Nguyễn Diệu Liên - Lửa và sóng thầm trong "Nỗi nhớ nghiêng"
- Thứ ba - 04/01/2022 20:34
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
NGUYỄN DIỆU LIÊN – LỬA VÀ SÓNG THẦM TRONG “NỖI NHỚ NGHIÊNG”
(Đọc “Nỗi nhớ nghiêng” Tập thơ của Nguyễn Diệu Liên - NXB Hội Nhà văn Việt Nam, 2021)* Nhà thơ KIM CHUÔNG *
Trong đội ngũ các nhà văn mang tên “Nhóm Búp” Nguyễn Diệu Liên là lứa “em Út” của “Lớp đào tạo bồi dưỡng các em thiếu nhi có năng khiếu sáng tác Văn học của Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình, những năm 1976 - 1990”.
Sau khóa Nguyễn Diệu Liên, (1984 - 1986), nơi “Cửa Khổng Sân Trình” của cơ quan Văn học Thái Bình còn tiếp tục duy trì công việc chọn lựa, đào tạo, bồi dưỡng những mầm non văn chương của “Đa Cương hương” đất cổ. Của quê hương nhà Bác học Lê Quý Đôn. Của miền Sơn Nam hạ thuở nào, tới ba, bốn mùa hè, xa nữa.
Gọi Diệu Liên là “em Út” bởi Nữ Nhà giáo - Thi sĩ này, vừa trẻ nhất, lại là “môn sinh” khóa áp cuối, vừa công bố trước công chúng rộng lớn, ấn phẩm thơ “Nỗi nhớ nghiêng” góp vào “gia tài Văn chương” của nhóm “Văn Búp” một hạt thơm mùa gặt. Một chân dung, dáng vẻ. Một giọng điệu, cái nhìn. Một khoảng xanh lấp lánh của dòng chảy văn học đương đại Thái Bình, trước biển lớn thi ca đất nước.
Thật khó thay! Sau Trần Huyền Tâm, Bùi Thị Biên Linh, Phạm Hồng Oanh, Nguyễn Thúy Hằng, Lã Bắc Lý, Nguyễn Thị Toán, Phạm Minh Châu, Nguyễn Diệu Liên… Rồi, ba bốn tác giả khác nữa. Có thơ. Có Tiểu thuyết. Có cả Lý luận Phê bình, đang chờ cơ hội trình làng ... Thì, gần chục “Tiểu minh tinh” trong vầng quang ấy, trước hơn mười năm, hơn hai trăm “bóng dáng văn nhân,” đi qua “Lớp đào tạo, bồi dưỡng” tháng năm kia? Quả là “hạt vàng” quý hiếm, trong công cuộc nhọc nhằn, tìm vàng, đãi cát.
Vâng. Văn chương là thế. Thực ra, trên trái đất này, chẳng trường lớp nào có thể đào tạo được nhà văn. Bởi, mỗi nhà văn là một vũ trụ riêng biệt. Họ là những tài năng đơn nhất. Họ chiến đấu đơn thương độc mã với trang giấy. Với cuộc đời. Với cuộc cá cược nghiệt ngã ở bến bờ, đổ mồ hôi, sôi nước mắt, mà có khi, chỉ đứng nhìn cái đem về là vô hình, vô ảnh …
Nguyễn Diệu Liên, Nữ Thi sĩ quê miền biển Diêm Điền, dáng thư sinh, hiền thục này, được vinh dự “mời về Lớp” cũng giống như hầu hết các cây bút khác. Diệu Liên là Học sinh giỏi của tỉnh. Học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia.
Với nét thông minh, mẫn tiệp ở gương mặt sáng đẹp, Diệu Liên giàu phong thái thi nhân. Giàu phẩm chất người thầy. Giàu sự mát lành, ấm áp trong chiều sâu cất giấu.
Điều đặc biệt với Diệu Liên, với đội ngũ các “Nhà văn nhóm Búp”. Đấy là, Nguyễn Thị Toán và Nguyễn Diệu Liên là hai chị em ruột. Là “Nhị kiều” thật yêu kiều, duyên dáng, đều về dự Lớp Đào tạo, bồi dưỡng sáng tác văn chương của Thái Bình. Đều là Nhà giáo - Thi nhân, có những thành tựu ấn tượng trong sáng tác văn học và trong sự nghiệp trăm năm cao cả: “Trồng Người!”.
