Nguyễn Diệu Liên với Nỗi nhớ nghiêng về một cõi thiên xanh

Nguyễn Diệu Liên với Nỗi nhớ nghiêng về một cõi thiên xanh
Nguyễn Diệu Liên là thành viên của nhóm văn thơ “Búp trên cành”. Em theo học lớp bồi dưỡng năng khiếu sáng tác văn thơ thiếu nhi do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Bình tổ chức vào các mùa hè những năm 1985 - 1987.




NGUYỄN DIỆU LIÊN VỚI NỖI NHỚ NGHIÊNG VỀ MỘT CÕI THIÊNG XANH

(Tác giả: Trần Huyền Tâm)
 

Nguyễn Diệu Liên là thành viên của nhóm văn thơ “Búp trên cành”. Em theo học lớp bồi dưỡng năng khiếu sáng tác văn thơ thiếu nhi do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Bình tổ chức vào các mùa hè những năm 1985 - 1987. Nhưng mãi đến khi được chị gái của Liên giới thiệu và kết nối, tôi mới biết em. Tôi nhớ lần đầu gặp em là vào buổi tối ngày 18 tháng 8 năm 2018 khi Nhóm Búp trên cành chúng tôi đang tíu tít chuẩn bị cho buổi ra mắt các tập thơ vào sáng hôm sau tại khách sạn Dream, thành phố Thái Bình. Ấn tượng về Liên trong tôi ở lần gặp gỡ ấy không thật nhiều và sâu đậm như các em Búp khác, có lẽ bởi lúc ấy chúng tôi chỉ mải mê nói cười và tiếp chuyện khách thơ thôi.
 
Cũng như hầu hết các thành viên nhóm Văn Búp, Liên không theo nghề viết như mong đợi của các thầy tại lớp bồi dưỡng sáng tác năm xưa. Em học sư phạm rồi ra trường làm giáo viên dạy toán. Để biện minh cho “sự trốn chạy” khỏi nghiệp văn chương của mình, chúng tôi thường tếu táo viện dẫn hai câu thơ của ông Nguyễn Công Trứ:
 
Trời đất cho ta một cái tài
Giắt lưng dành để tháng ngày chơi
 
Nói vui là vậy chứ thú thật là, một khi đã vướng vào cái “nghiệp văn chương” này thì rất khó thoát khỏi nó. Bởi hồn thơ ấy, cái nghiệp duyên ấy, dẫu rằng tuế nguyệt có mòn phai, tháng năm có chôn vùi những kỷ niệm, thì “nó” vẫn cứ sống mãi, vẫn cứ tươi xanh, vẫn cứ căng đầy, vẫn cứ đeo bám, vẫn cứ thôi thúc. Bởi “cái lưng vốn” ấy, một khi đã được các thầy khơi dậy, truyền dẫn từ thuở ấu thơ, thì sẽ cứ mãi theo năm tháng mà tích tụ, mà đậm đầy. Để rồi, vào bất cứ một ngày nào đấy, trong một hoàn cảnh nào đấy, nó lại lãng đãng xuất lai, lại bung biêng nhắc nhớ, lại ngậm ngùi hoài tưởng, lại khe khẽ chạm rung, lại ào ạt va đập. Nó cứ dẫn tâm trí ta, tưới đẫm hồn ta, thậm chí còn “hành” ta bằng sự quyến rũ, mê hoặc rất riêng, rất khó nói.
 
Nguyễn Diệu Liên cũng vậy. Em viết thơ vào những lúc bị “nghiệp” quấy. Viết để trải lòng. Viết để kết duyên. Viết để tim mình bớt nhức. Viết để tâm mình đỡ phiền. Viết để trí mình vơi đi nỗi căng thẳng. Liên viết khá nhiều, nhưng cái kiểu “viết như trả nợ” của em, “viết đấy rồi lại quên ngay đấy”, đã làm cho rất nhiều bài thơ của em bị thất lạc. Với sự động viên của thầy, của bạn, mới đây Liên mới tập hợp lại được 35 bài. Và tập thơ “Nỗi nhớ nghiêng” với hầu hết là các bài thơ Liên mới viết trong thời gian ba năm gần đây, đã ra đời trong “tay đỡ mát lành” của thầy Kim Chuông như thế.
 
