Phát biểu của nhà thơ Kim Chuông tại Lễ ra mắt sách của các thành viên Nhà Búp
- Chủ nhật - 08/12/2024 20:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
(Ảnh: Tam Tran)
PHÁT BIỂU CỦA NHÀ THƠ KIM CHUÔNG
TẠI LỄ KỶ NIỆM 5 NĂM “NHABUP.VN”
VÀ RA MẮT 12 TẬP SÁCH CỦA “CÁC NHÀ VĂN NHÀ BÚP”
(Hải Phòng ngày 8 tháng 12 năm 2024)
Kính thưa các vị Đại biểu, Quý khách!
Kính thưa Các Nhà Văn Nhóm Búp - Các “Nhà văn là thành viên Nhà Búp” yêu quý của chúng ta!
Vào giữa phút giây này, trên thành phố “Hoa Phượng đỏ” của đất Cảng Hải Phòng, tôi thật sự xúc động trước cuộc hội ngộ của “Các Nhà văn Nhóm Búp”, cùng “các Nhà văn là thành viên Nhà Búp” trước sự kiện không dễ có được ở mỗi cuộc đời người.
Vâng. Không vui sao được. Khi, đã 48 năm trời xa ngái, kể từ buổi Thái Bình, tỉnh đầu tiên trên cả nước mở “Lớp Đào tạo, bồi dưỡng Các em thiếu nhi có năng khiếu sáng tác văn học”, và, chỉ 2 năm nữa, năm 2026 tới đây, “Lò luyện văn chương” thuở nào của Thái Bình đã tròn 50 năm, đã đi qua nửa thế kỷ đời người.
Rồi, cũng từ mùa Hè, năm 1976, sau 1 năm, đất nước vừa thống nhất, khi Hội VHNT – Thái Bình, tạo nên một cuộc tựu nghĩa dưới “ngôi đền văn chương thiêng liêng” ấy. Với 15 năm mở lớp, 15 năm liên tục của những khóa học mùa Hè, các “Nhà văn nhí” từ đây, vì cuộc sống mưu sinh, vì “cơm áo không đùa với khách thơ”. Thời gian khá dài kia, họ đã chia xa nhau, lặng lẽ ngắm trông nhau, đi về khắp nẻo đường đời. Để rồi, sau 39 năm, thời gian dài ly biệt, mùa thu năm 2015, từ thiên duyên vạn hạnh nào, “một lứa bên trời” ấy, họ lại ríu ran tìm về Thái Bình quê Mẹ, tìm về nhau, mở cuộc tương phùng, tương ngộ, quy tụ được hơn 40 trong gần 200 gương mặt từng đi qua “Lò luyện văn xưa”, đang sống và làm việc trên khắp miền đất nước, trên cả xứ sở xa lạ: Nga, Slovakia, Đức… làm nên miền “minh tinh Khuê văn” ngời sáng, làm nên một dòng chảy văn chương mang tên “Các Nhà văn Nhóm Búp” với nét riêng, góp vào biển lớn của nền văn học đương đại nước nhà.
Vâng. Không vui sao được, khi cuộc tề tựu, ra mắt 12 tập sách hôm nay, gồm bốn cuốn: Tiểu thuyết, Tản văn, Tiểu luận - Phê bình và 8 tập “thơ văn” khác…
Tính tới giờ phút này, chúng ta thật vui, tự hào trình làng, chỉ riêng “gia sản” của các “Nhà văn Nhóm Búp” đã có tới trên 50 đầu sách, với đủ các thể loại: Thơ, Tiểu thuyết, Truyện ngắn, Lý luận Phê bình – Dịch thuật. Với trên 50 Giải thưởng từng giành được từ các cuộc thi sáng tác văn học trong nước và Quốc tế. Với hai văn thi sĩ đã trở thành Hội viên Hội Nhà văn VN. Gần chục văn thi sĩ khác là Hội viên của các Hội VHNT trên các tỉnh thành cả nước. Rồi, những Nhà nghiên cứu Văn hóa, những Nhà báo xuất sắc. Những Nhà giáo dạy văn giỏi. Còn không ít gương mặt đã đầy đủ ấn phẩm xuất bản, xứng đáng là Nhà văn, nhưng vì lý do nào đấy, họ lại chưa muốn gia nhập Hội. Điển hình là Trần Huyền Tâm, một Thi sĩ xứng danh “Chủ nguyên súy tao đàn”, Chủ bút trang Báo mạng “Nhabup.vn”, Người đã có tới 13 đầu sách, từ sáng tác thơ, văn, dịch thuật, Biên khảo đến Lý luận Phê bình. Các tác giả khác có từ một đến 5 – 7 tập sách như Bùi Biên Linh, Phạm Hồng Oanh, Nguyễn Thuý Hằng, Bùi Thanh Huyền, Nguyễn Thị Toán, Phạm Minh Châu, Nguyễn Phương Thủy, Nguyễn Diệu Liên, Lê Kim Hạnh, Lã Bắc Lý, Trương Minh Hiếu. Rồi, những cái tên mến yêu, quen thuộc với nhiều sáng tác, có sức quyến rũ trước đông đảo công chúng bạn đọc, bạn viết như: Vũ Huy Thông, Bùi Lan Anh, Phạm Lan Anh, Chu Xuân Giao (Vân Quốc), Trần Thu Huê, Nguyễn Minh Hương, Nguyễn Nga, Đào Thanh Bình, Trần Thị Vân Hương, Trần Minh Hạnh, Đỗ Thị Huệ, Bùi Thái Phúc, Phạm Minh Yến, Bùi Thị Ngọ, Bùi Trung Hiếu, Nguyễn Quốc Huy, Phạm Vương Hùng... Ba Nhà văn Nhóm Búp, gồm Bùi Thái Phúc, Bùi Biên Linh, Phạm Hồng Oanh đều có tác phẩm được “Sách giáo khoa Môn “Ngữ văn,” NXB Bộ Giáo dục chọn in, đưa vào nhà trường, giảng dạy.
Vâng. Như vậy. Không vui sao được, khi trên cánh đồng văn chương cấy gieo của Hội VHNT – TB thuở nào đã làm nên mùa gặt lớn.
Văn học nghệ thuật có quy luật riêng của nó. Quy luật thuộc về những tài năng đơn nhất. Bởi vậy, trước lịch sử xa dài, trước bao nhiêu quốc gia, dân tộc. Trước bao nhiêu biến thiên của cái Thời và Đời. Không thiếu gì những tháng năm đầy gió giông, xoáy lốc. Vậy mà, có không ít quốc gia ấy, dân tộc ấy. Có Thời và Đời ấy, nhưng văn chương lại mất bóng, lặng câm. Lý do vì sao vậy? Xin thưa rằng. Bởi, tháng năm, thiếu vắng những tài năng đơn nhất, mà thôi. Bởi vậy, Chế Lan Viên nhà thơ lớn của chúng ta, từng kêu lên rằng: “Thế kỷ XX, nếu chúng ta không có một Nguyễn Du, không có một Truyện Kiều, thì dân tộc này tay trắng.”
Và, tôi tin rằng, với thành tựu trên, với 29 cây bút đang hiện diện, sung sức, bầu trời văn chương của các “Nhà văn nhóm Búp,” có khác gì “tao đàn nhị thập bát tú” năm 1495 của Nhà Vua Lê Thánh Tông, thời Lê ? Và, tia nắng khiêm nhường này, sẽ lung linh trên miền trời xa thẳm của lịch sử văn chương nước Việt.
Giữa niềm vui khôn cầm là vậy, là Nhà văn – Người thầy đầu tiên chung tay gây dựng cơ đồ này. Tôi không thể quên. Cách đây 48 năm. Buổi ấy, bên cửa lớn ra vào của Hội VHNT- Thái Bình, dưới cây vối xanh trùm, tỏa bóng, tôi cùng Nhà văn Bút Ngữ, Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng, Nhà thơ Lê Bính... vui mừng đứng chờ và chào đón các em từ khắp nẻo đường của quê lúa Thái Bình, lục tục kéo về “Ngôi đền thiêng văn chương” của Hội, làm cuộc “nấu Sử, sôi Kinh.” Làm con tằm rút ruột, trao gửi cuộc đời, những tâm tình từ khoảng trống, khoảng day trở hồn mình, những mong, sự vọng vang có được nào đó, khi khoảng trống hồn mình thấm loang vào ai đấy. Thì, ai đấy, họ lại phải tự lấp đầy cái khoảng trống trong họ. Trong ý nghĩa văn chương cũng giống như tấm gương, ai soi vào đó cũng gặp bóng hình mình.