Gần bốn chục năm sống, gắn bó với Thái Bình, tôi có những ngày trẻ trung, hăm hở, khoác vai Phóng viên của “Tờ Tạp chí Văn” đến với các vùng đất. Không ít lần trên đường “điền dã”, về với Cảng Diêm Điền, quê sinh Nguyễn Diệu Liên. Những lần vào thăm nhà Liên. Những lần làm việc với Ban Giám đốc “Xí nghiệp Thảm xuất khẩu Thanh Xuân”. Làm việc với ông Nguyễn Đồng Bi, lãnh đạo của Xí nghiệp, thân phụ của hai “Ả Tố Nga - Nguyễn Thị Toán, Nguyễn Diệu Liên: “Thi sĩ”.
Một thời trẻ, không ít lần, tôi rất vui được cùng ông Nguyễn Đồng Bi nâng ly, say sưa đàm đạo chuyện Đời, chuyện Văn. Tôi quý ông. Trân trọng ông, ở sự nhiệt thành, chân phương, lịch lãm. Ở cái “Đức” của lớp người một thời mang cái Đẹp của sự trắng trong, giàu nhiệt huyết cách mạng. Giàu tình thương yêu gia đình, bạn bầu, và quê hương, đất nước.
Thật tự hào, Nguyễn Thị Toán - Nguyễn Diệu Liên đã đi từ nguồn khơi của một miền đất Biển với truyền thống gia đình, gia phong, hiếu học.
Là người giỏi Toán, trưởng thành từ trường Chuyên của huyện, của tỉnh, của trường Đại học Sư phạm Quốc gia. Bây giờ, Nguyễn Diệu Liên đã và đang làm một người Thầy ở Hà Tây. Rồi, ở trường cấp Ba, đất Thăng Long - Hà Nội, với bao lứa học trò, đi qua gần ba mươi năm “mùa phượng đỏ”.
Năng lực “Toán và Văn” trong một con người. Rồi, tài Hội họa nữa. Những phẩm chất ấy đã quyện hòa, kết tinh trong Liên, làm nên nét riêng: Nguyễn Diệu Liên - Một gương mặt Nhà giáo - Nghệ sĩ.
Đọc “Nỗi nhớ nghiêng” của Nguyễn Diệu Liên, tôi bị cuốn ở bài thơ “Hoa nở người không hái”. Một cái cảm, cái nghĩ lạ.
Một cái “Cái Tứ” lớn bao trùm, hàm chứa một cái Đẹp, cái cao cả, thánh thiện. Cái mê đắm, khát khao, của: “Người ơi, trong mộng mơ và thi vị” thế này:
Hoa đã nở sao người không đến hái?
Lại mang về mấy trái sầu riêng
Thôi đành vậy! Sao sầu chung được nữa?
Mắt dẫu buồn
hoa vẫn cứ tỏa hương.
“Ồ. Là thế! Hoa đã nở đấy!” Nhưng, là hoa nào kia chứ? Đâu phải hoa thiên nhiên? Là Hồng, là Lan, là Huệ... Nó là sắc hương ở người tương phùng, ta yêu thương, hẹn đợi. Là Hoa, có từ cơ duyên, “liệu có gì chăng, trong đôi ta, trong duyên nợ ba sinh?”
Và. Hoa ở đây, đã là hoa của Thi ảnh. Là người ta yêu, với tiếng gọi, hay lời giận hờn: “Hoa nở, sao người không đến hái?”
Mà, nói vậy thôi “Người ơi, đừng hái, nhé!”
Bởi vì:
Người không hái vì người yêu thương quá
Người sợ tan một chấm đỏ bên trời
Người đứng ngắm lặng chìm trong giông gió
Nghe góc hồn
nhè nhẹ sắc hương… trôi !
