Thơ Nguyễn Diệu Liên và đôi điều cảm nhận
- Thứ bảy - 05/03/2022 21:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
THƠ NGUYỄN DIỆU LIÊN VÀ ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN
(Tác giả: NGUYỄN THỊ TOÁN)
Nguyễn Diệu Liên tên thật là Nguyễn Thị Liên, sinh năm 1973, quê biển Diêm Điền – Thái Thụy - Thái Bình, nơi dòng sông Diêm Hộ đỏ nặng phù sa uốn khúc, hòa vào biển lớn - nơi trên bến, dưới thuyền tấp nập là đầu mối giao thương với các thành phố Nam Định, Hải Phòng bằng đường biển, đường sông - nơi mênh mang những cánh đồng muối trắng, đồng cói xanh rì, đồng lúa, rau màu tươi tốt và những bãi sú, bãi vẹt, đầm cá, đầm tôm của những người nông dân, ngư dân cần mẫn, những bờ kè, bờ đê, hàng phi lao gió hát… cũng là mảnh đất hiếu học - nơi có ngôi trường Cấp III Đông Thụy Anh nằm bên bờ biển, dưới rặng dừa xanh, đã hơn nửa thế kỷ mà lớp lớp học sinh từ đó trưởng thành…
Nguyễn Diệu Liên bộc lộ năng khiếu văn chương từ rất sớm. Năm 11 tuổi em đã đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi Tỉnh môn Văn lớp 5 và được chọnvào đội tuyển thi học sinh giỏi Văn toàn quốc.
Bắt đầu từ hè năm 1984 và các mùa hè tiếp theo (1985, 1986) em được Hội Văn học và Nghệ thuật Thái Bình mời tham gia lớp Bồi dưỡng sáng tác Văn học Thiếu nhi, được làm học trò của những người thầy lớn như nhà văn Bút Ngữ, Lê Bính, nhà thơ Kim Chuông, Bùi Công Bính… được đăng thơ trên tập san Búp trên cành, Báo Thiếu niên Tiền phong, Báo Thái Bình, được giao lưu với rất nhiều cây bút thiếu nhi nổi tiếng của tỉnh lúc bấy giờ như Phạm Minh Châu, Nguyễn Thúy Hằng, Phạm Hồng Oanh, Bùi Trung Hiếu, Bùi Thái Phúc… mà phần lớn trong số đó đến nay dù làm nghề gì và ở đâu, họ vẫn khẳng định được tài năng văn chương của mình qua các sáng tác được đông đảo bạn đọc yêu mến.
Một điều rất thú vị ở Liên: mặc dù cấp 2 là học sinh lớp chuyên Toán của trường Năng khiếu Thái Thụy, rồi lớp chọn tự nhiên của trường THPT Đông Thụy Anh, từng dự thi học sinh giỏi tỉnh môn Toán và Vật lý lớp 10, môn Vật lý lớp 11 và lớp 12, nhưng tình yêu với văn chương của Liên không hề mai một. Sau này trở thành sinh viên Khoa Toán - Đại học Sư phạm Hà Nội I, rồi Giáo viên dạy Toán xuất sắc của Trường Chuyên Toán Chương Mỹ - Hà Tây, Trường trung học phổ thông Lý Thường Kiệt Hà Nội, em vẫn giữ nguyên vẹn cho mình một tâm hồn lãng mạn và cảm hứng sáng tác thi ca. Tập thơ “Nỗi nhớ nghiêng” là thành quả trái ngọt tâm hồn em trong những tháng năm qua, ghi dấu chặng đường của ngòi bút Diệu Liên đang vào độ chín.
Đọc “Nỗi nhơ nghiêng,” điều dễ thấy trong thơ Liên là bao giờ cũng ngắn gọn, khúc triết, giầu sức gợi, tạo không gian thoải mái cho người đọc cảm, hiểu, liên tưởng và đồng sáng tạo. Tứ thơ, cảm hứng thơ thường đến rất tự nhiên, bất chợt, từ sự quan sát tình cờ mà đầy mẫn cảm nhưng lại neo đậu và để lại ấn tượng khó quên trong lòng người đọc bởi những cảm xúc, suy ngẫm hàm ẩn triết lý sâu xa. Diệu kỳ sen là một trong rất nhiều bài thơ như thế:
Trong đầm Sen vẫn nở
Tinh khôi giữa bùn lầy
Em ơi! Em có thấy?
