Người đồng nghiệp đặc biệt của tôi
- Thứ bảy - 18/11/2023 06:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ảnh: Thầy Phan Đình Viên ngoài cùng bên phải cùng ban Giám hiệu phát thưởng cho học sinh giỏi
NGƯỜI ĐỒNG NGHIỆP ĐẶC BIỆT CỦA TÔI
(Biên Linh)
Tôi là một giáo viên hạnh phúc! Hạnh phúc bình dị của người đưa đò là luôn được đón những người khách năm xưa trở lại. Có những em không may mắn trở về để được trải lòng, để nghe lời động viên khuyên nhủ. Nhưng có nhiều em trở về để nói lời tri ân, để chuyện trò với cô giáo về những kỉ niệm học trò dấu yêu, về những thầy cô mà các em ghi khắc trong tim.
Người thầy luôn được bao thế hệ học sinh nhắc nhở với rất nhiều niềm ngưỡng mộ và yêu kính là thầy Phan Đình Viên - tổ trưởng tổ Hóa trường Trung học phổ thông Phước Bình thị xã Phước Long tỉnh Bình Phước.
Học trò, gọi thầy Viên bằng những lời trân quý: “Thầy truyền lửa”, “Người chắp cánh ước mơ”, “Linh hồn trong các hoạt động của trường...”, “Người gieo niềm tin Chiến Thắng”...
Nghe các em ríu rít, tôi cũng thấy xôn xao một niềm vui ấm áp trong lòng. Bởi lẽ, chính tôi cũng thấy đúng là như thế. Tôi còn dành riêng cho thầy Viên cái tên theo cách gọi của riêng mình: Thầy dạy Hóa có tâm hồn nghệ sĩ!
Còn nhớ năm 2002, vừa ra trường, thầy Viên được phân công về dạy tại trường Trung học phổ thông Phước Long. Là chủ nhiệm một lớp có nhiều em giỏi văn. Không biết thầy đọc được thông tin về tôi từ bao giờ. Chiều đó, tôi đang soạn bài thì mấy học sinh nữ của trường Trung học phổ thông Phước Long tìm đến nhà tôi với một bó hoa cúc vàng tươi. Trước sự ngỡ ngàng của tôi, một em giới thiệu:
- Thưa cô, chúng em là học trò của thầy Viên, thầy khuyên chúng em đến nhờ cô ôn cho môn văn để chúng em thi học sinh giỏi ạ.
Trao cho tôi bó hoa thơm ngát cô bé tên Thủy nói:
- Thầy em nói cô rất thích hoa cúc, thầy đọc thơ thấy cô viết nhiều về hoa cúc ạ.
Tôi đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Vì tôi chưa gặp thầy Viên bao giờ.
- Cô cảm ơn thầy các em cùng các em nhiều nhé. Nhưng cho cô hỏi: Thầy Viên có phải ....
- Dạ thầy em thư sinh lắm cô ơi!
- Thầy em xinh lắm cô.
- Thầy em dạy siêu lắm cô!
Và thế là nhao nhao kể về thầy chủ nhiệm của các bạn ấy với bao lời có cánh. Tôi chỉ nghe đã thấy ngưỡng mộ rồi.
Trái đất tròn. Mùa thu năm 2003, thầy Viên chuyển ra trường Trung học phổ thông Phước Bình. Tôi trở thành đồng nghiệp cùng thường từ ngày ấy.
Thầy Viên trong cảm nhận của tôi quả đúng như lời giới thiệu ấn tượng của học trò.
Thầy Viên dạy hóa, làm tổ trưởng tổ Hóa. Còn tôi, vốn dân dạy Văn lại xin hẳn sang dạy Giáo dục công dân bằng văn bằng thứ hai, nên về chuyên môn, hầu như chẳng quan hệ gì với nhau. Trường gần 200 giáo viên, học sinh hơn 2.000 em. Nếu không cùng tổ chuyên môn, cùng thời khóa biểu khó mà gặp mặt. Nói gì đến thân thiết. Nhưng thầy Viên thì khác, khi nào có dịp cùng buổi dạy, đi họp hay ra chơi, Viên hay chuyện trò với mọi người. Sự thân thiện và những kiến thức văn chương, nghệ thuật khá sâu rộng của thầy giáo dạy Hóa trẻ làm tôi ngưỡng mộ. Thầy thường đảm nhận vai trò MC, là người tổ chức các cuộc thi văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí … ở trường.
