"Gọi mùa" - Gọi những yêu thương

"Gọi mùa" - Gọi những yêu thương
Tôi gọi tập thơ “GỌI MÙA” của Phạm Minh Châu là Tập thơ của Yêu Thương. Xuyên suốt hơn năm mươi bài của tập thơ là những tình yêu thương ấm áp dịu dàng dành cho gia đình, bạn bầu, mái trường cùng bao lứa học trò thương mến.

(Ảnh: Nhóm Văn Búp đang đọc tờ Thời báo Văn học nghệ thuật - 11/2020) 



GỌI MÙA” – GỌI NHỮNG YÊU THƯƠNG
(Nhà văn Bùi Thị Biên Linh)
  
Tôi gọi tập thơ “GỌI MÙA” của Phạm Minh Châu là Tập thơ của Yêu Thương. Xuyên suốt hơn năm mươi bài của tập thơ là những tình yêu thương ấm áp dịu dàng dành cho gia đình, bạn bầu, mái trường cùng bao lứa học trò thương mến.
 
Minh Châu là người con gái xinh đẹp thảo hiền của vùng quê bạt ngàn sắc lúa. Khi chồng cô được chuyển về đảm nhận vị trí khá quan trọng của lực lượng Hải Quân Việt Nam, Châu đã cùng chồng về miền đất cảng. Thành phố Hoa phượng đỏ là nơi ghi dấu những đam mê sáng tạo của người sĩ quan kỹ thuật; cũng là nơi cho cô giáo trẻ dệt những ước mơ trong mỗi mùa cần mẫn gieo trồng trên cánh đồng tri thức. Tình cảm gia đình; tình bạn bầu, tình yêu mái trường đã lắng đọng thành những đằm thắm chắt chiu trong từng con chữ. Châu vốn có năng khiếu sáng tác từ thưở ấu thơ; 12 tuổi, cô bé Phạm Minh Châu đã trở thành học viên lớp Năng Khiếu Sáng Tác dành cho thiếu nhi của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Bình. Những câu truyện, bài thơ của cô đã được giới thiệu nhiều trên các báo, đài.
 
Tài năng phát lộ sớm đã cho Châu có cơ hội học tập với những nghệ sĩ tên tuổi trên cả nước để cô trau dồi thêm cách viết. Điều này để lại dấu ấn rõ nét trong tác phẩm của Minh Châu. Từ cách tìm tứ thơ, thi liệu, ảnh hình, giọng điệu... đều mang dấu ấn Riêng: Ngọt ngào, ấm áp.
 
Người đọc gặp trong thơ Minh Châu một Trái Tim Yêu đong đầy pha lẫn niềm tin niềm tự hào trước những công việc luôn bận mải, nhiều ý nghĩa của người chồng - người chiến sĩ hải quân - nhà khoa học về Chiến lược Hải quân. Trong bài thơ Nơi em về làm dâu, cô viết:
 
“Nơi anh đón em về là khoảng trời trong xanh 
Bên dòng Lạch Tray mênh mang cuồn cuộn chảy 
Tuổi trẻ anh đã thuộc về nơi ấy 
Cùng đồng đội mình viết tiếp những bài ca”
 
Người phụ nữ ấy thấu cảm những công việc lặng thầm nhưng ý nghĩa lớn lao của những người chiến binh ngành Kỹ Thuật Hải quân, trong đó có người mà cô yêu thương nể trọng:
  
“Những con tầu đi tìm bờ bến mới 
“Người Suy Tưởng” thâm trầm với khát vọng vươn xa.
Nơi em về sóng hát mãi bài ca 
Về biển xanh và những người thiết kế  
Bao đêm khuya miệt mài trăn trở
Để phôi thai hình hài những con tầu”
 
Đó còn là những dòng thơ trìu mến trân trọng về những nỗ lực dựng xây, cống hiến của Anh cùng đồng đội từ buổi bạn đầu gian khó để có Viện Kỹ thuật Hải Quân phát triển, vươn xa. Nơi ấy đã ghi dấu tâm sức và trí tuệ của Anh, ngày chia tay sau 25 năm gắn bó cùng bao lưu luyến bâng khuâng của Anh: 
 
“Hai mươi lăm năm tuổi trẻ say mê 
Cùng đồng đội viết tiếp dòng lịch sử 
Những thất bại, thành công, tương lai, quá khứ 
Viện Kỹ Thuật Hải Quân đã là một gia đình”
 
