- Lý luận - Phê bình
Về Tác phẩm Vượt biển
Thứ bảy - 20/05/2023 16:42
(Ảnh: Kim Anh)
TÁC PHẨM “VƯỢT BIỂN”: NÃO NÙNG TIẾNG HÁT SA DẠ SA ĐỒNG TRONG THẾ GIAN HỖN LOẠN CHỮ TÌNH
Kho tàng văn học dân gian thông qua truyền miệng, đi qua các thời đại mà tạo nên những vỉa tầng địa chất của lịch sử văn hóa loài người. Đó là kho tàng phong phú, quý hiếm, cho ta nhận biết được một cách chân thực những gì nhân loại đã đi qua, đã tạo dựng.
Có một truyện thơ dân gian Tày – Nùng, dài chừng 1.000 câu thơ, gọi là “Khảm hải” nghĩa là "Vượt biển". Nó được lưu truyền rộng rãi ở vùng xung quanh hồ Ba Bể, tỉnh Bắc Cạn và tích truyện còn được thể hiện trong một số làn điệu "then" của Lạng Sơn. Các thầy cúng xưa nay vẫn đọc “Vượt biển” trong những buổi lễ cầu cúng nghe rất não nùng, ai oán. Truyện thơ “Vượt biển” có thể tóm tắt như sau:
Nhà kia có hai anh em mồ côi, rất yêu thương nhau. Người anh lấy vợ, rồi giàu có. Anh trở nên nhạt nhẽo, bỏ mặc em sống nghèo đói lam lũ, rách rưới.
Chị dâu vốn giàu lòng thương người. Một lần vá áo cho người em. Hôm đó, người chị vừa nhuộm chàm nên lưng áo rách của em đã in những ngón tay chàm của chị dâu. Người anh đi làm về nhìn thấy, nổi cơn cuồng nộ:
“Hằm hằm anh vác dao đi mài
Hằm hằm anh mang gươm tới chém
Chém đầu em treo ngọn cọ,
Chặt chân em treo ở ngọn vông”.
Người em chết oan, chết khổ, chết tủi, chết cực. Linh hồn không nơi nương tựa, bơ vơ. Rồi bị các quan slay ở âm phủ bắt làm Sa Dạ Sa Đồng – phu chèo thuyền trên biển ma. Mỗi lần vượt biển là phải trải qua một hải trình dài 12 rán nước, đầy thuỷ quái, mặt biển réo sôi. Các Sa Dạ Sa Đồng lúc thì cất tiếng than hãi hùng, lúc thì hối hả gọi nhau chèo gấp. Lúc các slay lên bờ kéo vào chợ Đường Chu (chợ xứ ma của Diêm Vương). Sa Dạ ngồi trên bờ biển than khóc, khiếp sợ nghĩ đến cảnh phải một và nhiều lần nữa "vượt biển" trở lại …
Mô-típ của câu chuyện này bàng bạc khắp nơi trong hầu hết các câu chuyện dân gian của các dân tộc. Chẳng hạn, trong "Cây khế" của dân tộc Kinh.
Mồ côi một mình như Thạch Sanh đã khổ; như Tấm có cả mẹ con dì ghẻ hành hạ càng khổ. Buồn nhất là hai anh em mồ côi. Khi còn nhỏ, sống với bản năng tiên thiên "nhân chi sơ, tính bản thiện" nên dù đói nghèo, dù thiệt thòi trăm bề của người không cha mẹ nhưng họ biết đùm bọc, tương thân tương ái, như thể tay chân.
Nhà Phật cho rằng con người khổ khi tranh đấu giành giật ba chữ Danh, Lợi, Tình.
Có lẽ do tranh giành, tham lam mà nhân vật người anh trong cổ tích thường giàu có. Thứ tiền bạc ngoại thân này đã nhấn chìm người ta vào bể Mê thêm một lần nữa. Người anh trở thành kẻ "Thập Ác bất xá"; không điều xấu nào không dám làm kể cả sát nhân, phóng hỏa!
