Búp Trên Cành – Chút duyên đời tôi có
- Thứ hai - 28/10/2019 23:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Có tới ba lần, nhạc chuông từ Messenger của nhà thơ Kim Chuông - “người thầy văn chương” thủa nhỏ (mà tôi vẫn gọi ông như thế). Ông đang gọi tôi. Vẫn giọng ấm áp, hồn hậu, ông hào hứng, động viên tôi góp bài cho tập sách mới của nhóm Búp. Phần bận việc. Phần tình yêu văn chương với tôi luôn dào dạt. Nhưng, sao lúc này, muốn nhóm lên ngọn lửa mà khó vậy.
Biết bắt đầu từ đâu nhỉ. Trước tiên, tôi phải thoát khỏi công việc cứ liên miên trùm lên ngày tháng. Tôi tìm một góc tĩnh tại, nhìn ra cửa sổ đầy nắng rờ rỡ và thả hồn về mùa hè năm 1976 ... Và tôi bỗng nhớ về...
Buổi ấy, khi đang là một cô bé mười một tuổi, gầy gò. Tôi cùng các bạn có năng khiếu văn thơ ở khắp nơi trong tỉnh được tập trung về học 2 tháng hè ở “Lớp đào tạo, bồi dưỡng các em thiếu nhi có năng khiếu sáng tác Văn học” tại Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình.
Năm 1976, đó là năm đầu tiên, lớp có 12 bạn. Tôi còn học tiếp vào mùa hè năm sau nữa thì nghỉ, các bạn tôi vẫn tiếp tục học. Chỉ mấy tháng hè thôi nhưng những ký ức đẹp đẽ này cứ in đậm trong tâm hồn tôi, mãi mãi về sau này.
Chúng tôi được học và sinh hoạt trong một môi trường thoải mái nhất, được trân trọng, nâng niu, khuyến khích, được dạy dỗ chỉ bảo cẩn thận để phát triển năng khiếu văn thơ của mình. Bấy giờ, các bác, các cô chú trong Hội Văn nghệ: bác Bút Ngữ, bác Hoa Văn, chú Nguyễn Khoa Đăng, Bùi Công Bính, Trần Đình Chung, Kim Chuông, Lê Bính… là những nhà văn, nhà thơ đang công tác trong cơ quan Hội. Hội có nhiều Ban. Ban Đào tạo, bồi dưỡng Lớp Năng khiếu sáng tác là Nhà thơ Kim Chuông, Lê Bính, những người được giao trực tiếp chăm lo, dạy dỗ chúng tôi. Các Nhà văn vừa là những người thầy, lại vừa là những người bạn văn chương vui vẻ, dễ gần.
Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình đã mời được nhiều nhà văn, nhà thơ lớn như Tô Hoài, Vũ Tú Nam, Phạm Hổ, Định Hải, Phong Thu… về hàng tuần, hàng tháng để trò chuyện về công việc sáng tác văn chương.
Đây là lớp học thật đặc biệt và ý nghĩa. Sau này chúng tôi mới biết để có lớp học này là nhờ có sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch tỉnh Nguyễn Ngọc Trìu cùng Nhà văn Bút Ngữ với rất nhiều các bác, các chú, các cô trong cơ quan Hội Văn học Nghệ thuật.
Ký ức tôi trở về với những buổi trưa yên tĩnh ở Hội. Với những dãy nhà mái ngói mát mẻ. Mảnh vườn đầy nắng với hàng liễu rủ. Nhớ những buổi đi thực tế tại các nơi từ những địa danh nổi tiếng đến những vùng thôn quê yên ả, những làng biển mặn mòi.
Lũ chúng tôi mỗi người một tính, người chín chắn, trầm tĩnh như chị Lã Thị Bắc Lý, chúng tôi tôn làm chị cả. Nhớ Tuân quê Diêm Điền khuôn mặt trắng trẻo bầu bĩnh luôn nghịch ngợm và vui. Lê Quang Đôn ít nói tẩm ngẩm tầm ngầm mà thơ thì hay đặc biệt.