Người ta nói: Cội nguồn của thơ là Cảm xúc. Những bài thơ của Phạm Minh Châu luôn là như thế. Nó khởi nguồn từ yêu thương dành cho những người thân yêu. Những lời thơ trong veo âu yếm khi viết về cháu cùng biệt danh thường gọi ở nhà là Ngô, Khoai, vừa hồn hậu vừa dí dỏm:
 
Ngô, Khoai Cách Cách 
Yêu quá là yêu 
Sớm sớm chiều chiều 
Vui chơi múa hát 
 
Bài thơ Nghe Bé Thỏ Kể Chuyện Tích Chu cũng đáng yêu không kém:
 
Hôm nay trời mát 
Thỏ kể Tích Chu 
Cái mỏ chim cu 
Líu lo ngọng nghịu 
Hương hoa dìu dịu 
Lẫn vào chuyện xưa 
Thỏ kể say sưa 
Bà nghe sung sướng”
 
Niềm vui khi nhìn những hậu duệ đáng yêu từng bước lớn khôn là niềm hạnh phúc của bà của mẹ. Tình yêu, nỗi nhớ con giữa mùa mẹ phải đi chiến dịch chống Covid19 không thể về trong ngày sinh nhật con yêu tròn hai tuổi của cháu gái trên facebook cũng khiến Minh Châu đồng cảm xót xa: 
 
“Ôi con tôi thơ bé 
Con chưa hiểu được đâu 
Lòng mẹ bao lo âu 
Yêu thương con tha thiết”
 
Nếu thơ viết về gia đình của Minh Châu thiên về sự mộc mạc để diễn tả những yêu thương máu thịt đong đầy, thì thơ cho bạn bầu của cô là những Tâm tình được thi vị hoá thành những vần thơ giầu hình ảnh. Minh Châu ân tình với bạn bầu trong cuộc dời cũng như trong mỗi trang thơ. Cô đồng cảm với nỗi lòng của bạn trong những đầy vơi xa xót phận người:
 
“Tình yêu sương khói mong manh 
Trái tim thổn thức nén thành nỗi đau”
 
Hay:
 
“Miền đất ngọt lành lắm nắng nhiều mưa 
Đã tặng anh những niềm vui khi em lạc bóng 
Để bây giờ mang tình yêu sâu nặng 
Em biết lối nào tìm lại nơi anh”
 
Châu viết nhiều thơ tặng chị em bầu bạn. Viết để sẻ chia, viết để nói giùm tiếng lòng của bạn. Dưới nhan đề bài thơ thường hay có lời đề tặng. Thông điệp này như thứ của Tin yêu chân thật ân tình tỏa ra từ câu chữ của bài thơ... Rõ ràng là thơ viết cho một người mà nhiều người đọc lại thấy bóng dáng mình trong đó. Sự kỳ lạ ấy chỉ có thể cắt nghĩa bằng tài năng, khái quát từ sự thực thành hiện thực từ tình cảm cá nhân thành quí luật tâm hồn. Hơn hết, nó xuất phát từ trái tim biết đồng cảm chân thành: 
 
“Anh đi rồi mang theo những thương yêu 
Những dự định khát khao khắc khoải 
Để dòng sông hao gầy giữa dòng đời mê mải 
Sóng vẫn cồn cào tìm đến phương anh” 
 
Hoặc 
 
“Em trả anh về với Tây Nguyên tháng Ba 
Hoa nở trắng những vạt đồi mơ ước 
Nhưng em chẳng thể nào tìm lại được 
Một chút mong manh thơ trẻ buổi mai về”
 
Nhân kỷ niệm 30 năm ngày ra trường Phổ thông trung học, bạn bầu từ khắp miền về hội ngộ, Phạm Minh Châu đã ghi lại những phút giây ấy bằng thơ:
 
“Kỷ niệm tìm về thời gian qua mau 
Ôi những được thua buồn vui còn mất
Những bon chen giữa dòng đời rất thật 
Ta vẫn giành cho nhau chút trong mát trong đời”
 
Sau những thăng trầm của Kiếp Người; bầu bạn về bên nhau tìm lại một thời sôi nổi hồn nhiên - tìm lại khoảng xanh trong của “Một thuở Thanh Xuân”:
 
