Nhìn từ áng văn chương

Nhìn từ áng văn chương
Cơ sở của văn học là đời sống xã hội. Mỗi trang viết có được của người nghệ sỹ là sự kết tỉnh hài hòa, nhuần nhuyễn giữa cái Tôi - Nhà văn với cái Ta rộng lớn. Từ những trang viết của Nguyễn Du, Lý Bạch, Đỗ Phủ hay Lép Tôn-x-tôi, Ta-go, Ban-zắc... Giá trị có được của những áng văn chương kim cổ thường gặp ở hai phía đóng góp là hiện thực vô cùng phong phú, sinh động của đời sống xã hội với một phía khác là tài năng văn chương của người cầm bút.

 


Cơ sở của văn học là đời sống xã hội. Mỗi trang viết có được của người nghệ sỹ là sự kết tỉnh hài hòa, nhuần nhuyễn giữa cái Tôi - Nhà văn với cái Ta rộng lớn.

Từ những trang viết của Nguyễn Du, Lý Bạch, Đỗ Phủ hay Lép Tôn-x-tôi, Ta-go, Ban-zắc... Giá trị có được của những áng văn chương kim cổ thường gặp ở hai phía đóng góp là hiện thực vô cùng phong phú, sinh động của đời sống xã hội với một phía khác là tài năng văn chương của người cầm bút.

Bạn đọc thường phán: “Nhà văn này không có văn (chỉ có truyện). Nhà văn kia văn chương mới tuyệt diệu làm sao. Quả thực, có trang viết nhờ vào sự cứu cánh ở thực tế khách quan. Những tưởng, tự thân những sự kiện của đời sống xã hội đã ly kỳ, hấp dẫn. Ở đây, vai trò nhà văn ngỡ khuất mờ trước chuyện kể có đầu có cuối. Những trang viết như thế, ngỡ như, nếu không có “người anh hùng nọ”, hoặc không có "anh thương binh” kia, thì không thể có nhà văn ấy ở đời.

Ở một phía ngược lại, ví như, viên ngọc quý Truyện Kiều, với 3254 câu thơ, đại thi hào Nguyễn Du chỉ dùng có 220 câu kể việc, 570 câu tả cảnh thiên nhiên, còn lại 2464 câu (chiếm trên 75% trang viết) người nghệ sỹ đã giành cho thi pháp độc thoại.

Hoặc, tỷ như, trên những trang Văn xuôi của Stephan XWaig, từ “Ngõ nhỏ dưới ánh trăng”, đến “Hai bốn giờ trong đời người đàn bà”... người đọc khó mà kể lại được những gì gọi là sự kiện mà Nhà văn Áo này mô tả. Bởi ở đấy, người viết đã ép chặt cái GẶP, cái THẤY để có cái BIẾT. Ở đấy, người viết đã tựa vào cái bên ngoài để khai thác cái thẳm sâu thuộc về phía tâm linh. Ở đấy, là nỗi niềm, tâm trạng với những triết lý, phẩm bình của người viết. Trang viết ấy khẳng định: “Có tất cả đấy. Nhưng, nếu như không có nhà văn này ở đời, sẽ chẳng có được áng văn chương kia”.

Nhiều nhà văn bậc thầy, có khi thật khó thuật lại cái bên ngoài, cái giá trị phản ánh. Vậy mà, sức khơi dậy nhiều khoảng sáng của chân trời suy tưởng lại thực sự mạnh mẽ trong trái tim người đọc.

Ở hai tầng đóng góp, tất nhiên, sẽ tuyệt vời bao nhiêu nếu trang viết đạt tới sự phản ánh hiện thực sinh động, hấp dẫn và sự nghiền ngẫm hiện thực cũng thật sự chí lý, sâu xa ...

Có điều, đâu là áng văn chương? Và, đâu chỉ là trang viết về gương “Người và Việc” ... thật?

Kim Chuông