Điều diệu kỳ từ Sen.
Ngôn từ trong thơ Liên thường bình dị, tác giả không gò câu, đẽo chữ cũng không đóng cứng nhận thức của người đọc vào một cái khuôn nào của ý tưởng, quan niệm về cuộc đời. Trí tưởng tượng trong thơ Liên thường mang màu sắc trẻ thơ, sản phẩm của một tâm hồn giầu mộng mơ và những liên tưởng thú vị. Bài thơ “Ngôi sao đơn lẻ” là một ví dụ điển hình:
Bất chợt một ngày
ta gặp vì sao rơi
Nằm lặng lẽ
nơi cánh đồng lúa chín
Sao hoang mang
vì thấy mình không sáng
Sao thì thầm ...
như nhắc nhớ
Người đi
đừng lạc lối…
giống mình!
Giọng thơ Liên thường tự sự, nhẹ nhàng như một lời nhắn nhủ. Có khi Liên viết về sự cô đơn nhưng bao giờ tác giả cũng biết cách thoát khỏi nỗi cô đơn để tự cởi trói, giải phóng cho tâm hồn mình khỏi sự bi lụy. Bài thơ “Rượu và trăng” gợi nhớ thi tiên Lý Bạch đời Đường ở Trung Quốc từng đối ẩm cùng trăng với nỗi cô đơn vô cùng, vô tận của thi nhân khát khao người tri âm, tri kỷ. Nhưng khác nhà thơ xưa, soi chiếu vào tâm hồn mình, Diệu Liên không bi kịch hóa nỗi đau hay đẩy nỗi đau đến tận cùng bi kịch. Kết thơ bao giờ cũng lóe sáng niềm vui như bầu trời xanh biếc sau cơn mưa, và vì vậy để lại nhiều dư âm đẹp đẽ trong lòng người đọc:
Uống rượu không có bạn
Nâng chén mời ánh trăng
Một mình với chiếc bóng
Thành một đôi tri âm
Uống rượu không có bạn
Nghiêng chén cười với trăng
Cạn hết ly rượu tràn
Lãng mạn vào giấc ngủ
Nguyễn Diệu Liên ít làm thơ lục bát nhưng bài nào cũng hay, cũng nhuần nhị. Và, Cầm tay là một bài thơ lục bát ngắn gọn nhưng đó là sự bùng nổ của cảm xúc và suy tư. Tác giả dồn nén vào 4 câu thơ nhỏ khát vọng dịu dàng, thiết tha của người phụ nữ về một cuộc sống bình yênvà gửi gắm vào đó một quan niệm về hạnh phúc:
Bàn tay nắm chặt bàn tay
Để cho quên hết những ngày truân chuyên
Để cho quên hết ưu phiền
Những đêm yên tĩnh một miền trong em!
Hạnh phúc với Liên chỉ là bình dị thế thôi, chỉ cần được tin tưởng và yêu thương, được cùng người bạn trăm năm nắm chặt tay nhau đi qua tháng ngày gian truân, vất vả, bỏ lại đằng sau hết thảy những phiền muộn, âu lo… và mong sao bão tố cuộc đời hãy dừng ngoài cánh cửa.
Thơ Diệu Liên thường bắt đầu bằng một hiện thực khách quan như sự khởi đầu của một câu chuyện nhỏ nhưng kết thúc lại là một nỗi niềm, tâm tư... Hành trình thơ Liên thường đi từ những phát hiện thú vị đến một sự suy ngẫm, suy tưởng:
Nhà mới và nhà cũ
Cách nhau một cây cầu
Nghiêng hai đầu nỗi nhớ!