Nếu dùng một chữ để nói về đặc trưng của nhân loại thì đó là chữ TÌNH. Nó duy hộ sự tồn tại của nhân loại. Nhưng nó khác xa Từ Bi nhà Phật!
Mặt trái của nó cho người ta tăng trưởng Ma tính, nhập vào Ma.
Lý Thông đẩy Thạch Sanh vào chỗ chết. Mẹ con dì ghẻ giết chết cô Tấm thật thản nhiên. Nhưng cái ghen của người anh trai ở đây đã khiến ta phải bất ngờ. Chữ Tình biểu hiện rõ nhất là quan hệ trai gái. Và năng lượng mù quáng tàn độc của nó là cơn ghen. Đặc biệt khi đàn ông ghen!
Hành động man rợ của người anh phạm tội sát sinh ở đây, minh chứng thật sâu sắc cho quan niệm của nhà Phật: Thế gian hỗn độn trong Tình, di mạn trong Tình; mất lý tính nhất trong Tình. Vật vờ trong cơn Mê của Tình con người thay Phật tính bằng Ma tính ...
Đây là tác phẩm hay. Xin giới thiệu một trích đoạn Vượt biển như sau:
Chèo đi rán (1) thứ sáu
Thấy nước vằn mông mốc
Xé nhau đục vật vờ
Chèo đi thôi, chèo đi !
Một người cầm cán dầm cho vững
Nước cuộn thác chớ lo
Biển nổi bão phong ba đừng run đừng rợn
Chèo đi rán thứ bảy
Nước ác kéo ầm ầm
Nơi đây có quỷ dữ chặn đường
Nơi đây có ngọ lồm(2) bủa giăng
Chực ăn người đi biển
Chực nuốt tảng(3) nuốt thuyền
Mau mau lên lấy tiền, lấy tiền ra thế
Đem vàng bạc ra lễ chuộc thân
Có bạc mới được đi qua
Chèo đi rán thứ tám
Nước đổ xuống ầm ầm
To hơn bịch đựng lúa nước xoáy dữ ào ào
Nước thét gào kéo xuống Long Vương
Nhanh nhanh tay chèo sang qua khỏi
Chèo đi rán thứ chín
Trông thấy nước dựng đứng chấm trời
Khắp mặt biển nước sôi gầm réo
Biển ơi, đừng giết tôi
Nước hỡi, đừng lôi lấy thuyền
Đừng cho thuyền lật ngang
Đừng cho tôi bỏ thân chốn này, biển hỡi !
Chèo đi rán thứ mười
Thuyền lướt theo nước trời băng băng
Cánh dầm tung bốn góc
Rán lại rán bay đi…
Chèo đến rán mười một
Sóng đuổi sóng xô đi
Nước đuổi về sau lưng
Chèo mau lên, chèo cố
Cho thuyền đến cửa biển ta dừng
Cho thuyền đến bãi cát vàng bình an
Chèo đi rán mười hai
– A ! Bờ biển kia rồi
Ta chèo mau lên thôi
Chèo mau lên, hỡi người trai trẻ !
Trai trẻ hãy lắng tai
Trai trẻ nghe tôi bảo
Lại đây nghe tôi dạy:
– Mau lên ta kéo thuyền vào cạn
Cùng lôi tảng vào bến
Kéo thuyền vào bãi cát chói hồng
Kéo thuyền vào bãi bướm vàng vờn bay !
– Mời nàng hương(4) hai cô
Mời em hãy ôm hoa lên bến
Mời nàng hãy ôm hương hầu slay(5)
Quân quan lên “bời bời”(6)
Đàn bà cầm nón ra thuyền
Đàn ông cầm ô lên bến
Tay trái xách giày hoa ra tảng
Tay phải xách giày đẹp lên bờ
Gánh gồng lên rầm rập theo slay
Bao của quý khiêng lên đi lễ người
Mười hai rán nước nay đã qua rồi
Bây giờ mới biết tôi sống sót
Binh mã slay rầm rập
Kéo vào chợ Đường Chu (8)
Sau lưng trơ lại tôi
Ngồi bên bờ biển đất trời mênh mông
Tự than thân trách phận
Cay đắng lắm đời sa dạ sa đồng (9)
Chèo thuyền qua lò than, qua biển
Nhìn đường về: nước cuộn ầm rung…
Một số chú thích về từ ngữ trong trích đoạn:
(1) Rán: ghềnh nước hoặc những khúc sông, suối nước chảy xiết, vực sâu nguy hiểm đe dọa những người chèo mảng.
