Chữ Lộc trong văn hóa xưa

Chữ Lộc trong văn hóa xưa
Chữ “LỘC” trong văn hóa xưa: Vì sao người am hiểu chữ Thánh Hiền không coi trọng Lộc? Tôi thường không nói về những khối chữ ô vuông mà cha ông ngày xưa sử dụng là chữ Hán, chữ Nho mà muốn nói nó là chữ Thánh Hiền. Những con chữ này chuyên chở văn hóa, văn minh rất uyên bác, uyên thâm, uyên áo của phương Đông.


(Ảnh: Thùy Dương)


CHỮ LỘC TRONG VĂN HÓA XƯA

(La Vinh)

 

Chữ “LỘC” trong văn hóa xưa: Vì sao người am hiểu chữ Thánh Hiền không coi trọng Lộc


Tôi thường không nói về những khối chữ ô vuông mà cha ông ngày xưa sử dụng là chữ Hán, chữ Nho mà muốn nói nó là chữ Thánh Hiền. Những con chữ này chuyên chở văn hóa, văn minh rất uyên bác, uyên thâm, uyên áo của phương Đông. Nó chứa đựng những nội hàm Đạo Đức không chỉ dành riêng cho người Trung Quốc. Nó như một khối vàng ròng, như những viên kim cương quý. Người ta khai thác tinh luyện từ vùng đất Thần Châu không có nghĩa là chúng ta vì không thích vùng đất ấy mà chối từ và phủ nhận giá trị. 


Tôi vốn là người làm nghề gõ đầu trẻ. Nhiều học trò cũ của tôi giờ đã có con, có cháu lâu lâu cứ hỏi về mấy cái chữ Hán ngày xưa thường nguệch ngoạc trên bảng. Thấy rằng, các vị túc Nho đang hiếm dần nhưng rất uyên bác. Khi mình viết nếu lỡ một chút gì đó không đúng biết đâu làm họ buồn. Tôi tin những ai có con chữ Thánh Hiền trong đầu, họ ít tranh biện, ít hơn thua tranh đấu với người khác. Họ bao dung những người có Phúc phận về chữ nghĩa ít hơn họ.


Hiểu chữ Thánh Hiền ra sao có năm bảy kiểu. Người đứng góc này, người nhìn góc khác. Người tầng cao nhìn khác người tầm thấp. Người có kiến văn rộng khác người trí thức thấp hơn. Cho nên, hy vọng mọi người cảm thông nếu thấy những gì tôi viết ở đây không phù hợp với mình. Hôm nay, tôi muốn bàn tới chữ LỘC, muốn viết ít dòng về chữ Lộc.


Phần I: Chiết tự chữ Lộc: ngữ nghĩa và cấu trúc

 

Đây là chữ ký sinh nhờ 3 chữ mà ta gọi là Tam Đa. Đó là Phúc, Lộc và Thọ. Người ta có thể treo riêng chữ Phúc, chữ Thọ, chứ tui chưa thấy ai viết chữ Lộc vào giữa ngực rồi đi chúc Tết họ hàng bao giờ.


Lộc phải kẹp chặt giữa Phúc và Thọ. Nó phụ thuộc vào 2 “người kia” cho nên trong sách vở xưa nay và những người cao kiến về chữ nghĩa ít khi bàn về nó…


Dính tới chữ này là quan hệ tới những gì không đâu. Nó tựa như một sự vật "đầu Ngô mình Sở" vậy. Chẳng hạn, Lộc quan hệ tới con Hươu, tới con Khỉ, tới con cá Chép... Nó la cà làm bạn với hoa Mẫu Đơn. Xa hơn nữa, là với hoa Sen, hoa Mận, hoa Cúc, hoa Ngọc Lan. Xa hơn nữa là cặp đôi Khỉ ngồi trên con Mã, con ngựa phóng bạt mạng mà chẳng sơ sa hầm sảy hố hoặc xe bồ câu cảnh sát..


Cấu trúc của chữ LỘC có 2 phần. Bên trái rất giống với chữ Phúc. Đó là chữ Thị (có thể đọc là Kỳ). Bên phải có chữ Lục.