Và. Năm 1976, khóa đầu tiên, mang tên “Lớp Đào tạo, bồi dưỡng các em thiếu nhi có năng khiếu sáng tác văn học ở Thái Bình.” Với 12 “Nhà văn nhí.” Các em đều đang tuổi chín, mười, mười một. Có đôi em, ở tuổi 12 - 13.
Đây là cuộc tụ nghĩa mà người có Tâm, có Tầm là Ông Nguyễn Ngọc Trìu, Chủ tịch UBND tỉnh lúc bấy giờ, sau này là PCT Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN – VN, với Nhà văn Bút Ngữ, Chủ tịch Hội VHNT TB, người đã có công dựng lên ngọn cờ khởi xướng, làm nên cái DUYÊN… Cái “Nhân Duyên” để bây giờ “là Quả” trong mối quan hệ “Nhân - Quả” hai chiều, trước những gì là nhỡn tiền mà hôm nay chúng ta đang có.
Chúng ta biết ơn những con người khả kính như thế. Biết ơn các Nhà văn Tô Hoài, Phạm Hổ, Vũ Tú Nam, Võ Quảng, Định Hải, Phong Thu… một thời gian dài, đã cùng các Nhà văn Thái Bình, thật tâm huyết, tận tụy với các em. Biết ơn Các Nhà văn Nhóm Búp đã mê say, bền bỉ với văn chương, bền bỉ với 15 năm trong công cuộc đãi cát, tìm vàng.
48 năm. Với trên 50 tập sách đã xuất bản. Với trên 50 giải thưởng đã giành được ở các cuộc thi sáng tác văn học trong nước và quốc tế. Với các tập sách in chung. Như: “Búp và Hoa,” “Gửi miền yêu thương”. “Khung trời bình yên”, “Chùa Keo”, “Diệu khúc Sen”. Rồi, bây giờ, là tập “Duyên 1 – Duyên 2”… Nhất là, 5 năm qua, khi trang báo mạng, mang tên “nhabup.vn” - Diễn đàn văn chương Nhà Búp ra đời, đã thực sự đốt lên ngọn lửa. Đã vẫy gọi, thu hút và quần tụ thêm bao nhiêu cây bút là thành viên thân yêu của Nhà Búp. Có thể kể những gương mặt văn chương sáng giá như: Nguyễn Linh Khiếu, với tập văn xuôi “Chân mây” ra mắt hôm nay. Nguyễn Linh Khiếu là một thi sĩ quyết liệt trong cách tân, đổi mới thi ca, giành không ít thành công trong lao động sáng tạo nghệ thuật. Thơ Nguyễn Linh Khiếu là nguồn chảy của buổi triều cường ở tâm tình, ở thi ảnh, thi liệu. Là “ăm ắp năng lượng tinh thần, tính nhân văn, chuyển tải nhiều thông tin, thông điệp.” “Chân mây” là tập văn xuôi vừa xuất bản. Đây là những lát cắt mang cách nhìn, cách nghĩ, đắp dầy thêm “gia sản văn chương” đáng quý ở một phía đóng góp của một thi nhân.”
Rồi, Nhà giáo - Thi sĩ - Bùi Đại Dũng, với tập thơ “Thuyền rời bến” mà hôm nay ra mắt. Đây là tác giả của 6 tập sách đã xuất bản. Gồm sáng tác thơ và Dịch thuật. Nhà thơ Dịch tiếng Anh, Tiếng Trung, Tiếng Pháp. “Đạo Đức kinh” là tác phẩm mới nhất được Bùi Đại Dũng dịch và chú giải khá sâu, thể hiện sự uyên thâm riêng biệt trước những tầng kiến văn, riêng có của mình. Thơ Bùi Đại Dũng biểu hiện sức vươn tới một năng lực cắt nghĩa và lý giải vạn vật, qua những tứ thơ khá bất ngờ, độc đáo.
Rồi, nhà thơ Ánh Tuyết, Thi sĩ đã có hơn 20 đầu sách bao gồm cả văn xuôi và Thơ. Thơ của người đàn bà, luôn luôn “còn-đang-là-đàn-bà” Thơ đốt cháy không ít con tim khi hồn nhiên đem rơm khô mà kề vào gần lửa. Thơ với “câu thơ ghen” thật đáng yêu thương, tặng người tri kỷ của mình, rằng, “Những khi đi với người ta/ Chỉ mong ngọn gió nhận ra lối về”.
