La - Lam lặng lặng nỗi niềm quê

La - Lam lặng lặng nỗi niềm quê
Quang Trung đứng khuất trong rừng thông núi Quyết xanh cây Vòi vọi ngóng Nguyễn Du đi từng bước nặng nề, bơ vơ trên bãi cát dài nóng bỏng Gió Lào xé tiếng thông xanh thành ngàn vạn mũi tên xỉn màu, đỏ thẫm

(Ảnh: Đặng Văn Tôn)


LA-LAM LẶNG LẶNG NỖI NIỀM QUÊ

(Anh Vũ)


Nhắc tới xứ Nghệ Tĩnh là người ta nhớ về 2 con sông. Bên Nghệ An là dòng Lam, bên Hà Tĩnh là dòng La. Đây là 2 dòng sông văn hóa, gắn với nhiều nhân tài đất Việt, gắn với những sự kiện lịch sử và gắn với mọi buồn vui kiếp người…

 

Hạ nguồn, 2 dòng sông đã hợp lưu và hội nhau như Chàng Kim và Thúy Kiều sau bao thác ghềnh biến cố bể dâu. Chúng cùng đi qua hai núi. Sông Lam qua Dũng Quyết. Nơi đây Quang Trung có ý định lập Phượng Hoàng Trung Đô, chính là nơi chôn nhau cắt rốn, dòng họ quê hương của tôi. Sông La uốn mình quanh dãy núi Hồng Lĩnh hùng vĩ với 99 ngọn nhấp nhô dọc biển cho tới Đèo Ngang. Cả 2 cùng dắt nhau ra đại dương mênh mông ở Cửa Hội.

 

Nguyễn Huệ tên thật là Hồ Thơm, quê ở Thành phố Vinh hiện nay, cùng dòng họ Hồ Quý Ly ở Quỳnh Đôi. Từ khu di tích Quang Trung vượt dòng La-Lam 5 km là tới bãi cát mênh mông, nơi Nguyễn Du "Buồn trông cửa bể chiều hôm, Thuyền ai..."

                  

LA -  LAM


Quang Trung đứng khuất trong rừng thông núi Quyết xanh cây

Vòi vọi ngóng Nguyễn Du đi từng bước nặng nề, bơ vơ trên bãi cát dài nóng bỏng

Gió Lào xé tiếng thông xanh thành ngàn vạn mũi tên xỉn màu, đỏ thẫm

Gió Lào tung cát trắng xuống hẹn hò

Kim Trọng,Thúy Kiều đâu thôi hết những âu lo?


La Lam hợp lưu rửa mãi nỗi hờn kim cổ

Kiều Nhi ơi! Trinh tiết đến bao giờ?!

Chẳng chung chiếu chăn

Chung một bàn cờ

Thế sự đỏ đen,

Tình nhân gây cừu hận.

Tri kỷ tri âm

Vẫn bên được bên thua

Hấm hứ được thua!


Tôi thấy Người đi

Trong sa mạc những trang thơ

Có lẻng xẻng xích xiềng

Có cả gông trên cổ gầy gò

Nguyễn Du lẩm bẩm lời,

Kiều sặc sụa những cơn ho...


Nguyễn Huệ - Quang Trung nhíu mày, chau mặt

Lấy tay mài lưỡi gươm

Phấp phới ngọn cờ  đàò

Giúp dân dựng nước biết bao công trình...


Nghe đục đá giữa thinh không vắng lặng

Tấm bia nào

thay miệng thế tự thửa xưa?


Nguyễn Huệ ẩn trên núi cao

Nghe róc rách

Suối trườn xuống sông Lam, tả ngạn


Nguyễn Du phơi mình

Chân trần rộp nóng

Đi vô hồn

Trên cát bỏng

Cồn nọ, bụi hồng,

nghèo đói quê hương

Vài cọng khoai lang

Rễ sùng, củ thối

Một giỏ đầy cỏ dại

Có cứu được mặt trời vàng

Một mẹ với ba con?


Sông La hữu ngạn

Hợp lưu với dòng Lam

Ngoằn nghèo một con đường

Ra biển khơi

Vọng thuyền ai thấp thoáng


Có những con thuyền

Đè lên bao con sóng

Lướt trùng khơi ào ạt xuống Chiêm Thành

Cứu công chúa Huyền Trân đang khiêng lên đàn lửa


Có những con thuyền qua cửa bể vắng tanh

Bát ngát  gió Lào rừng rực lửa

Dòng họ Nguyễn Du

Đã bỏ quê cha xứ sở

Bước chân xuống thuyền

Hướng về Nam

Kết duyên cùng mảnh đất Nghi Xuân

Gắn với Hồng - La - Lam, núi sông muôn thửa

Linh khí chất đầy

Từ mái rạ, cội thông

Lắng nghe từ cuồn cuộn, ầm ầm

Khi trời nổi bão giông

La Lam phăm phăm bay về biển cả


 


La Lam soi gương mặt Kiều

Khiến chiều yên ả

La Lam vuốt ve bàn chân con gái

Thõng mạn thuyền,

Một chuyến sang ngang...

