Nhạc Trần Tiến - Tính triết lý giữa hư và thực

Nhạc Trần Tiến - Tính triết lý giữa hư và thực
Tôi yêu nhạc của anh từ năm đầu học đại học (1982). Từ bài hát “Cô gái Sầm Nưa” đến những bài hát “Vết chân tròn trên cát” hay “Mặt trời bé thơ”, những bài hát anh Năng K12 học cùng khoá chúng tôi từng biểu diễn rất thành công trong các kỳ liên hoan “Tiếng hát Sinh viên” ngày ấy.

 

 

 

Tôi yêu nhạc của anh từ năm đầu học đại học (1982). Từ bài hát “Cô gái Sầm Nưa” đến những bài hát “Vết chân tròn trên cát” hay “Mặt trời bé thơ”, những bài hát anh Năng K12 học cùng khoá chúng tôi từng biểu diễn rất thành công trong các kỳ liên hoan “Tiếng hát Sinh viên” ngày ấy.
 

Nhạc của anh sau này có tính triết lý và sâu sắc hơn!

 

Một đường cong cong

Nối bao đường vòng

Họa người dưng nhớ khuôn mặt bắt hình dong

Một màu đen đen, một màu trắng trắng

Rồi một đêm chơi vơi, làm sao vẽ bóng tối

Làm sao vẽ cánh hoa đêm không màu 

(Sắc màu)

 

Muốn vẽ một người dưng, với màu đen, màu trắng… bằng tưởng tượng... nhưng rồi không vẽ được bóng đêm. 

 

Rồi trong bài Vô tình anh viết:

 

Giữ sao được người đi qua cuộc đời

Giữ sao được chiều đi qua mặt trời

Người cứ đi người mang theo bóng

Chiều cứ qua chiều mang theo nắng.

 

Làm sao giữ được chiều vì thời gian trôi là quy luật cũng như đời người làm sao giữ được người đi qua cuộc đời. Rồi tất cả cũng rời xa, như một người không thể tắm 2 lần trên một dòng sông vì dòng sông cứ chảy xuôi, mãi mãi và mãi mãi.

 

Để rồi:

 

Rồi người cứ vô tình người đi

Rồi chiều cứ vô tình chiều qua

Rồi người cứ vô tình người xa

Rồi chiều cũng vô tình chiều quên!

 

Đó là sự thật, là chân lý, ai cũng hiểu nhưng khái quát bằng hình ảnh của mặt trời và buổi chiều như anh thật không hề dễ dàng chút nào!

 

Bài hát “Mẹ tôi” lại đem đến một triết lý khác:

 

Mẹ ơi thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình

Dù cho phú quý vinh quang vinh quang không bằng có mẹ

Trèo lên dãy núi thiên thai (ối a) mẹ tôi về đâu

Ngàn năm mây trắng bay theo, ối a, mẹ ơi, mẹ về đâu!

 

Gia đình là tế bào của xã hội, mẹ là cội nguồn của tình yêu bao la trong gia đình. Phú quý vinh hoa cũng chỉ là phù du, còn mẹ là tất cả là mãi mãi! Tình yêu của Trần Tiến là thế!

 

Với Hà Nội là Trần Tiến với một nét rất riêng rất khác lạ trong “Phố nghèo”:

 

Phố buồn nâu, mái ngói buồn nâu

Cà phê đắng rơi từng giọt nâu buồn

Phố của tôi, thơ ấu đời tôi chiếc lá bàng rơi

Trong đêm mưa những ảo ảnh xưa

... Ở nơi ấy tôi còn nhớ mối tình xưa

Người thiếu nữ đã gặp tôi ngượng ngùng

Khăn quàng cũ cuối mùa thu mẹ đưa em qua phủ Tây Hồ

.....

Phố nghèo xưa, mái ngói nghèo xưa

Ngoài ga cũ tiếng còi xa buồn

Phố mờ sương, mái ngói mờ sương

Thiếu phụ buồn thương đi trong sương như nhân ảnh mờ

Ở nơi ấy tôi còn nhớ bạn bè xưa

Dòng máu sĩ bao người đi không về

Tháp Rùa ơi có nhớ bạn tôi

Hồn tha phương vẫn quanh quẩn phố phường

Ở nơi ấy Hà Nội nhớ thương mờ xa

Là câu hát là bài ca nghẹn ngào

Nói gì đâu có nói được đâu mà sao khoe tóc ngả hai màu

 

Giai điệu và lời bài hát như đưa ta về với một Hà Nội xưa cũ với những mái ngói trong tranh của Bùi Xuân Phái, lại mang một chút nghẹn ngào của người tha phương nhớ về mẹ về nơi chôn rau cắt rốn của mình... nhớ mẹ, nhớ bạn, nhớ người con gái (mà chả biết có thật hay không)  … để rồi nghẹn lòng không nói được khi tóc ngả hai màu. Đen và trắng như ngày và đêm! Đó chính là sắc màu của riêng Trần Tiến vậy.

 

Là người yêu nhạc của anh, yêu Hà Nội, tôi yêu cái triết lý hư hư thực thực, đơn giản mà sâu sắc tinh tế trong lời ca anh viết.

 

Lương Duyên Thắng