Chợt thấy mình đa đoan…
(Nỗi nhớ nghiêng)
Bức tranh thiên nhiên trong thơ Liên thường không phải là tranh tĩnh vật mà là một thế giới mở, hân hoan đầy cảm xúc, những rung động của tâm hồn, rung cảm trước mùa được vẽ lên bởi nghệ thuật chấm phá sinh động (Chào tháng Tư, Cúc Họa mi báo thức Đông về, Thanh âm cuộc sống, Khúc hát tháng Tư .v.v…). Điều đáng quý ở Liên là cảm quan yêu đời, lạc quan nên ngay cả khi em vẽ bức tranh thu (Mùa thu yêu thương, Tình thu) dù có lá vàng rơi, có dấu tích của những cơn mưa dài lê thê“thu ướt”, có “làn gió heo may” nhưng đọng lại vẫn là cảm xúc, tình yêu dành cho những gì tươi đẹp, như mùa xuân đầy sức sống không bị chìm vào ảm đạm thê lương như độc giả từng thấy rất nhiều trong thơ của các nhà thơ lãng mạn trước Cách mạng tháng Tám 1945 (Đây mùa thu tới – Xuân Diệu, Tràng giang – Huy Cận v.v…). Bức tranh Thu hay chân dung tâm hồn thi nhân đắm say trong tình thu, cảnh thu:
Em gom nhớ nhung vào từng giọt nắng
Để vàng hươm
rót mật
ngọt ngào say…
….khoảng trời xanh ngăn ngắt trong lành
Yêu những cánh chim chao nghiêng bay về miền cổ tích
Yêu những giọt vui cứ ríu ra ríu rít
Những tiếng gọi bầy níu giữ khúc nhạc thu.
(Mùa thu yêu thương)
Thơ Liên là tiếng gọi tâm tình của một trái tim yêu Hà Nội cảm nhận sâu sắc nét riêng, nét quyến rũ của mùa Thu nơi Cố đô ngàn năm văn hiến bằng cảm xúc bồi hồi, xao xuyến. Trong dòng cảm xúc ấy, tâm tư ấy bức tranh Thu đã được phác họa đầy sức gợi với lá mê mải vàng… nước hồ xanh ngắt… gió Thu se lạnh đến nao lòng… cốm non gói vào lá sen thơm ngát… xôn xao Thu Hà Nội… (Có một Hà Nội rất nhớ em)
Dường như có một họa sĩ trong tâm hồn thi nhân. Quả đúng như người xưa thường nói: Thi trung hữu họa. Liên làm thơ như vẽ tranh. Tranh trong thơ Liên thường không rậm rạp mà chỉ là những nét chấm phá, điểm xuyết, phác thảo nhưng luôn đong đầy cảm xúc làm rung động lòng người. Bên cạnh những bức tranh thơ về mùa thu Hà Nội ta còn gặp trong thơ Diệu Liên bức tranh thiên nhiên đầy tâm trạng trước khoảnh khắc giao mùa từ xuân sang hạ, sự đối nghịch của thời tiết, sự hối hả của thời gian:
Tháng Tư ùa về vội vã
Mùa xuân nỡ bỏ ta đi
Đất trời giao mùa lặng lẽ
Khiến hồn ta rẽ làm đôi
…Ta vừa đi qua những đêm mưa phùn gió bấc
Để đến bên nắng tháng Tư ấm áp, dịu dàng
Tháng Tư về...
Học trò nôn nao khó tả
Mùa thi đến gần rồi!...
(Tản mạn tháng Tư)
Thơ là sự phản ánh vẻ đẹp tâm hồn của người làm thơ. “Nỗi nhớ nghiêng” là thơ của người phụ nữ chan chứa tình yêu với thiên nhiên, con người, trái tim vô cùng nhạy cảm trước những đổi thay dù là tế vi nhất của đất trời, hồn người:
Em nghe thấy không tiếng cựa mình rất khẽ
Của những hạt cây đang tí tách nảy mầm
Em nghe thấy không tiếng thì thầm rất nhẹ
Của những chồi non nói với hạt sương tròn
…
Em nghe thấy không những tiếng tim mình
Đập rộn ràng cho người mình yêu dấu
Em nghe thấy không tất cả những thanh âm
Của cuộc sống đời thường mà yêu thương biết mấy!