Nghe rất rõ lời ru tiếng ví dặm đò đưa

Chưa về đến ngõ nhà chồng

Tuổi hoa niên, con tim đã hát

Ai người tiếc ngẩn tiếc ngơ

Vàng rơi không tiếc

Tiếc công cầm vàng

La Lam nước chảy lờ đờ

Tiếc công lặn lội, bây giờ là đây.


Ư,

Vàng rơi không tiếc, tiếc công

Tiếc đến não lòng

Tiếc đến bâng khuâng

Nghe sóng hát, hay nghe lời em hát

Mà rười rượi bến sông buồn

Gánh Nước nặng hai vai.

Em trở vai này,

Chín rạn vai anh...


La Lam quây tròn thành hồ kỷ niệm

Cho ta ngồi lại với mình

Tìm lại tấm chân tình

Cho ta bớt lang thang.


Có những con thuyền qua cửa bể La Lam

Đông nghìn nghịt những quan quân

Cờ lọng tả tơi

Những bàn tay rã rời

buông đốc kiếm

Cả một triều đình chạy loạn

Qua quê hương

Qua nhà thờ Tổ họ Hồ

Quýnh quáng biển Cẩm Xuyên

Để kết thúc một cơ đồ...

Hang Thiên Cầm ai oán

Nhạc vong quốc tấu lên

Trời xanh có tỏ?

Gió khơi rú tiếng ốc vang rền.


Hồ Quý Ly và con trai bị bắt

"Cha ơi, dũng tướng này có thừa tài trí hơn người

Không sợ giặc

Nhưng chúng ta mất tất cả giang sơn

Trong chớp mắt

Bởi triều đại cha con mình

Trị vì không cần Đức

Chỉ còn hà khắc

Nay xây thành,

Mai đắp lũy

Rút kiệt hết sức dân

Chở thuyền và lật thuyền

Bài học ấy

Cha con ta

Đọc lý thuyết đến ngàn lần...".


Không biết Hồ Nguyên Trừng

Khi buộc ngược đường lên phương Bắc

Hẳn nhiên qua Cửa Hội

Đè sóng nuớc La Lam

Có rát mặt anh hào

Bởi những trận gió Lào

Cồn cào như cái Đói

Ở quê hương ông

Người dân lầm lụi

Cúi mặt cho đất

Bán lưng cho Trời

Những bãi cát dập dềnh

Như bè mảng dân lên ngàn khốn khó

Chập chềnh sông biển đầy vơi

Cát khát

Giọt mồ hôi

Gió Lào se những ngọn cỏ mồ côi

Những người dân đơn côi

Vắt máu, nghiền xương

Cho triều thế lở bồi...


Không biết Hồ Nguyên Trừng có nghe

Ngàn thông trên đỉnh núi Hồng, non Quyết

Kéo những ngọn gió sắc như dao

Tua tủa dựng hờn căm lên trời thẳm

Kết án cha con ông như bạo chúa phương nào

Mất nước rồi kiếp nô lệ lao đao...

Đất Nước này lại gươm, lại giáo

Lại quặn nở anh hùng Lê Lợi, Quang Trung

Lại Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương tiết tháo

Lại Phan Bội Châu giã từ đêm ví dặm sáng trăng

Giã từ La Lam,

Một cánh buồm côi sang đất Nhật..

Ôi phải chi, đừng có lỗi lầm

Cha con họ Hồ

Thương Nước, an Dân

Tất cả anh hùng trận mạc

hóa Nguyễn Du....



Vị vua tương lai họ Hồ

Thành kỹ sư đúc chuông, đúc súng thần công,

rèn đao, mài kiếm

Cho giặc Minh sang triệt hạ dân này

Bao đầu rơi, máu chảy

Từ tài trí hơn người, con của đức vua đây!


Có những chiều về,

Mây lướt thướt đen rầm cửa Hội,

Rửa trắng phau cát bỏng quê nhà,

Bới tìm sau giông bão mưa sa,

Rễ củ khoai hà,

Về luộc sượng.

Vắt tròn nắm nhút,

Trắng giòn đĩa cà,

Những chiếc đũa xỉn mồ hôi,

Quờ quạng giữa nia,

Ăn cái Đói,

Mà thương...


Chiều La Lam,

Vi vút sáo diều,

Giữa gió Lào lồng lộng lửa,

Ai giận rồi thương trong đáy mắt ...

La Lam?


Thành Lục Niên trên ấy,

Giữa heo hút sơn khê,

Những đêm tướng sỹ mài kiếm dao,

Ức Trai nhẩm Bình Ngô Đại Cáo,

Gửi trăng sao...


Những đoàn quân,

Hát Khải Hoàn Ca,

Uống vội ngụm nước La Lam,

Hướng về Đông Đô,

Kinh kỳ rồng lượn.


Có giọt mồ hôi nào,

Trong đoàn người gồng gánh,

Nạp cống Bắc Triều?


Có người anh hùng nào,

Đen quánh như một phiến Mun,

Sừng sững anh hào,

Vua Mai Hắc Đế...


