Những trang sử thi chân thực đầy xúc động

Những trang sử thi chân thực đầy xúc động
Gần ba trăm trang sách là gần ba trăm hình ảnh về bức tranh hiện thực trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân Miền Đông khoảng thời gian từ 1965 đến 1975.

(Ảnh: Trần Bảo Toàn)


NHỮNG TRANG SỬ THI CHÂN THỰC ĐẦY XÚC ĐỘNG


Gần ba trăm trang sách là gần ba trăm hình ảnh về bức tranh hiện thực trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân Miền Đông khoảng thời gian từ 1965 đến 1975. Chặng đường lịch sử ấy, có mất mát hy sinh, có gian lao nào mà lực lượng vũ trang Miền Đông chưa từng nếm trải?! Có hạnh phúc nào bằng hạnh phúc của những con người “Trên hành trình giữ gìn hạnh phúc cho dân tộc, họ đã may mắn tìm được tình yêu, hạnh phúc đích thực của chính mình”.

Lấy bối cảnh chính là cuộc sống và chiến đấu của lực lượng vũ trang tỉnh Phước Long, tác phẩm đã tái hiện cuộc chiến đấu của những người chiến sĩ trên đỉnh núi Bà Rá uy nghiêm hùng vĩ. Lực lượng kiên trung quy tụ nhiều thế hệ nhân dân tham gia: trẻ (chiến sĩ tí hon) già (ông Bảy Kim, chị Bảy Tâm, ông bà Chín Muôn)... đồng bào người Kinh như chị Hai Thuấn cùng những phụ nữ anh hùng ấp Bù Xia, đồng bào dân tộc thiểu số S’tiêng kiên gan như Điểu Cho, Điểu Lúc, Điểu ĐRấp, Điểu Kloong...

Giữa vòng vây của kẻ thù, đói thuốc, thiếu cơm, tình đồng chí đồng đội, tình yêu lứa đôi vẫn thủy chung son sắt. Tác phẩm mở rộng biên độ đến những địa danh, những trận đánh đã đi vào lịch sử như trận Bù Đốp lưu vong, trận đánh vào Lộc Ninh, Đồng Xoài. Trận Tầu Ô xóm Ruộng với 150 ngày khốc liệt. Đặc biệt là chiến dịch giải phóng Phước Long - Miền đất đầu tiên của miền Nam hoàn toàn giải phóng tạo đà cho Đại thắng Mùa Xuân 1975 lịch sử. Từ tâm điểm, tác phẩm mở ra không gian chiến trường của cả khu vực Miền Đông Nam bộ. Bằng cách viết Xoáy và Lướt, Bùi Thị Biên Linh đã tái hiện một số trận chiến điển hình; và qua đó gián tiếp phản ánh được không khí chung của những tháng năm Miền Đông rực lửa.

Điều đáng trân trọng trong tập sách là những cảm xúc thẩm mĩ được gợi lên từ những trang viết dung dị, giầu cảm xúc với những chi tiết, hình ảnh Rất Riêng. Người đọc sẽ gặp trong tác phẩm một không gian nghệ thuật đậm chất Miền Đông: từ bầu trời đến mặt đất, từ nắng, mưa đến những cỏ cây hoa lá; từ thiên nhiên đến đời sống, phong tục, tập quán.. của con người.


Tất cả đều mang dấu ấn không thể trộn lẫn. Tác giả khai thác được một số chi tiết Thực và Mới khi viết về cuộc sống của những người lính ở Đội Bà Rá với nhiệm vụ “Ba Mũi Giáp Công”: “Vừa Dân Vận, vừa Binh Vận, vừa sẵn sàng chiến đấu”.


Điểm xuyết sau mỗi trận chiến cam go là những phút giây bình yên, lắng đọng bao cảm xúc, bay bổng, những ước mơ của người chiến sĩ. Nhiều chi tiết xúc động khi viết về sự hy sinh của Khiêm, Ba Cảm, cặp vợ chồng chiến sĩ Thời và Lan... Người đọc rưng rưng khi đọc những đoạn văn viết về người chiến sĩ tên Thành trước lúc hy sinh còn gửi những đồng tiền thấm máu cho đồng đội nhờ đóng Đảng phí cho mình! Đó còn là sự mất mát của anh lính trẻ được mệnh danh là “Quân sư tình yêu”, người luôn đem đến sự vui tươi, quên bớt mệt mỏi hiểm nguy cho đồng đội... nhưng chưa một lần được nắm tay người con gái. Là nỗi đau thắt lòng của Hoan khi nhận thư nhà báo tin người mẹ kính yêu của mình đã không thể đợi được con về...

Hiện thực lịch sử trong chiến tranh là thế. Và còn xúc động hơn thế nữa! Nhà văn đã tái hiện được phần cốt lõi của vấn đề trong những trang văn của mình.


Thảo Nguyên