(Thanh âm cuộc sống)
Bởi hồn thơ trong trẻo, đầy lạc quan nên bức tranh Thu cũng mang sắc màu tươi sáng và xôn xao niềm vui (Đôi mắt mùa Thu). Với trái tim nhạy cảm một làn hương Ngọc Lan cũng gợi nhiều trăn trở, suy tư nhưng kết lại vẫn là sự vượt lên số phận để giữ lại cái đẹp của tình người, để nỗi buồn theo gió bay đi:
Còn lại gì cho em?
Những câu thơ bỏ quên bên cửa sổ
Giọt nước mắt long lanh thời thiếu nữ…
…Những câu hát bâng khuâng thời trai trẻ
Anh bỏ quên, nốt nhạc rớt bên thềm…
…Ơi bông Ngọc Lan vẫn hết mình tỏa hương thơm bay trong gió
Gió sẽ thôi buồn
Gió sẽ hát mãi bản tình ca.
(Hương hoa Ngọc Lan)
Cũng vậy, Đường chiều là cảnh ngộ cô đơn, trách hờn mà vẫn bao dung biết mấy:
…Như cánh chim thiên di
Lạc vào miền đất lạ
Lòng người sâu biển cả
Sóng đời còn bao dung…
Tâm thái ấy đã trở thành nhân sinh quan rất đỗi tích cực xuyên suốt tập thơ “Nỗi nhớ nghiêng”. Nên đọc thơ Diệu Liên, cảm nhận nỗi niềm em, sự lựa chọn thái độ sống của em, thấy thương yêu, trân trọng vô cùng.
Yêu sao những bông Cúc Họa Mi của một chiều chớm Đông Hà Nội. Qua nét phác thảo đầy cảm xúc của thơ Liên vẻ đẹp của cúc họa mi quả thật làm ta phải sững sờ, ngẩn ngơ như một tình yêu bừng nở rồi vụt mất để lại trong lòng bao tiếc nuối:
…Bâng khuâng quá một chiều Đông lãng đãng
….
Khi bắt gặp gánh Họa Mi bừng sáng
Dịu dàng như nàng thiếu nữ mùa Thu
Thanh tân quá mà tinh khôi quá đỗi
Bồng bềnh trắng như mây giăng ngập lối
Hoa đến rất nhanh mà đi cũng vội
Khiến mùa đông Hà Nội ngẩn ngơ tìm.
(Cúc Họa Mi bao thức Đông về)
Mỗi chúng ta ai không có một quê hương? Có nhà phê bình văn học đã nhận ra trong mỗi tâm hồn người thành phố đều ẩn náu một chốn quê nhà bao dung, ấm áp. Với Diệu Liên cũng vậy. Đọc Nhớ quê nhà tháng Ba ta gặp bước chân em tìm về tuổi thơ mình với tất cả những gì thân thương, thiêng liêng và yêu dấu nhất. Quê nhà gắn với những ân tình sâu nặng: ân tình của thiên nhiên chung thủy “Cây gạo già vẫn đợi”- chứng nhân tuổi thơ ta chăn trâu, thả diều, hái hoa, bắt bướm và ra đầu làng ngóng mẹ buổi chợ về… “Con đường quê thân thương”- người bạn thân thiết chứng kiến sự trưởng thành của mỗi chúng ta, nâng bước ta đến trường mỗi sáng; ân tình của mẹ, cha, củangười bà lưng còng cả một đời vất vả, và là chính ta của một thuở bé thơ ngộ nghĩnh, hồn nhiên biết mấy:
Vai mẹ gầy trĩu nặng
Gánh cả trời tháng Ba
Dáng tất bật của cha
Vác cày đi ra ngõ
Lưng còng bà lọ mọ
Chăm sóc đàn gà con …
Em bé chạy lon ton
Đùa vui cùng lũ cún
Cười khoe hàm răng sún
Lún phún hạt mưa xuân
Đậu đầy trên mái rạ
Bức tranh quê nhà bao gồm những hình ảnh chọn lọc mang tính điển hình, đặc trung nhất của con người, quê hương yêu dấu mà mỗi chúng ta đều thấy mình trong đó. Cái kết rất hay, xâu chuỗi mạch cảm xúc của toàn bài thơ để lại nhiều bâng khuâng trong trái tim người đọc:
Ngày tháng Ba lạ quá!