(2) Ngọ lồm: quỷ vô hình (gió bão).
(3) Tảng: bè mảng.
(4) Nàng hương: chỉ các cô gái mang hương hoa hầu các quan cai trị dưới âm phủ.
(5) Slay: quan cai trị cõi âm.
(6): Bời bời: đông đúc.
(7) Binh mã: Xe ngựa, quân lính; nghĩa trong bài là binh mã nơi cõi âm.
(8) Đường Chu: Người Tày hay ghép tên các vương triều của Trung Quốc xưa để gán cho nó có một ý nghĩa khác. Sách truyện thơ Tày – Nùng (tập 2) chú thích: Đường Chu là xứ ma. Chợ Đường Chu là chợ âm phủ.
(9) Sa dạ sa dồng: Chỉ những người làm phu phen, đầy tớ cho các slay nơi cõi âm.
“Vượt biển” là đoạn trích trong truyện thơ dân gian “Vượt biển” của người Tày Nùng nhưng có sự gần gũi, phảng phất với "Văn chiêu hồn" của người Kinh. Cũng như Nguyễn Du, sống trong văn hóa kính ngưỡng và tin vào Thần Phật, người dân Tày-Nùng cũng muốn gửi gắm tâm tư, những cảm xúc thương xót của mình vào số phận của con người bị chết oan ở thế giới bên kia. Khúc hát của người em mong tìm được sự tri âm, đồng điệu chúng ta. Nó hé mở cho ta hình dung về một thế giới sau khi chết. Ở tầng Địa Ngục những linh hồn bị đớn đau như thế nào.
Hiển nhiên người xưa rất tin. Chúng ta thử đồng hóa mình với niềm tin tự nhiên ấy, trải nghiệm những khiếp hãi kinh hoàng ấy của người em trong Địa Ngục. Chúng ta sẽ hiểu thêm những cảnh giới khác mà trong vòng luân hồi ai cũng có thể phải làm Sa Dạ Sa Đồng. Chúng ta không chỉ biết, hiểu mà còn nhận thức được nhiều điều. Nhìn được kết quả trong thế giới mà phần lớn chúng ta không thấy để hạn chế hoặc tiêu trừ những Nguyên Nhân mà hàng ngày chúng ta có thể gieo…
“Tiếng hát” ở đây không phải là lời ca lạc quan, tươi tắn, mà nó ẩn chứa nỗi niềm oan khốc, thật bi thương, thê thiết. Người em không một lần phẫn nộ đòi nợ máu người anh đã đành mà không hề thấy một lời oán thán thậm chí trách cứ cái nguyên nhân dẫn tới kiếp ma bị đọa đày dưới âm vương. Chỉ thấy một sự tuyệt vọng gần như là cầu cứu.
Người đời, thường nhìn con đường của nhân quả trên bề mặt để rồi tranh tranh đấu đấu. Thực ra, dù có trả thù theo quy luật: "Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại" thì cái nợ tiền kiếp; những nút thắt của nhân quả khó mà biết được. "Nhân tại Mê trung" là điều Phật Thích Ca đã nói về khả năng của con người khi nhận thức luật nhân quả!
Đoạn thơ là cảnh tái hiện một thế giới cõi âm nhưng nó có đầy đủ sự trơ tráo, sự bất công, tăm tối của cuộc sống hiện thực với những số phận bế tắc, đau khổ, lặn hụp trong biển khổ trầm luân. Đó là những "quan nạn" mà người em phải chấp nhận. Đúng ra, người đọc nhìn như vậy, chứ không hẳn đây là cái nhìn của người em an phận trả nợ!