Vẫn thích nhìn cửa bể,

Dù chiều hôm nới rộng hai bờ,

Vừa gặp gỡ đã xuôi lòng biển mặn...


Ngóng một cánh buồm,

Rực rỡ trống chiêng,

Xúng xính lụa điều, pháo nổ,

Rõ tiếng  thông reo...





Kiều- Kim trẻ lại,

Những khúc Đoạn Trường xưa,

Chỉ là dư âm,

tiếng bẻ lời bai...


Nguyễn Du mỉm cười,

Ngấn long lanh,

ngồi gõ mạn thuyền,

Gọi người Quan Họ,

Quê mẹ cầm tay,

Nhịp phách này...

Gõ nhẹ ...

Đôi mắt này...

Trẻ lại ...

Lúng liếng...

Như say...


Chiều lại mênh mang,

Ngóng mắt lên dãy núi Giăng Màn,

Mây trắng xóa,

Dừng chân mây đứng lại,

Phía chân trời,

viền xanh núi mùa Xuân...


Có phải Lãn Ông mang biển lên ngàn?

Gặp vách núi cheo leo,

Hái chùm lan trắng?


Giỏ  thuốc hái đầy,

Nhẹ hẫng, thoảng hương lan.  

Thuyền nhẹ thênh thênh,

Trôi dọc La Lam,

Nhìn trời sao chỉ đường,

Rẽ vào dòng suối nhỏ,

Vào nhà tranh nghèo,

Đứa trẻ vừa dứt cơn ho,

Bệnh trọng rơi vào người khốn khó...


Nhìn chúng sinh,

Vệt nước mắt lau khô.

Nhìn trướng gấm bạc vàng,

Trong dinh Vua, phủ Chúa,

Ngẫm nhân tình, thời thế,

Mà lo.


Bỗng òa vỡ phía chân trời,

Mây trắng từ dãy Giăng Màn cuồn cuộn trôi ra,

Hối hả.


Giặc Thanh đã chiếm đóng Thăng Long,

Lê Chiêu Thống rước voi về giày mả Tổ.

Lòng dân nghiêng ngả,

Tiếng suối khe,

Nghe thống thiết giữa La Lam...


Người ẩn sỹ tưởng dấu mình với gió núi mây ngàn,

Chân bước gấp, rẽ rừng già núi thẳm,

Một chiếc thuyền con,

Đè lên trên sóng,

Lao như tên về chốn phồn hoa...


Núi Quyết, rừng thông,

Rừng kiếm, chật đông,

La Sơn hội kiến với Quang Trung...

Chỉ chớp nhoáng,

Mà thành Thần tốc.

Ngồi câu cá trên bến vắng La Lam,

Mà lắng hết mọi phong ba thế sự,

Đâu cần Tam Cố Mao Lư,

Người ẩn sỹ thoắt thành một Đấng Quân Sư

Lo chu toàn cùng anh hùng áo vải...


Giặc ở Thăng Long chẳng bận tâm, sợ hãi,

Nguyễn Thiếp La Sơn lo kiến thiết sơn hà.


Một thiên tài,

Một tấm lòng trong...


Rời trướng hùm vào giữa trung quân,

Quang Trung tuyên lời hịch,

Sóng nước La Giang truyền những câu chắc nịch,

Sông núi này là của nước Nam

Sóng nước trào dâng lời Thần Như Nguyệt

Mảnh trăng nào lành lặn một vầng trăng...


La Sơn xuống núi,

Mây rồng gặp nhau,

Ba quân kết thành một khối,

Nghe rần rật trong tim sâu thẳm tiếng Đồng Bào.


Thề ăn Tết với hoa Đào,

Trên đất Bắc.

Giành lại giang sơn,

Giữ lấy cơ đồ...

La Lam mặn giọt nuớc mắt đầu nguồn

Hàm Nghi bị quan thần bán đứng

Nhà vua Cần Vương hận lệ để giữa rừng

La Lam rửa vết thương Phan Đình Phùng

Từ phiến đá suối khe

Từ Vũ Quang, căn cứ địa Hương Khê

La Lam gào nức nở

Khi Cao Thắng bỏ mình, cuộc hành quân dang dở

Đêm đuốc nghĩa rối bời

Soi tìm tên phản bội...


Từ núi Quyết

Quang Trung buồn trông cửa bể

Bãi cát Nghi Xuân

Nguyễn Du ném ngọn bút

cầm tay chính mình

định viết

Dù một câu thơ không thể viết.


La Lam dùng dằng

Không muốn chung dòng chảy

Nàng đưa

Chàng đẩy

Đục - Trong,

Vinh - Nhục,

chẳng sang nhau...

Lên thác,

Xuống ghềnh

Hái trái mơ chua

Uống ngụm nước đầu

Dành nửa trái sim

để mà đau...


Nguyễn Du cúi đầu

Bước hụt mãi ra biển khơi xa ngái

Ngọn nuớc vời xa

Hoa trôi man mác

Biết về đâu ?

Sài Gòn, 2018
AV