Âm hưởng "đề, thực, luận, kết" trong lục bát truyện Kiều
- Thứ ba - 17/12/2024 09:16
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
ÂM HƯỞNG “ĐỀ, THỰC, LUẬN, KẾT” TRONG LỤC BÁT TRUYỆN KIỀU
(Bài phát biểu của Ts Bùi Đại Dũng tại Hội thảo "Truyện Kiều - những giá trị vượt thời gian)
Mở đầu
“Đề, thực, luận, kết” là 4 phần, và cũng là 4 nội dung trong cấu trúc của thể thơ "thất ngôn bát cú", được giới nghiên cứu văn học Việt Nam thừa nhận rộng rãi trong phân tích bố cục hình thức thơ Đường. Ngoài ra, thơ Đường luật còn có các dạng: "thất ngôn tứ tuyệt", "ngũ ngôn tứ tuyệt", "ngũ ngôn bát cú"… và được coi là những biến thể của dạng "thất ngôn bát cú". Nếu vậy, phải chăng “đề, thực, luận, kết” cũng là kết cấu nền tảng của các biến thể này.
Nguyễn Du, với môi trường gia đình và bản thân thuộc tầng lớp quan chức phong kiến cao cấp, có trình độ Nho học uyên thâm, đã thấu triệt tinh hoa của thơ Đường và tinh thông niêm luật thơ Đường, để lại cho hậu thế một di sản thơ chữ Hán đồ sộ và sâu sắc. Vậy thì thể thơ lục bát bằng chữ Nôm mà đỉnh cao là Truyện Kiều của ông có chịu ảnh hưởng của cấu trúc “đề, thực, luận, kết” hay không? Và nếu có thì cấu trúc này thể hiện ra sao? Có ý nghĩa như thế nào với việc chuyển tải cảm xúc trong “câu chuyện thơ” tuyệt diệu này?
Vì nhiều hạn chế về thời gian và khả năng phân tích, bài viết xin sử dụng phương pháp phân tích định tính dựa trên trích đoạn một số khổ thơ tiêu biểu trong Truyện Kiều để trả lời cho 3 câu hỏi nghiên cứu nêu trên, theo 3 chủ đề về những khổ thơ: (i) Khái quát dẫn dắt câu chuyện, (ii) Tả nhân vật, (iii) Kết luận, bài học.
-
Về bố cục “đề, thực, luận, kết” trong Đường thi và giả định sự tương tác của luật thơ Đường với thơ Nôm của Nguyễn Du
Các nhà phê bình, nghiên cứu văn học Việt Nam khá đồng thuận về cách chia bố cục thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật thành 4 phần, gồm: đề, thực, luận, kết. "Đề" gồm 2 câu đầu tiên trong bài, có vai trò mở đầu, đề cập, thu hút sự quan tâm của người đọc. "Thực" gồm 2 câu tiếp theo, trình bày diễn giải sự kiện, sự việc, vấn đề. "Luận" gồm 2 câu tiếp theo nữa có vai trò bình luận sự kiện, sự việc đã nêu. "Kết" là 2 câu cuối, kết thúc cả bài, có thể là rút ra bài học, bộc lộ suy nghĩ, thái độ đối với sự việc.
Các nhà nghiên cứu thơ Đường cho biết, tại Trung Quốc, các nhà nghiên cứu không có khái niệm “đề, thực, luận, kết” mà sử dụng khái niệm: “khai, thừa, chuyển, hợp” với ý nghĩa khá tương tự trong phê bình, phân tích thơ. Riêng nhà phê bình Kim Thánh Thán thì chia cấu trúc dạng thất ngôn bát cú thành hai phần “cảnh, tình”. Ông cho rằng dạng thơ này có bốn câu đầu của bài thiên về cảnh, bốn câu sau nặng về tình. Một quan niệm khác chia bài thơ thất ngôn bát cú thành cấu trúc 2-4-2: Hai câu đầu và hai câu cuối bài thơ thường dành cho yếu tố thời gian, bốn câu giữa thường dành cho yếu tố không gian của sự vật, hiện tượng.