Sang kiếp ma, những tưởng được yên phận nhưng khổ nỗi một kiếp chuyển sinh lần nữa oằn nặng trên số phận bi thương. Người em phải làm nô lệ chèo thuyền, phục dịch cho quan địa phủ Slay.
Đoạn trích là tiếng hát than thân của người em khi chèo thuyền vượt qua mười hai rán nước.
Đầu tiên đó là lời khẩn cầu sự bình an đến các nhân vật siêu nhiên của Sa Dạ Sa Đồng:
Chèo đi thôi, chèo đi!
Ra cửa biển nước xô đổ lại
Hãy thương tôi đất hỡi, trời ơi!
Phù hộ cho thuyền đi bình an
Đừng để thuyền lật ngang chìm người.
Đừng để thuyền chòng chành ngả nghiêng
Phù hộ cho thuyền tôi sang bên kia bờ.
Trong cái nhìn của người xưa, bất cứ không gian nào con người cũng bị khống chế của các sinh mệnh siêu nhiên. Dù ở cảnh giới Địa Ngục thì cũng có những Thần bảo hộ và nghe tiếng Thiện Lương.
Chỉ vừa ra đến biển, mối đe dọa đã chực chờ vây bủa đe dọa tính mạng của Sa Dạ Sa Đồng. Đây chỉ là sự khởi đầu của chuyến đi nhưng hình ảnh “Ra đến biển nước xô đuổi lại” như một điềm báo trước chẳng lành.
Mở đầu cho mười hai rán nước đang chờ đợi phía sau. Lời cầu cứu thành kính “Đất ơi, trời ơi…” vang lên một cách thống thiết, xoáy vào tim người đọc một nỗi niềm thông cảm. Con người có thể mồ côi cha mẹ nhưng họ không thể mồ côi Thần Linh. Vì thế, lời van xin: ”Phù hộ cho thuyền đi bình an”, “Phù hộ cho thuyền tôi sang bên kia bờ” như một điệp khúc vang lên. Đây là điểm tựa duy nhất và có thật để đối đầu với biển ma mình không dễ vượt qua! Đây là phản ứng tâm lý của người xưa khi đứng trước những quan ải mà mình thấy khó vượt. Có cầu cứu Thần linh rồi nhưng nỗi run sợ vẫn cứ thâm nhập đã vào trong mạch, trong huyết quản của Sa Dạ Sa Đồng, để rồi người em phải đối đầu với hung thần biển, đối đầu với rán thứ nhất.
Lúc này biển chỉ là một chảo dầu lớn vừa đun sôi vừa bắt đầu giận dữ với “cá tác” – đuôi quật búng nước sôi. Nó khởi đầu cho rán hai với đàn cá “mirang vẩy nhỏ”.
Biển được miêu tả với trạng thái sôi réo, gầm gừ. Nó cứ sùng sục cả lên. Nó phùn phụt như một sự thách thức. Thuyền chòng chành, lắc lư để rồi nổi trận phong ba chết người ở rán thứ ba.
“Thuồng luồng nổi phong ba ăn người
Nước sôi lên như máu”
Thật ghê rợn! Trước mắt ta hiện ra một cơn sóng lớn, cao ngất ngưởng như hung thần. Biển trở thành một biển máu thực sự.
Ở rán thứ tư, con sóng mạnh mẽ kia đưa thuyền lên cao, dồn dập, nghe rõ cả:
… Tiếng gà dương thế gáy ran
Nghe tiếng gà dương gin gáy rộn
… Biển vỗ ầm ào
Ở rán thứ năm, ta thật bất ngờ khi nhìn thấy con thuyền của Sa Dạ Sa Đồng trồi lên gần trời. Tiếng gà trời gáy cao, gà mường Bân hỗn độn tạo nên một thứ âm thanh kỳ quái. Đúng là thế giới Ma bạt ngàn tiếng gáy. Một không gian có tiếng gà của dương gian nhưng cho ta liên tưởng tới địa ngục.
Nước biển càng trở nên dữ dội hơn, áp đảo tinh thần Sa Dạ Sa Đồng hơn nữa, khi rán thứ năm vượt qua, rán thứ sáu lại hiện đến.