Bộ Thị có mặt trong rất nhiều chữ Thánh Hiền. Nó đều liên quan tới việc đối thoại của con người với những sinh mệnh tối cao chi phối Thiên Địa Nhân và vũ trụ.


Chẳng hạn chữ "Chúc" là cầu mong (chúc Phúc); "Thần" là những Đấng trên cao xanh chi phối vận mệnh chúng sinh; "Tường" là điềm lành (cát tường như ý); "Từ” là đền thờ; "Họa" là tai vạ  mà trong sâu xa là quy luật vận hành của luật nhân quả. Con người hiển nhiên không thích nó nhưng nó vẫn đến. Thường là con người rất bị động bởi "Phúc bất trùng lai" và " Họa vô đơn chí". Cả Phúc và Họa với người xưa đều do ông Trời, do Thần Thánh đem tới. Theo Đạo Đức thờ Thần thì Phúc, sống bá Đạo chiếm hữu lợi ích người khác thì thắp hương bái lạy Thần Phật cũng vô ích; thậm chí xúc phạm, sỉ nhục họ ... 


Đúng thế! Bởi quan hệ nhân quả zic zăc rất khó lường… Hãy nhớ cái bộ, cái chữ "Thị "này, nếu bạn nào muốn tiếp xúc với những từ ngữ có tính tâm linh..

 

Bây giờ, ta hãy nhìn sang bên phải của chữ Lộc. Đó là chữ "Lục". Với những ai bằng lòng với cách hiểu đây là chữ cấu trúc" hình -thanh" thì chữ "Lục"  ở đây  chỉ cho ta cách đọc ra chữ LỘC  chứ nó không có ý nghĩa gì. Túm lại, nhờ có chữ Lục mà ta đọc được chữ Lộc. Bởi hai âm "Lục Lộc" giông giống nhau… Người ta cho rằng chữ Tàu là văn hóa Thần truyền nên đây là sản phẩm Bán Thần. Cho nên bất cứ  dấu hiệu nào cũng có những tín tức của vũ trụ. Chúng đều có nghĩa…


Nếu hiểu theo quan niệm này, thì chữ "Lục" ở đây cho phép chúng ta liên tưởng tới những chữ khác nhau nhưng Đồng Âm với LỤC. Những chữ này có nhiều nghĩa:


- Những gì nhìn thấy rõ ràng trước mắt, ở tầm gần, có thể sờ mó được

- Nếu là một tập hợp  thì có thể cân đong, đo, đếm được từng phần tử, từng đơn vị

- Nước trong, nghĩa là chưa bị ô nhiễm như kênh Nhiêu Lộc ngày xưa. 

- Thu nhận những sản vật, để sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Thời buổi giờ, có câu chuyện cười kể về một ông quan sắp về hưu, đã thuê bác sỹ băng bó vợ mình như đòn bánh tét rồi thuê phòng bệnh viện, tự mình đẩy xe lăn ra đón nhân viên. Tối đến cả hai lo đếm phong bì. Thu nhận loại này có lẽ dễ sử dụng nhất trên đời... Nhưng coi chừng Phúc Lộc không bền. Thần đang nhìn và ghi hết tất cả những khoản nợ của hai vợ chồng, một xu cũng không bỏ sót. Họ sẽ phải bồi thường, phải trả bằng tật bệnh, bằng tai họa không giáng xuống mình cũng đọa đày con cháu. 

- Chữ LỤC còn là ghi chép lại thành danh mục. Những ông nào làm quan to nên nói với vợ học cho giỏi nghề kế toán. Bàn dân thiên hạ trăm người nghìn ý, nghìn sản vật... Phải ghi chép thật khoa học: vàng, kim cương, đô la để riêng một quyển. Những thứ bã cám, bã trấu, bã rượu cho mấy con sen thằng ở .. Khoai luộc, mắm tôm chở về miền vùng sâu, vùng xa rồi thuê báo, đài, TV quảng cáo thật quyết liệt vào..


(Còn nữa)