“Kỷ niệm xưa xanh mãi một màu 
Dù tóc ta đã lẫn cùng sương khói 
Dù ánh mắt đã đượm buồn mệt mỏi 
Ta vẫn gọi nhau tìm lại một thời” 
 
Như mối Duyên Lành - duyên văn chương chữ nghĩa; sau gần 40 năm chia xa; mùa hè năm 2019, các thế hệ Búp Trên Cành lại cùng nhau tụ hội về khu nghỉ dưỡng có tên gọi Vườn Vua để ra mắt sách của các thành viên và cuốn sách chung của nhóm, Châu đã viết những câu thơ chan chứa ân tình:
 
“Một lứa bên Giời” từ thuở Búp non xinh 
Duyên bút mực cho chúng mình gặp gỡ 
Câu thơ xưa bao vụng về bỡ ngỡ 
Chỉ yêu thương còn mãi đến bây giờ”
 
Bài thơ Mừng Sinh Nhật Bạn là một bài thơ hay trong gia tài thơ phong phú của Minh Châu. Có nhiều câu thơ hay, gợi niềm nuối tiếc bâng khuâng trước “Thời gian qua kẽ tay, làm khô những chiếc lá”
 
Cùng thêm một tuổi nữa rồi 
Nhìn nhau xa xót Bạn - Tôi chớm già 
Ngậm ngùi nhặt chiếc lá đa 
Mùa thu chở tuổi trẻ ta về trời”
 
Có nhiều nét lắng sâu gợi những luyến lưu cho người đọc khi nâng tập thơ Gọi Mùa - đặc biệt là khi đọc: 
 
Những câu thơ da diết
 
Nhiều bài thơ của Minh Châu hay có những câu đề từ rất giầu sức gợi. Thông thường, trong một tác phẩm văn học, lời đề từ đặt ở ngay phía dưới nhan đề của tác phẩm. Ngắn gọn nhưng có vai trò định hướng, gợi mở giúp người đọc thuận lợi trong việc khám phá, thẩm thấu những điều lắng sâu gửi gắm bên trong. Có người ví: “Lời đề từ như một tấm biển chỉ đường”. Hẳn nhiều người từng nhớ đến câu đề từ trong Tràng Giang của Huy Cận “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài” nhiều hơn là nhớ những câu thơ tài hoa trong bài thơ ấy. Nhiều nhà thơ, nhà văn hay đề từ trong tác phẩm của mình như Nguyễn Tuân, Huy Cận...
.
Cách trình bày như thế trong xu hướng thơ ca nay tuy không còn là Độc, là Lạ nhưng nó vẫn phát huy được rất nhiều hiệu quả thẩm mỹ nghệ thuật. Thử điểm lại những câu đề từ trong một số bài của Phạm Minh Châu để thấy nét đặc biệt trong bút pháp nghệ thuật của cô giáo làm thơ này. Bài Phượng Vàng có lời đề từ “Có người nói tặng tôi tấm ảnh chụp phượng vàng ...rồi quên”; Bài Rằm Tháng Giêng “Hôm nay có bao nhiều lời yêu về trời”; Bài Lập Đông “Mai quê mình lập Đông” - Có người xa quê nhắn cho tôi”; Với Tháng Giêng Vô Tình: “Chị tôi thêm một lần lỡ hẹn” ... tôi coi đó là nét duyên riêng của người cầm bút. 
 
Có lẽ thơ Phạm Minh Châu ám ảnh và da diết là bởi những bài thấp thoáng bóng dáng người Bạn - người đã gieo vào lòng Ta (nhân vật trữ tình) một tình cảm xao xuyến, ngọt ngào, một bồi hồi, khắc khoải nhớ mong. Rồi cũng từ đó xa biền biệt. Những lời xưa gửi lại gió, trăng rồi. Người đã xa xôi nhưng bóng hình Ai đó cùng kỷ niệm xưa vẫn như hiện hữu trong tâm tưởng. Bài thơ Phượng Vàng là một trong những bài như thế. Phượng đỏ xưa nay quen thuộc lắm nhưng Phượng Vàng thì lạ lùng mơ ảo! Ngay phần đề từ của bài thơ đã là một câu gợi về kỷ niệm, gợi về da diết “Đã từng có người nói sẽ tặng tôi tấm ảnh Phượng Vàng ...rồi quên!”
 