Nước biển ở đây được miêu tả pha trộn với nhiều luồng xâu xé nhau và đang sắp cuộn thành thác, nổi phong ba. Sinh mạng con người thật bé nhỏ, bị đe dọa một cách thật ghê gớm. Sa Dạ Sa Đồng chỉ biết nhủ, biết nói với chính mình: “Chèo đi thôi, chèo đi”; “đi” là tiếng nói từ bên trong, thúc giục con người gan dạ, đối đầu với hiểm nguy vô tận luôn rình rập con thuyền bé nhỏ lạc lõng giữa biển khơi... Theo dõi cuộc vượt biển hiểm nguy này, ta không khỏi ghê rợn trước sự hung hăng dữ tợn của biển dưới Địa Ngục .
Đến rán thứ bảy ta gặp sự nổi giận của biển với bọn yêu ma ác quỷ:
Nước ác kéo ầm ầm
Nơi đây có quỷ chận đường
Nơi đây có Ngọ Lồm bủa giăng
Chực ăn người đi biển
Chực nuốt tảng nuốt thuyền
Ba bề bốn bên con thuyền như bị vây phủ bởi những con nước “ác”. Bọn quỷ vô hình và hữu hình bủa giăng…
Bọn quỷ biển được miêu tả thật ghê rợn, chúng làm được mọi thứ. Chúng nuốt cả “tảng” cả “thuyền”, ăn cả người đi biển…
Không kém bất ngờ khi sự chuộc mạng lại diễn ra:
“Mau mau lấy tiền ra thí
Đem vàng bạc ra để chuộc thân ”
Hóa ra, chỉ có vượt thoát đến không gian cao tầng của Thần Phật thì những "tệ nạn" của nhân gian mới chấm dứt. Tầng Địa Phủ hẳn nhiên là tầng thấp. Ta có thể không chứng kiến được bằng tròng mắt thịt này. Nhưng có thể thông qua đối ứng mà hình dung được thế giới dưới kia.
Phải chăng đây cũng là một cảnh tái hiện tương đồng giữa xã hội trần gian và cõi âm?
Chèo đi rán thứ tám
Nước đổ xuống ầm ầm
To hơn bịch đựng lúa
Nước xoáy dữ ào ào
Nước thét gào kéo xuống Long Vương
Con thuyền không phải đi sâu vào lòng biển ma mà nó đi ngược lên, cố chống chọi để vươn lên thì nước cố tình dìm xuống, xoáy vòng, cuồn cuộn.
Con thuyền thật nhỏ nhoi làm sao. Theo từng rán nước, mỗi lúc nó một hiểm nguy!
Sa Dạ Sa Đồng tưởng chừng như không qua khỏi, bởi cảnh vượt biển lần này quả là một cảnh tượng hãi hùng, kinh hoàng thật sự. Biển không còn là biển nữa, trong Sa Dạ Sa Đồng, biển chỉ còn là địa ngục, chờ “xóa sổ”, “phủ lấp” con thuyền.
Cảnh tượng hãi hùng lại càng hãi hùng hơn nữa khi rán thứ chín lại chờ đón anh ta. Hình ảnh biển được miêu tả:
”Trông thấy nước dựng đứng chấm trời
Khắp mặt biển nước sôi gầm réo”
Biển như một chảo dầu khổng lồ, gầm réo như tiếng ma kêu quỷ khóc. Nước sôi sùng sục réo to mãi lên chờ chực giết chết người chèo đò một lần, thêm một lần, một lần… trừng phạt thêm một lần, một lần… và nhiều lần nữa kiếp người bị chết oan.
Tiếng thét kinh hoàng của Sa Dạ Sa Đồng cứ vang lên, lần này thì kinh hoàng quá đỗi như một vết cắt rạch ngang bầu trời, xé toạc cả không gian.
