Một thời bao cấp ở quê nhà

Một thời bao cấp ở quê nhà
Thực lòng là tôi chả muốn nhớ tới cái thời ấy đâu vì khổ quá, cái vất vả nhọc nhằn của mưu sinh hằn lên từng thân hình khuôn mặt của các bậc ông bà cha mẹ khi phải lo cho con cháu từng bữa ăn manh áo quyển vở cái bút để đến trường, cái nghèo cái đói cứ như dìm cuộc đời con người trong một thời gian khá dài trăm bề thiếu thốn.

 

Thực lòng là tôi chả muốn nhớ tới cái thời ấy đâu vì khổ quá, cái vất vả nhọc nhằn của mưu sinh hằn lên từng thân hình khuôn mặt của các bậc ông bà cha mẹ khi phải lo cho con cháu từng bữa ăn manh áo quyển vở cái bút để đến trường, cái nghèo cái đói cứ như dìm cuộc đời con người trong một thời gian khá dài trăm bề thiếu thốn. Nay tôi viết cũng là thể theo ý nguyện của một cháu thành viên còn rất trẻ, cháu sinh năm 1999 bởi thế không thể biết được nên muốn tìm hiểu và nhắn nhủ vì thấy tôi hay viết bài trên mạng, tôi thì cũng không đủ kiến thức viết về xã hội vì thế chỉ viết về thời bao cấp ở quê mình mà thôi.

 

Các hình ảnh quê nhà về một thời bao cấp không thể có nên tôi tải về một cái nhà một cái chạn bát và một cái đèn dầu để minh họa cho nơi ăn chốn ở thời đó. Thập niên sáu bảy mươi thế kỷ trước những ngôi nhà kiểu này thì bao phủ kín xóm xã số nhà xây lợp ngói thì đếm được trên đầu ngón tay, nhà nào kha khá một chút thì xây được tường còn mái thì lợp rạ hay cỏ tranh gọi là nhà luồn bổi phần còn lại phần lớn là tường khung tre trát bùn rơm và lợp bằng rạ. Cửa rả thì chẳng có các gia đình thường treo những cái mành mành, mùa bão gió thì dùng cái liếp đan to tướng bằng nứa mà bít kín lại, gặp năm nào bão to thì mái tốc rạ bay và y như rằng dọc đường cái lối ra Trung Hòa đầy gánh rơm rạ do người thiên hạ gánh đến để bán. Mùa nước lũ cũng gian nan chả kém,những nhà có tường trát đất bị dũa sạch trơ lại bộ khung tre nếu gặp bão lũ kết hợp thì thậm chí đổ cả nhà, đi lại thì nhà nào cũng có một cái thuyền nhỏ đan bằng nứa gọi là cái mủng nước lũ lớn quá thì cả nhà lên mặt đê cắm trại ở tạm.

 

Gia tài của các gia đình nói chung chả có gì đáng giá, đồ dùng sơ sài như cái chạn bát kia nó là vật có trong hầu hết các gia đình và cái đèn dầu hỏa mà dân mình quen gọi là đèn Huê kỳ là nguồn sáng cho ban đêm tối trời. Một gia đình được coi là khá giả là có một chiếc xe đạp nếu sang trọng là xe Pơ - giô của Pháp hay Fa-vô-rít của Tiệp Khắc nhưng rất hiếm còn lại hầu hết là xe đạp Trung Quốc như Vĩnh cửu Phượng hoàng xe Thống nhất của Việt nam hay xe thiếu nhi Liên xô. Cũng nên kể thêm một vật cũng được coi là sang trọng là chiếc Radio Oriontong ai có cũng là ghê gớm lắm phần còn lại chỉ  là đài bán dẫn đơn giản mà không phải ai cũng có.

 

Về cuộc sống thì như đã nói khó khăn trăm bề. Khi xưa đất quê mình được coi là vùng cây công nghiệp trồng dâu nuôi tằm không cấy lúa nên được nhà nước bán lương thực theo định lượng và mỗi gia đình có một quyển sổ để mua giống như hình minh họa. Tôi nhớ rõ là trẻ em từ bé đến trước 18 tuổi thì định lượng cố định một tháng là 13kg, người lớn thì tùy theo xê dịch từ 17 đến 21kg và còn phụ thuộc theo thời thế lúc thì được mua toàn gạo khi khó khăn thì phải ăn độn có khi tới 70 %, chủng loại độn thì rất phong phú nào khi thì ngô khoai bột mỳ hay mỳ hạt v.v...Ngoài ra mỗi nhân khẩu được cấp một năm một bìa phiếu vải 4m nhiều khi cũng chả dùng hết vì có vải đâu mà mua, cái hình cửa hàng bách hóa được minh họa thay lời nói lên tất cả. Dân mình cũng đôi khi được mua nước mắm dầu hỏa theo định lượng và cũng phải có sổ theo hộ gia đình nếu thiếu hoặc muốn nhiều thì mời ra ngoài chợ tất nhiên giá đắt hơn nhiều.