Loài hoa ấy là thực hay là biểu tượng cho sự quí giá trong mộng tưởng, nó có họ hàng gì với Lá Diêu Bông mà thơ Châu diết da đến thế?
 
“Phượng Vàng rụng hết rồi anh 
Và lời hẹn cũng tan thành khói sương 
...
Chỉ còn lại một mình ta...
Và héo úa...
Với màu hoa lìa cành
Như tình yêu vốn mong manh 
Như chùm hoa thoắt đã thành mây bay 
Ai về nơi ấy chiều nay 
Cho tôi gửi lại quãng ngày dấu yêu”
 
Trong bài thơ Không Đề, Châu viết:
 
Ai làm anh quên em rồi 
Miếng trầu cánh phượng rã rời cau khô”
 
Nghe như có chút nhẹn ngào hờn dỗi, bởi:
 
“Lời yêu vứt bỏ giữa đàng 
Trách ai bạc bẽo phũ phàng hơn vôi”
 
Thơ là tiếng nói của trái tim. Nếu tiếng nói ấy là chân thành, nó sẽ tìm được sự đồng điệu của những trái tim độc giả. Hãy đọc bài thơ Rằm Tháng Giêng cùng lời đề từ “Hôm nay có bao nhiêu lời yêu về trời” gợi nhiều bâng khuâng để chiêm nghiệm:
 
“Gửi vào những sợi tơ trời 
Một niềm nhớ với muôn lời thương yêu”
 
Và 
 
“Ơi người trộm nhớ thầm mong
Mưa xuân thao thiết tiếng lòng đơn côi 
Câu thơ viết thả lên trời 
Làm sao đem đến với người ta yêu”
 
Rằm tháng Giêng, người ta thường chọn những câu thơ hay thả lên trời. Những câu thơ mang theo ước vọng khát khao. Trong những khao khát ấy có bao phần là tình yêu hạnh phúc? 
 
Thơ Châu có hình ảnh trong trẻo dịu hiền nhưng những cảm xúc, những thi liệu lại khơi lên ám ảnh cho người đọc. Nhiều bài thường xuất hiện đại từ Ai mang ý phiếm chỉ. Chỉ một từ thôi nhưng gợi về một Bóng Hình trong tâm tưởng. Là một cõi của tiếng lòng luôn dõi theo, luôn đau đáu hướng về. Nó gợi ra cả một miền hoài niệm dấu yêu:
 
Miền Bắc lập Đông rồi ai có nhớ không ai?
Tuổi thơ chúng mình mong manh áo vải 
Đường đi học xa, bàn tay tê cóng 
Lạnh buốt nụ cười tím ngắt bờ môi”
 
Tất cả đã xa rồi, vẫn đong đầy xuyến xao nhung nhớ:
 
“Lập Đông rồi giờ Ai ở đâu?
Giữa miền nắng bốn mùa hoa nở 
Có khi nào chạm vào nỗi nhớ 
Khi vô tình nghe đài báo Lập Đông ...!”
 
Có một nơi sâu thẳm của tâm hồn, người viết vẫn dành cho khoảng ký ức tuổi học trò hồn nhiên, những xuyến xao của một thời “hoa phượng ... hoa phượng cháy một góc trời như lửa”. Để rồi xen vào khoảng trong trẻo ấy là những bâng khuâng tiếc nuối mãi một thời:
 
“Tháng Mười Hai về cho lòng ai phân vân 
Quà giáng sinh năm xưa Ai còn giữ 
Trong tiếng chuông ngân như lời trách cứ 
Chúa nhân từ nhưng mình vẫn chia xa”
 
Đọc thơ Châu, thấy bóng hình Ai kia ẩn hiện trong mỗi khoảnh khắc thời gian hiện hữu của tháng năm; Ai đó luôn là cớ sự, là nguồn cơn gợi về kỷ niệm: 
 
“Ơi người đã xa rét ngọt nắng hạnh 
Tháng Mười Hai sắp về trong nỗi nhớ 
Tháng Mười Hai thì thầm nhắc nhở 
Có một người rất mong tháng Mười Hai”
 
Trong số những bài thơ trữ tình bay bổng của mình, Ngọc Châu đã dâng tặng độc giả những bức tranh thơ Độc Lạ, tươi sáng được vẽ bằng ngôn ngữ thi ca qua những từ giầu sức tạo hình. Lại nhớ đến Hàn Mặc Tử với những khát khao diết da hy vọng:
 
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó 
Có chở trăng về kịp tối nay?”
 