Biển ơi đừng giết tôi
Nước hỡi đừng lôi lấy thuyền
Đừng cho thuyền lật ngang
Đừng cho tôi bỏ thân chốn này, biển hỡi
Hàng loạt lời khẩn cầu: “biển ơi, nước ơi, biển hỡi!” vang lên thống thiết, muốn níu kéo lại sự sống, sự tồn tại nhưng vẫn tuyệt vọng, chỉ biết cầu cứu chính biển, kẻ đang nổi thịnh nộ; kẻ đang thực hiện sứ mệnh đọa đày .
Trong tâm trí hoàng loạn đó, Sa Dạ Sa Đồng chỉ còn trông vào sự may rủi của số mệnh, vào biển cả mà thôi!
“Qua rồi ta chèo đi!”
Thật bất ngờ quá đỗi! Trong khoảnh khắc, biển – một chảo dầu khổng lồ bỗng trở nên tĩnh lặng. Có lẽ lời van xin thống thiết đã động lòng biển chăng? Ta bỗng cảm thấy thật nhẹ nhõm, như trút đi nỗi lo sợ, hồi hộp.
Để rồi bị cuốn hút bởi rán nước thứ mười. Ở ráng này, thuyền của Sa Dạ Sa Đồng đã tìm được sự bình an trái với cảnh tưởng ban đầu, mà bây giờ:
“Thuyền lướt theo nước trời băng băng
Cánh dầm tung bốn góc
Rán lại ráng bay đi”
Con thuyền nhẹ nhàng lướt trên sóng nước như một cánh chim, cánh dầm linh động, những rán nước đã qua thoáng đi, hay đi xa như một cơn gió.
Rán mười một lướt qua, những con sóng xô đi, để nước lại đằng sau lưng con thuyền như sợ sệt trước nghị lực con người, đưa con thuyền đến “bãi cát vàng bình an”. Tiếng hát bây giờ không còn là âu lo nữa, tiếng hát ngân cao lạc quan hồ hởi, lãng mạn hơn.
Rán mười hai hiện ra trong khoảnh khắc. “A! Bờ biển kia rồi”. Một sự phát hiện thú vị, một bến bờ thành công đã vẽ ra phía trước:
“ Ta chèo mau lên thôi
… mau lên ta chèo thuyền vào cạn”
Bãi biển được miêu tả như một bức tranh ngời sáng, với “bãi cát chói hồng”, ”bãi bướm vàng vờn bay”, màu sắc bức tranh là màu hạnh phúc, hồ hởi của sự thành công. Thế là kết thúc một chuyến đi. Những người trên thuyền hối hả bước ra. Với những cô gái đương xuân, “ôm hương” hầu Slay với đoàn quân ”bời bời”.
“Không khí thật nhộn nhịp
Đàn bà cầm nón ra thuyền
Đàn ông cầm ô lên bến
Tay trái xách giaỳ hoa ra tảng
Tay phải xách giày đẹp lên bờ
Gánh gồng lên rầm rập theo Slay
Bao của quý khiêng đi lễ người”
Cuộc sống của quan giàu sang, dư thừa quá, hạnh phúc quá. Niềm hạnh phúc lớn nhất của người em là vượt qua mười hai rán nước. Niềm hạnh phúc này thật nhỏ nhoi so với hạnh phúc của quan với bạc tiền gái đẹp, với binh mã rầm rập, “kéo vào chợ Đường Chu”. Mười hai rán nước trôi qua như một thước phim quay chậm trong tâm Sa Dạ Sa Đồng. Và cũng chính trong lúc anh cảm nhận được niềm hạnh phúc lớn nhất của mình thì đồng thời phát hiện ra số phận hẩm hiu đơn côi, nghèo hèn của mình.