Rồi, Họa sĩ - Nhà Điêu khắc Hà Trí Dũng, người thầy dạy Các em Lớp Năng khiếu Hội họa của Hội VHNT –TB. Người có nhiều tượng đài có giá trị dựng trên đất nước. Người trong thơ có nét đậm của “thi trung hữu họa.” Thơ giàu hình ảnh, hình tượng. Thơ “Tinh, hóm và sâu.”
Rồi, Nhà giáo – Thi sĩ Nguyễn Hoàng Lâm, Trần Anh Chiến, Nguyễn Huệ, Nguyễn Quốc Văn, Chi Yến, Nguyên Hạnh… Những người vừa sáng tác, dịch thuật, vừa làm thầy giảng dạy trong nhà trường. Những Nhà thơ – Nhà ngoại giao như: Dương Chính Chức, Phan Đăng Đương, Nguyễn Như Thạnh, Lê Hải Hà đang làm việc ở các Đại sứ quán, hoặc đang định cư ở các nước xa xôi, như: Ăng-gô-la, Thụy Điển, Mỹ, Tiệp Khắc. Những Thi sĩ là Tiến sĩ, Bác sĩ, Luật sư. Là Hội viên Hội Nhà văn VN. Là các nhà lãnh đạo tại các cơ quan Đài, Báo, Cơ quan Văn hóa, kinh tế, Pháp luật, như: Minh Hiển, Đặng Thế Truyền, Nguyễn Chi Thành (Rơm Vàng - Riêng Rơm vàng là tác giả của 2 tiểu thuyết đã xuất bản). Rồi, Phan Hà, Trần Nguyễn Sông Hàn, Nguyễn Lại Hoàn, Nguyễn Văn Thông, Thái Văn Sinh, Trần Kim Phú, Triệu Quốc Bình, Tống Trung, Nguyễn Đình Bầu, Lê Quang Tuệ, Nguyễn Ngọc Thạch, Nguyễn Trường Giang, Nguyễn Minh Tâm, Lương Duyên Thắng, Thủy Trần, Phạm Thị Quyên, Vũ Thanh Huyền, Tuấn Khanh, Hoàng Liên Sơn, Nguyễn Thu Thủy, Linh Tâm …v.v …
Các nhà văn “là thành viên” của “Nhà Búp thân yêu” này, đã cùng với các Nhà văn “Nhóm Búp,” làm nên mối quan hệ đẹp đẽ nhiều chiều, trong giao lưu, hỗ trợ nhau, cổ vũ nhau, nâng cao nhau, trong sáng tác, trong in ấn, xuất bản, trong suốt dặm dài của công cuộc lao động, sáng tạo nghệ thuật.
Thưa Hội nghị.
“Nhà văn Nhóm Búp” – Tên gọi ấy, có từ tạp chí mang tên “Búp trên cành,” tập san sáng tác được Hội VHNT – TB lấy tên, một thời, dành riêng, chuyên giới thiệu các tác phẩm của các em viết.
48 năm qua, giới thiệu về “Các Nhà văn nhóm Búp”, Tôi đã có đôi bài viết khá dài và kỹ in trên Tuần Báo Văn nghệ Hội NV - VN và các NXB. Cùng với tập “DUYÊN 1 – ra mắt năm 2022”. Cùng Trần Huyền Tâm, Bùi Thanh Huyền, Phạm Minh Châu, Trương Minh Hiếu, Nguyễn Phương Thủy… Tác giả của những tập sách ra mắt hôm nay, tôi cũng đã bắt mạch rất trúng và viết thật sâu về Bùi Đại Dũng, Nguyễn Ánh Tuyết, Bùi Biên Linh, Phạm Hồng Oanh, Nguyễn Thị Toán, Nguyễn Diệu Liên… Tôi thật sự mừng vui với “Các Nhà văn Nhóm Búp” khi chúng ta có một Trần Huyền Tâm, với “Lưng túi gió trăng,” Tập Tiểu luận - Phê bình Văn học vừa xuất bản. Với 13 ấn phẩm, ghi nhận chặng đường lao động sáng tạo nghệ thuật, Trần Huyền Tâm là gương mặt Văn – Thi sĩ với sự hình thành khá đậm một khuynh hướng tư tưởng nghệ thuật rõ rệt. Thơ và Tản văn của Trần Huyền Tâm là nét đẹp của cõi Thiền, cõi khói sương mong manh, mát lành, trong trẻo. Tập Tiểu luận – Phê bình ra mắt hôm nay, là những trang văn đầy cảm xúc. Là sự bắt nhập, hòa đồng, của tâm tình bạn bầu, tri kỷ. Là cách tiếp cận, mổ xẻ, phẩm bình qua những văn bản, qua những thi pháp, mà người Phê bình, đã thực sự là người thứ hai, người sáng tạo thêm lần nữa, giúp người viết có thêm ngọn lửa, nhìn rõ mình, tự nâng cao mình trong lao động sáng tạo.