Tôi nhớ Bùi Thanh Huyền xinh xắn với đôi mắt đẹp và hàng mi cong lãng mạn, thông minh, giàu tình cảm, viết rất nhiều thơ. Thơ của Thanh Huyền cũng trí tuệ như con người bạn ấy.
Nhớ Bùi Thị Sóng Biển hiền lành dễ gần, hay cười giòn và văn thì ngọt ngào quá đỗi. Hương nhòn vui vẻ nhí nhảnh, Thu Huê điềm đạm. Tâm thì đôi mắt trong veo lúc nào cũng mở to lấp lánh ý thơ…
Hai mùa hè đáng yêu qua đi, tôi biết làm thơ và viết văn với những bài viết giản dị, tình cảm và có phần ngộ nghĩnh, được giải nho nhỏ của Báo Thiếu niên Tiền Phong và một số bài đăng trên tạp chí “Búp trên cành” (Đây là tờ Tạp chí Văn nghệ dành riêng để in những tác phẩm của thiếu nhi và cả người lớn viết cho thiếu nhi).
Tôi theo học được hai khóa (1976 – 1977). Mùa hè thứ ba tôi không có dịp đến dự cùng các bạn nữa. Nhưng, thực tình, cho đến bây giờ tôi vẫn không quên dáng đạp xe của nhà thơ Kim Chuông khi buổi đầu, chú đến trường tôi học ở cạnh Két nước để “thẩm tra” và đưa giấy gọi vào lớp. Khi nghe tôi từ chối, vì tự ti mình không có năng khiếu, thì thấy chú có vẻ buồn buồn rồi quay về nhà gặp mẹ tôi đang làm ở nhà in cùng vợ chú để thuyết phục tôi về dự lớp.
Tôi vẫn mê văn chương, nhưng hè thứ ba tôi quyết định “đoạn tuyệt” văn chương và chuyển sang môn Toán. Tôi thấy Toán đơn giản, bài giải nào cũng có đáp số, chứ văn chương thì khó lắm, không giải nổi!
Sau này, tôi học Đại học Bách Khoa, trở thành kỹ sư Điện và đi làm ở Công ty Điện lực của tỉnh. Bạn bè đồng nghiệp của tôi không ai biết thủa nhỏ tôi có một thời văn chương như thế.
Thi thoảng tôi nhớ về những người bạn thơ văn trong trại hè ngày ấy mà chưa một lần gặp lại với ký ức ngày càng mờ xa. Tuy vậy, văn chương đúng là có sức sống thật bền bỉ, sau này tôi nhận ra cái “hạt vàng” mà “những người thầy văn chương” đã gieo vào tâm hồn tôi năm đó, nó vẫn cứ lấp lánh trong suốt hành trình của năm tháng – đời tôi.
Không còn những sáng tác hư cấu, thơ mộng. Những bài viết lãng mạn. Công việc của tôi là kỹ năng trình bày các bản đồ án thiết kế, các văn bản, các báo cáo nghiệp vụ. Nó rõ ràng, chặt chẽ, logíc ... Nhưng, tôi chợt nhận ra, văn chương tự lúc nào nó đã nhuyễn vào máu thịt tôi, kết tinh vào mọi công việc cụ thể, có khi khô cứng mà ánh lên cái đẹp. Tôi luôn thầm cảm ơn “những người thầy văn chương” đầu tiên của tôi.
Năm 2015, vào một ngày đẹp trời, chúng tôi gặp lại nhau sau 39 năm. Các bạn tự liên hệ với nhau, lập nhóm “Búp trên cành” - lấy tên của tờ tạp chí thuở ấy và lôi tôi vào nhóm sau cùng, cũng bởi vì tôi đã rẽ ngang không đi theo con đường văn chương xa dài ấy!