 

Ta thử hình dung  xem với mức cung cấp như vậy thì làm sao cho đủ và gánh nặng đè lên vai người lớn những bậc cha mẹ của ngày hôm xưa, những con người làm lụng quần quật dưới nắng dưới mưa kiếm từng hào lẻ để lo bát cơm bát cháo cho hậu sinh. Cái khổ nỗi lo toan đã làm cho các ông bố bà mẹ thời ấy thân hình gầy đét tuổi bốn năm mươi mà như ông lão bà lão quần áo vá chằng vá đụp trông thật thương tâm trong con mắt của người thời nay. Tôi cứ thầm nghĩ rằng ơn trời là dân quê mình còn biết buôn bán nhỏ lại trồng thêm rau cỏ cộng thêm hoa trái vườn nhà mà cũng có thu nhập ít nhiều cho cuộc sống.

 

Tuổi thơ tôi cũng như bao người khác lớn lên trong thời gian khó này biết và nhớ tất cả vì ngoài cuộc sống hàng ngày chúng tôi còn đi học tới trường tới lớp. Cứ mỗi dịp năm học mới là bậc cha mẹ lại một lần phải lo lắng nào sách vở quần áo cái bút cái cặp dù chỉ là những vật dụng mà lũ trẻ ngày nay chẳng bao giờ biết đến,đó là những cái cặp đan bằng cói có hai ngăn, những quyển sách giáo khoa dùng cho nhiều năm học mà lớp trước để lại, những quyển vở màu giấy ngà ngà hoặc nâu nâu và cái bút lưỡi lá tre cùng lọ mực tím. Quần áo thì rặt những màu nâu đen hay màu xanh thẫm, bạn trai nào diện diện thì có cái quần tây vải xanh chéo và cái áo xanh xí lâm hoặc sáng màu,  bạn gái có cái quần sa-tanh đen bóng là ghê gớm lắm còn toàn loại quần phíp mỏng mùa đông lạnh tím cả môi.

 

Cũng nhờ người dân quê mình chăm chỉ làm ăn mà cuộc sống cũng có khá lên chút ít, khi tôi học lên đến cấp 2 cũ vào những năm đầu của thập niên 70 thì cuộc sống cũng có phần khởi sắc quê mình cũng đỡ nghèo hơn, làng quê cũng thấy thay màu,nhà xây nhiều hơn cái xe đạp vẫn là một tài sản nhưng nhiều nhà đã có. Sau năm 1975 dân mình đã biết đến đài Cát-xét do một số bộ đội phục viên mang về từ trong Nam rồi một thời gian sau đã xuất hiện những chiếc xe máy đầu tiên của những gia đình khá giả.

 

Tôi thoát ly khỏi quê từ năm 1977 và vẫn được hưởng những sản phẩm thời bao cấp ở những nơi khác, vẫn là gạo ngô khoai bo bo sắn dù đủ cả mà không biết quê mình bỏ bao cấp từ bao giờ nhưng nghe kể đến đầu thập niên 80 quê mình vẫn khó khăn lắm năm 1984 - 1985 thậm chí nhiều gia đình còn bị đói và đứt bữa. Cũng may là thời gian đó đã có những bước đầu đổi mới việc làm ăn do khoán sản phẩm nên trong sản xuất người dân được chủ động mà kinh tế dần phục hồi và tới ngày hôm nay như tôi vẫn nói vui là từ "nghèo khó" không còn trong từ điển của người Bách Thuận.

 

Trở lại với những người muốn biết về quê hương mình ở một thời bao cấp thì đây chỉ viết được những nét chính chứ không thể kể hoặc viết ra hết được để giúp hình dung được về một thời mà ông bà và phần nào là cha mẹ đã sống và trải qua. Cũng qua bài viết, tôi muốn gửi lời tâm sự là mong muốn thế hệ trẻ quê minh ghi nhớ và hiểu rằng ông bà mẹ cha mình đã vượt qua bao nhọc nhằn ở một thời gian khó và để lại cho mình một cuộc sống đủ đầy, một tương lai tốt đẹp ngày hôm nay,

 

Nguyễn Như Thạnh