Chúng ta có Bùi Thị Biên Linh, với 6 tập sách, thì có 5 tập in ra, đều được trao giải cao của các cơ quan văn học. Biên Linh là người đầu tiên của Nhà Búp vào Bình Phước và cũng là người đầu tiên của Bình Phước được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, xóa đi khoảng trống văn chương nhạt mờ, đã diễn ra hàng thập kỷ trên xứ sở của miền Đông đất đỏ. Tiểu thuyết “Lính miền Đông” ra mắt hôm nay của Biên Linh đang được tái bản với giá trị phản ánh, giá trị tạo dựng một bức tranh điển hình, sinh động về người lính với một thời trận mạc. Tác phẩm được dư luận đánh giá cao trong các sáng tác viết về đề tài chiến tranh cách mạng.
Chúng ta có Phạm Thị Hồng Oanh. Thơ với lối đi ít cậy nhờ vào “thi nhãn.” Thơ lấy góc chìm, góc “đại mộng” của hồn mình để khơi lên khoảng sáng. Thơ của những gì là trực giác chỉ còn trong sức cô nén, tích lũy. Để rồi, Phạm Hồng Oanh có nhiều câu thơ thật riêng, thật sâu sắc, thật hay, thơ dễ ám ánh và ghim sâu vào trí nhớ người đọc.
Chúng ta có Nguyễn Thị Toán, thi sĩ của tuổi 9 -10 đã có bài thơ nổi tiếng mang tên “Cháu hỏi Ông”. Bài thơ có sức nặng gấp trăm ngàn lần sức vóc cô gái miền biển Diêm Điền nhỏ gầy, hiền dịu thuở nào. Tập thơ “Nơi thao thiết những vòm xanh” ra mắt hôm nay, là một minh chứng. Thơ của cái Nghĩ lớn hơn, trội vượt hơn cái Nhìn, cái Gặp. Thơ hướng tới chiều sâu triết luận. Thơ của một hồn thơ giàu sắc hương mà mỗi ngày thêm kết đọng, nén dồn hơn, giao hòa hơn, giữa hai chiều tư duy và cảm xúc.
Chúng ta có Bùi Thanh Huyền, một “Nhà thơ - Chúa Đảo, (Tôi gọi Bùi Thanh Huyền như vậy, bởi trên Đảo Ngọc Phú Quốc chỉ có riêng một nữ Thi sĩ là Bùi Thanh Huyền có lai lịch văn chương như thế. Bùi Thanh Huyền lại đang gánh vác vai trò TGĐ một Resort khá lớn.) Thơ Bùi Thị Thanh Huyền với ngôn ngữ cao sang, và Đẹp. Thơ đi từ nguồn mạch mộng mơ, đẫm chất trữ tình. Thơ với những tầng kiến văn được dung chứa, kết tinh. Cùng với tập thơ “Huyền” ra mắt hôm nay, Bùi Thanh Huyền còn tập “Tản văn” khá dày dặn đã đang được biên tập, đang “mai phục” để tung ra một “tiếng sét” trên bầu trời “văn chương của Nhà Búp”.
Chúng ta có Phạm Minh Châu với tập Thơ và Văn xuôi “Dấu yêu gửi lại.” Thơ và văn xuôi của Phạm Minh Châu là sự hài hòa, ăn khớp của tâm hồn và gương mặt người viết. Một tâm hồn thật tươi xanh, thật đượm nồng, trong trẻo. Những trang viết của Phạm Minh Châu luôn cuộn sôi, xoáy xiết. Cái xoáy xiết, cuộn sôi mà êm xanh. Mà ngọt ngào. Mà mát lành, lắng đọng.