Khá nhiều nhà nghiên cứu cũng đồng thuận rằng thể “thất ngôn tứ tuyệt” được coi là dạng biến thể của "thất ngôn bát cú" đem bỏ đi bốn câu, hoặc là 2 câu đầu và 2 câu cuối, hoặc bớt một câu trong mỗi phần “đề, thực, luận, kết”, nhưng luật bằng trắc, niêm, vần... vẫn giữ nguyên. Với dạng “ngũ ngôn tứ tuyệt”, nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng, đó thực chất là bài thất ngôn tứ tuyệt đem bỏ đi hai chữ đầu ở mỗi câu, và giữ nguyên luật bằng trắc, niêm, vần. Tương tự như vậy, thể “ngũ ngôn bát cú” cũng được coi là một dạng “thất ngôn bát cú” bỏ hai chữ đầu ở mỗi câu mà thành.
Như vậy, dù một bài thơ Đường luật được viết gồm 5 hoặc 7 chữ mỗi câu, 4 hoặc 8 câu mỗi bài, thì kết cấu “đề, thực, luận, kết” vẫn có tính chi phối ngầm định. Kết cấu này thực sự logic về tính kế thừa nội dung các câu trong bài, thuận tiện dẫn dắt cảm xúc đối với người đọc, chuyển tải được chiều sâu ý nghĩa và giúp khái quát xuyên suốt từ giới thiệu nêu lên sự kiện, cho đến rút ra ý nghĩa/ bài học của vấn đề.
Gia phả dòng họ Nguyễn ở huyện Nghi Xuân cho biết, Nguyễn Du sinh năm Ất Dậu (đầu năm Dương lịch 1766) có cha là Nguyễn Nghiễm (1708 – 1775) làm quan đến chức Đại Tư đồ (Tể tướng), tước Xuân Quận công; có anh cả là Nguyễn Khản, tước Thiếu bảo, từng giữ chức Nhập thị Tham tụng (Tể tướng). Nguyễn Du thi đậu Tam trường lúc 18 tuổi, trải qua nhiều biến cố gia đình và đất nước cuối thời “Vua Lê chúa Trịnh” và giai đoạn Trịnh-Nguyễn-Tây Sơn. Ông từng muốn thoát vòng trần tục thành nhà sư Chí Hiên, đi chu du Trung Quốc 3 năm trong thời kỳ 10 năm gió bụi (1787-1797). Bản thân Nguyễn Du từng được thăng chức Cần chánh điện học sĩ (chính Tam phẩm), làm chánh sứ sang nhà Thanh, sau đó giữ chức Lễ bộ hữu Tham tri (tòng Nhị phẩm) khoảng năm 1814 thời vua Gia Long.
Nguyễn Du có 3 tập thơ chữ Hán, tổng cộng 250 bài gồm: Thanh Hiên thi tập (78 bài, giai đoạn sống lẩn tránh ở nông thôn, 1786-1804); Nam trung tạp ngâm (40 bài, thời kỳ ra làm quan với triều Nguyễn, 1805-1813); Bắc hành tạp lục (132 bài, thời kỳ đi sứ Trung Quốc, 1813-1814). Thơ chữ Hán có những kiệt tác như: Độc Tiểu Thanh kí (Thất ngôn bát cú), Sở kiến hành (Ngũ ngôn cổ phong), Long Thành cầm giả ca (Cổ phong)… Thơ chữ Nôm của Nguyễn Du có hai kiệt tác tiêu biểu: Truyện Kiều gồm 3254 câu thơ lục bát; Văn tế thập loại chúng sinh gồm 184 câu, thể song thất lục bát.
Với xuất thân, điều kiện trưởng thành và sự nghiệp đồ sộ như vậy, có thể thấy Nguyễn Du sớm được trau dồi tinh hoa văn hoá thuộc tầng lớp quan chức phong kiến cao cấp, có trình độ triết học, Nho học uyên thâm. Hơn nữa, ông còn thực sự thâm nhập vào cuộc sống của tầng lớp nghèo khổ tận đáy trong xã hội phong kiến Việt Nam và Trung Quốc. Ông từng trải và chứng kiến biết bao biến động khủng khiếp đối với bản thân, gia đình, xã hội và triều đại. Những kiệt tác thi phú mà ông để lại cho thấy tầm mức cao siêu mà ông đã thấu triệt tinh hoa của thơ Đường, tinh thông sâu sắc các niêm luật thơ Đường, vận dụng và thể hiện đến độ nhuần nhuyễn máu thịt trong các tác phẩm của mình. Vậy thì thể thơ lục bát bằng chữ Nôm mà đỉnh cao là Truyện Kiều của ông có chịu ảnh hưởng của cấu trúc “đề, thực, luận, kết” hay không? Và nếu có thì cấu trúc này thể hiện ra sao? Có ý nghĩa như thế nào với việc chuyển tải cảm xúc trong “câu chuyện thơ” tuyệt diệu này? Có lẽ đây là những vấn đề không nhỏ nên tác giả bài viết chỉ xin được đề cập với một góc nhìn hạn hẹp qua những phân tích trong phần sau.