Lời dẫn chương trình của thầy lúc nào cũng cuốn hút, vừa trí tuệ vừa vui nhộn. Tôi nghe học sinh kể : Vì thần tượng thầy mà nhiều em từ lười biếng trở thành chăm chỉ, nhiều em vì lời động viên khuyến khích của thầy, mà “lột xác”, từ những cô bé, cậu bé thiếu “tự tin, hổng kiến thức” đã biết cố gắng lấp đầy kiến thức hổng, phấn đấu học giỏi và thành công…
Tôi cũng là người thầy, tôi tin vào điều đó.
Năm nào tổ Hóa của trường cũng có nhiều em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, nhiều huy chương vàng, bạc, đồng trong các kỳ thi Olympic khu vực miền đông Nam Bộ… Có những học sinh trúng tuyển vào những trường đại học danh tiếng như Y khoa, Bách khoa, ngoại thương….và môn Hoá của thầy đã đóng góp không nhỏ vào thành công ấy của học sinh.
Tuy chỉ là trường cấp III sinh sau đẻ muộn hơn một số trường trong tỉnh nhưng lại có rất nhiều học trò đậu vào các trường đại học Y khoa, Bách khoa và các trường danh tiếng… Bao nhiêu mồ hôi, tâm huyết của các thầy cô đã lặng thầm kết tinh trong từng thành công của những đàn trò nhỏ. Rất nhiều, rất nhiều là sự tận tâm, nhiệt huyết của thầy Viên.
Tôi nể trọng Phan Đình Viên không chỉ ở biết bao bằng khen của Sở giáo dục đào tạo, của UBND Tỉnh.Thủ tướng Chính phủ, mà ở chính tình cảm trân trọng tin tưởng của Ban giám hiệu, của Hội đồng Sư phạm nhà trường, của phụ huynh và lớp lớp học trò. Nền giáo dục chân chính luôn lấy niềm tin của học trò làm thước đo cho trái tim và năng lực của người thầy’.Thầy Viên đã phấn đấu dạy dỗ học trò, chắp cánh cho bao em bay lên những khoảng trời cao rộng. Bên học trò, lúc nào tôi cũng thấy thầy thật rạng rỡ và đầy nhiệt huyết. Nhiều lần Viên chia sẻ với tôi “Bằng khen nào cũng quý nhưng bằng cao quý nhất là niềm tin của học trò phải không cô!”.
Thỉnh thoảng thầy hỏi tôi.
- Cô ơi! Ra cuốn sách mới chưa?
Hoặc:
- Có bài báo mới cho em đọc với nhé.
Tôi coi đó là lời động viên của người đồng nghiệp trẻ.
Ngày tôi nghỉ hưu. Sau hơn 30 năm gắn bó với trường với trò, thật nhớ, thật bâng khuâng. Đêm đầu tiên nhận quyết định nghỉ hưu, tôi đã không ngủ được. Bồi hồi nhớ. Bồi hồi khi học trò khối 12 kéo xuống thư viện nơi tôi ngồi chờ tiết dạy; các em đã hỏi rằng:
- Cô ơi! Người như cô có thể không nghỉ hưu có được không?
Cứ thế,… tôi thức.
Nghe chuông báo tin nhắn tới lúc 5 giờ sáng, tôi mở xem. Tin nhắn của thầy Viên.
- Cô ơi, tin cô nghỉ hưu, em đăng 8 giờ tối qua tới giờ mới vài tiếng đã gần 5 ngàn lượt tương tác rồi nha cô! - Thầy Viên phụ trách trang tin của trường THPT Phước Bình. Tôi bật dậy, nước mắt trào ra. Giọt nước mắt bâng khuâng, hạnh phúc.
Chiều hôm sau, lại tiếp “Bây giờ là gần 10 ngàn lượt cô nha!”.
Tôi đọc những lời bày tỏ tình cảm, sự xúc động của bao thế hệ học trò, thấy lòng ấm áp.
Thỉnh thoảng, Phan Đình Viên đọc bài của tôi viết về học trò, học trò viết về tôi và gọi tôi bằng cái tên “Người viết cổ tích về giáo dục”.
Giữa những tháng ngày chông chênh, lời động viên, cách động viên của người đồng nghiệp đặc biệt này khiến tôi vơi bớt đi nỗi niềm da diết.
Thầy Viên không chỉ là thầy dạy Hóa giỏi, nhiều kinh nghiệm, nhiều thành tích mà còn là nhà giáo có trái tim nhân ái, có vẻ đẹp tâm hồn của một nhà thơ.
Khi được hỏi về mong ước của mình với nghề, thầy cười vui “Em mong mình vẫn còn “Lửa nghề” để truyền cảm hứng học tập đến với học sinh. Em ước mỗi giờ học của trò là một giờ hạnh phúc trong một lớp học, một ngôi trường hạnh phúc.
Bình dị và thân thương mà cao quý lắm - người đồng nghiệp ấy của tôi.
Biên Linh