Tôi là một trong những người có duyên được dõi theo những dòng tâm tình của Liên từ khi tập thơ “Nỗi nhớ nghiêng” còn phong nụ ém mình chờ đợi thời khắc để khai bông. Đọc “Nỗi nhớ nghiêng”, thấy thơ em dịu dàng và thiện lành như con người em vậy. Nó hồn nhiên như cơn mưa đầu mùa hạ. Nó thoảng nhẹ dịu mát như ngọn gió trời chiều mỗi độ thu sang. Nó nồng nàn như hương hoa cỏ mùa xuân, và tinh khiết, mong manh, se sẽ ấm như tia nắng sớm mai trước thềm mùa đông đang chớm. Thơ em cũng những có chút phá cách, bộc lộ cái dũng khí của một người con miền duyên hải, vừa can trường, kiên định, vừa nhẫn nhịn, bao dung trước bão giông của cuộc đời.



 
Là cô giáo dạy toán, là con út trong gia đình và là người giỏi về nhạc họa nên thơ Liên có sắc màu riêng. Nó vừa đủ ngắn gọn, vừa đủ lãng đãng, mơ mộng, vừa đủ nũng nịu, yêu kiều, vừa đủ bao dung, thanh thoát. Những câu từ được sử dụng trong thơ em luôn gợi cảm, giàu hình tượng, âm thanh. Đôi lúc có cảm giác như là em đang trưng ra những bức tranh, những không gian gọn gàng và tươi đẹp, để người đọc có thể mặc sức ngắm nhìn, thoải mái thả hồn vào vần điệu dặt dìu của ngôn thi và hình thi sáng tạo đó. Ở tập thơ “Nỗi nhớ nghiêng”, có thể tìm thấy nhiều “điển hình” như vậy.
 
Ví như, trong bài “Cúc Họa mi báo hiệu đông về”, cô họa sĩ Liên đã dựng lên một bức tranh về một chiều Hà Nội lãng đãng sang đông:
 
Bâng khuâng quá một chiều đông lãng đãng
Lạnh bên ngoài mà ấm áp con tim
Khi bắt gặp gánh họa mi bừng sáng
Dịu dàng như nàng thiếu nữ mùa thu.
 
Chỉ với một gánh Cúc Họa mi tinh khôi trắng mà cả trời chiều Hà Thành thay đổi. Cái điểm nhấn của bức họa không gian phố với màu hoa Cúc Họa Mi bỗng chốc khiến người đọc cảm thấy thân tâm của mình nhẹ bẫng bay lên, rồi bồng bềnh trôi đi trong sắc trắng thanh tân dịu dàng.
 
Thanh tân quá mà tinh khôi quá đỗi
Bồng bềnh trắng như mây giăng ngập lối
Hoa đến rất nhanh mà đi cũng vội
Khiến mùa đông Hà Nội ngẩn ngơ tìm.
 
Dẫu đã biết mùa hoa Cúc Họa Mi chỉ hiện hữu trong thời gian rất ngắn, khiến mùa đông Hà Nội phải ngẩn ngơ tìm kiếm, nhưng rồi với những vần thơ này, mùa hoa Cúc Họa Mi như vẫn còn đang lưu mãi ở bên ta, trong ta.
 
Và đây nữa, một bức tranh về “Mùa thu yêu thương”. Mà không chỉ là một bức họa đẹp về một không gian thu trong xanh với những cánh chim bay về miền cổ tích. Nó còn là một bản nhạc mùa thu đang tấu lên da diết, để khắc họa, để níu giữ khúc tiên lành:
 
Yêu khoảng trời xanh ngăn ngắt, trong lành
Yêu những cánh chim chao nghiêng bay về miền cổ tích
Yêu những giọt vui cứ ríu ra ríu rít
Những tiếng gọi bầy níu giữ khúc nhạc thu.
 