-
Ánh xạ của cấu trúc “đề, thực, luận, kết” trong Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du
-
Những khổ thơ có tính khái quát dẫn dắt câu chuyện
Ngay từ mở đầu câu chuyện, Nguyễn Du đã viết:
1. Trăm năm trong cõi người ta
2. Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
3. Trải qua một cuộc bể dâu
4. Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Đã biết có rất nhiều lời bình về nội dung nghệ thuật của khổ thơ mở đầu này, xin không dám bàn tiếp. Tuy nhiên, cần nói thêm rằng “Trăm năm trong cõi người ta” là một lời đề tựa chính xác và cô đọng đến mức thẳm sâu cho suốt cả 3253 câu thơ tiếp theo. Trăm năm là khuôn khổ giới hạn phổ quát của đời người, nó cũng là cốt lõi câu chuyện “đoạn trường” mà tác giả ngụ ý nhắc lại lời Phật dạy: “Đời là bể khổ”. Thế nhưng bản chất của sự khổ từ đâu mà ra? Là do xung khắc giữa “tài” và “mệnh” của kiếp người chăng? Vâng, “Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”. Nguyễn Du đưa ra giả định này, cũng là thực tế cuộc sống để mỗi độc giả tự liên hệ và quán sát thực tế ấy trong câu thứ 2, câu “Thực” nói về tài/ mệnh. Rồi ngài “luận” rằng cần thiết phải “Trải qua một cuộc bể dâu” thì bản thân tác giả cũng như bất cứ ai mới có thể chiêm nghiệm được sự xung khắc tài mệnh ấy. Câu thứ 4 có vai trò như một kết luận rằng “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Lời kết luận này cũng là kết luận tổng quát của cả câu chuyện với bằng ấy nhân vật và sự kiện… cũng chỉ là minh chứng về “bể khổ” mà thôi.
Một ví dụ nữa, khổ thơ khái quát về cuộc đời Kiều mà tác giả như nhập vào chính nhân vật để thổ lộ sự phẫn uất đau đớn khi quay lại lầu xanh lần nữa:
2151. Chém cha cái số hoa đào
2152. Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi
2153. Nghĩ đời mà chán cho đời
2154. Tài tình chi lắm cho trời đất ghen
Lần này, câu “đề” dẫn dắt độc giả đến cái “số hoa đào” của Kiều. Khoa Tử Vi nói rằng, người có sao “Đào hoa” tại mệnh hay chiếu mệnh, thể hiện nét vượt trội về khía cạnh tình cảm, nhân duyên, tài năng, sắc đẹp, nhưng cũng đồng thời vượt trội về mặt đối lập là đa tình, là nghiệp duyên giăng mắc. Đối với nữ giới, sao Đào Hoa được hiểu là sẽ mang lại nhiều phiền phức đau khổ. Câu “Chém cha cái số hoa đào” không chỉ khái quát về số kiếp của Kiều mà còn thể hiện sự phản kháng đau khổ của nhân vật đã trải qua những vùi dập đớn đau, gắn cuộc đời với số mệnh “đào hoa”. Cái đa tình giăng mắc đau khổ ấy nó trói buộc phong tỏa mịt mùng đời Kiều, nhưng oái oăm thay là nhẹ nhàng như một trò đùa bỡn của tạo hoá: “Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi”. Câu “thực” là sự khái quát cao độ nhưng xuyên suốt chuỗi sự kiện đau đớn thực tế mà Kiều đã trải qua đến thời điểm ấy. “Nghĩ đời mà chán cho đời” là câu mang ý nghĩa luận bàn nhưng tràn đầy cảm xúc để đi tới kết luận: “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”.
