Cuộc đời của mẹ như đời lúa. Trải bao sương gió, nắng mưa, mẹ chăm chút cho đời những mùa vàng bất tận, cho chúng con thơm thảo làm người…! Và khi “Tôi đã ở trong quân ngũ, xa nhà, xa mẹ bao năm… mỗi khi nhìn ngọ khói lam chiều… lại hiện về ngập tràn trong tiềm thức “Cơm chiều mẹ thổi khói bay - Từ muôn năm vẫn vương đầy mắt con”.

Nếu phần viết về ký ức quê hương là phần đắm sâu, da diết nhất trong “Làm rể Miền Tây” thì phần viết về tình quân dân là những trang văn nồng nàn hơi thở của cuộc sống, ngồn ngộn chất liệu về cuộc sống của người chiến sĩ Biên phòng, về tình cảm quân dân bền chặt giữa chốn Tháp Mười trù phú. Nó mênh mang hương lúa cùng sắc hoa đồng nội, nó mênh mang sông nước, mênh mang nắng, gió khiến tâm hồn con người cũng phóng khoáng thật thà, ân nghĩa.

Phải chăng đó là vẻ đẹp của những hạt vàng lấp lánh trong “Làm rể Miền Tây”.

Tác giả: Bùi Thị Biên Linh

 


Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.