Dấu ấn tuổi thơ (I)
- Thứ ba - 21/04/2020 12:42
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
(Kính tặng mẹ tôi và những bà mẹ trên thế gian này)
DẤU ẤN TUỔI THƠ - I
Minh Châu và Quang Bình yêu quý!
Đêm qua bố đã kể cho các con nghe về ông nội. Đêm nay, bố lại kể cho nghe về bà nội của mình.
Bà nội là con thứ 5 trong gia đình có bảy anh em (ba trai, bốn gái). Cụ ngoại là một điền chủ, mà sau này khi cải cách ruộng đất (1955 -1956) bị người ta gọi là địa chủ, bị tước đoạt tài sản. Điều này bố sẽ nói sau...
Tuổi ấu thơ và thiếu nữ của bà khá êm đềm. Một thôn nữ con nhà giàu, xinh đẹp, có thể nói là rất đẹp nữa, theo nhiều người kể lại. Mà ngay cả bây giờ, đã ngoài tám mươi (*) bà vẫn là lão bà rất đẹp và phúc hậu.
Tuy cụ ngoại chỉ làm phó lý, nhưng rất có uy tín và thế lực ở hương thôn lúc đó, vì có của cải và kẻ ăn người làm trong nhà. Tất cả các bác, các cậu là con trai, đều được học hành Hán học và Tân học. Thời ấy, người ta không cho phụ nữ đi học.
Là gia đình có các con học hành thông minh, thành đạt nhất lúc ấy. Tất cả đều tốt nghiệp thành chung, nói tiếng Pháp lưu loát. Ông bác Vũ Đức Nhuận, từng là chủ tịch đầu tiên của UBHC lâm thời xã Thái Nguyên, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công - 1945.
Tuy bà nội không được đi học, nhưng lại là người cực kỳ thông minh. Theo ông cậu út B. và những người khác kể lại: “Mẹ mày thông minh lắm. Chúng tao học trong nhà chưa thuộc, mẹ mày sàng gạo ở sân, chỉ nghe lỏm mà thuộc lòng từ trước, khi chúng tao bị hỏi bài còn nhắc được chúng tao cơ”.
Mà bà nội quả cực kỳ thông minh thật. Mãi sau này, những năm 1958 -1960 có phong trào “Bình dân học vụ” mới được đi học bổ túc vài bữa A B C để xóa nạn mù chữ. Thế mà đọc thông viết thạo như bây giờ.
Trong đầu bà là cả kho cổ tích thần tiên, với vốn ngữ vựng về văn hóa dân gian vô cùng phong phú, như một nhà ngôn ngữ học. Chẳng thế mà nhà thơ Lê Bính lúc nhỏ, mỗi lần làm văn bí từ đều phải hỏi mẹ. Và ngay cả bây giờ, đã ngoài tám mươi, bà vẫn rất minh mẫn, nói năng cực kỳ khúc triết, mạch lạc, với những câu ví von sắc sảo và rất sát nghĩa.
Bố còn nhớ, những năm tháng ấu thơ, những chiều đông rét mướt, không đi làm, bà ở nhà giở quần áo cũ ra vá lại cho các con. Vừa làm, bà vừa hát hoặc ngâm thơ rất hay.
Những đêm đông rét mướt, cả nhà ngồi quây quần trong ổ rơm, vừa ăn ngô rang, vừa nghe bà kể chuyện: Những cô Tấm thảo hiền; những ông Bụt linh thiêng; những chàng Tôn Các thư sinh với những nàng Tiên Nga xinh đẹp; những Lý Thông độc ác lọc lừa; những Thạch Sanh trung thành dũng cảm; những ông trạng Tống Trân thông minh, Phạm Công tài lược; những nàng Cúc Hoa, Ngọc Hoa, Thị Phương chung thủy sắt son; những con chim biết ăn khế trả vàng; những con rắn biết nhả ngọc trả ơn người cứu mạng ...