Chỉ với 4 câu thơ là 2 cặp lục bát đã cung cấp một lượng thông tin đủ làm rung động những trái tim độc giả về cuộc đời truân chuyên của Kiều với những khổ ải trực tiếp giáng xuống bởi những con người gian manh tàn độc trong một xã hội tồi tệ, nhưng đồng thời cũng khái quát đến tầm “Đạo” đối với mối quan hệ tương tác giữa năng lực bản ngã một cá nhân (tài) với những quy luật xuất thế gian, quy luật Nhân – Quả mà tác giả tạm gọi ở đây là “trời đất”.
Kiều khi thiết lập “công đường” xử lý những kẻ độc ác làm hại mình, và đây là lời nói hay ý nghĩ của Kiều trong khi giáp mặt lại Hoạn Thư:
2359. Đàn bà dễ có mấy tay
2360. Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan
2361. Dễ dàng là thói hồng nhan
2362. Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều
Hoạn Thư, tiểu thư con quan Bộ Lại là người ghen đến mức “Đàn bà thế ấy thấy âu một người”, với cách đánh ghen “Nghĩ càng thêm nỗi sởn gai rụng rời”. Tuy vậy, giàu sang quyền lực, thâm trầm giảo hoạt như thế nhưng có đủ tay để che mặt trời không? Câu đề của khổ thơ này đã đặt ra dưới dạng một câu hỏi: “Đàn bà dễ có mấy tay”. Tiếp theo là câu nhắc đến thực tế lúc đó và hiện tại: “Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan”. Lúc đó gian ác lật mặt như bàn tay thì bây giờ có gan hứng chịu hậu quả hay không? Rồi đến luận và kết: “Dễ dàng là thói hồng nhan/ Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều”. Một câu kết đi vào lòng người đến mức hầu như mỗi người dân Việt đều có thể bật ra câu đó trong bối cảnh phù hợp.
Để dẫn dắt đến bước ngoặt chuyển đổi lớn lao trong cuộc đời Kiều, tác giả mượn lời sư Giác Duyên phán định:
2681. Xét trong tội nghiệp Thúy Kiều
2682. Mắc điều tình ái khỏi điều tà dâm
2683. Lấy tình thâm trả nghĩa thâm
2684. Bán mình đã động hiếu tâm đến trời
Tội tiền kiếp kết thành nghiệp, nghiệp sinh ra bối cảnh sướng khổ đời này. Tuy nhiên cách hành xử như thế nào trước mỗi sự kiện thực tế trong đời lại tạo nhân duyên cho giai đoạn sau, có thể tăng thêm ác nghiệp, có thể chuyển biến thành thiện nghiệp. Tác giả vận dụng hiểu biết sâu sắc của mình về Phật Đạo để viết câu đề dẫn: “Xét trong tội nghiệp Thúy Kiều”, rồi câu thực về nghiệp phải chịu: “Mắc điều tình ái” trong đời này. Tuy nhiên hành xử của Kiều trong tình ái lại “không tà dâm”. Tác giả luận trong câu 3 rằng những tình dâm duyên nợ của Kiều bắt nguồn từ động cơ “trả nghĩa thâm” khi phải bán mình chuộc cha. Rồi câu 4 kết luận rằng: “Bán mình đã động hiếu tâm đến trời”. Hành xử như thế đã tạo thiện nghiệp và đã đến lúc chuyển biến thành “Nhẹ nhàng nợ trước đền bồi duyên sau”.
-
Những khổ thơ miêu tả nhân vật
Những khổ thơ miêu tả nhân vật trong Truyện Kiều thật đặc sắc và có tính khái quát cao, để cho độc giả gần như thấy được đặc trưng cá nhân, biến động và kết cục cuộc đời của cá nhân ấy. Chúng ta hãy xem tác giả nói về Thuý Vân:
19. Vân xem trang trọng khác vời
20. Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
21. Hoa cười ngọc thốt đoan trang
22. Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da
Câu “đề” giới thiệu về Vân đã khẳng định nét “trang trọng, đoan trang” của người con gái này. Câu 2 tả thực chi tiết nhưng đồng điệu với nét đoan trang ấy: “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”. Lời bàn luận trong câu 3 được tác giả đặt thành lời của những đối tượng khách quan thừa nhận: “Hoa cười ngọc thốt đoan trang”. Còn kết luận cũng vẫn là miêu tả nét đẹp nhưng ngầm định một dự báo về cuộc đời Vân, rằng con người này sẽ có cuộc đời êm đẹp vì không có tranh chấp mà được sống trong nhường nhịn, êm ấm.