Chất nhạc, chất họa ấy một lần nữa lại được nàng nhạc sĩ, họa sĩ Liên khảm vào một bức tranh khác về “Mùa thu”:
 
Mùa thu trong mắt bão 
Là bầu trời mưa giông
Mùa thu trên dòng sông
Là cuộn trào nước lũ
 
Mùa thu thay áo cũ
Cho hàng cây thêm xanh
Làn heo may mong manh
Xào xạc trong mắt lá
 
Quả mùa thu ngọt lạ
Gió mùa thu đầy hương
Mùa thu gửi nhớ thương
Cho người nơi xa ấy!
(Mùa Thu)
 
Rồi những vần thơ dịu dàng của Liên lại theo cánh diều bay lên, bay lên thật cao. Để bình yên thêm một lần nữa đưa dẫn ta về một miền xanh thẳm, nơi đó có những ngọt lành yêu thương đang chờ đang đợi:
 
Diều ơi!
Bay cao lên cùng gió
Bay cao lên cùng mây
Chở nỗi niềm khát khao về đây
Về nơi miền xanh thẳm
Nơi có em ở đó
Đợi anh!
Mỗi ngày…
 
Sáo diều vi vu đó đây
Ru nỗi nhớ đằm say
Ru đêm dài
nghiêng vào giấc ngủ
Lời yêu thương
Ngọt lành
thủ thỉ
Gửi 
Bình yên…
Thao thiết …
Vỗ về…
 (Đợi)
 
Còn đây là một tâm tình của Liên với nỗi nhớ. Lời tâm tình có lẫn chút hoang mang, hoài nghi trước mỗi khoảnh khắc “trái mùa” được gửi vào thơ, nhờ thơ nói hộ:
 
Có những ngày đông gió lạnh không về
Em ngơ ngác giữa bốn bề nắng ấm
Có nỗi nhớ len vào hồn chầm chậm
Ngày tháng Mười sao cứ vội vàng trôi.
 
Có những ngày xuân nắng ấm không về
Em ngơ ngác giữa bộn bề nỗi nhớ
Bước chông chênh lang thang buồn trên phố
Ngỡ mùa xuân đang lạc bước nơi nào!
(Nhớ)
 
Cũng giống như Liên, tôi đã từng đôi lần bơi trong biển Nhớ. Những nỗi nhớ không tên và có tên. Những nỗi nhớ ngổn ngang và dày đặc. Những nỗi nhớ dắt tôi đi trong vô định. Có cảm giác như là chạm vào đâu thì cũng thấy nó hiện hữu, nhìn đâu cũng thấy nỗi niềm ấy.... Nên tôi hiểu cái cảnh nàng thơ của chúng ta “ngơ ngác” khi thấy mùa đông không có gió lạnh, “chông chênh” khi thấy mùa xuân nắng ấm không về.
 
Em lại làm thơ sau những nỗi buồn đau
Thơ về nhau, về những điều không thể nói
Gói tin yêu xưa cho nắng chiều đốt vội
Em trở về can đảm trước hoàng hôn.
 
Những vần thơ nhẹ nhàng của em đã khép lại một khúc tâm tình. Nhưng đọc xong ta không cảm thấy u buồn vật vã mà lại thấy nguyên vẹn một mẫu hình của một người con gái vừa can trường, tinh tấn, vừa nhẫn nhịn, bao dung. Sau những phút giây bị nỗi nhớ “hành”, dẫu đã có “những buồn đau” và “những điều không thể nói”, thì em cũng bao dung nhẫn nhịn gói ghém chúng lại, bỏ chúng lại phía sau, để vượt lên, để quay trở về với chính mình. Đọc câu thơ kết “Em trở về can đảm trước hoàng hôn” mà tự nhiên thấy lòng mình ấm lạ. Chắc chắn em phải là người có năng lượng thiện lành đặc biệt lắm thì mới có thể tỉnh táo và dũng mãnh thoát ra khỏi cái u uất, khổ đau, buồn chán... một cách ngoạn mục như vậy.

Trong tập “Nỗi nhớ nghiêng” có thể tìm thấy nhiều khúc tâm tình đa sắc màu như vậy. Tuy nhiên, tôi không thấy có những câu kết bi lụy, u sầu ở các bài thơ của em. Trái lại, tôi luôn thấy em với cái nhìn lạc quan, yêu đời, bao dung và viên mãn.
 
Ví như, trong bài Hương hoa Ngọc Lan, em viết:
 
Và còn lại gì cho ta?
Ơi bông Ngọc Lan vẫn hết mình tỏa hương thơm bay trong gió
Gió sẽ thôi buồn
Gió sẽ hát mãi bản tình ca.
 