Chúng ta có Nguyễn Diệu Liên, với tập thơ mang tên “Nỗi nhớ nghiêng” ra mắt hôm nay.
Thơ Nguyễn Diệu Liên là những khoảnh khắc mong manh. Thơ coi trọng nét nhấn nhá, lặng, trầm. Thơ với cách vận động trong đồng hiện, đồng tỏa rạng, sức tung tẩy, trẻ trung. Tôi thật ấn tượng với bài thơ “Hoa nở, người không hái” của Nguyễn Diệu Liên ở cách nhìn, cách nghĩ, ở “tứ thơ” độc đáo, đầy nhân ái, nhân văn.
Chúng ta có Trương Minh Hiếu, với tập thơ “Cội.” Thơ Trương Minh Hiếu là năng lực biểu hiện sự dồi dào, phong phú, trong tiếp cận hiện thực, chiếm lĩnh hiện thực, khai sáng hiện thực. Và, cái đáng nói trong “cái có được, cái đem về,” là “Hiện thực hoài nghi. Hiện thực của “đại mộng” được gọi về từ “đại giác” – Đấy, chính là Hiếu. Là cõi hồn Trương Minh Hiếu đã làm nên sức vọng vang, sức loang thấm trong thơ …
Chúng ta có Nguyễn Phương Thủy (Hiện đang giảng dạy tiếng Đức, tiếng Anh trên nước Đức). Thủy vừa viết thơ, vẽ tranh, vừa sáng tác và Dịch thơ từ nguyên bản tiếng Đức, tiếng Anh sang tiếng Việt và ngược lại. Tập “Ngân lên từ nỗi nhớ,” ra mắt hôm nay, là bước chuyển tiếp, bước nối dài và đắp dầy một hồn thơ trẻ trung, yêu say, giàu khát khao, mơ tưởng…
Chúng ta có Nguyễn Thúy Hằng với 2 tập Thơ – Bút ký và Tản văn … Thơ và Văn xuôi của Nguyễn Thuý Hằng biểu hiện một năng lực ôm trùm ngoại giới. Năng lực biến thế giới thứ nhất, khi bước vào trang viết “thành thế giới thứ hai”, Giàu có hơn. Phong phú, sinh động hơn. Biến ảo hơn. Và, động hơn. Cội nguồn gốc rễ ấy, không gì khác, đó là Nguyễn Thúy Hằng – Đó là vía hồn thi nhân đóng vai trò chủ thể.
Chúng ta có Chu Xuân Giao (Vân Quốc) với giọng thơ khá riêng biệt. Thơ không dễ lẫn trong muôn vẻ thơ ca. Thơ của khả năng phá cách, khả năng đào tìm, ở cách cảm, cách nghĩ. Thơ coi trọng “ở Tứ thơ”. Ở “thông điệp” ký thác. Thơ với cách ôm trùm “một không gian thơ” giàu suy tưởng và gợi. Thơ hướng tới một chiều sâu minh triết ...
Chúng ta có Trần Thu Huê, với 7 năm liên tục theo Lớp Năng khiếu sáng tác văn học ở các khóa mùa hè. Cô gái lớp Văn này, trở thành vị “Phó Chủ tịch Huyện” ở một tỉnh phương Nam, một cây bút Văn xuôi quý hiếm của Nhà Búp. Tập Truyện ký của Trần Thu Huê đang nằm trên bàn Biên tập, sẽ ra mắt vào sớm xuân 2025 Ất Tỵ. Đây là những trang văn xuôi của một cây bút vừa bước ra từ khoảng đời của người đằm mình trong thế cuộc nóng bỏng, đằm mình trước năm tháng đời thường với không ít “Cảnh huống – Cảnh Sự.” Không ít xương xẩu, vỉa hè. Nhưng, cũng không ít chất thơ và nặng đầy tâm tình, suy ngẫm.
Chúng ta có Đào Thanh Bình, người say mê “Nhà Búp” đến nỗi, khi đã vào Đại học, cô sinh viên xinh đẹp, trẻ trung ấy, vẫn từ Hà Nội tìm về với Lớp năng khiếu ở các khóa mùa hè để tham dự và tìm lấy cảm hứng sáng tác. Tiểu thuyết khá dày dặn được tác giả viết xong từ lâu, nhưng vẫn tự mình “cất sâu trong ngăn kéo”. Bởi, sự ngắm trông cõi thế trong đắn đo, trong dự cảm… Ở mối liên hệ giữa hiện thực cuộc đời và hiện thực trang viết. Ở nhân vật đời thực với nhân vật… khi đã hóa thành văn.
