Độc thoại của một người thương binh về làng quê yêu dấu

Độc thoại của một người thương binh về làng quê yêu dấu
Từ buổi dáng làng nằm trong chiếc ba lô anh khoác lên vai mang vào mặt trận một thời tuổi anh đồng nghĩa cùng cây súng niềm vui sáng lên những khoảng trời qua từng đợt bom rung


(Ảnh: Nhà thơ Kim Chuông năm 1997)


ĐỘC THOẠI CỦA MỘT NGƯỜI THƯƠNG BINH

VỀ LÀNG QUÊ YÊU DẤU

(Kim Chuông)


                         I


Từ buổi dáng làng nằm trong chiếc ba lô

anh khoác lên vai mang vào mặt trận

một thời tuổi anh đồng nghĩa cùng cây súng

niềm vui sáng lên những khoảng trời 

     qua từng đợt bom rung


Đất nước    

vào trận đánh hợp đồng

anh mang dáng làng xếp vào đội ngũ

trong Đất nước có dáng làng

trong dáng làng có anh

và anh mang một dáng làng riêng

bởi ngôi nhà của anh nằm bên dòng Trà Lý

vành trăng lững lờ như chiếc lưỡi câu xanh


cô gái

(đôi mắt ướt như vòm trời sau mưa)

         ra bờ sông gánh nước

kỷ niệm quê hương như giọt nắng trong lành


Dáng làng trong anh là thế

bãi sông Trà giống như màu áo mẹ

cái màu áo nghìn năm đắp lên mặt cánh đồng

cái màu áo soi lên còn gặp nghìn trận bão

cái màu áo uống cạn ba trăm sáu mươi lăm

        ngày Mặt trời cho Đất cứ tươi non


đất nhọc nhằn câu ca không tả hết

lịch sử chép nghìn trang thắng giặc

nhiều bà mẹ góa chồng

nhiều cuộc chia ly

khẩu sùng truyền tay những thế hệ ra đi

không một dáng làng nào

        vắng mặt ngoài chiến trận


Nhưng trong anh 

có một dáng làng riêng

bởi thế

khi giáp mặt quân thù

khẩu súng của anh nhằm vào hướng nào 

cũng thấy như tựa vào dáng làng

              trước mặt

cũng giống như tựa vào sông Trà

         tựa vào cây đa làng thân thuộc


đường đạn

xuyên tim giặc

có khi bay lên từ một lời ru

từ một tiếng trẻ trở mình nơi quê nhà

                          còn vọng vào trí nhớ

từ một tiếng gọi đò đêm trở gió

một ánh mắt em yêu nói thay vạn lời dài

một bàn tay cài giùm khuy áo hở

da diết vô cùng xóm giềng ơi ...


Kỷ niệm Tổ quốc trong anh bắt đầu

      từ những hình ảnh ấy

cái lớn lao đi từ cái nhỏ này


không một phút nào bên anh làng

    vắng bóng

làng với anh là bạn đồng hành


Làng cùng anh ngủ hầm

vạch rừng truy kích địch    

một trang thư mang làng đến chiến hào

cho trang thư rộng dài như chiến dịch 

ở tiền phương

làng gọi anh trước mặt

như bóng với hình làng luôn đứng bên anh


                    II


Đất nước có nỗi đau lâu dài nhất – Chiến tranh !

nên cuộc đời anh có mảng đời chiến sĩ 

anh hy sinh một phần cơ thể

lẽ đương nhiên là thế

khi anh hiểu giá từng thước đất quê nhà đi qua

            tọa độ bom

Một cánh tay anh gửi lại chiến trường

sự hy sinh khác hoàn toàn cái chết

anh đau buồn 

nhưng không tiếc

vì anh biết 

hạt thóc rơi xuống đất đồng 

      sẽ xanh lại mùa sau


Tuổi đôi mươi

điều anh nghĩ nặng sâu

là Tổ quốc và Tồn tại

là anh và những ngày còn lại


Trước lúc “thương binh”

anh là người chiến sĩ anh hùng

phía sau người thương binh anh có gì để nói

xưa dáng làng nóng ran nòng súng gọi

nay biển lúa vàng quyện sóng hát ru anh


làng ra đi làng lại về gần gũi

đứng nơi đâu

làng cũng ở bên mình !