Nỗi nhớ ùa rưng rưng.
Thơ Liên còn là tiếng ru lòng đắng đót và gợi nhiều thương cảm… Còn gì thương hơn nỗi lòng người phụ nữ mòn đêm chờ đợi. Đêm cô đơn bao giờ cũng là đêm dài nhất, chỉ một tiếng sáo diều ngân nga cũng gợi bao nỗi niềm khắc khoải. Từng giọt thơ rơi rơi như từng giọt nước mắt em tan vào đêm. Điệp khúc đợi anh, đợi anh như tiếng thầm thì hay tiếng nấc của con tim đau đáu đợi chờ:
Diều ơi!
Bay cao lên cùng gió
Bay cao lên cùng mây
Chở nỗi niềm khát khao về đây
Về nơi miền xanh thẳm
Nơi có em ở đó
Đợi anh!
Mỗi ngày…
Sáo diều vi vu đó đây
Ru nỗi nhớ đằm say
Ru đêm dài
nghiêng vào giấc ngủ
Lời yêu thương
Ngọt lành
thủ thỉ
Gửi
Bình yên…
Thao thiết …
Vỗ về…
Anh sẽ về …
Cùng ánh dương rạng rỡ
Cùng vòng tay ấm êm rộng mở
Nụ cười hiền
Trong vắt
Giấc mơ
Em…
Tiếng sáo diều
Ngân nga
Mênh mang
Đêm còn em
Đợi anh…
Đợi anh…!
(Đợi)
Như nhiều người làm thơ khác, đôi khi Diệu Liên không chỉ viết cho mình mà còn nói thay, nói hộ cho người như một sự đồng cảm, thấu hiểu và sẻ chia. Có khi là cảm xúc nhớ nhung, tiếc nuốitrong lòng ai đótrước sự trớ trêu của số phận, cảnh ngộ lỡ làng bởi cuộc đời, tình yêu vốn như một trò ú tim, đuổi bắt:
Anh về nơi ấy!
Em đã xa rồi!
Chỉ còn nỗi nhớ
Vương hoài bước chân
Sân nhà ai đó
Hoa cúc đã tàn
Thu vàng bước vội
Đông buồn rẽ ngang
Mình anh lang thang
Đi cùng năm tháng
Không em... muộn màng
(Về chốn cũ)
Hình ảnh ẩn dụ sống động Thu vàng bước vội/ Đông buồn rẽ ngang khiến ta liên tưởng tới sự chảy trôi của thời gian, sự chia lìa của đôi lứa. Nhà thơ đã hóa thân vào nhân vật trữ tình Anh để cảm hiểu sâu sắc nỗi xót xa trong lòng người trở về chốn cũ như chàng Kim Trọng năm xưa trở lại vườn Thúy mà người dấu yêu đã xa thật xa, chỉ “Hoa đào năm ngoái còn cười gíó đông” (Truyện Kiều – Nguyễn Du).
Cũng có khi tác giả hóa thân vào nỗi niềm người con gái những năm chiến tranh đợi chờ người yêu ra trận mãi không trở về trong khắc khoải, vô vọng… Đó là một buổi chiều lạc bước đến bờ bãi sông Hồng mùa heo may, vạt cỏ héo khô, xác xơ trong gió lạnh, hoa cải rực vàng mê mải… khiến nhà thơ cảm nhận rất rõ cái Chông chênh heo may - chông chênh của cõi lòng người con gái đã qua tuổi xuân thì:
…Em bé nhỏ mong manh
Trước dòng sông dài rộng
Chông chênh hơi may mỏng
Thoảng mái chèo chơi vơi.