Tôi trở lại với tất cả mọi ký ức bỗng ùa về tươi mới! Tôi chợt nhận thấy con người thực của tôi, văn chương là phần đẹp đẽ không thể thiếu trong tôi, những điều nhân văn vẫn nuôi dưỡng tâm hồn tôi. Tôi vui và ngỡ ngàng vì nhận ra điều này.
Quả là chúng tôi đã có duyên tiền định, được sinh ra để cùng học bên nhau những ngày hè thú vị, rồi 40 năm sau lại tụ hội với nhau. Các bạn xưa của tôi vẫn tất cả là đây. Chị cả Lã Bắc Lý, bạn Vũ Huy Thông giờ đã là phó giáo sư, trưởng khoa tại những trường Đại học danh tiếng. Bùi Thanh Huyền là một doanh nhân thành đạt, nàng bận rộn bay từ Monđôva về. Tâm là một nhà ngoại giao. Huê đã là “bà” Phó Chủ tịch huyện có tâm có tầm. Tuân là một ông chủ doanh nghiệp, nhận được tin bay vội từ Vũng Tàu ra với cái tay đang bị thương… “Nhà thơ nhí” Lê Quang Đôn giờ đã là một luật sư danh tiếng...
Gặp lại nhau, chúng tôi vô cùng sung sướng. Những câu hỏi: “Nga? À, Hạnh phải không”... khiến tôi cảm động, Sóng Biển và hầu hết các bạn trở thành nhà giáo ưu tú, truyền dạy môn Văn cho các thế hệ học sinh, lại có nhiều tác phẩm và giải thưởng giá trị … Các em Búp khóa sau cũng vậy, những Nguyễn Thị Toán, Bùi Lan Anh, Phạm Lan Anh, Phạm Hồng Oanh, Thúy Hằng, Bùi Hằng, Thái Phúc, Tuấn Phương… dù tôi chưa từng gặp, nhưng mới biết nhau thôi mà dường như không có khoảng cách.
Nhưng, có lẽ tâm điểm liên kết chúng tôi lại chính là 2 người thầy đã gắn bó với chúng tôi lâu dài nhất, đó là nhà thơ Kim Chuông và nhà thơ Lê Bính. Bên cạnh đó là nhà điêu khắc Hà Trí Dũng, “họa sỹ đi guốc gộc” dạy lớp vẽ nhưng lại là người vẽ minh họa rất nhiều cho tờ tạp chí “Búp trên cành”.
Cuộc gặp gỡ của chúng tôi, như những "nhân chứng lịch sử" về lớp học đặc biệt. Đặc biệt của năng khiếu văn chương, đặc biệt của một miền đất Thái Bình văn hiến. Đây là niềm yêu quý chung của chúng tôi, là đề tài bất tận của những câu chuyện vui, ý nghĩa. Những kỷ niệm khó quên của chúng tôi, của “một lứa bên trời”.
Nhà thơ Kim Chuông và nhà thơ Lê Bính, cùng với Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng là những người phụ trách lớp học của chúng tôi từ ngày đầu tiên. Một năm sau đó chú Khoa Đăng chuyển vào Miền Nam công tác. Chú Kim Chuông, Lê Bính đã theo suốt lớp học của các thế hệ chúng tôi.
Chúng tôi thường gọi các thầy dạy văn chương là bác, là chú.
Tôi ấn tượng với vẻ lãng tử của nhà thơ Kim Chuông, một nhà thơ tài hoa nhưng rất nồng hậu. Nguồn cảm hứng thơ của chú dường như vô tận. Chú viết nhiều. Thơ Kim Chuông cảm xúc dạt dào, tự nhiên như là người ta hít thở.
Mỗi khi nói chuyện về thơ, chú lại say sưa như người lên đồng, giọng chú lúc ngân nga, lúc sang sảng, mạch thơ tuôn trào như nước chảy. Lũ chúng tôi mắt chữ A mồm chữ O, ngưỡng mộ nghe những buổi chú bình thơ.
