Vầng mây an lành đậu xuống đời
- Chủ nhật - 01/03/2020 09:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Giữa những ngày đông giá, tiết cuối năm của miền Bắc, trời lạnh vừa đủ để cảm nhận cái rét món quà độc đáo của thiên nhiên ban tặng cho người miền Trung, miền Bắc. Kì lạ, nhiều loại hoa càng rét càng đẹp. Lất phất vài giọt mưa xuống là lộc cây, nụ hoa bừng lên. Sáng ra nhìn những giò phong lan, những chậu hồng đủ màu, những chậu trà chiu chít nụ căng tròn, vài đóa không chờ nổi mùa xuân đã bung nở, sắc màu đỏ thắm hớp hồn người, chợt thấy lòng tràn trề sức xuân.
Tôi đón nhận tập thơ “Mây ngàn năm vẫn đợi” của Trần Huyền Tâm trong một thời-không như vậy. Hồ hởi pha ấm trà, trà nóng hôi hổi, hương khe khẽ lan tỏa. Và những câu thơ trong “Mây ngàn năm vẫn đợi” đã lại khiến tôi thêm hứng khởi với nàng thơ.
Thật mừng, Trần Huyền Tâm viết rất đều, rất khỏe. Thơ mỗi ngày một chín, một trẻ trung, một đằm thắm, một hấp dẫn. Sau những tập văn thơ “Giọt nắng vô thường”, “Diệu khúc thời gian”, “Tản mạn miền sương khói” thì nay thêm đứa con tinh thần “Mây ngàn năm vẫn đợi” ra đời, đã là một khẳng định độ chín, độ trưởng thành đáng trân trọng bút lực của Trần Huyền Tâm.
Thật dễ nhận thấy có hai mảng rất hài hoà từ những vần thơ thánh thiện như Vầng mây an lành đậu xuống đời của Trần Huyền Tâm: Một bức tranh về đời, một bức tranh về đạo. Một bức tranh về những trải nghiệm thực tế trên những nẻo đường chị đã đi qua. Một bức tranh về cảnh giới tinh thần thiện lành mà Trần Huyền Tâm hướng tới và qua những áng văn thơ này, ta thấy chị dường như đã đạt ở một tầng cao nào đó trên con đường tu dưỡng tâm tính giữa đời thường của chị.
Trong những mảng sắc màu về cuộc đời, thiên nhiên vẫn là một ưu tiên trong sáng của Trần Huyền Tâm. Thiên nhiên trong thơ chị thật trong trẻo đáng yêu. Dù là mùa hè, mùa thu, mùa đông hay mùa xuân, ở bất kỳ một thời khắc nào thì thiên nhiên luôn được chị nâng niu, trân quý qua những vần điệu, tình cảm, ngôn từ và hình họa của Thơ, để rồi tất cả như hòa quyện thành điệu hồn thần phách của thi sĩ, để mà trong vắt hồn nhiên, để mà tĩnh tại lắng rót.
Một mùa thu rất Việt Nam trong ngày chị đang công tác tại Copenhagen (Đan Mạch), quá cảnh qua sân bay Charles de Gaulle (Pháp):
“Một nửa mùa cốm đã thơm
Trong vòng tay sen biếc sắc
Một nửa mùa hương thầm nhắc
Thu bây giờ đã nửa chừng viên”.
(Nửa chừng thu)
Công tác trong ngành ngoại giao, chị hay phải xa nhà, đi đến nhiều nơi trên thế giới. Từ một phương trời xa xôi, Trần Huyền Tâm hướng về thủ đô Hà Nội, dành cho trái tim của tổ quốc một tình yêu da diết. Tình yêu này cần thiết lắm, đáng trân trọng lắm với chị và với mỗi chúng ta:
“Hà Nội tiễn ngâu trong chớp trắng cánh cò
Tháng chín Tây Hồ nồng nàn nắng hạ
Copenhagen hanh hao cây lá
Đã thấy đông về nơi héo hắt mưa rơi
(Thu lạnh)
Với riêng chị, Hà Nội còn là nơi cất giữ bao yêu thương, bao kỷ niệm. Dường như Hà Nội luôn ở bên chị, trên khắp mọi nẻo đường, trong từng gốc cây, ngọn lá, mỗi khi đối mặt với một khung trời mới, cảnh vật mới, xa lạ.
Này đây tuần tự tháng năm qua cảm nhận đầy ngỡ ngàng và phát hiện của một tâm hồn rất đỗi yêu đời, yêu người của Trần Huyền Tâm. Tháng năm đâu chỉ tháng năm, mà là tâm hồn của nữ thi nhân đang dào dạt với cuộc đời đấy, và cũng lại tháng năm như cuộc sống đang sôi động, hiện hữu với chúng ta:
Ta đi qua bung biêng tháng Giêng
Cơn gió lạnh thoảng mặt hồ hiu quạnh
Bàn chân vô vi thả bước về tĩnh lặng
Mặc bụi đường nhòe mí ướt ưu tư.
Tháng Hai dịu dàng đơm giọt nắng ban trưa
Rót ngân nga trải thảm vàng trên phố
Hoa Tháng Ba chênh chao từng ô cửa
Hương mùa nào còn thắm cánh đào phai.
(Cánh hạc bay về)
Hay:
Tháng Mười nực đã buông tay
Nắng chừng thoáng mỏng heo may chớm dày
Chút xanh ươm mãi chưa đầy
Khoảng mây xám ngắt thoắt gầy bóng ngâu
(Tháng Mười)
Và năm tháng cuộc đời có trôi đi với bao nhiêu là kỷ niệm, là ký ức mát lành, thì qua “Mây ngàn năm vẫn đợi” ta vẫn thấy một nữ sinh Trần Huyền Tâm thật đáng yêu với bao nhiêu trẻ trung hồn nhiên lưu luyến trước sân trường. Câu thơ viết nhẹ nhàng thế thôi nhưng gợi về thật nhiều nhắc nhớ. Với Trần Huyền Tâm, sân trường đã trở thành một “Miền ký ức” thiêng liêng:
“Sỏi sân trường có nhớ bước chân em
Vết thời gian lưu sẫm tường rêu mới
Khu nội trú phong dấu chân ai đợi
Bậc thềm nào còn in bóng cố nhân?
(Viết cho một miền ký ức)
Đọc Trần Huyền Tâm ta luôn thấy có cái an hòa mát xanh và tràn đầy lạc quan trong cảm nhận của cảnh và người, của cái tình và cái sự, của cái thấy và cái biết. Chị viết thơ về “một vùng biển lạnh” mà đọc lên lại thấy ấm áp ríu rít giao hòa của tình người, tình biển, tình đất, tình rừng:
Em nói gì mà líu ríu tiếng mưa
Mà rừng ấp sóng mây, núi sà vào lòng biển
Em nhắn gì mà nước ngược dòng tìm về bến hẹn
Giữa muôn trùng rừng biển toạ lên mây.
Những sắc màu cứ mở rộng vòng tay
Cứ mềm mại, cứ hồn nhiên ríu rít
Tấm ân tình từ ngàn xưa giăng mây lành quấn quít
Chốn an hoà rừng biển ngợp vào nhau.
(Viết cho một vùng biển lạnh)
Còn đây thì biển hay hồn người đang thầm thì thao thức vì nhau:
Có tiếng mình về đây
Nhưng nhức lòng tay em là rì rầm biển thức
Tâm tưởng nhắc gì mà buốt căng lồng ngực
Chốn cũ đường về nhẹ lắm sắc hình mây.
(Biển thức – Vancouver - 02/12/2019)
Bài “Viết cho một miền đất nóng” cho thấy cái nóng nực của khí hậu vùng sa mạc Trung Đông - xứ sở của những câu chuyện Ngàn lẻ một đêm - thật đáng sợ:
Nắng ran ran, nắng hầm hập trên đầu
Nắng nhoà nhoà, nắng héo nhàu mắt cỏ
Nóng như rang, nóng cong queo cánh gió
Cát xém cái nhìn, cát nừng nực bước chân.
May thay! Giữa cái hầm hập khủng khiếp ấy ta lại thấy lòng mát dịu thư thái vì tâm hồn của nhà thơ đã tìm thấy sự an lành trong tình yêu của mình, tâm thái ấy chẳng khác gì một khoảng trời xanh êm. Một cái kết như là mơ vậy:
Em lặng thầm gom nhặt ánh chiều rơi
Thức tin yêu nhân duyên mùa nắng mới
Chúng mình thương nhau, thương sỏi đá kết ân lành ngàn năm đợi
Chuốt thanh tao nơi cánh hạc bay về.