Rồi, Bùi Lan Anh, Vũ Huy Thông, Lê Kim Hạnh, Đỗ Thị Huệ. Nguyễn Minh Hương, Trần Vân Hương, Nguyễn Nga, Phạm Lan Anh, Bùi Thái Phúc, Trần Minh Hạnh, Bùi Thị Ngọ, Nguyễn Quốc Huy, Bùi Trung Hiếu, Phạm Vương Hùng… Những nhà văn của Nhóm Búp đều đã có đủ tác phẩm để đứng tên riêng trong tập sách, chúng ta sẽ vui mừng đón chờ “Họ với thời gian” trong kết tinh, trong sự chín thơm trước mùa màng hái gặt.
Như vậy, với “Cái Có” của “Các Nhà văn trong đại gia đình Nhà Búp,” 12 tập sách ra mắt hôm nay, đây là lần thứ tư, cuộc tổ chức ra mắt sách thật quy mô, trang trọng, sau 2 lần diễn ra ở thành phố Thái Bình. Một lần ở vườn Vua Phú Thọ. Và, hôm nay, trên đất Cảng, Hải Phòng. Cùng với việc ra mắt sách, 5 năm qua, Các Nhà văn Nhóm Búp còn tổ chức được 5 chuyến đi thâm nhập thực tế về các vùng đất để sáng tác, đáng kể là chuyến đi về phương Nam, tới các tỉnh Bình Phước, Sài Gòn, rồi xa xôi là Cà Mau, Đất Mũi.
“DUYÊN 2” Tập thơ và Văn xuôi (Nhiều tác giả) ra mắt hôm nay, là sự hội tụ đông vui của 72 gương mặt, với 219 bài viết, 520 trang in. Trong đó có nhà văn đóng góp ở cả ba thể loại.
Có thể khẳng định, DUYÊN 2 là tập sáng tác đông vui về số lượng, “Mạnh và Hay” về chất lượng.
Đọc “DUYÊN 2” này, dễ thấy, các “Nhà văn nhí” một thời, mạnh về trực giác, mạnh về “hướng ngoại,” bây giờ đã bám chặt hiện thực của “Cõi lớn Ta Bà” để quay về ngụp lặn nơi hồn mình, để có được cái “độc thoại,” cái hiện thực của tầng chìm sâu nơi hồn mình suy tưởng.
Có thể nói, ở mỗi chùm thơ, mỗi tác giả thơ, là một lối tiếp cận, lối mở, mang dáng vẻ khác nhau, nơi đốt lên cảm xúc, nơi liên tưởng văng xa, nơi đảo lật những trật tự ngôn từ, với cái gốc của hồn thơ trong thăng hoa, kết đọng…
Càng thấy rõ hơn nữa, những trang viết của các Nhà văn là “thành viên Nhà Búp” – đều phát sáng từ con tim thật giàu tri kỷ. Con tim không yên bình. Con tim với bất cứ va chạm nhỏ nào đều dễ dàng nổi loạn, trong âm thầm ngân nga hay trong vọng vang, sôi cháy.
Đấy là cái “Nền lớn – cái Gốc lớn”... Cái yếu tố làm nên những trang văn hay, những bài thơ hay, những câu thơ thần cú, thần tự và ám ảnh hồn người.
Cùng với Thơ, tập “DUYÊN 2” giới thiệu khá đậm những trang văn xuôi bao gồm các Truyện ngắn, Bút ký, Tản văn … giàu chất văn. Giàu chi tiết, giàu cảnh huống, cảnh sự.