Hay, ở bài “Hoa nở người không hái”, một cái kết vô cùng nhân ái đã vỡ òa trong niềm thương cảm, đùm bọc, chở che:
 
Người không hái vì người yêu thương quá
Người sợ tan một chấm đỏ bên trời
Người đứng ngắm lặng chìm trong giông gió
Nghe góc hồn
Nhè nhẹ sắc hương ...trôi
 
Ở bài thơ “Nghe tiếng chuông chùa Keo” tôi lại thấy một Diệu Liên tinh khôi trong từng hơi thở. Một Diệu Liên trong veo từng ý nghĩ. Một Diệu Liên trong một cảnh giới khác thường. Nghe tiếng chuông chùa mà thức tỉnh trong tâm một nẻo về. Nghe tiếng chuông chùa mà sạch bách mọi ưu phiền. Nghe tiếng chuông chùa mà thấy mình rất gần với quê xưa, một miền quê trong vắt cõi thiêng xanh.
 
Tiếng chuông hay tiếng hồn quê
Chợt xao xuyến, chợt gọi về cõi thiêng
Về Chùa Keo, hết ưu phiền
Trong ta gần lắm một miền quê xa.
 
Chuông chùa hay chính lòng ta
Giữa bâng khuâng thức ngân nga nẻo về.
 
Trong bài “Trở lại Tháp Bà”, bằng việc sử dụng rất tài tình các từ láy “lô xô”, “liêu xiêu”, “chùng chình”, họa sĩ Diệu Liên đã vẽ lên một bức tranh tuyệt đẹp về Tháp Bà dưới con mắt của một du khách:
 
Lô xô gạch xếp thành tháp cổ
Liêu xiêu cành lá ngả theo cùng
Chùng chình níu bước chân du khách
Bất chợt lạ lùng, bất chợt say.
 
Rồi cái cảm giác “Bất chợt lạ lùng, bất chợt say” ấy như một cái gậy “bổng hát” thức tỉnh Liên, khiến ý thơ quay sang một hướng khác:
 
Gió thổi mạnh nghiêng ngôi tháp nhỏ
Lòng bồi hồi nhớ tháng năm xa
Dấu chân ta từng in nơi ấy!
Đây Tháp Bà chốn cũ ngày xưa.
 
Nó như một cái cầu tâm thức kết nối tấm tình đang “bồi hồi nhớ” với một “chốn cũ nơi xưa”, quê xưa, nơi đã từng in dấu chân em một thời:
 
Bao kí ức ùa về náo nức
Của một thời đâu đó xa xôi
Giữa bể dâu, thân mình vượt sóng
Vượt gian lao lớp lớp trùng khơi.
 
Gửi lại đây nụ cười rất nhẹ
Không bão giông, không chớp giật lòe
Ta về với an nhiên ta nhé!
Chốn vô thường, ta chỉ khách thôi.
 
Đọc 4 câu thơ kết của bài thơ, bỗng dưng hiện lên trước mắt tôi không chỉ là một thi sĩ, một họa sĩ, một nhạc sĩ, mà đích thực một đóa sen trắng, một nàng tiên áo trắng Diệu Liên. Nàng tiên ấy tới nơi này từ một cõi rất xa. Sau những giây phút đối cảnh mà sinh tình, đối cảnh mà sinh sự, sau những phút trải lòng... nàng đã chợt nhớ ra, đã thức tỉnh. Dường như nàng đã ý thức được mục đích của cuộc lãng du đến “làm khách” ở nơi cõi thế này. Vì thế, nàng đã gửi lại Tháp Bà, gửi lại nơi cõi thế ba đào chìm nổi này, “một nụ cười rất nhẹ”, rồi quay gót hài trở lại chốn xưa, cõi xưa, trở về nơi quê hương đích thực của mình.


 
Bất chợt, tôi ước được như Diệu Liên, một chiều nhẹ nhàng trút hết những lo toan phiền nhiễu nơi cõi vô thường, rồi thảnh thơi an nhiên quay gót tiên trở về cõi thiêng của mình. Nơi cõi thiêng xa xanh ấy, có rất nhiều người đang chờ đợi chúng tôi….
 
Hà Nội, ngày 29/11/2021
Trần Huyền Tâm