- Lý luận - Phê bình
Về sự biết yêu mình
Thứ hai - 18/04/2022 16:09
(Ảnh: Trần Bảo Toàn)
VỀ SỰ BIẾT YÊU MÌNH
(Lê Quang Tuệ)
Trên đời này, kẻ nào biết thương yêu bản thân mình, mới biết thương yêu những người ruột thịt thân thích. Biết yêu thương người ruột thịt thân thích, mới biết thương yêu bạn bè, đồng loại. Biết yêu thương đồng loại, mới yêu thương được vạn vật trong đời...
Đó là một quy luật phổ biến, mang tính logic và biện chứng khách quan.
Vậy cái gốc ở đây là, biết yêu thương chính bản thân mình.
Nhưng, thế nào là kẻ biết yêu thương bản thân mình thật sự, đúng đắn và chính đáng?!
Câu trả lời thật không đơn giản chút nào!
Kẻ tiểu nhân, ích kỷ, ngu dốt, lấy mình làm “trung tâm vũ trụ”, thường chiều chuộng buông thả mình theo mọi sở thích tầm thường, bệnh hoạn. Đòi hỏi mọi người quan tâm, chăm sóc, phục vụ mình, mà suốt đời không hề biết quan tâm, chăm sóc đến ai (kể cả người ruột thịt thân thích). Đua đòi ăn chơi, ngông cuồng, ngỗ ngược… tưởng vậy là biết yêu thương cái thân mình.
Nhưng hỡi ôi! Những hành động ngu xuẩn, rồ dại đó sẽ tự hủy họai chính mình mà trở nên “thân bại danh liệt”, làm đau lòng người thân và là tệ nạn cho xã hội.
Thử hỏi, kẻ ấy còn yêu thương, giúp đỡ được ai, khi bản thân đã là gánh nặng cho gia đình và xã hội ?!
Người tử tế chân chính, có nhân cách, biết yêu thương bản thân mình không như thế.
Đó là người biết tri phận, biết đúng đắn vị trí, bổn phận của mình trong các mối quan hệ gia đình và xã hội. Biết giữ gìn, bồi bổ, tu dưỡng phần xác lẫn phần hồn. Biết kiên trì học tập, rèn luyện bản thân, để ngày càng hoàn thiện hơn. Biết tự trọng, tự chủ, tự tin và tự lập, để không chỉ lo được cho bản thân mình, mà còn yêu thương chăm lo giúp đỡ cho những người ruột thịt, thân thích và những người khổ đau bất hạnh khác.
Là người đầy lòng vị tha, nhân ái, luôn cho nhiều hơn nhận. Sống vì mọi người, được mọi người tin yêu, quý mến và nể trọng.
Bởi vậy, kẻ không biết yêu thương bản thân mình, thì làm sao mà yêu thương được ai trên cõi đời này?!
Đó là kẻ ích kỷ hại nhân, đừng bao giờ kết giao với nó, sẽ tránh được hậu hoạ khôn lường.
Người tử tế, chân chính, nhân hậu, vị tha, hãy tôn kính và thân cận họ, sẽ học được nhiều điều bổ ích.
Người xưa dạy rằng:
賢德之人. 親而近之. 終自有益.
兇惡之人. 拆兒遠之. 自免禍害.
*Phiên âm:
Hiền đức chi nhân thân nhi cận chi chung tự hữu ích.
Hung ác chi nhân xích nhi viễn chi tự miễn họa hại.
*Dịch nghĩa:
Những người hiền từ đạo đức, hãy thân cận với họ, sẽ học được những điều hữu ích. Kẻ cường đồ hung ác, hãy tránh xa nó, sẽ miễn được hậu họa khôn lường.
Chí lý thay!
Lại nữa:
小利若貪. 不成大事.
小事不忍. 必亂大謀.
利不可獨. 利獨則离.
謀不可眾. 眾謀則洩.
*Phiên âm:
Tiểu lợi nhược tham bất thành đại sự.
Tiểu sự bất nhẫn tất loạn đại mưu.
Lợi bất khả độc lợi độc tắc ly.
Mưu bất khả chúng chúng mưu tắc tiết.
*Dịch nghĩa:
Tham lợi nhỏ chẳng thành công lớn.
Nổi nóng vặt sẽ hỏng việc to.
Lợi hưởng một mình tất ly tán.
Mưu bàn lắm kẻ lộ mưu cơ.
*
Bàn thêm:
Ở đời, kẻ ham cái nhỏ sẽ mất cái lớn. Đó là kẻ thiển cận “tham bát bỏ mâm”. Người biết hy sinh việc nhỏ, sẽ có cơ hội thành công việc lớn.
Như người đi câu, biết thả mồi nhỏ để câu con cá lớn. Và cũng như người đi câu, còn phải biết kiên trì nhẫn nại, bền bỉ chờ thời, mới mong có được kết quả...!
LQT
—---
(*)Trích: "Phiếm luận: ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM"