Chợ quê

Chợ quê
Chợ quê tôi không biết có tự khi nào, từ khi ông bà, cha mẹ tôi sinh ra đã có chợ rồi, nghe nói chợ được hình thành cách nay đã mấy trăm năm. Chợ không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân địa phương mà chợ còn là giao thoa văn hóa cộng đồng, giao lưu văn hóa vùng miền.

 



Chợ quê tôi không biết có tự khi nào, từ khi ông bà, cha mẹ tôi sinh ra đã có chợ rồi, nghe nói chợ được hình thành cách nay đã mấy trăm năm. Chợ không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân địa phương mà chợ còn là giao thoa văn hóa cộng đồng, giao lưu văn hóa vùng miền. Là trường lớp dạy chữ, truyền bá tư tưởng cách mạng trong những tháng năm “bình dân học vụ” và thời kỳ kháng chiến. Cùng với cây đa, bến nước con đò, chợ quê đã hằn sâu trong ký ức những người con xa xứ mỗi khi nhớ về quê hương


Chợ quê tôi bày bán nhiều hàng hóa từ sản vật quê hương và những thứ thiết yếu cho cuộc sống người dân nơi đây. Chợ họp vào các buổi sáng quanh năm, chỉ nghỉ họp một ngày duy nhất trong năm là ngày mồng một tết. Nhưng đông nhất là những ngày chợ phiên.


Thủa ấu thơ của tôi, làng quê còn nghèo khó, dân quê tôi chìm trong lam lũ. Chợ chỉ bày bán mớ rau, con cá và những thứ trong nhà nuôi, trồng được,  không có nhiều sản vật phong phú như bây giờ, nhất là quà vặt cho lũ trẻ. Ngày đó, bọn tôi lần nào cũng ngóng bà, ngóng mẹ đi chợ về trong giỏ có mấy thứ quà quê. Đôi khi chỉ là miếng bánh đúc, bánh đa, quả ổi, quả khế nhưng trong ký ức những người nhà quê, nó chứa đựng cả một thời thơ trẻ    Có lẽ vui nhất là chợ vào dịp Tết nguyên đán, chợ đông vui, nhộn nhịp, hàng hóa nhiều vô kể, nào là hoa trái trong vườn, những buồng chuối to, những trái bưởi vàng ươm được chăm chút gìn giữ cả năm. Lá dong, ống dang được chuyển từ trên rừng về, tập kết từ khoảng những ngày 15 tháng chạp. Những chú gà trống mào đỏ tươi, những phản thịt lợn ăm ắp, những mẹt gia vị để gói bánh chưng thơm phức như thảo quả, tiêu bắc, rau củ, hoa, cây cảnh đủ loại, bánh kẹo, hàng hóa từ thành phố chuyển về, quần áo, vải vóc nhiều sắc màu rực rỡ. Người đi chợ đông nườm nượp, đi chợ không chỉ để mua sắm hàng tết, mà đi chợ tết còn là một thú vui, thú chơi của người dân quê, trong đó có lũ trẻ con chúng tôi.  


Chúng tôi háo hức, tròn xoe mắt trước những chùm bóng bay nhiều màu sắc, những chú tò he được nghệ nhân già vừa nặn đẹp và tinh xảo. Ông vừa nặn vừa kể những câu chuyện truyền thuyết về các nhân vật mà ông đang nặn như Tôn Ngộ Không, Trương Phi, Quan Vân Trường... khiến chúng tôi vây quanh ông  xem mà cứ há hốc mồm ra nghe.


Tết đến, vui nhất vẫn là lũ trẻ bọn tôi vì được diện quần áo mới, đó là kết quả từ những giọt mồ hôi, những bữa nhịn ăn của người lớn dành cho con trẻ. Niềm hạnh phúc khi xúng xính trong bộ quần áo thơm phức mùi vải mới hiện lên trong những nụ cười, ánh mắt hân hoan.   .

Lớn lên, có đứa gắn bó với quê hương, có người rời quê xa xứ,  nhịp sống hiện đại khiến những ký ức năm nào đã dần phai mờ theo năm. Những trung tâm thương mai, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mọc lên như nấm, việc mua sắm trở lên nhanh chóng và thuận lợi, hàng hóa thì phong phú. Hơn thế những hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, giúp cho chúng ta chỉ ngồi một chỗ lướt điện thoại cũng đã lựa chọn được những sản phẩm ưng ý và được giao đến tận nhà, nhưng đâu đó hình ảnh chợ quê vẫn hiện lên với những ký ức khó phai.


Chợ quê tôi vẫn đông vui, tấp nập, những sản vật quê hương phong phú, được những người dân quê người hồn hậu, chân chất, thật thà mang ra bán. Những rau củ, hoa trái, thịt cá quanh năm mùa nào thức ấy, những gương mặt, nụ cười, ánh mắt tươi rói của cả người mua và bán làm cho không gian chợ bừng lên tươi sáng. Cùng với công cuộc xây dựng nông thôn mới, chợ quê nhà cũng được xây dựng, cải tạo, chẳng khác gì ở thành phố, nhưng những nét văn hóa độc đáo của chợ quê vẫn còn đó


Ai cũng thế, những người xa quê khi có dịp trở về đều háo hức đi chợ, đến đây không chỉ để mua sắm, mà đôi khi chỉ để tìm lại những ký ức tuổi thơ lâu ngày bị chôn vùi trong mớ hỗn độn của cuộc sống hiện đại bây giờ.


Vũ Thanh Huyền