Với mâu thuẫn đối lập từ ngay trong nội tại, khi: “Người không hái, vì người yêu thương quá” dường như là vô lý, là kỳ lạ nữa. Rồi, với lối bỏ lửng, khi cái kết của câu thơ thực sự làm nên “cái Đế” làm nên sức bật, sức vang của vệt loang thấm, chảy dài. Rằng, trước gió giông, “Người ơi! Ta tự nén cầm. Ta tự nhấn chìm Ta. Xóa bỏ Ta. Trong yêu thương, khao khát. Mà, giữ lấy cái trong xanh, nồng đượm. Bởi ta sợ, “Sự hái. Sự tan rồi” nó sẽ dễ mất đi sau mưa nguồn, chớp bể…
Vâng. Mỗi nhà thơ với mỗi thi phẩm hiện diện, Thơ hay, thường gặp ở nhiều phía soi nhìn. Có bài hay ở cái Cảm. Ở hình ảnh, hình tượng. Ở cách nhìn, cách nghĩ… Ở “Nỗi nhớ nghiêng” của Nguyễn Diệu Liên, có thể thấy cái hay, ở hiệu quả, hiệu ứng, ở lối Gợi, với kết cấu mở, và ý tưởng vang sâu.
Thơ Nguyễn Diệu Liên giống như sợi tơ trời mong manh, nhẹ thoáng. Thơ như gợn ao thu, xanh, vẻ mơ màng. Thơ của cơn mưa đã ào ạt qua rồi, chỉ còn ngơ ngác của cái nhìn tươi non. Của cái nắng đâu đây vụt lóe. Của hương sắc lặng thầm tỏa dịu… Thấy đấy, mà đâu dễ gọi tên.
Nhà văn Nguyễn Tuân từng định nghĩa rất hay, rằng: Văn chương là gì? “Là sinh Sự, Sự sinh”. Người gặp cảnh này, sự này. Sự sinh cảnh này. Cảnh sinh sự này. Rồi, tâm trạng sinh ra: “ái, ố, hỷ, nộ”… Cứ thế, cứ thế… mà sinh ra bao chuyện buồn, chuyện vui, chuyện bi hài, đủ dạng…
Ở “Nỗi nhớ nghiêng” thơ Nguyễn Diệu Liên là một “kiểu sinh sự”. Người viết ít hướng ngoại. Ít bám vào việc, vào cảnh, mà gõ, mà va đập, đánh thức. Mà nghe cái Sự…tiếp tục “Sự sinh”… Ngõ hầu dẫn đến những tâm tình, tri kỷ.
Hai bài viết về Chùa Keo là chùm thơ hay theo thể thơ Lục bát. Là lối hẹp, là “cái link” trong lối khai sáng thơ, ít thấy ở Nguyễn Diệu Liên. Ở dạng tái tạo và sáng tạo này, Diệu Liên bám lấy cái cụ thể để trực tả. Bám lấy cái bên ngoài làm nên sự cứu cánh.
Ví như:
Chùa Keo thấm đẫm hồn quê
Bên sông Hồng, nước vỗ về triền miên
Chuông ngân trút hết ưu phiền
Khách hành hương nhẹ bước miền phương xa
(Lễ hội quê ta)
Hoặc: Khi “Trở lại Tháp Bà” một địa danh có tên, có bóng hình cụ thể, thì bức tranh cũng chỉ là nét mực nước, phác họa trong cái “thi trung hữu họa” thật nhẹ mờ:
Lô xô gạch xếp thành tháp cổ
Liêu xiêu cành lá ngả theo cùng
Chùng chình níu bước chân du khách
Bất chợt lạ lùng, bất chợt say.
Hoặc:
Gió thổi mạnh nghiêng ngôi tháp nhỏ
…
Đây Tháp Bà chốn cũ ngày xưa.
Rõ ràng, mô tả về chùa Keo hay Tháp Bà, với những hình ảnh “Sông Hồng, với tiếng Chuông, với du khách”. Với, “Gạch lô xô, liêu xiêu cành lá… Rồi, gió. Rồi, gì nữa?… Nhưng, thực tình, khó mà tìm, mà truy, mà thấy ở cái gặp nơi con mắt ngắm trông của Nguyễn Diệu Liên.
Nhiều người viết, đi theo cái cụ thể. Lấy cái cụ thể, cái nhất niệm để “hình tượng hóa”, “khái quát hóa”, “trừu tượng hóa”… Rồi, lại quay về “cái cụ thể hóa”, “cá thể hóa”… mà biểu cảm, đồng hiện. Nhưng, với Nguyễn Diệu Liên thì, từ “trừu tượng đến trừu tượng”… để rồi, lại mở ra “trừu tượng” tiếp, mông lung hơn thế.
