Nghề giáo
- Chủ nhật - 17/11/2019 22:07
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mỗi năm, cứ đến ngày 20-11, tôi lại nhớ về một kỷ niệm xưa mà không biết gọi đó là kỷ niệm buồn hay vui nữa. Ngày ấy, lớp 5 chuyên toán của chúng tôi là “con cưng” của cả huyện, được đặt tại một trường điểm cho nên chúng tôi cũng là “con cưng” của các thầy, cô của cả trường. Gần hai chục học sinh đến từ nhiều xã khác nhau, có nơi khá xa xôi cách trở, nên từng tốp phải ở trọ nhà dân gần trường và thực sự bắt đầu cuộc sống tự lập, xa nhà.
Chúng tôi vẫn học các môn vào buổi sáng bình thường như các lớp khác, và chỉ học toán chuyên vào buổi chiều. Một cô giáo dạy văn thường đến đọc truyện cho chúng tôi nghe. Chắc là một cách đối xử đặc biệt mà cô dành cho lớp “con cưng” chúng tôi chăng?
Tôi nhớ như in nội dung quyển sách ấy, có tên: “Đường rừng Trường Sơn”. Quyển truyện kể về quá trình các anh bộ đội Việt Nam sang Lào nhận voi về làm phương tiện vận chuyển vũ khí, lương thực vào Miền Nam đánh Mỹ. Quá trình người và voi làm quen, thân thiết vào bảo vệ lẫn nhau trước thú dữ, bom đạn và biệt kích thật là hấp dẫn và lôi cuốn.
Mỗi ngày, cô đọc một đoạn vào buổi trưa và sự chờ đợi đoạn tiếp theo quả là một hình phạt khổ sở đối với bọn tôi. Trưa hôm ấy, tôi đánh bạo hỏi mượn quyển sách để đọc cho hết vào buổi tối và thật hạnh phúc là cô đã đồng ý. Cầm quyển sách như một kho báu, tôi say sưa đọc cho đến đầu giờ buổi chiều, thầy đến rồi mới cất vào ngăn bàn một cách tiếc rẻ.
Chiều tối hôm ấy, sau khi về đến nhà trọ, tôi hí hửng lấy truyện ra đọc nhưng tìm đi tìm lại mà vẫn không thấy nó trong cặp. Tôi thực sự lo sợ và đã chạy ngược lại trường để tìm xem mình có đánh rơi hay bỏ quên ở đâu đó không. Vừa chạy vừa nghĩ và nhớ ra rằng mình đã đút quyển truyện vào ngăn bàn nhưng bên dưới cái cặp. Hết giờ học, tôi đã vội vàng rút cặp chạy về và quên nó trong ngăn bàn. Chạy đến trường và lao bổ vào chỗ ngồi, tôi thẫn thờ vì ngăn bàn trống rỗng. Những cái lớp học lợp rạ, vách đất, không cửa ra vào, không cả cửa sổ thì làm sao mà tìm ra ai đã nhặt được quyển truyện mà tôi bỏ quên?
Sáng hôm sau, lấy hết bình tĩnh, tôi đi tìm cô giáo trong giờ giải lao giữa hai tiết học và bắt đầu trình bày về việc tôi quên và đánh mất quyển truyện như thế nào. Tôi cố suy nghĩ nói thế nào nhưng sự lo sợ làm mất quyển truyện làm cho tôi không còn minh mẫn nữa. Thật bất ngờ cho tôi, khi nghe thấy việc đánh mất quyển truyện, thái độ cô thay đổi đột ngột. Cô liếc xéo vào mặt tôi và nói một cách khinh miệt: “Thôi! cậu không phải nói dối tôi nữa. Tôi biết cậu thích quyển truyện ấy như thế nào rồi. Lúc đọc, nhìn vào mắt cậu là tôi biết rõ ngay. Nếu cậu thích quá thì cứ giữ lấy quyển truyện, nhưng đừng nói dối tôi như vậy!”
Rồi cô ngoắt mình bỏ đi. Tôi đứng chết lặng ở sân trường. Cũng may là bắt đầu vào giờ học tiếp theo, mọi người đã vào lớp nên không ai để ý. Tôi không khóc, nhưng hai hàng nước mắt tự nhiên cứ chảy ra. Tôi không nhớ được lúc ấy mình nghĩ gì, nhưng chắc rằng tôi chỉ muốn chứng minh cho cô biết sự thực là tôi đã vô ý đánh mất quyển truyện và tôi không nói dối.
Hơn bốn mươi năm đã qua, nỗi buồn từ sự việc cũng dần dần chuyển thành vui như một kinh nghiệm quý báu đầu đời. Bây giờ, tôi cũng là một giáo viên, nhưng thật may tôi dạy đại học cho nên là sinh viên của tôi đã lớn, không non nớt và không dễ bị tổn thương như chúng tôi ngày đó. Tuy nhiên, tôi luôn cảnh giác với chính mình khi nói với các em vì sợ rằng sự định kiến hoặc áp đặt nhầm lẫn của mình có thể gây ra một nỗi đau rất lâu nào đó.
Bùi Đại Dũng