Sau lưng trở lại tôi
Ngồi trên bờ biển đất trời mênh mông
Tự than thân trác phận
Cay đắng lắm đời Sa Dạ Sa Đồng
Âm hưởng lời thơ chợt trầm buồn, lắng đọng lòng ta chợt bồi hồi, thương cảm. Kiếp con người sao mãi cay đắng, lao đao, cứ mãi lặn hụp trong trầm luân bể khổ. Một số phận tôi mọi phục dịch cho quan, một lũ người “ngồi mát ăn bát vàng”, phải chăng đây là tấm gương hiện thực phản ánh cảnh tượng nơi trần thế? Sa Dạ Sa Đồng cố chống chọi với mười hai rán nước, qua biển như qua “lò than” vì biển có lúc “trôi lên như máu”, có lúc sôi sục như chảo dầu sôi. Sa Dạ Sa Đồng lại tuyệt vọng chán chường cho kiếp sống lao đao khi:
Nhìn đường về nước cuộn ầm rung
Anh cảm thấy run sợ khi nỗi kinh hoàng chưa dứt, thì nỗi ám ảnh của chuyến về lại tiếp tục đeo mang. Hình như mỗi chuyến đò đi rồi trở về như là chia nhỏ cuộc luân hồi trong Địa Ngục. Sự đớn đau của thân xác không là bao so với sự kinh hoàng về mặt tinh thần. Bao giờ thì mới hết làm thân một người chèo đò nơi Địa Phủ? Bao giờ thì thoát kiếp Luân Hồi? Liệu kiếp sau sẽ là gì trong Sáu Nẻo Luân Hồi? Có được đầu thai làm người để mà lựa chọn con đường mới trong thế giới Mê?...
Các câu hỏi không có câu trả lời. Bởi, Địa Ngục là ẩn số. Sinh mệnh của con người còn là ẩn số phức tạp hơn!
Trước đây, đọc "Vượt biển" tôi cũng theo chân các nhà khoa học "folklore ( phôn-clo)" - Văn hóa dân gian để tìm hiểu cái ngây thơ mê tín của nhân loại thời mông muội. Giờ đây, có đủ trải nghiệm của một người cận tử gặp điều diệu kỳ trong thế giới Phật Pháp mà tái sinh, tôi tin rằng, có rất nhiều thế giới khác, nhiều chủng loại sinh mệnh khác ngoài chúng ta. Nếu Linh Hồn con người không mất đi, nếu hai thứ Đức và Nghiệp chúng ta mang theo thì chúng ta ở đâu? Và con đường nhân quả của sinh mạng chúng ta ra sao?
Lâu nay, ở trên mạng rộ lên một clip trải nghiệm Địa ngục - Thiên đàng của một cô gái Mexico, được Đức Chúa dẫn đi xem và cô đã nhận sứ mệnh nói lại những gì đã tận mắt chứng kiến cho con người thế gian thức tỉnh. Phim có đề cập đến những nhân vật nổi tiếng thế giới, sự nguy hại khi truyền bá những tín tức độc hại lây lan trong xã hội [https://www.youtube.com/watch?v=Kcnn-2F_VrY ]...
Cô gái Angelica đã khẳng định Địa Ngục và Thiên Đường là có thật. Vậy thì, những gì trong "Vượt biển" cũng chính là điều có thật!
Tôi cũng đã nghe kể rất nhiều về nơi Địa Phủ này. Kinh Địa Tạng giải thích về những con số 7 huyền bí khi đưa người ra đi và các nghi thức cần làm. Người phương Đông kể về con đường xuống Địa Ngục và quá trình chuyển sinh rất chi tiết. Câu chuyện về canh Mạnh Bà xóa sạch ký ức.. Rồi Linh Hồn bước qua cầu Nại Hà qua một con sông với những bông hoa Bỉ Ngạn dan díu chữ Tình thọ Nghiệp đến ngàn năm...
Người phương Tây cũng có con sông và người chèo đò. Trong thần thoại Hy Lạp xưa, nơi thần Hades ở là nơi ảm đạm, tối tăm, nơi linh hồn người chết tìm đến. Trên đường đến địa phủ, người chết phải dùng một đồng tiền (mà thân nhân đặt vào miệng họ) để nhờ người lái đò Charon giúp vượt sông Acheron. Trong tác phẩm Aenid, Virgil kể về linh hồn của những kẻ ăn mày và những kẻ cô độc, vì không được chôn cất tử tế, phải dạt lại bên bờ sông, không có tiền để đi đò sang sông. Bờ bên kia sông được canh giữ bởi con chó ngao ba đầu Cerberus. Vượt qua Cerberus, linh hồn người chết tiến vào địa phủ để được phán xét.