Người đi xa vời vợi
Đâu hay gió mùa về
Vạt cỏ héo triền đê
Vẫn lời thề con gái.
…
Triền đê vàng hoa cải
Có người vẫn chờ mong…
Lời thơ như tiếng nhạc gieo vào lòng người đọc những ngân vang không dứt. Thơ Liên tả ít mà gợi nhiều là thế - là trái tim người thi sĩ rộng mở và ngập tràn tình yêu (theo cách riêng của họ trước cuộc đời) xóa nhòa ranh giới giữa thơ, ca, nhạc, họa. Chỉ cần có những trải nghiệm gần gũi với tác giả, ta sẽ có thể cùng nhà thơ đi đến tận cùng của sự đồng cảm.
Khi Liên Viết cho con cũng là viết cho mình. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ của lòng mẹ khi có con trên đời:
…Con vầng trăng lung linh
Nở nụ cười hoa ngọc
Mẹ quên bao khó nhọc
Khi có con trên đời
Lời mẹ cất ru hời
Giữa cuộc đời dâu bể
Con an lành giấc ngủ
Bấy nhiêu thôi đủ rồi!
Tôi cũng rất ấn tượng với bài thơ Trở lại Tháp Bà. Bài thơ là cảm xúc hoài cổ, một bức tranh tâm trạng, ký ức ùa về và tâm thái buông xuống nhẹ nhàng để giữ được sự an nhiên tâm hồn của tác giả:
Gió thổi mạnh nghiêng ngôi tháp nhỏ
Lòng bồi hồi nhớ tháng năm xa
…
Bao kí ức ùa về náo nức
Của một thời đâu đó xa xôi
…
Gửi lại đây nụ cười rất nhẹ
Không bão giông, không chớp giật lòe
Ta về với an nhiên ta nhé!
Chốn vô thường, ta chỉ khách thôi.
Tôi thích cái nhân sinh quan tích cực này của em và phải chăng chính điều đó đã giúp em đi qua bao giông gió của cuộc đời để giữ được cho mình, cho thơ một tâm hồn vẹn nguyên, trong trẻo, yêu đời, đầy niềm tin ở phía trước.
Cũng có khi tứ thơ chợt bật lên từ một suy ngẫm, một trải nghiệm xót xa, nhưng sự khơi mở và phát triển ý thơ thì lại men theo bờ cảm xúc, lấy cảm xúc làm lực đẩy chứ không sa vào triết lý hay bài học đạo lý khô khan: Đã biết rằng có trách móc nhưng không chua chát, đắng cay mà tha thiết tin yêu, điều đó đủ làm mềm trái tim người đọc:
…Đã biết rằng
hạnh phúc quá mong manh
Ta nắm chặt tay nhau
để không bao giờ đi lạc
Rũ bỏ hết những thói đời bạc ác
Trăm mối tơ lòng
Sao cản được thiện duyên
Với Diệu Liên có khi chỉ một tiếng chuông chùa vang vọng cũng gợi bao suy ngẫm và cảm xúc về hồn quê, về cõi thiêng, về chính hồn mình và niềm bâng khuâng trước nẻo về của muôn kiếp nhân sinh:
Tiếng chuông hay tiếng hồn quê
Chợt xao xuyến, chợt gọi về cõi thiêng
Về Chùa Keo, hết ưu phiền
Trong ta gần lắm một miền quê xa.
Chuông chùa hay chính lòng ta
Giữa bâng khuâng thức ngân nga nẻo về.
