Can nhiễu

Can nhiễu
Vấn đề cốt lõi ở đây là Sư Minh Tuệ chọn tu hạnh đầu đà là để tìm giác ngộ cho bản thân. Sư không tu để xây chùa, không tu để quyên góp làm từ thiện, không tu để tạo trend trong xã hội, không tu để tranh giành ảnh hưởng với ai, không tu để lôi kéo ai.

(Ảnh: Van Pham)


CAN NHIỄU

(Dương Chính Chức)


Vấn đề cốt lõi ở đây là Sư Minh Tuệ chọn tu hạnh đầu đà là để tìm giác ngộ cho bản thân. Sư không tu để xây chùa, không tu để quyên góp làm từ thiện, không tu để tạo trend trong xã hội, không tu để tranh giành ảnh hưởng với ai, không tu để lôi kéo ai. Vậy nên, việc gắn quá nhiều ý nghĩa cho lối tu của sư, cho hình ảnh của sư không chỉ không có lợi gì cho sư mà còn gây thêm nhiều chướng ngại, cản trở đường tu của sư.


Khi còn tại thế, Phật dạy người tu hành là phải xa lìa đám đông. Khất thực xong thì về nơi quy định, hay chọn một nơi vắng vẻ để thọ thực. Xa lìa đám đông để tránh cái việc bị ham nhiễm sự náo nhiệt, mất chánh niệm. Tu hạnh đầu đà thì độc cư, xa lìa đám đông lạ càng là một giới phải giữ.


Có một vài người nói có một gia đình nghèo chỉ cúng dường được rau, nước suối, và kết quả đã được những người đi theo các sư giúp thêm về vật chất. Khất thực là việc của sư. Giúp người nghèo là việc của người đời. Không gắn kết việc sư với việc của mấy người đi theo sư với nhau, để rồi ca tụng sư được. Sư, nhất là sư tu đầu đà hạnh lại càng phải tránh mấy việc đó vì đó không phải mục đích tu hạnh đầu đà. 


Trong tu Phật đạo thời Phật tại thế thì Thiện không phải là phải giúp ai đó, mà là không làm gì hại người, hại mình. Điều này hiện nhiều nơi vẫn áp dụng, tức là người tu không phải là nhà từ thiện. Tu trước hết là hoàn thiện bản thân. Bản thân giác ngộ rồi mới giúp người. Chưa giác ngộ mà giúp thì rất dễ dẫn người khác lầm đường lạc lối, thế là tạo ác nghiệp.


Biết là khất thực hoá duyên là phải đi từng nhà, gặp từng người để xin, chứ ẩn tu hoàn toàn, xa lìa tục thế thì không hoá duyên được, nhưng việc đó chỉ nên thực hiện khi không có đeo bám, không có ca tụng, không có mê tín. Nếu có thì cần linh hoạt, tìm cách loại bỏ. Tạm lánh vào nơi sâu, xa, vắng vẻ, ít dân một thời gian cũng là 1 cách. Loại bỏ đám đông, loại bỏ thụ cảm của lục căn cũng là một phạm hạnh để tu. 


Ngoài ra, chỉ Đức Phật mới có tăng đoàn, còn Phật tử và những người còn đang tu mà coi việc luôn có đám đông đi theo mình, vây quanh mình, học theo mình... là bình thường, rồi coi họ là những người thuộc về mình, phụng sự mình thì đấy là biểu hiện của ngã mạn, của bất tịnh, của không thiện hạnh. 


Nếu để việc tu, nhất là tu đầu đà của mình cho người khác lợi dụng, gây xáo trộn, gây ồn ào, gây ra thị phi, gây ra thiệt hại về người và của thì việc tu đó hoàn toàn thất bại. Và nếu để mặc, coi đó là việc đời phải tự điều chỉnh, tự xử lý, ta đây không liên quan thì đấy là sự rơi rớt về tầng thứ tu hành, là sự vô trách nhiệm, là tạo nghiệp.


Tu cái gì, kiểu gì thì vẫn phải hành cùng lúc tất cả 8 cái chánh đạo. Vượt khảo nghiệm không chỉ là củng cố sự nhẫn nhịn, mà còn phải giữ giới, phải định được tâm trong chánh kiến, chánh niệm, chánh tư duy. Thế mới sinh tuệ được. Nói 6 năm đầu đà, kiên cố rồi, nghiêm mật rồi là chủ quan. 6 năm chứ 60 năm mà không giữ thì vẫn bị thụt lùi, rơi rớt bình thường. Vẫn còn không né tránh, vẫn nói chuyện với đám đông đi theo mình, vẫn điềm nhiên xuất hiện trước camera thì vẫn còn bị đeo bám.


Trên đây là nói với sư.


Còn nói với những người đang săn sư, đang bám theo sư thì chỉ gọn có 2 câu thôi: Các vị đang thương sư sai cách, đang tạo chướng ngại cản trở sư tu hành, đang quyết lôi sư về với tục thế. Thương sư thật lòng thì hãy buông sư ra và mặc kệ sư đi.