                              III


Hôm nay

một cánh tay anh không còn nữa

hình dáng anh có thể bất hài hòa

nhưng dáng làng trong anh vẫn tháng năm đầy đặn 


Anh vẫn đến cánh đồng cháy nắng

vun cho từng cây lúa trổ bông vàng

người xẻ mai vác đất đắp đường   

tiếng loa mang lời anh

và tiếng hát ...


người nghe không hề biết

không hề nhận ra cánh tay anh thiếu hụt


chỉ thấy tiếng hát say lòng

thấy tiếng hát rút ra từ bầu rung cảm con tim

                                        như tơ rút ruột tằm

tiếng hát đầy như dòng sông Trà trước mặt


vẻ đẹp hài hòa

anh có ở bên trong !


Những đêm đông

dưới ngọn đèn xanh như hạt đỗ

nghe giọng anh đọc bài Chính tả

những cây bút gãi trên mặt giấy lặng thầm

            trong lớp học ban đêm

này phép Cộng, phép Nhân

này mặt trận Tây Nguyên những ngày rực lửa ....

lời anh như nét vẽ

tất cả hiện lên sống động vô cùng

học viên thấy mình đi qua kiến thức

thấy mình đang bước đi dọc miền Đất nước


tất cả đặn đấy hơn sự đặn đầy

sự thiếu hụt chỉ còn

nơi riêng “một cánh tay” ....


                                       IV


Năm tháng xóm làng vẫn sống giữa anh đây

sự mất mát như không hề mất mát

như đất lở bờ này cho bờ kia bồi đắp

như cánh hoa vàng lặn vào qủa trong cây


có thể

anh mất một cánh tay

nhưng mặt đất tan đi lô cốt giặc

miệng hố bom cây lúa non về mọc

bầu trời xanh yên nghỉ những chiều về


nơi cánh tay anh 

thiếu hụt kia

có lúc nào không ấm đầy ánh mắt

bà mẹ nhìn anh anh thấy gió thổi se lòng

ngọn gió sẻ chia

ngọn gió tâm tình

ngọn gió làm anh dịu cơn nhức buốt


những em bé sà vào lòng

muốn lấy cánh tay mình

nối cho anh nửa vòng

để tình thương khép kín ...


làng lúc nào cũng ở bên anh


Làng lúc nào cũng ở bên anh

một mái nhà gianh

dựng trên đất mới

cô gái mười năm chờ đợi

giờ thành cô dâu ngày cưới

bát chè xanh làng mời

khói thuốc thơm làng chúc

tấm chăn mới thơm mùi hạnh phúc

vầng trăng mười năm đứng đợi bên thềm

cả ngôi sao bên khung cửa đêm sâu

                           anh nghĩ cũng của Làng

 

người yêu anh sẽ sàng

luôn tìm bên anh

một cánh tay nơi miền xa Đất nước

hai tình yêu 

“Lứa đôi” 

và 

“Tổ quốc”

đều nằm trong một Con Người

           khi tình yêu chân chính

khi bài ca Hạnh phúc đẹp tuyệt vời ! 


Nơi anh sinh ra Làng là một chiếc nôi

làng nuôi anh như nuôi bãi bờ, hoa trái

làng đi cùng anh 

và những ngày trở lại

Ở đâu 

Làng cũng đắp bồi


Cái hữu hạn trong mình có thể anh đi hết

Còn đất Làng ư?

             Anh đi suốt cuộc đời 

Sự thống nhất giữa Anh 

và Năm tháng 

như dòng sông Trà

           và bờ bãi sinh sôi !


K.C

Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, 27/7 năm 1997