“Ở Tâm có cái gì lạ lắm!”…

“Ở Tâm có cái gì lạ lắm!”…
So với các bạn, các anh chị em trong lớp bồi dưỡng năng khiếu sáng tác văn học thiếu nhi, tôi và Trần Huyền Tâm có "duyên" đặc biệt với nhau, từ cái thuở cả hai cùng có mặt trong Đại hội học sinh giỏi của huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.


(Trần Huyền Tâm - Tranh sơn dầu của Dear Lily Studio)


 So với các bạn, các anh chị em trong lớp bồi dưỡng năng khiếu sáng tác văn học thiếu nhi, tôi và Trần Huyền Tâm có "duyên" đặc biệt với nhau, từ cái thuở cả hai cùng có mặt trong Đại hội học sinh giỏi của huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Cùng trong đoàn chủ tịch, cùng điều khiển chương trình Đại hội. Cùng đọc những bài thơ mình viết cho cả Đại hội nghe trong tiếng vỗ tay rào rào tán thưởng của các bác, các cô chú đại biểu cùng hàng trăm bạn thiếu nhi... Rồi cùng được học chung trong ngôi nhà đào tạo bồi dưỡng những thiếu nhi có năng khiếu sáng tác văn học nghệ thuật do Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình tuyển chọn. Tôi vào học từ khóa đầu, Tâm vào sau tôi một năm.


Hồi ấy, mới 12 tuổi nhưng Tâm luôn làm tôi bất ngờ, thán phục bởi sự thông minh, giỏi giang. Ở Tâm có cái gì lạ lắm. Cái gì cũng vượt trội so với các bạn cùng trang lứa. Tâm viết rất đẹp, mỗi chữ, mỗi dòng đều đẹp như chữ mẫu. Ngoài việc học sáng tác nghệ thuật, chúng tôi còn được học cả về văn hóa. Những bài toán khó, Tâm đều giải rất nhanh và chính xác (sau này, dù bận mải Tâm vẫn viết tản văn và viết lời bình cho thơ của bạn bầu với những bài viết ngắn gọn, súc tích với cách thẩm bình vô cùng tinh tế, sâu sắc). Tâm làm thơ hay. Ngay từ những bài đầu tiên trình làng đã được những nhà thơ tên tuổi không ngớt lời khen ngợi. Cho đến bây giờ, tôi vẫn thuộc vẫn nhớ rất nhiều bài thơ viết về gia đình, quê hương của cô bé Tâm ngày ấy. Những câu thơ giản dị đầy yêu thương đã khiến tôi yêu từ lúc nào không biết (có lẽ do quê hương của Tâm cũng là quê hương của tôi, cũng quen thuộc với những ảnh hình thân thương ấy).


"Sớm bà đi ra ngõ

Mùi hương trầu vấn vương

Bước chân em tới trường

In trong lòng ngõ nhỏ... "

(Ngõ nhỏ ngày mùa)


Tâm có những bài thơ viết về gia đình, nguồn cội thật cảm động. Đây là điểm sáng trong thơ cô:


"Con sinh ra

Đêm tháng Tám nực trời

Gầu nước mát

Lao xao vầng trăng khuyết

Nhà mình nghèo

Mái tranh mòn vách liếp

Mảnh mo cau quạt không hết mồ hôi".


Nhớ về khoảnh khắc chào đời, Tâm đã có những câu thơ vô cùng da diết:


"Cái đêm con ra đời

Mẹ cắt nhau chôn vào đất

Có phải mẹ đã gửi tình yêu chân thật

Của con vào đất đai"

(Bài ca đất)


Cha Tâm là liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì quê hương Tổ quốc. Một mình mẹ tần tảo, kiên cường nuôi nấng dạy dỗ các con. Một mình mẹ chống chọi với nỗi cô đơn, nỗi đợi chờ dằng dặc. Nỗi lòng của mẹ đã được Tâm viết lên bằng những câu thơ vô cùng cảm động trong bài thơ “Đợi chờ”. Bài thơ này đã được chị gái của Tâm phổ nhạc, được đề dòng chữ trang trọng yêu thương "Kính tặng mẹ":


"Em nhặt từ trong đêm sâu

Đôi tiếng thở dài nghẹn đắng

Em nhặt từ trong xa vắng

Nỉ non tiếng dế héo mòn..."