Sau 40 năm gặp lại, chú dường như vẫn thế, mặc dù trải qua nhiều sóng gió của cuộc sống, chú vẫn hồn hậu thế, vui vẻ, trẻ trung, vẫn vô tư, nhiệt tình giúp các trò của mình. Tôi nhận thấy cái chân, cái thiện là cái vốn có của chú. Tôi rất thích những câu thơ chú viết về mình: “Tính ta ngay thẳng thật thà/Thấy mây là ngắm, thấy hoa là nhìn ”… Và sự an nhiên nhìn cuộc đời: “Trời cho ta có bạn bầu/Thế gian này hỏi, ai giàu hơn ta?”. Hoặc: "Tiêu xài hết vốn trời cho/Ta còn túi rỗng, còn kho bạn bầy…”. Chúng tôi yêu quý chú chính vì những dòng thơ được bộc lộ tâm hồn mình như thế.
Trong lần gặp lại nhau sau 40 năm này, cùng với chú Kim Chuông, điều làm chúng tôi thấy xúc động và cảm thấy được an ủi bởi có lẽ chúng tôi được an bài để được gặp chú Lê Bính trước khi chú đi xa vì bệnh trọng.
Hôm chúng tôi về quê thăm chú, chú vui và cảm động lắm. Mặc dù yếu nhưng chú vẫn lấy đàn ngồi đàn hát say sưa cho lũ chúng tôi ngồi vây quanh nghe. Theo yêu cầu của chúng tôi, chú đọc lại bài thơ của chú viết khi ngắm ảnh cô gái in trên tờ lịch Tết treo tường, bài này chúng tôi thích thú và hầu như đứa nào cũng nhớ, vì xuất xứ của nó và vì cảm thấy nó đúng là con người của chú. Chú Lê Bính kể: Tết năm đó chú được tặng một tờ lịch treo tường có in hình cô gái rất xinh, chú cứ ngắm mê mẩn và bật khóc, than rằng:
“Em ở đây mà sao cách xa
Lòng ta thì nặng nỗi tư gia
Ước gì trở lại thời trai tráng
Ta quyết ra đi, quyết đốt nhà!”
Ôi trời, chú Lê Bính của chúng tôi, một nhà thơ si tình và khát khao cái đẹp, muốn cháy hết mình nhưng lại nặng gánh gia đình. Đọc lại bài thơ này chú bật cười vui vẻ, tiếng cười sảng khoái, lạc quan của chú hôm đó làm chúng tôi cảm thấy yêu quý chú biết bao. Mặc dù, sau đó chú đi xa nhưng trong lòng chúng tôi luôn nhớ về chú với những ký ức vui vẻ và đẹp đẽ. Sự ra đi của chú làm chúng tôi cảm thấy cuộc sống thật vô thường. Chúng tôi trân quý nhau hơn, có cơ hội là gặp nhau, cùng đàm đạo văn chương và chia sẻ với nhau mọi điều trong cuộc sống. Các bạn tôi quyết định cùng ra một tập sách “phiên bản 2 Búp trên cành” để ôn lại quãng đường hơn 40 năm của chúng tôi, để đánh dấu cái mốc hội tụ này của chúng tôi.
“Trăm năm trước thì ta chưa gặp
Trăm năm sau biết có gặp lại không…”
Vậy mà tôi cứ thoái thác, cứ lười cứ lần lữa mới có bài góp mặt.
Khi viết những dòng này, tôi có phần hối tiếc vì đã để thời gian trôi đi, mà thời gian của chúng tôi là hữu hạn. Thầy tôi, các bạn tôi đã kiên nhẫn chờ tôi, tôi vô cùng cảm động vì sự bao dung này.
Bài viết của tôi cũng là một lời tâm sự về cái “ngộ” của tôi. Tôi muốn nói với các bạn “Búp trên cành” của tôi: Tôi yêu các bạn lắm. Chúng ta sẽ luôn có nhau và cùng làm được những điều chúng ta mong muốn.
Ngày hè đầy nắng, tháng 6/2019.
Nguyễn Nga