Có năm dòng sông chảy qua địa phủ, mỗi dòng đều mang ý nghĩa tượng trưng riêng: Acheron (đau khổ, bất hạnh), Cocytus (than khóc), Phlegeton (lửa), Lethe (quên lãng), Styx (căm ghét). Trong số này, Styx, chia cắt ranh giới giữa dương gian và địa ngục...
Đọc "Vượt biển" ta lại cảm nhận một thế giới Địa Ngục nữa. Có rất nhiều điểm chung nhưng cũng có nhiều đặc thù riêng biệt.
Điều này chẳng lạ nếu như chúng ta thấy chỉ trong một thế giới nhân loại bé nhỏ này mà phong tục văn hóa mỗi nơi một khác. Có nhiều Thiên Đường biệt lập như Thế giới Cực Lạc, Thế giới Lưu Ly, Thế giới Đại Phạm, Thế giới của Đức Chúa … Thì sẽ có rất nhiều thế giới Địa Âm.
Đọc "vượt biển" ta có dịp để nghiền ngẫm thêm kiếp người khổ lụy chữ TÌNH. Cái chết chưa phải là kết thúc. Kiếp chuyển sinh có lúc nặng nề hơn.
Nhiều nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm hiểu hiện thực nào đã làm nên hình tượng biển ma trong tác phẩm. Họ cho rằng chính cái hồ Ba Bể và những cơn giông tố ở vùng này là chất liệu thực tế để có lời ca của Sa Dạ Sa Đồng.
Thật kỳ lạ, tác phẩm nổi tiếng của người Tày - Nùng này lại dựng được hình tượng biển thật kỳ vĩ và khủng khiếp. Khi nghe bài hát này, có lẽ nhiều khán giả vùng sở tại chưa nhìn thấy biển bao giờ...
Phải chăng, biển khổ; biển luân hồi vốn là thế giới thật nhưng nó được nhìn ở không gian khác? Phải vậy chăng mà từ Đông Tây kim cổ đã lưu dấu được ký ức này, đã có cảm xúc và diễn đạt khá giống nhau về thân phận sau khi chết?
Lời ca đã dứt tự bao giờ nhưng âm hưởng vẫn còn dạt dào, sâu lắng trong ta, tạo nên một cảm xúc xuyến xao khó tả. Phải chăng đó là sự cảm thông của tâm hồn ta với kiếp vô minh của con người trên thế gian.
Thực ra, ta đang nghe tiếng hát ai oán của chính mình từ sâu thăm thẳm những lớp sóng tự ngàn năm xưa vọng lại...
Nhà Phật có giảng: Ngàn năm mới được kiếp người. Ai muốn tu luyện để vượt tầng thứ nhân loại tránh khổ đau vĩnh viễn?
Nghe tiếng hát của Sa Dạ Sa Đồng chắc chẳng ai muốn trải nghiệm Mười Hai Rán Nước ...
Mười hai rán nước có phải sự biểu hiện của nỗi khổ con người phải đeo mang cho tận năm tận tháng chăng? Hay là biểu hiện của mười hai địa ngục cho các oan hồn mà trong "Thần Khúc" của Dante Alighieri miêu tả? Tại sao dân gian khi nói về thân phận không kiểm soát được của thân gái lại là "Mười hai bến nước biết bến nào trong?"
Trong Thần học, con số 12 là biểu tượng của sự trật tự và siêu phàm. Nó đo lường thời gian và vũ trụ.
Mặt trái của nó là sự bí hiểm không thể dùng năng lực của chúng ta kiểm soát được.
Một năm có 12 tháng và có 12 cung Hoàng đạo; vị thần Hercules lập 12 chiến công, Chúa Jesus có 12 tông đồ.
Hy vọng vượt qua 12 rán nước, chúng ta thoát Mê, chúng ta hiểu được mọi thứ và vượt đến một cảnh giới không lời thở than...
La Vinh