(Nghe tiếng chuông chùa Keo)
Thơ Diệu Liên nhẹ nhàng mà sâu sắc, có chiều sâu, sức nặng tâm tư là vậy. Là cô giáo dạy Toán nhưng Diệu Liên lại có một tâm hồn thi nhân nhạy cảm như sợi dây đàn chỉ một ngọn gió lướt qua cũng đủ làm ngân lên những âm thanh tha thiết. Như cây xanh với muôn ngàn mắt lá xôn xao trong nắng, như hàng cây mùa thu chỉ một cơn gió thoảng cũng ào ào trút lá, với tập thơ “Nỗi nhớ nghiêng” em đã thực sự đưa ta trở về tuổi hoa niên với trong veo mắt biếc, tiếng cười (Em trở về tìm lại những ngày xưa).
Thơ Diệu Liên rất giầu hình tượng. Chính trí tưởng tượng, sự liên tưởng đa chiều và ngòi bút sáng tạo đầy cảm xúc đã khiến tác giả viết được những câu thơ xuất thần:
Mùa Đông cây bàng trút lá
Khẳng khiu cành đợi xuân sang
Ai đó về ngang lối cũ
Khẽ chạm nỗi buồn rơi nghiêng.
Mùa Đông sương giăng khắp nẻo
Mây trắng ngủ quên bên trời
Ai đó về ngang lối cũ
Nhặt những nỗi buồn chơi vơi.
(Lối cũ mùa đông)
Nếu Thơ chính là bức chân dung tâm hồn tự họa của nhà thơ thì chân dung tâm hồn Diệu Liên được vẽ bằng tình yêu, niềm tin và nỗi nhớ. Giữa những bất ổn khó lường của mùa – của đời, khi…Có những ngày xuân nắng ấm không về/ Bước chông chênh lang thang buồn trên phố…thì chỉ niềm tin và nỗi nhớ là không đổi, là bất biến giữa dòng đời vạn biến, là sự trung trinh của tình yêu dù trải qua những muộn phiền, thương tổn:
…Em lại làm thơ sau những nỗi buồn đau
Thơ về nhau, về những điều không thể nói
Gói tin yêu xưa cho nắng chiều đốt vội
Em trở về can đảm trước hoàng hôn.
(Nhớ)
Thơ Diệu Liên đôi khi có một chút tự thương, tự cảm nhưng cuối cùng vẫn là sự trỗi dậy của niềm tin, yêu, hy vọng. Đó còn là tiếng thơ của lòng biết ơn tình yêu, hạnh phúc (Cảm ơn người yêu dấu), dù có phải trải qua khổ đau, cay đắng hay những đêm dài đợi chờ trong cô đơn, khắc khoải - thơ của trái tim phụ nữ biết nhẫn nhịn và vượt lên số phận, hoàn cảnh để tiếp tục ngẩng cao đầu, bước đi trên hành trình cuộc sống, hành trình của tình yêu. Tôi yêu cái tâm thế này của Liên vì chỉ có như vậy người phụ nữ yếu mềm mới không gục ngã, mới nuôi giữ được niềm vui sống ngay cả khi bị sóng gió cuộc đời làm trái tim không ít đớn đau, bầm giập, tổn thương. Đọc tập thơ “Nỗi nhớ nghiêng” tôi cứ hình dung về Diệu Liên với hình ảnh thật hồn nhiên, lãng mạn:
Căn gác nhỏ cô gái ngồi tựa cửa
Xòe bàn tay xinh đón những giọt mát lành.
Mong sao tình yêu, hạnh phúc luôn ấm áp đồng hành cùng Liên như lòng em hằng khát khao, mong mỏi! Một tâm hồn như Văn hào Nga Sô lô Khốp viết trong tác phẩm nổi tiếng Số phận con người: không bị “chìm nghỉm vào nỗi buồn” mà như chim sơn ca cứ muốn hát lên mỗi ban mai, gọi tia nắng mặt trời thức dậy. Một tâm hồn trong trẻo, ngát hương như đóa sen thơm xứng đáng được nâng niu, thủy chung, trân trọng.
Hy vọng sẽ được đọc nhiều sáng tác mới của Nguyễn Diệu Liên trên hành trình Tình yêu, Hạnh phúc, Cuộc đời, Toán học, Hội họa và Thi ca.
Tây Nguyên tháng 10 năm 2021
Nguyễn Thị Toán