Đây, không phải nhược điểm của thơ. Nó là sở trường, sở đoản. Là cái cách, vốn “tự nhiên như thế” của mỗi nghệ sĩ sáng tạo.
Hãy đọc, hầu hết trong “Nỗi nhớ nghiêng” mà thấy, mà tin. Nguyễn Diệu Liên chỉ bám vào hồn mình, “sinh sự với hồn mình” để tìm mình trong cái cảm. Người viết ít khi hướng ngoại. Đôi khi, ngỡ, chẳng cần bám vào đâu. Thì, lúc ấy, chính là, “Người ơi, ta đang bám vào cái chông chênh, cái lảng bảng, cái khói sương, thấp thoáng, trong ta vậy”…
Thơ Nguyễn Diệu Liên là những gợn sóng của sự run rẩy góc hồn, mà diết da, quyến rũ.
Hãy đọc:
Thanh tân quá mà tinh khôi quá đỗi
Bồng bềnh trắng như mây giăng ngập lối
Hoa đến rất nhanh mà đi cũng vội
Khiến mùa đông Hà Nội ngẩn ngơ tìm.
(Mùa đông Hà nội)
Hoặc, với “Mùa thu yêu thương”:
Yêu khoảng trời xanh ngăn ngắt, trong lành
Yêu những cánh chim chao nghiêng bay về miền cổ tích
Yêu những giọt vui cứ ríu ra ríu rít
Những tiếng gọi bầy níu giữ khúc nhạc thu.
Hoặc, trước“Ngôi sao đơn lẻ”:
Bất chợt một ngày
ta gặp vì sao rơi
Nằm lặng lẽ
nơi cánh đồng lúa chín
Sao hoang mang
vì thấy mình không sáng
Sao thì thầm ...
như nhắc nhớ
Người đi….
Hoặc, trong bài “Rượu và trăng”:
Uống rượu không có bạn
Nâng chén mời ánh trăng
Một mình với chiếc bóng
Thành một đôi tri âm
Uống rượu không có bạn
Nghiêng chén cười với trăng
Cạn hết ly rượu tràn
Lãng mạn vào giấc ngủ
Và:
Đã biết rằng
hạnh phúc quá mong manh
Thì chúng mình phải nắm chặt tay nhau để đừng bao giờ đi lạc
Nhưng đường trần giống như là bản nhạc
Cung bậc bổng trầm, ai tỏ nỗi nông sâu...
(Đã biết rằng)
v.v … và .v.v…
Thơ Nguyễn Diệu Liên là cái “Say trong Tỉnh”. Thơ, không phải của bóng ai đang vùi mình trong giông gió. Cõng trên mình giông gió. Thét gào, nhọc nhằn, cùng giông gió…. Mà, thơ của bão đi. Của dấu chiều đã yên ả, lên xanh. Thơ của phút ngỡ như buổi an nhiên, ta thư thái ngoái nhìn, mà ngẫm suy, mà nhẹ thấm trong cảm hoài, thương nhớ…
Giọng thơ Nguyễn Diệu Liên cũng tung tẩy, phóng khoáng. Tiết tấu âm nhạc được người viết nhấn nhá, coi trọng ở nét nhẹ, chìm. Cách vận động của thơ gần hơn với giọng điệu thơ trẻ.
Với “Nỗi nhớ nghiêng”. Với cách tập hợp, chọn lựa một dung lượng vừa đủ, tạo giọng điệu gây ấn tượng về một tập thơ - Một gương mặt thơ thi vị, trong trẻo, mát lành.
Với Thi ca, Hội Họa… mà cả hai ngọn lửa đang tạo nên sức thắp sáng, dẫn đường.
Với đôi cánh bay trước chân trời nhiệt thành, mơ ước, của một Nhà giáo - Thi sĩ…
“Đi và Đến!” Đấy là, Niềm vui - Niềm tin yêu - Niềm tự hào về Nguyễn Diệu Liên, trước đội ngũ “Các Nhà văn Nhóm Búp”. Trước nguồn chảy văn chương mang tên “Nhóm Búp”, đang thịnh phát “Về nguồn.”
Và, lời cuối, khi khép lại bài viết, “Xin chúc mừng Nhà giáo - Nữ Thi sĩ Nguyễn Diệu Liên” trước thành công mới, trên chặng đường lao động và sáng tạo nghệ thuật.
Đất Cảng, Thu - 2021
K.C