Miêu tả về Kiều lại là một so sánh ngầm định có giác độ đối lập.
23. Kiều càng sắc sảo mặn mà
24. So bề tài sắc lại là phần hơn
25. Làn thu thủy nét xuân sơn
26. Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh
Câu 1 giới thiệu nét đặc trưng của Kiều là “mặn mà” nhưng “sắc sảo”. Câu 2 tả thực chất về cái đẹp và tài năng của Kiều vượt trội hơn Vân. Lời bàn luận trong câu 3 được tác giả dành cho Kiều đến độ xuất thần nói về cái đẹp mơ mộng không hạn lượng, giống “làn nước mùa thu” và “nét núi đồi” mơn mởn khi mùa xuân tới”. Nhưng kết luận về nét đẹp sắc sảo ấy lại nhưng ngầm định một dự báo về cuộc đời sóng gió truân chuyên vì chỉ gặp ghen ghét và giận hờn.
Cũng khái quát và gợi lên nhiều cảm nghĩ ngầm định về con người nhân vật, khi tác giả giới thiệu Mã Giám Sinh:
625. Hỏi tên rằng Mã Giám sinh
626. Hỏi quê rằng Huyện Lâm Thanh cũng gần
627. Quá niên trạc ngoại tứ tuần
628. Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao
805. Chẳng ngờ gã Mã Giám Sinh
806. Vẫn là một đứa phong tình đã quen
807. Quá chơi lại gặp hồi đen
808. Quen mùi lại kiếm ăn miền nguyệt hoa
Rồi hình ảnh, tính cách, lối sống và nghiệp đời Tú Bà, cũng được giới thiệu, tả thực, luận bàn, kết luận:
809. Lầu xanh có mụ Tú Bà
810. Làng chơi đã trở về già hết duyên
811. Tình cờ chẳng hẹn mà nên
812. Mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường
921. Xe châu dừng bánh cửa ngoài
922. Rèm trong đã thấy một người bước ra
923. Thoắt trông nhờn nhợt màu da
924. Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao
Một nhân vật nữa không thể không nhắc tới là Từ Hải:
2171. Đội trời đạp đất ở đời
2172. Họ Từ tên Hải vốn người Việt đông
2173. Giang hồ quen thú vẫy vùng
2174. Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo
Câu giới thiệu đã vẽ nên hình tượng, tính cách, sự nghiệp của Từ Hải: “Đội trời đạp đất ở đời”. Và câu 2 gồm những thông tin CV thực tế: “Họ Từ tên Hải vốn người Việt đông”. Đúng là việc thực, người thực, lai lịch thực. Câu 3, tác giả chỉ bàn luận về nét tính cách nổi bật: “Giang hồ quen thú vẫy vùng”. Rồi câu 4 kết luận khái quát vẫn đậm đà tính cách nhân vật: “Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo”. Nhiều nhà phân tích liên hệ chữ “nửa gánh” và “một chèo” với sự nghiệp dở dang của nhân vật. Đây cũng là một kết luận mang tính dự báo sâu sắc mà ta có thể nhận thấy như một thủ pháp nghệ thuật đặc sắc khi tác giả miêu tả các nhân vật trong Truyện Kiều, dẫn dắt người đọc đến những dự cảm về kết cục cuộc đời nhân vật đó.