Những vần thơ trong mát ân tình
 
Người đọc gặp một khoảng trời Thu trong mát xôn xao sắc màu trong bức tranh Thu tươi sáng nơi miền Tây Bắc xa xôi:
 
“Ruộng bậc thang lúa vàng rười rượi 
Hoa mua tím hồng trên thảm lá xanh”
 
Giữa khung cảnh nên thơ, thiên nhiên tôn lên vẻ đẹp của con người. Con người làm sống động cho thiên nhiên:
 
“Em ước lúc này được nắm tay anh 
Giữa thung lũng vàng như đôi bướm trắng 
Trời thẳm xanh, suối reo trong tĩnh lặng 
Mình như nốt nhạc trầm xao xuyến giữa bao la”
 
Phạm Minh Châu và thơ cô là thế. Yêu thương, đằm thắm sâu sắc mà không mất đi những tươi non trong trẻo - nhất là chùm thơ viết cho học trò.
 
Châu là người Nông Dân chăm chỉ cấy cầy, bón chăm trên cánh đồng tri thức. Vất vả nhọc nhằn để gặt hái không ít niềm hạnh phúc trước sự thành công của bao lứa học trò. Người lái đò gom góp rồi hào phóng truyền trao những hạt vàng tri thức cho bao thế hệ. Kỷ niệm của tình thầy trò thân thương nhắc nhớ:
 
“Tháng Năm mùa thi, tháng Năm chia phôi 
Màu mực tím cuộn theo sông ra biển 
Trang vở học trò - hằng số thương lưu luyến 
Tháng Năm mùa về, giông chuyển cuối trời xa“
 
Trong bài Giã Bạn, cô giáo ấy đã viết thay tâm tư của những cô cậu học trò tuổi 14-15:
 
“Tháng Sáu nhiều thương nhớ thế 
Cổng trường khép lại sau lưng 
Buồn vui gấp vào trang vở 
Bài thơ bỏ dở giữa chừng”
 
Với Minh Châu, tình yêu dành cho học trò luôn là mạch nguồn của những vần thơ trong trẻo. Ai đã từng đứng trên bục giảng, gắn bó đời mình với phấn trắng bảng đen sẽ không bao giờ quên giờ lên lớp đầu tiên vụng về bỡ ngỡ, sẽ không thể quên lứa học trò đầu tiên mình chủ nhiệm và dạy dỗ. Minh Châu có những câu thơ đầy xúc động viết cho khoá học trò đầu tiên ở thành phố cảng sau 20 năm ngày cô trò gặp lại:
 
“Bỏ lại đằng sau bao nỗi đầy vơi 
Ta tìm về bến sông xưa tình bạn 
Dòng nước mát trong chưa bao giờ cạn 
Vẫn chờ ta tha thiết ở nơi này”
 
Với nhà giáo yêu học trò và tâm huyết với nghề đến độ dạt dào sâu sắc lắm mới có thể, trải bao tháng năm vẫn nhớ tên nhớ sở thích cũng như ưu khuyết của các trò Những bài: Vè nói Ngược, Chuyện vui cho đàn Nhân Thân (lứa học trò tuổi Khỉ) hay Cho những đàn Ngựa Xanh (khoá học trò tuổi Ngọ). Đọc từng câu vè mộc mạc, cảm nhận được tấm lòng yêu trò vô bờ bến của cô dành cho các con. Trò yêu kính và biết ơn cô - Đó là phần thưởng đáng tự hào của mỗi mùa gặt hái. Đó là “Một quãng đời lung linh bao nỗi nhớ” là “Những dòng thơ đẹp nhất cuộc đời” của cô giáo Minh Châu tài năng, tâm huyết.
 
Dù viết về ai, viết cho ai, thơ của Phạm Minh Châu cũng là tiếng “Gọi mùa” yêu thương, của những “DẤU YÊU GỬI LẠI,” nó có từ cội nguồn, nơi yêu thương “ấm nồng dịu ngọt!”:
 
“Tấm thảm vàng lá hoa 
Đón nàng Thu dạo bước 
Lắng nghe từ khoảng lặng 
Tiếng Gọi Mùa yêu thương 
 
Bùi Thị Biên Linh