Tất cả thế giới thần tiên kỳ ảo ấy, vừa hư vừa thực, quyện lẫn vào nhau, hiện lên lung linh rực rỡ trong đầu óc ngây thơ của bố, thấm dần vào tâm hồn bố. Như sau này, trong một bài thơ, bố viết về bà:
“...Tuổi thơ kỷ niệm lung linh
Bao nhiêu cái đẹp mẹ dành cho con…”
Bà nội, đó là mẫu người phụ nữ Việt Nam ở nông thôn truyền thống ngày xưa. Đó là người phụ nữ thông minh, xinh đẹp, tảo tần, đảm đang, chịu thương, chịu khó, giàu đức hy sinh và lòng nhân hậu. Suốt đời chỉ biết thờ chồng, nuôi con.
Đối với bà: Gia đình là trên hết. Chồng con là trên hết. Không ai có thể xâm phạm đến gia đình, chồng con của bà. Đối với bà, sự hy sinh cao cả nhất là hy sinh cho chồng con mình. Sự hy sinh đó, đối với bà còn có nghĩa là hạnh phúc. Hạnh phúc của bà là hạnh phúc của chồng, con. Sự trưởng thành, thành đạt của chồng con là niềm tự hào của bà. Được chăm sóc chồng con, là niềm vui lớn nhất của bà.
Chẳng thế mà đến bây giờ, đã ngoài tám mươi, mỗi lần con về quê còn thấy, bà không đi đâu xa ông. Chẳng ai mời bà đi đâu được, khi “ông ấy còn ngồi đấy...”. Bà vẫn cần mẫn chăm sóc ông hàng ngày...
Suốt đời bà cũng chẳng đi đâu xa, mà có đi còn say xe nữa. Bà cũng chẳng la cà nhà hàng xóm bao giờ. Bà chẳng có thú vui ham mê nào, ngoài thú vui chăm sóc chồng con, vun vén gia đình.
Bà là người phụ nữ trang nghiêm, đúng mực và rất nghiêm túc. Bà tối kỵ thói đàn bà con gái “ngồi lê đôi mách”, mà bà gọi là cái thói “trôn chưa đặt xuống đất, mồm đã hất lên giời”, là “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã hay”, là “vạch áo cho người xem lưng”, là “đem thóc ta cho gà người bới”... Bà có vô vàn câu ví về loại người này.
Bà kể chuyện, có lần đi chùa cùng vài bà già khác, trong khi ngồi chơi, bà A, bà B, bà C thi nhau kể chuyện gia đình mình, toàn những thói hư tật xấu của chồng con, của nàng dâu, đứa ở ... Bà chẳng nói gì, chỉ ngồi thản nhiên nhai trầu và tủm tỉm cười. Một bà thấy vậy, khó chịu bảo:
- Chán cái bà nhà này, người ta nói thì chẳng nói, chỉ ngồi nghe rồi cười...
Bà lại cười, rồi bảo:
- Ô hay, nhà các bà có chuyện mà nói, nhà tôi chẳng có chuyện gì để nói, thì tôi ngồi nghe vậy chứ sao ?!
Rồi lại cười. Các bà kia thấy vậy, chẳng dám kể chuyện nhà ra nữa...
Mà bà kể chuyện này khi nào, cho ai nghe, con có biết không? Bà kể cho các bác, các cô nhà mình nghe. Đó là cách bà dạy con cháu đấy. Đừng bao giờ đem chuyện nhà, chuyện chồng con đi kể rông hàng xóm...
Bà lại chúa ghét thói đàn bà con gái "hoa nguyệt lẳng lơ", "mắt la mày liếng”. Mà bà gọi là: “đồng trinh chẳng có, còn có cái gì". Nghĩa là đã chẳng có nổi một đồng trinh (đồng tiền giá trị nhỏ nhất ngày xưa) thì làm sao có tài sản được?