-
Những khổ thơ mang tính kết luận và bài học
Trong bối cảnh trả ân báo oán, việc Kiều xử lý những kẻ “bạc ác tinh ma” cũng được khái quát mang tính quy luật ở tầm rộng rãi hơn:
2391. Cho hay muôn sự tại trời
2392. Phụ người chẳng bõ khi người phụ ta
2393. Mấy người bạc ác tinh ma
2394. Mình làm mình chịu kêu mà ai thương
Câu đề dẫn vẫn vận dụng quy luật Nhân-Quả giúp lý giải hành động báo ân trả oán của Kiều: “muôn sự tại trời”. Câu 2 nhắc thực tế xảy ra là đã “phụ người”. Câu 3 luận là do tính “bạc ác tinh ma”, để kết luận trong câu 4 rằng họ đáng bị báo oán “chẳng có ai thương”. Trong Truyện Kiều, rất nhiều khổ thơ và câu thơ có tính kết luận và bài học như vậy, được tác giả sử dụng như một tiểu kết của mỗi tiểu đoạn.
Xét về tổng thể, những khổ thơ mang tính kết luận và bài học được tác giả sử dụng đậm nét trong phần cuối của Truyện Kiều. Với cả một trường đoạn kết luận cùng những suy ngẫm luân lý triết lý, ta có thể tách thành những tiểu đoạn mà vẫn bảo đảm nội dung độc lập tương đối:
3241. Ngẫm hay muôn sự tại trời
3242. Trời kia đã bắt làm người có thân
3243. Bắt phong trần phải phong trần
3244. Cho thanh cao mới được phần thanh cao
3245. Có đâu thiên vị người nào
3246. Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai
3247. Có tài mà cậy chi tài
3248. Chữ tài liền với chữ tai một vần
3249. Đã mang lấy nghiệp vào thân
3250. Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa
3251. Thiện căn ở tại lòng ta
3252. Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
Chắc rằng mỗi độc giả chúng ta đều cảm nhận được những bài học luân lý sâu sắc mà tác giả đề cập ở đây, nói về cái thân “phong trần” hoặc “thanh cao”; về “tài” và “mệnh” (có thể diễn giải là số mệnh hoặc nghiệp); về “nghiệp chướng” và “thiện căn”. Đoạn nào cũng khúc triết, toát lên kết cấu logic chặt chẽ giữa đề cập vấn đề, nêu cụ thể sự việc/ hiện tượng, luận giải bình phẩm, và sau là nhận định kết luận.
Khi theo suốt mạch thơ của Truyện Kiều, tuy chưa hẳn có mình chứng rõ ràng nhưng cảm nhận của tác giả bài viết này là ánh xạ của cấu trúc “đề, thực. luận, kết” hiện diện và chứa chất trong từng tiểu đoạn, từng đoạn và từng chương phần của Truyện Kiều. Có thể thấy được âm hưởng của “đề, thực, luận, kết” thể hiện trong từng khổ thơ, có thể là 4 câu, có thể là 8 câu, hoặc có khi chỉ trong một cặp lục bát 2 câu, mà câu lục đã chứa “đề thực”, câu bát bao gồm cả “luận, kết”.
Ở tầm trí tuệ và nhận thức của Nguyễn Du, có thể ông không cố ý rập khuôn theo cấu trúc hình thức nào, mà chỉ viết ra từ cái tâm sâu thẳm của trí huệ mà thành ra như vậy. Xin phép nhắc lại một nhận định rằng sự vĩ đại của Truyện Kiều hẳn phải hàm chứa trong đó sự chân thực, độc lập, lìa bỏ mọi sự tô vẽ nhào nặn, như Khổng Tử từng nói rằng: “thuật nhi bất tác” (viết mà không bịa ra điều gì cả).
KẾT LUẬN
Với cách đề cập của một người ngoại ngạch không chuyên về Văn học, nhưng kính trọng Nguyễn Du và đặc biệt yêu thích Truyện Kiều, xin được bàn trong phạm vi bài viết những cảm xúc của cá nhân về dự cảm mối liên hệ giữa cấu trúc “đề, thực, luận, kết” của thơ Đường luật với thể Lục Bát của Nôm Truyện Kiều.
Có lẽ đây là một vấn đề không nhỏ để dễ dàng đưa ra một nhận định, đánh giá cụ thể. Cần có những nghiên cứu chuyên sâu và thoả đáng hơn giúp làm rõ được giả định này. Đề nghị các nhà nghiên cứu văn học nói chung và các nhà Kiều học nói riêng giúp đỡ và ủng hộ một hướng nghiên cứu mở rộng cho vấn đề này.
Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 2024
TS. Bùi Đại Dũng