(Viết cho một miền đất nóng)
Có một Trần Huyền Tâm “Đời” biết bao, dịu dàng dễ thương biết bao khi chị thủ thỉ tâm tình với người xưa:
“Thôi đừng hờn dỗi làm chi
Đường trần duyên nợ đến đi vô tình
Một lần vướng lúm tiền xinh
Mấy đời ngồi gỡ cái tình đa đoan”
(Nói với người xưa)
Tôi yêu những câu lục bát mềm mại của Trần Huyền Tâm, da diết ngọt ngào làm sao khúc Ru mình, ru sao cho thỏa nỗi niềm người con gái giàu lòng yêu cuộc đời, ân tình, chân tình với tất cả mọi người. Thương từ sợi nắng, cọng lục bình phiêu dạt trên sông, thương bao nỗi đời, nỗi người với “lời ru ấm những nỗi niềm gần xa”:
“Ngọt ngào ru ngón tay mềm
Lời ru ấm cả nỗi niềm năm canh
Ru hời đọt nắng tơ xanh
Ru cho thơm mãi ngọt lành lời hoa
Dặt dìu ru bước đường xa
Cho vui gần lại cho ta về mình
Ngân nga khúc nhạc ân tình
Ru thiền tím sắc lục bình trôi sông
…Ru chiều cho nhớ về nhau
Cho tan bao nỗi bể dâu nhọc nhằn…”
Cả những nỗi niềm riêng, những hoài niệm, Trần Huyền Tâm cũng có lối thể hiện nhẹ nhàng, tinh tế mà sâu sắc:
“Có lẽ nào người đã lãng quên
Để ngày xưa cho riêng mình ta nhớ
Thời gian cứ mỏi mòn rụng vỡ
Mặc dỗi hờn nghẹn đắng bật thành tên”
(Viết cho cuối mùa đông)
Có tiếc nuối cũng là nỗi tiếc nuối ngọt ngào, là cái tỉnh giữa cái say, là cái an yên sau những hanh hao:
“Giá mà cánh bướm thi tiên
Đừng theo thương nhớ tới miền phù hoa
Thì bao bút ngọc tay ngà
Chẳng gây giông gió phía là đà đêm”
(Chiều nhớ)
Thơ “Mây ngàn năm vẫn đợi” của Trần Huyền Tâm đầy chất triết lý sâu sắc và luôn có tính gợi mở:
“Một lần dò đáy giếng khơi
Thương đời vật vã nỗi cơi đựng trầu”
(Thử)
Thương lắm những lựa chọn chẳng dễ dàng gì trước những ly biến của cuộc đời, cho dù lựa chọn đó là phải hy sinh để cho những gì tốt đẹp nhất ở đời còn lưu lại mãi mai sau:
“Yêu thương này xin gửi lại nơi nhau
Để an nhiên kết về miền duyên nợ
Để nhẫn nhịn bao dung ngàn trăn trở
Để bình yên vui mãi lối em về”
(Bình yên nhé)
Qua “Mây ngàn năm vẫn đợi”, ta thấy một Trần Huyền Tâm rất sâu lắng, sâu trong cảm nhận nỗi đời, nhân tình thế thái. Sâu trong những nỗi niềm, những ân tình và chân tình cho mình, cho đời, cho mọi người:
“Đêm nhớ ngày, đêm sâu hơn
Thơ cạn nguồn thơ da diết
Chén quan hà chiều tiễn biệt
Ngái lòng cay mắt cố nhân”
(Nửa chừng thu)
Tôi dừng lại khá lâu trước bài thơ Trần Huyền Tâm viết trước đêm Giáng sinh. Những câu thơ tâm tình của chị đã ám ảnh tôi một cách kì lạ:
“Một chiều lưu lại chốn này
Lời yêu thương ngợp tháng ngày phù sa
Ôm mình cho cạn niềm xa
Cho vơi thương nhớ cho nhòa đớn đau
Ví dầu còn có kiếp sau
Ba đào lạc bước sạch làu chơi vơi”
(Viết trước thềm giáng sinh)
Đúng rồi, cuộc đời là thế! Và chị luôn có những trăn trở, những nỗi niềm băn khoăn cho mình, cho người! Phải đâu nói dứt là dứt, nói buông là buông! Phải đâu cài then đóng cửa tâm hồn. Buông như thế nào, dứt như thế nào thì bài thơ cũng cho thấy một Trần Huyền Tâm với sự chọn lựa thanh thản, an yên. Đáng trân trọng là sự lựa chọn của chị đã luôn đem lại sự lạc quan và thành sự lựa chọn cho bao người:
“Đời còn bày vẽ cuộc chơi
Thì ta để lại tiếng cười làm tin
Cho tan bao nỗi ưu phiền
Cho con sóng cuốn trắng miền phù du”.
Tôi khẳng định chắc chắn một điều, thơ Trần Huyền Tâm rất đời, đến cả nỗi buồn nỗi đau cũng là rất phụ nữ, luôn nhẹ nhàng, dịu dàng và sâu sắc:
“Lặng thương đời cứ mê mải thấp cao
Xót vàng thau cứ phũ phàng lấn lướt
Khúc cầm huyền buốt tê lòng mắt ướt
Nhịp phách trùng …
nhân nhẩn đắng…
đường thơ”
(Không đề)
Thơ Trần Huyền Tâm dịu dàng thánh thiện trong trẻo vô cùng. Như áng mây trắng an lành rớt xuống cuộc đời này vậy. Đọc chị, hiểu chị ta thấy như được tiếp nguồn năng lượng thánh thiện, cảm giác gần lắm với chốn an nhiên, như được thiên thần nâng cánh để thêm yêu cuộc đời, sống tử tế trong sáng hơn. Tôi chắc các bạn đọc thơ Trần Huyền Tâm cũng có cảm nhận giống tôi. Sức mạnh cứu đời cứu người của thơ thật mạnh mẽ.
Trong “Mây ngàn năm vẫn đợi” ta thấy một Trần Huyền Tâm của con người đã từng trải, thoát khỏi bến mê, đạt tới những cảnh giới tinh thần đẹp, đậm chất Đạo mà loài người đang hướng tới. Lối thể hiện của chị nhẹ nhàng, trong trẻo như áng mây lành khiến tâm hồn ta thư thái. Lòng ta muốn hướng tới những điều đẹp đẽ khi đọc thơ Trần Huyền Tâm.
Tuy nhiên hành trình đạt tới độ cao nhất của cảnh giới không hề dễ dàng gì. Con người phải trải qua nhiều lần thử thách, vượt quan, bởi không có hạnh phúc nào không phải đổi bằng mồ hôi nước mắt cả:
“Sáu nẻo phù vân chấp chới cơn mê
Nhọc nhằn kiếp hồng trần quay quắt
Xanh vẫn thắp những bước về trong vắt
Thiên nhạc tròn đầy nâng cánh hạc tiên”
(Nắng từ thiên thượng)
Trong sự thăng hoa của mình vượt lên cảnh giới, dường như chị cho chúng ta thấy một thế giới thần tiên đầy tươi đẹp mà ít người thấy được:
“Kìa bao vũ trụ thanh tân
Quây quần bên nhau vui hội
Thiện lành tỏa quang sáng rọi
Diệu kỳ những quả táo thơm
Chẳng ngôi sao nào đẹp hơn
Những thiên thần từ trái đất
Những gương trăng ngời sáng nhất
Thiên thần từ trái táo thơm”
(Thiên thần đẹp nhất)
Đọc những câu thơ như lời thủ thỉ tâm tình của Trần Huyền Tâm, người đọc sẽ cảm nhận được sự thức tỉnh, thêm phấn chấn tinh thần trên con đường đã chọn. Để mà tu tâm sửa tính, để làm người tốt hơn, thiện lành hơn, để tự mình trở lại là mình, tựu thành viên mãn:
“Cần trở lại là mình
Cần bao dung chân thực!
Cần tu thân thủ đức để quay về”
(Tạp cảm cho mình)
Đọc Tâm, ta luôn cảm nhận được niềm hạnh phúc lớn lao, kì diệu của Áng mây an lành sắp cập bến Giác. Tâm như được khai mở, khi nhìn thấy vầng hào quang của “Ngày về ”:
“Cát bụi bọt bèo bị sóng cuốn đi
Cái còn lại là vàng ròng tinh khiết
Hoa sen nở là nhiễu nhương tạnh hết
Chốn cũ ngày về… Hoàng hạc hiển anh linh…
(Ngày về không xa)
Với tất cả những cố gắng luyện rèn, tự mình, cho mình, cho người, chắc chắn Trần Huyền Tâm sẽ đạt tới cảnh giới tinh thần cao - phần thưởng vô giá cho một chuyến trở về với chính mình:
“Ta thấy ta trong vỏ trứng gà
Thân sắc biến đâu rồi chả biết
Chỉ thấy tự cao xanh muôn kiếp
Lấp lánh đỉnh trời ba chữ Thiên kim…”
(Giọt nắng vô thường)
Trước thềm năm mới 2020 này, Trần Huyền Tâm - cô gái vùng Tiên Hưng Thái Bình, nhành Búp trên cành trên lĩnh vực văn học nghệ thuật do Hội Văn Nghệ Thái Bình bồi dưỡng năm xưa đã dâng tặng cho độc giả một món quà tâm hồn thật đẹp. Vầng mây lành an nhiên đậu xuống đời Trần Huyền Tâm đã đem lại hạnh phúc, ấm áp, có tác dụng như một sự cứu rỗi tắm rửa cho tâm hồn chúng ta. Cuối năm, vài tạp cảm về tập Mây Ngàn năm vẫn đợi của Trần Huyền Tâm thay món quà cảm ơn và tặng tác giả mà tôi trân trọng yêu mến gọi em là Áng mây an lành đậu xuống đời.
Thái Bình ngày 26/12/2019
Nhà thơ Ánh Tuyết