Nước biển
- Thứ hai - 01/07/2024 14:17
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
(Ảnh: Lê Thu)
NƯỚC BIỂN
Rồi một ngày em sẽ hiểu ra
Nước biển không xanh như ta từng biết
Thăm thẳm xanh là độ sâu từ đáy nước
Là sắc trời in mây với gió thanh bình
Hãy vục lên và đặt trước mắt mình
Hai bàn tay đầy nước
Ấy là khi đến tận cùng sự thực
Nước biển trong veo như nước mắt người đời
Phà Rừng, 1991
Rất may mắn tôi được đọc tập thơ CỘI của Trương Minh Hiếu.
Bài thơ với tựa đề Nước Biển đã gợi ngay sự tò mò của tôi. Khi nói đến nước biển ý nghĩ đầu tiên là mặn và xanh. Chúng ta từng có “màu xanh nước biển”. Thế nhưng:
“Rồi một ngày em sẽ hiểu ra
Nước biển không xanh như ta từng biết”
Một lời nói giản dị ân cần, gói ghém bao kiên nhẫn và từng trải.
Người đọc hình dung về cuộc nói chuyện giữa tác giả và một cô gái, tuổi đương xuân, tính tình mơ mộng, chưa có kinh nghiệm trong cuộc sống. Họ nói về cuộc đời. Sự thật nằm ở phía sau những ngộ nhận và thói quen. Nó phức tạp hơn là những gì nổi trên bề mặt.
“Nước biển không xanh như ta từng biết”
Mà là”
“Thăm thẳm xanh là độ sâu từ đáy nước
Là sắc trời in mây với gió thanh bình”
Tác giả dẫn người đọc đến những suy tư ở một tầng tiếp theo. Màu xanh ấy được tạo nên bởi chiều sâu đáy nước. Trong chiều sâu của biển mênh mông còn rất nhiều thứ chúng ta không nhìn thấy được. Trong đó có cả trời mây in bóng:
“Là sắc trời in mây với gió thanh bình”
Màu xanh mang đến cho chúng ta cảm giác bình yên và mới mẻ. Nước biển xanh được bởi trong chiều sâu của biển có cả sắc trời vời vợi cùng mây trắng bay trong một ngọn gió “thanh bình”. Câu thơ chắt lọc nhiều hình ảnh. Trương Minh Hiếu đã gợi mở cho người đọc một dòng suy nghĩ, nước biển xanh không đơn thuần chỉ là biển mà đó là sự hòa trộn của trời, của mây và ngọn gió thanh bình. Đó là những kiến thức vật lý. Thế nhưng tác giả muốn nói với chúng ta những gì về nhân sinh? Có phải chăng ẩn sau một sự tốt đẹp (màu xanh) là cả một quá trình xây dựng của bao bàn tay? Có phải chăng để có được hy vọng (màu xanh) là đã bao lần phải gian nan vất vả? Có phải chăng ẩn sau sự thành công rực rỡ của một cá nhân là sự giúp đỡ của bao người?.
Khổ thơ thứ hai Trương Minh Hiếu đã giới thiệu một cách đơn giản, tài tình:
“Hãy vục lên và đặt trước mắt mình
Hai bàn tay đầy nước
Ấy là khi đến tận cùng sự thực
Nước biển trong veo như nước mắt người đời”
Trong thực tế chúng ta không thấy xanh nữa khi nước nằm trong bàn tay. Đó là khi ta đối diện và tiếp cận với sự thực. Rời khỏi những thói quen “như ta từng biết” để dành trọn vẹn tâm trí và với lòng dũng cảm chúng ta “động tay” vào sự thật. Khi đó:
“Nước biển trong veo như nước mắt người đời”
Trương Minh Hiếu đã tạo nên một sự ngạc nhiên thú vị. Không phải bởi nước biển trong veo mà bởi sự so sánh rất chuẩn theo tính chất vật lý đồng thời rất độc đáo trong tính thơ “như nước mắt người đời”. Với câu này anh kết thúc bài thơ nhưng bài thơ không chấm dứt. Âm hưởng của khổ thơ thứ nhất nối theo “không lời”. Độc giả sẽ tự đặt cho mình một câu hỏi, vậy nước mắt người đời được tạo nên bằng những gì? Hoặc nước mắt trong những hoàn cảnh khác nhau sẽ có những màu sắc khác nhau? Đúng thế. Sau giọt nước mắt là những câu chuyện ngắn dài, buồn vui. Cũng có thể nước mắt của bao đời tụ thành nước biển trong veo … chỉ xanh bởi “sắc trời in mây với gió thanh bình”, chỉ xanh khi ta nhìn từ xa và chỉ xanh khi ta nghĩ nó là xanh. Hãy nhìn kỹ hơn, hãy đi sâu hơn, hay “vục” tay vào thực tế…
Nhà thơ Trương Minh Hiếu - tôi đã được gặp anh trong chuyến về thăm quê Thái Bình cuối xuân 2024. Chúng tôi thăm chùa Keo cổ kính cùng với nhóm Búp Trên Cành. Dáng dấp phong độ. Khuôn mặt vuông vức. Ánh mắt hiền, xa. Giọng nói êm. Một chút dịu dàng. Một chút tình như ngọn lúa vươn giữa đồng quê. Trầm và ấm. Đó là ấn tượng của tôi về anh. Thơ của anh luôn làm tôi nhớ ra là người đàn ông cũng tha thiết và tinh tế, cũng ngọt ngào và sâu sắc. Trương Minh Hiếu là niềm tự hào của “gia đình” Nhà Búp nói chung và của nhóm Búp Trên Cành nói riêng. Thơ của anh là những cơn “gió thanh bình”, thổi muôn sắc màu và giàu giai điệu của cuộc đời. Trân trọng cám ơn anh.
30.06.2024
Nguyễn Phương Thủy