Bàn về nhân tướng học
- Thứ hai - 18/04/2022 11:23
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
(Ảnh: Rơm Vàng)
BÀN VỀ NHÂN TƯỚNG HỌC
(Lê Quang Tuệ)
Bàn về nhân tướng, có tâm tướng và mạo tướng.
Mạo tướng, còn gọi là hình tướng. Là cái tướng bề ngoài, thể hiện ra thân hình, diện mạo: to hay bé, cao hay thấp, béo hay gầy, cân đối hay lệch lạc, hồng hào đỏ đắn, hay nhợt nhạt xanh xao... Nghĩa là toàn bộ diện mạo bên ngoài, mà ta có thể nhìn thấy được.
Còn tâm tướng, là cái tướng bên trong, còn gọi là “lý tướng” hay “thần tướng”. Là sắc tướng phản ánh nội tâm, bản chất bên trong, thông qua thần thái, phong độ, ngôn ngữ, hành vi, cử chỉ... Thể hiện bản lĩnh sống của một con người. Kẻ rất tinh tường mới quan sát được.
Mạo tướng dễ thay đổi, nhưng khó ngụy trang. Tâm tướng dễ ngụy trang, nhưng khó thay đổi.
Bởi cái bên trong thường ổn định, bền vững hơn cái bên ngoài.
Cũng bởi tính chất dễ ngụy trang, thay đổi của nhân tướng, nên chỉ các bậc chân tài, chí thiện ở mức thượng thừa mới có được “chân tướng” mà thôi.
Người ta sinh ra, ai cũng có tâm và có tướng (dù tâm tốt hay tồi, tướng đẹp hay xấu). Được thể hiện ra bên ngoài, thông qua hình tướng và sắc tướng, ít nhiều đều có ngụy trang, thay đổi.
Tâm có trước, tướng có sau (mặc dù thể hiện ra bên ngoài, thì hình tướng thấy trước, tâm tướng thấy sau). Tâm quyết định tướng, tướng phản ánh tâm:
有心無相. 相自心生
有相無心. 相從心滅
*Phiên âm:
Hữu tâm vô tướng tướng tự tâm sinh.
Hữu tướng vô tâm tướng tòng tâm diệt.
*Dịch nghĩa:
Có tâm mà không có tướng, tướng từ tâm mà phát sinh ra.
Có tướng mà không có tâm, tướng theo tâm mà diệt.
Bởi vậy, muốn có tướng tốt, tất phải có tâm tốt. Tâm tốt sẽ sinh ra tướng tốt. Và ngược lại, tâm tồi tất sẽ nảy tướng tồi.
Trong cuộc sống ta từng thấy, có kẻ tướng mạo khôi ngô, kỳ vĩ, nhưng do lười biếng, lêu lổng, không chịu học tập, tu dưỡng, rèn luyện. Đua đòi ăn chơi, quá đà sa ngã, nghiện hút làm bậy, trộm cắp... Thân hình trở nên bệ rạc, bê tha, ánh nhìn láo lơ, lấm lét. Trông rõ ra quân ăn cắp, phường dặt dẹo!
Lại có người, vốn sinh ra tướng mạo tầm thường, bé nhỏ, gầy còm, xanh xao, tiều tụy. Nhưng do biết tu dưỡng, rèn luyện mà trở nên khỏe mạnh, hiên ngang, thông thái, đĩnh đạc, mục quang đính chính có thần uy...
Đủ biết tâm quyết định tướng, tướng phản ánh tâm, đó là điều không cần bàn cãi !
Vậy, muốn có tướng tốt, tất phải có tâm tốt. Muốn có tâm tốt, tất phải tu dưỡng, rèn luyện hàng ngày. Phải luôn luôn phục thiện, hướng thiện và tác thiện.
Tuy nhiên, không phải lúc nào tâm tướng và mạo tướng cũng kết hợp hài hòa trong mỗi con người.
Trong cuộc sống, ta cũng từng thấy, có người tâm tướng tốt, nhưng mạo tướng kém. Đó là những người được gọi là “xấu người đẹp nết” (như Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi chẳng hạn).
Lại có người mạo tướng đẹp, nhưng tâm tướng tồi. Đó là hạng “đẹp người xấu nết”. Và tất nhiên, cái “đẹp” ở đây chỉ là khái niệm tương đối, chưa chuẩn xác, chỉ hình thức bề ngoài mà thôi.
Ngạn ngữ Việt Nam có câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người” nói về mối quan hệ giữa tâm và tướng, thật sâu sắc và chí lý biết bao !
Tất nhiên, đẹp cả người lẫn nết thì quả là tuyệt vời. Điều hiển nhiên ấy chẳng ai bàn cãi...!
LQT
Hà My - 4.2019
(*) Trích: "Phiếm luận: ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM".