Chuyện những cây cầu

Chuyện những cây cầu
Có thể ai đó thốt lên: Lắm chuyện! Ở quê mình thì làm gì có cây cầu nào, chắc thấy bên Tân Lập có cây cầu Tân Đệ hoành tráng muốn ghé hôi lấy tiếng thì ghé ví như phô rằng quê tôi hay nhà tôi gần cầu Tân Đệ chẳng hạn!

Có thể ai đó thốt lên: Lắm chuyện! Ở quê mình thì làm gì có cây cầu nào, chắc thấy bên Tân Lập có cây cầu Tân Đệ hoành tráng muốn ghé hôi lấy tiếng thì ghé ví như phô rằng quê tôi hay nhà tôi gần cầu Tân Đệ chẳng hạn! Tôi thì chả biết phân bua ra sao khi khẳng định rằng quê ta có và từng có rất nhiều những cây cầu và dẫn chứng là giờ đây vẫn còn một là cây cầu Đá ở ngã tư Chiến Thắng gần chợ thì chắc xơi đủ gạch đá xây nhà hoặc những nụ cười đểu mỉa mai nên đành viết bài để chứng tỏ mình nói đúng chứ không hề "nổ".

Tôi mượn một cây cầu khỉ của vùng đồng bằng sông Cửu Long để mọi người dễ hình dung và nhận biết,hình dáng của cây cầu này giống hệt những cây cầu mà năm xưa ở quê ta có rất nhiều ở khắp xóm thôn nhưng nhiều nhất là trên trục đường chính từ cửa chùa Phật Bà ra tận Trung Hòa tới bờ sông. Hình chứng minh đã quá rõ nên tôi không cần phải tả chi tiết về cầu mà chỉ nói về vật liệu làm cầu thường là tre nhà nào xông xênh lắm thì có cây đi bằng gỗ thường là cây xoan ngâm. Lí do là làm sao phải bắc cầu như thế thì thật đơn giản số là quê mình khi xưa rất nhiều những con mương lớn mà dân mình quen gọi là những con ngòi, muốn qua nó thì phải làm cầu thôi ! Lấy trục đường chính để chứng minh vì có con ngòi rất lớn chảy song song với con đường nên tất cả các gia đình phía Bắc bên kia đường đều phải bắc cầu để ra đường hoặc về nhà và hầu như mỗi gia đình có một cây cầu như thế và rất hiếm thấy trường hợp đi chung, cầu cũng được bắc sang các đường phụ như thế nhưng do xã quản lý và đảm nhiệm. Nhân chứng thì rất nhiều những người ở tuổi năm sáu mươi đều biết cả và nếu ai còn chưa tin thì có thể hỏi trực tiếp những người đã nhiều lần làm những cây cầu thế này như thầy giáo Nguyễn Đình Ký ở Trung Hòa, ông Nguyễn như Thiết ở Chiến Thắng hay ông Nguyễn Văn Thỏa ở Bình Minh. Những cây cầu này chủ yếu ở trên đất Thuận vi, các làng khác như Bách Tính, Thuận Nghiệp cũng có xong không nhiều.

Còn một loại cầu nữa mà ở quê mình một thời hằng hà vô số đó là cầu ao, loại cầu này thì nhiều người biết hơn vì nó có thể vẫn còn sót lại đâu đó dù đã hiếm. Ao thì hầu như nhà nào cũng có nhưng bây giờ bị san lấp nhiều thành vườn thành thổ những cái còn lại thì cũng chẳng mấy ai làm cầu ao nữa vì thời nay dân mình đã dùng nước máy nước giếng sạch sẽ hơn nhiều.

Mang danh được gọi là cầu ở quê mình chỉ có cầu Đá như tôi vừa nói trên đầu bài nhưng thực ra nó chỉ là cái cống lớn được xây vững chắc mà trên trục đường chính, đến hôm nay vẫn còn nhiều cái khác nữa như cống Trung Hòa, cống Chợ, cống Cầu Đá, cống lối xuống Đình Đông và cống Bình Minh. Còn một cây cầu nữa cũng được mang một cái tên hơi hướng lãng mạn đó là cầu Đá đôi được làm bằng hai phiến đá xanh ghép lại dưới cuối làng, cầu này không còn nữa khi đường đã được mở rộng bê tông hóa.

Tôi thì viết trào phúng vậy cho vui thôi bởi đã đọc nhiều các tư liệu các trang mạng về quê hương mà chả thấy đâu nói và viết về điều này ở một thời chưa xa, nó cũng là một góc cuộc sống của quê hương như chuyện nuôi tằm ươm tơ vậy. Những lối đi các ngõ nhỏ giờ đây đã là những con đường rộng rãi bằng bê tông thì ít ai còn nghĩ tới hoặc biết đến rằng ông cha ta đã phải đi trên những cây cầu giản đơn và phải dùng những cái cầu ao như thế ở một thời gian khó.

Nguyễn Như Thạnh