Đất nước mình trong những năm chiến tranh, có biết bao người phụ nữ đợi chờ thủy chung mòn mỏi. Đọc thơ Tâm, khiến tôi nhớ đến những câu thơ của Nguyễn Đức Mậu:


"Đường đánh giặc dẫn tôi vào truyền thuyết

Đá bồng con chờ chồng

Người hóa đá trọn thời nhan sắc

Anh sẽ về cho đá lại là em".


Nhưng có bao người chiến sĩ đã ra đi không trở lại, trong đó có người cha kính yêu của Tâm. Họ đã "hóa thân cho dáng hình xứ sở/ Làm nên đất nước muôn đời" như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết. Hình ảnh của mẹ Tâm cũng là hình ảnh của hàng vạn, hàng vạn người mẹ, người vợ, hóa đá cả nỗi lòng vì ngóng trông chờ đợi. Tâm đã viết về nỗi hy sinh âm thầm của mẹ bằng tất cả niềm thương và nỗi xót xa lặng lẽ.


"Đợi anh em còn đêm thôi

Ngoài kia sương đầm mái lá

Giọt sương lăn dài trên má

Giọt sương khắc khoải hao gầy..."


Kết thúc bài thơ, đã gợi cho người đọc những trăn trở suy tư:


"Mai này trong phút bình yên

Có ai còn ai biết được

Những người mòn đêm chờ đợi

Những người giấc ngủ thiếu đôi"


Tứ thơ được mở ra, được nâng lên chứa đựng lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà trang nghiêm về đạo lý ân tình về lòng biết ơn quá khứ mà đôi khi trong cuộc sống đủ đầy con người thường dễ lãng quên. Sau này, khi mẹ đã đi xa, Tâm viết bài “Về thăm mẹ” với tất cả những thổn thức chứa chan:


"Con thắp nhang trong nỗi tái tê

Mẹ ở đâu giữa mênh mông hư ảo?

Bông lúa vàng, cánh cò thơm thảo

Nắng xa rồi, mưa có bớt vô tư "


Ký ức tuổi thơ gian khổ đói nghèo sống dậy cùng kỷ niệm bên mẹ yêu làm nhói lòng người đọc:


"Mưa dầm dề thấm thâm mái tranh

Gió từng cơn lọt xiên vách đất

Chiếc bàn học bốn chân kê bằng gạch

Bông dành dành say nắng cánh mong manh".


Thơ Tâm là tiếng lòng tình nghĩa, yêu thương. Tâm không chỉ yêu gia đình, người thân. Với mọi người, với bạn bầu cô vẫn luôn là người quan tâm, lo lắng, giúp đỡ và sẻ chia rất đỗi chân thành. Là nhà ngoại giao nhưng Tâm luôn giản dị gần gũi với mọi người. Có lẽ vì thế mà tôi yêu quý Tâm, ngưỡng mộ Tâm và cũng có cả khi dỗi hờn (vì bị quan tâm quá mức). Nhớ mùa hè năm 2015, Tâm đi công tác phía Nam, biết tôi hay đau, cô đã tranh thủ ngày nghỉ vượt quãng đường gần 200km đến thăm và tặng tôi cuốn sách quý (sau này nhờ món quà quý giá ấy mà tôi tự chữa khỏi những bệnh kinh niên của mình).


Biết nhau từ thời thơ ấu, nên tôi thích đọc những bài viết về Hà Nội của Tâm. Tâm viết khá nhiều về nơi này như để tri ân miền đất đã nuôi dưỡng, chắp cánh cho tài năng và ước mơ của cô. Tâm viết về cảnh sắc Hà Nội bằng những tình cảm mặn nồng tha thiết. Cô yêu cái sắc hoa sấu nhẹ vương trên tóc:


"Những chùm hoa sấu li ti

Hát nốt nhạc trầm mùa hạ".