Nghĩa đen là như thế!
Đối với bà, người phụ nữ không trinh bạch chẳng đáng giá một xu. Đó là quan niệm cổ hủ, lạc hậu phải không con?
Chính với quan niệm cổ hủ, lạc hậu, phong kiến ấy, mà bà đã giữ gìn cho các con gái của mình tránh xa được những cạm bẫy cám dỗ, lần lượt học hết phổ thông, vào đại học, rồi ra công tác mới lập gia đình, như các cô mà con thấy ngày nay...
Bố còn nhớ, ngày xưa còn ở nhà, mỗi khi các cô có khách là bạn trai đến chơi (mà khi ấy các cô đã là sinh viên) bà đều căn dặn phải đưa bạn vào nhà, ngồi vào bàn tiếp chuyện hẳn hoi, tử tế.
Nếu là buổi tối, phải vặn đèn sáng to. Chuyện trò xong, đưa bạn ra hết đầu sân, tới cửa ngõ là phải quay vào nhà ngay. Không có thói đứng nhởn nhơ đầu sân, góc vườn nói chuyện, rồi đưa nhau ra ngõ, dùng dằng mãi chưa dứt được ra về. Chỉ cần chậm vài phút thôi, là bà sẽ gọi lớn từ trong nhà, các cô phải chạy vào ngay và nghe giáo huấn.
Tuy nhiên, bà cũng có hơi thiên vị. Đối với con trai, cháu trai cũng thế, bà có quý hơn con gái, cháu gái một chút. Đặc biệt là cháu đích tôn của bà. Chẳng thế mà anh Đức con bác Bính, được bà đùm bọc đến nỗi gần 10 tuổi rồi mà có người hỏi “Ai đẻ ra cháu?”, là lập tức trả lời: Bà đẻ ra cháu!
Cho đến tận bây giờ, anh đã là chàng trai ngoài 30 “tam thập nhi lập” rồi, bà vẫn gọi anh là “thằng cò”, và mỗi khi có gì ăn là phải để phần thằng cò bằng được.
Bố nhớ, những ngày còn nhỏ, anh chị em đôi khi chảnh chọe nhau. Nếu bố có lỗi với bác H. hay cô L., cũng dễ dàng được tha thứ hơn là cô hay bác có lỗi với bố, vì: “Nó là con trai, không được như thế!” ...
Đấy! Bà nội là người như thế đấy. Vừa đoan trang đúng mực, tảo tần, chu đáo, hết lòng vì chồng con, gia đình. Vừa nghiêm túc, đôi lúc đến khắt khe, lại có vài quan niệm hơi phong kiến, cổ hủ, lạc hậu như thế đấy. Bố và các anh chị em khác của mình, được sinh ra và nuôi dưỡng trong một gia đình như thế. Một gia đình cơ bản, truyền thống Việt Nam, vừa cổ điển, vừa phong kiến, cả bố mẹ đều là nông dân chân chính, thực thụ. Ở đấy, bố và các bác, các cô, chú cứ lớn lên rồi lần lượt ra đi, mỗi người mỗi ngả. Cái đại gia đình đầm ấm yên vui ấy, đã chia sẻ thành các tiểu gia đình, mà mỗi nhà có một hoàn cảnh, cuộc sống riêng...
Để bây giờ, ở quê hương chỉ còn lại ông bà nội với bác Vuôn - nàng dâu và cháu Trang là chắt, quanh quẩn cùng hai cụ hàng ngày...(*)
(Còn nữa)
Tác giả: Lê Quang Tuệ
----------------------
(*)Trích: "CHUYỆN TRONG NHÀ" viết xong tại Mockba - 2005
(*) Tuổi lúc đó (2005) của mẹ, nay cụ đã 96 tuổi rồi.
(*) Bài viết này lúc bố tôi còn sống, khi ấy cụ 91 tuổi. Nay cụ đã mất được hơn chục năm rồi.