Tiền công đức và việc khất thực
- Thứ năm - 22/02/2024 14:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
(Ảnh: St)
TIỀN CÔNG ĐỨC VÀ VIỆC KHẤT THỰC
(Dương Chính Chức)
1. Tiền đưa cho chùa, đền vẫn gọi là tiền công đức, ý là hành vi đó tạo công đức. Đã làm việc thiện thì nên vô tư, không cầu báo đáp, cho đi mà gọi là "công đức" thì đã dính tâm truy cầu rồi. Ngoài ra, làm "công đức", làm từ thiện mà khoe là cũng mất luôn cái công đức vừa tạo ấy.
Đối với việc cho đi, phía bên cho thì nên gọi là cúng dường, phía bên nhận thì nên gọi là bố thí và gọi người thực hiện việc bố thí là thí chủ.
2. Việc các nhà sư đi "xin ăn", tức khất thực thì có 2 mục đích.
Thứ nhất là hóa duyên. Vốn làm việc tốt thì tạo thiện nghiệp, tạo phúc, đức, nhưng nhiều người không chủ động làm, cái phúc đức của họ nghèo nên các nhà sư đi xin bố thí để giúp các thí chủ có cơ hội tạo thiện nghiệp. Việc tạo nhân duyên lành như thế nên gọi là hóa duyên.
Thứ hai là việc đi xin ăn giúp các nhà sư bỏ chấp ngã, kiêu mạn, bỏ tâm truy cầu vật chất. Dám đi xin là sẵn sàng bỏ cái tôi, bỏ cái tự kiêu tự mạn, ai cho gì ăn nấy, ngon ăn ngon, dở ăn dở, không đòi hỏi. Hóa duyên thường là khất thực (xin ăn) chứ không khất tài (xin tiền). Còn các thí chủ chủ động bố thí tài vật lại là chuyện khác.
Sư đi khất thực là vì thế chứ không phải vì đói không có gì dùng mà phải đi xin. Tiếc là giờ nhiều sư xin tiền. Có sư còn rủ rê các chúng sinh, các thí chủ đến chùa, gợi ý cúng dường bằng tiền và thu phong bì mỏi tay. Có sư mồm thì giảng, kêu gọi, khuyên là phải cúng dường, càng nghèo càng phải cúng dường, nhưng chỉ thích nhận bố thí bằng tiền. Mà gớm, thu tiền mỏi tay mà mặt còn ra cái vẻ từ bi hiền hoà.
Thật là tệ.