Huyền Tâm có nhiều bài thơ hay viết về Hà Nội. Hà Nội linh thiêng và hào hoa bỗng trở nên gần gũi đáng yêu hơn qua cái nhìn, cái cảm tươi non bay bổng:


"Bình minh như mắt trẻ thơ

Thắp mùa bằng màu nắng mới

Loa kèn trắng trong thắm gợi

Dành dành hòa sắc tinh khôi"


Hoặc:


"Đâu phải bây giờ cô gái ấy mới yêu hoa

Cánh hoa sữa nhỏ xinh nồng nàn trên phố

Đâu phải tự nhiên cô bỗng nhớ

Kỷ niệm những ngày qua"


Nói đến Hà Nội là nói đến vẻ đẹp của Hồ Tây lãng đãng khói sương và bung biêng sóng nước. Hồ Tây trong thơ Tâm thật huyền ảo nên thơ:


"Bàng đỏ mắt chờ tím nước sóng Hồ Tây

Sen khép cánh, lơ thơ tơ liễu rũ

Lãng đãng sương giăng, chiều nghiêng bóng đỏ

Không gian diệu huyền như thực như mơ"


Nhưng vẻ đẹp thực sự long lanh trong "Giọt nắng vô thường" được tích tụ và thăng hoa ở phần thơ mang cảm hứng thiền của Huyền Tâm. Những bài thơ thật đẹp. Cái đẹp được kết tinh trong mỗi tứ thơ. Cái đẹp trong trẻo thuần khiết của tư tưởng. Cái đẹp toát ra từ những hình ảnh thơ trong sáng tươi ngời hướng đến triết lý sống cao cả: Chân - Thiện - Nhẫn. Đọc thơ thiền của Tâm thấy lòng thật bình an tĩnh tại. Những lời thơ nhẹ nhàng như đưa con người vào với cõi an nhiên thanh thản lạ lùng:


"Sóng gió thảnh thơi làm ta quên thời gian

Quên những lo toan hoài nghi hờn giận

Giây phút thanh bình diệu kỳ tĩnh lặng

Biển tặng chúng mình trước lúc bão giông"

 

Thời gian đời người cùng với những khổ đau oán hận sẽ trở nên nhẹ nhàng khi con người biết ngộ ra những điều sâu sắc về lẽ sống. Nếu những ai có niềm tin về những điều tốt đẹp, biết hướng tới những điều cao đẹp thì sẽ có ngày:


"Cập bờ kia là Bến Giác bình yên

Là ánh sáng diệu kỳ lung linh Phật Pháp"


Nguồn ánh sáng diệu kỳ ấy sẽ tiếp thêm sức mạnh cho con người buông bỏ được những sân si hỉ nộ để tìm đến với cuộc sống thanh thản an nhiên:


"Chuông ngân nga tiếng thời gian tinh khiết

Trong trẻo nắng vàng minh triết tòa sen"


Một nhà văn nổi tiếng thế giới đã nói rằng: "Cái đẹp cứu rỗi con người". Cái đẹp trong thơ thiền của Tâm nói riêng và cái cái đẹp trong sáng đầy tin yêu toát ra từ trí tuệ và tâm hồn nhân hậu trong tập thơ đã thật sự trở thành đôi cánh nâng tâm hồn con người bay lên:


"Thời gian vô tình cứ mãi trôi mau

Chốn bể dâu đua tranh lời trái nghiệt

Riêng nơi đây vẫn trong veo thuần khiết

Dìu dắt thiện lành nâng cánh ước mơ xanh"


Đọc tập thơ "Giọt nắng vô thường" của Trần Huyên Tâm, tôi nhớ nhà thơ Bạch Cư Dị từng ví: “Thơ như cái cây, cảm xúc là gốc, cành là ý, lời là hoa, ý nghĩa là quả ngọt”.Tác phẩm này của Tâm là một cây sum xuê dâng tặng cho Người, cho Đời bóng mát trong lành, hoa thơm và quả ngọt.


Bùi Thị Biên Linh