Với lối tự sự có duyên. Lối mô tả mà các sự kiện điển hình, cảnh huống điển hình, hấp dẫn qua khả năng “tái tạo hóa,” “khái quát hóa”, những trang văn xuôi đã đem lại giá trị phản ánh, giá trị hữu ích, khi mỗi bài viết là những bài học mang chiều sâu, góp cho đời có thêm “những tia sáng nhận biết…
Góp vào “DUYÊN 2,” phần khá sinh động nữa, đó là những trang “Lý luận - Phê bình” với cách soi nhìn, cách phẩm bình, cách cảm nhận, phát hiện … Các bài “Nghiên cứu - Lý luận – Phê bình” ở đây đều có được sự cảm nhận sâu trong hòa đồng. Trong mổ xẻ. Trong cái đặt ra những vấn đề mang lý luận ở nội dung, thi pháp. Ở hình ảnh, hình tượng, kết cấu. Ở sở trường, sở đoản. Ở hướng mở mang thế mạnh, giúp người viết tự nâng cao mình trong tự thức, và ý thức sáng tạo…
Điều vui là, cùng với các cây bút trong đại gia đình “nhà văn Nhóm Búp” tập “DUYÊN 2,” còn có sự tham gia của các cây bút thuộc các thế hệ Búp… như: Nguyễn Văn Thông, Nguyễn Lại Hoàn (là bố mẹ của Rơm Vàng); Nguyễn Xuân Thi, Nguyễn Thị Uyển, Hoàng Tố Uyên Rose (là bố mẹ và con gái của Phương Thủy). Rồi, các “Nhà văn Nhóm Búp” từ nước ngoài tìm về “Ngôi nhà thân yêu xưa” của mình sau thời gian dài cách biệt”. Với nữa, Thi sĩ Lê Quang Tuệ là em trai của Nhà thơ Lê Bính, là anh trai của “Thi sĩ nhí” Lê Quang Đôn thuở nào… Lê Quang Đôn, người của nhà văn Nhóm Búp. Người từng đoạt giải Nhất, duy nhất trong cuộc thi thơ của UNESCO đầu thập kỷ 1980 với bài thơ thật hay, mang tên “Bạn gió mùa hè.”
Thưa Hội nghị!
Với khá nhiều nội dung trong cuộc gặp gỡ, giao lưu, kỷ niệm 5 năm trang báo mạng “nhabup.vn”. Rồi, 12 tập sách của một và nhiều tác giả vừa xuất bản. Để có nhiều ý kiến, tạo sự phong phú, sinh động hơn, trong bình phẩm về các tác phẩm của các tác giả trên… Sau đây, tôi mong rằng, các Nhà văn, các nhà nghiên cứu, hãy góp thêm những lời bàn, tạo nên cái đa diện, đa thanh, đa chiều trong cái nhìn về “Các Nhà văn Nhóm Búp” và “Các Nhà văn là thành viên Nhà Búp”.
Thưa Hội nghị!
Khép lại lời đề dẫn của mình. Tôi chợt ngoảnh nhìn và nghĩ. Năm 1495, Nhà Vua Lê Thánh Tông lập “tao đàn nhị thập bát tú.” Năm 1936 – Nhóm “Thơ Quy Nhơn - Bình Định” gồm Quách Tấn – Hàn Mặc Tử - Yến Lan, Chế Lan Viên… ra đời.
Trước đó hai năm. Năm 1934, nhóm “Tự lực văn đoàn” của Khái Hưng – Nhất Linh – Thạch Lam, Tú Mỡ... Tất cả tổ chức ấy, đều chỉ là một “nhóm Văn bút”... họ đã ghi vào lịch sử một trường phái, một giọng điệu văn chương, với một phía đóng góp đáng nói trong tiến trình phát triển lịch sử văn học nước nhà.
Vậy, với thành tựu “Văn chương của các Nhà văn Nhóm Búp” đang có so với các nhóm Văn Bút, trước nó, ai dám bảo, rằng nhỏ? Ai dám bảo, nó dễ mất bóng trước lịch sử văn học nước nhà? Khi gương mặt này, tác phẩm ấy. Khi Văn bia hôm rày, chúng ta đã và đang gửi tới mai sau …
Và, tôi tin rằng, bầu trời văn chương của “Các Nhà văn nhóm Búp,” của các Nhà văn là “Thành viên Nhà Búp” chúng ta… Tia nắng khiêm nhường này sẽ lung linh, sẽ mãi còn trên miền trời xa thẳm của lịch sử văn chương đất nước.
Xin kính chúc sức khỏe, may mắn và hạnh phúc tới các vị Đại biểu, quý khách. Tới các Nhà văn trong đại gia đình thân yêu và trân quý của “Nhà Búp” chúng ta.
Xin trân trọng cảm ơn!
Nhà thơ KIM CHUÔNG
(Nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình - Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Thái Bình - Chủ nhiệm Lớp Đào tạo Bồi dưỡng Các em có năng khiếu sáng tác Văn học ở Thái Bình 1976 – 1990)