Shangri-La
- Chủ nhật - 08/03/2020 21:31
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cái tên Shangri-La lần đầu tiên được nhắc tới là năm 1933 trong cuốn tiểu thuyết “Chân Trời Đã Mất” (Lost Horizon) của tác giả người Anh có tên là James Hilton. Có hay thật không một miền đất như vậy, nơi con người sống hạnh phúc vĩnh viễn cùng trời mây, núi non và cây cỏ, hoàn toàn toàn tách biệt khỏi thế giới văn minh của loài người?
Trong câu truyện này, ông Hilton miêu tả Shangri-La là một thung lũng huyền bí nằm sâu trong dãy núi Kunlun của miền Tây tạng. Nơi đây cuộc sống như trên thiên đường. Con người hòa mình với thiên nhiên, không có sự thiếu thốn, không có nỗi thống khổ, không có bất kỳ sự cạnh tranh nào hết. Tất thảy đều trường tồn cùng với những ngọn núi cao quanh năm phủ tuyết trắng. Cuộc sống ở đây là vĩnh cửu, mọi người đều trẻ mãi không già và gần như không có khái niệm về thời gian. Những người đọc cuốn sách “Chân Trời Đã Mất” lúc đó, và chắc ngay cả ngày nay, đều tin rằng đây là cuốn tiểu thuyết viễn tưởng về một vùng đất không có thật trên trái đất. Vậy nên cái tên Shangri-La đã dần dần đi vào lãng quên.
Nhưng có một số rất ít người lại tin vào lời kể của ông Hilton và thực sự đã lên đường đi tìm để chứng minh về sự tồn tại của miền đất thiên đường trên trái đất. Vào năm 1939, một tác giả khác là ông Peter Kelder, cũng là người Anh, cũng kể lại một câu chuyện về Đại tá Bradford (không phải là tên của nhân vật có thật), là cựu nhân viên đoàn ngoại giao Anh tại Ấn độ, đã tìm đến được một nơi nghe kể như là Shangri-La, đã ở trong một tu viện giống như ông Hilton đã miêu tả trong cuốn sách “Chân Trời Đã Mất”. Đại tá Bradford đã lưu lại trên miền đất đó một thời gian, không nói rõ là bao lâu, chỉ biết rằng ông đã mất đi khoảng 20 tuổi đời, và học được 5 nghi thức luyện tập và là bí quyết sống mãi tươi trẻ của người dân nơi đây. Tác giả Peter Kelder đã ghi lại câu chuyện của Đại tá Bradford và miêu tả kỹ lưỡng 5 nghi thức luyện tập trong cuốn sách “Suối Nguồn Tươi Trẻ” (Fountain of Youth) mà chắc các bạn đã từng biết tới.
Theo Wikipedia, các văn tự cổ của người Tây Tạng có nhắc tới sự tồn tại của 7 thung lũng, trong tiếng Phạn gọi là Nghe-Beyul Khembalung, có nghĩa là vùng đất bí ẩn (giống như Shangri-La) được Padmasambhava (một Đại sư Ấn Độ, sống cùng thời vua Tây Tạng Trisong Detsen (755-797)) lập ra từ thế kỷ thứ 9 làm nơi ẩn dật cho các Phật tử trong thời loạn lạc. Cái tên “Shangri-La” nghe rất gần với một cụm từ địa phương với ý nghĩa là “con đường vào núi Shang”. Cũng có học giả cho rằng Shangri-La xuất phát từ chữ “Shambhala”, có nghĩa là “vương quốc thần bí của người Tây Tạng”. Nếu quả là như vậy, thì những gì ông Hilton và ông Kelder nói đến trong hai cuốn sách kia, và sự tồn tại của thiên đường trên trái đất này là có thật.
Ngày nay, nhiều địa phương ở vùng Tứ Xuyên và Vân Nam Trung quốc tự nhận mình là Shangri-La để thu hút khách du lịch. Ai chả hiểu rằng Shangri-La không phải là nơi có thể mua vé máy bay mà tới được. Thực tế đã mấy ai dám từ bỏ cuộc sống trong xã hội văn minh với những ràng buộc tham giận ái tình để đi tìm hạnh phúc vĩnh cửu ở chốn Shangri-La? Thật may theo lời ông Kelder, thì chỉ cần kiên trì học theo những lời chỉ dẫn của Đại tá Bradford và thực hành 5 nghi thức luyện tập của của người Tây tạng là người ta đã có được phúc lạc như người tu Phật rồi. Sáu mươi năm sau, người ta lại thấy sự xuất hiện của 9 bài giảng và 5 bài luyện công của Lý Pháp sư, cũng là một trong muôn vàn cách để con người hiện đại tiếp cận với Phật Pháp và tiến tới cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu như ở Shangri-La.
Xin kể tiếp rằng, sau khi giúp ông Kelder hoàn tất cuốn sách “Suối Nguồn Tươi Trẻ”, Đại tá Bradford đã ra đi không để lại dấu tích. Có thể ông vẫn đang sống ở Shangri-La và chờ đợi chúng ta chăng?
Tuấn Khanh
Tổng hợp