Câu chuyện cái chợ

Câu chuyện cái chợ
Lại chuyện cái chợ! Nếu có ai đó thốt lên như vậy thì cũng chả ngạc nhiên vì chủ đề này đã được viết bởi nhiều người và ai cũng khoe kể những đặc sản quê nhà nào quà nào bánh, song thử nghĩ lại xem hình ảnh quê nhà để mọi người nhớ đến nhiều hơn cả là gì?


Lại chuyện cái chợ! Nếu có ai đó thốt lên như vậy thì cũng chả ngạc nhiên vì chủ đề này đã được viết bởi nhiều người và ai cũng khoe kể những đặc sản quê nhà nào quà nào bánh, song thử nghĩ lại xem hình ảnh quê nhà để mọi người nhớ đến nhiều hơn cả là gì? Nếu chùa Phật Bà với cây đa cổ, chùa Bách Tính với những cây gạo lâu năm hay nhà thờ Thuận Nghiệp hoành tráng bên sông là biểu tượng của quê hương về văn hóa thì chợ Thuận Vi cũng là một biểu tượng cuộc sống đời thường hay được nhắc đến nhất là những người đang sống xa quê. Liệu có ai trả lời được là chợ Thuận Vi có từ bao giờ không nhỉ, chắc là không bởi tôi chịu khó tìm tòi sưu tầm tài liệu mà chưa thấy đâu nói và viết về điều này nên tôi thử đưa ra quan điểm chủ quan của mình theo cách suy luận xem sao.


Chợ quê mình được bà con gọi nôm na là chợ Nhà xong nó có tên đấy, người các nơi trong đất Thái Bình gọi tên chợ là chợ Thuận Vi đôi khi gọi tắt là chợ Vi cũng được và chỉ có những người dân bên kia sông đất Nam Trực Nam Định là nơi gốc cổ xưa của dân ta thì gọi là chợ Gòi, cái tên gọi cổ này gợi cho tôi rất nhiều điều. Theo tư liệu Phả tích làng Thuận Vi thì trên vùng đất này ngay từ thế kỷ 16 đã có nhiều dòng họ từ bên kia sông Hồng sang mở đất lập nghiệp đã thành lập những trang trại sản xuất được gọi tên chung là Thận Vi trang, sau đó người chuyển cư đến ngày một nhiều mà thành làng và được đặt tên là làng Gòi. Khi đã là làng xóm dân cư đã đông thì nhu cầu trao đổi mua bán ắt sẽ xuất hiện và nơi tập chung làm việc đó hiển nhiên là cái chợ, hơn nữa cùng với cái tên cổ là chợ Gòi vậy chúng ta có thể nghĩ tới một điều rằng chợ Nhà đã xuất hiện ở thời gian này và có tuổi tới 400 năm?


Tôi có cả tuổi thơ gắn bó với chợ quê nhà đó là những ngày đi học qua chợ nếu có mấy hào mẹ cho là có thể mua được cái gì đó thường là những viên bi đất được sơn các màu hay đôi cái kẹo bột. Những ngày Tết thì thôi rồi nơi đó là thiên đường của trẻ con và lũ choai choai tập chung đánh đáo bằng những đồng xu có lỗ, chúng tôi chơi tới tận lúc phải đi học và bản thân tôi chơi cũng khá "mề" ít khi bị thua. Chính vì thế mà  tôi nhớ rất nhiều về quang cảnh của chợ ngày xưa,nó còn nhỏ hơn và chưa bề thế như bây giờ, dấu vết cũ còn lại chỉ là hai cái quán và bức tường bên đường cũ kỹ già nua theo năm tháng. Nhân đây tôi cũng khẳng định cái quán chợ hiện nay ở bên phải chợ là được xây dựng năm 1952, quán này một thời được xây kín làm cửa hàng bách hoá. Tôi nhớ rõ là đã nhìn thấy những con số này khi chưa bị sứt mờ và theo tư liệu ghi chép lại thì cụ lý trưởng thời đó là cụ Lý Tiêu là người tổ chức xây hai cái quán này, điều này dễ kiểm chứng vì rất nhiều người đã biết và con cháu của cụ kiểm chứng. Theo lời kể của các cụ thì năm 1945 là năm nạn đói người tứ xứ dồn về để qua sông nhưng sức kiệt nên dừng chân chết ở quán chợ cũng nhiều như vậy có nghĩa là cái quán bên trái chợ đã có từ thời gian trước đó đã lâu, tiếc rằng không có tài liệu để làm rõ điều này.


Tôi còn nhớ nhiều chi tiết về cảnh quan của chợ hồi thập niên 60 ví như bức tường của chợ được xây ven đường cái kéo dài dọc cả theo đường xuống Bách Tính ven chợ mở rộng bây giờ. Đầu chợ phía bờ sông là một cái cống xây và khu mở rộng trước là một cái ao lớn bỏ hoang đầy bèo, đầu chợ phía trong trước có một cái cửa hàng Bách hóa lớn của xã và một cái quán phía ngoài trước kia cũng xây kín và cũng là cửa hàng của HTX mua bán. Xung quanh chợ khi xưa có một số gia đình có thổ cư sinh sống tính từ phía trong thì đầu tiên là  nhà cụ Lễ, nhà cụ rộng nên dành một nửa cho cụ Bật, cụ Lăng, cụ Thuyết làm nơi cắt tóc, lui xuống cuối chợ là nhà của cụ bà Hiến tiếp đến là nhà cụ Bình rồi nhà cụ Canh. Cạnh bên nhà cụ Lễ xưa có một ngôi miếu Cô Thần cổ để những người đi chợ dâng lễ cúng tế cầu an tiếc rằng đến nay không còn và dù năm tháng vật đổi sao rời xong cảnh cũ người xưa hẳn nhiều người còn nhớ.


Dù chẳng biết chính xác chợ quê ta có từ bao giờ xong chắc ai cũng có thể suy đoán tới tuổi hàng trăm và chợ đã là cuộc sống là niềm vui của dân quê mình biết bao đời con người, biết bao nhiêu thế hệ. Chợ ngày hôm nay là nỗi nhớ là chủ đề của những câu chuyện tâm tình của những người xa quê,nhớ những rổ rau thúng hoa quả xưa đội trên đầu giúp mẹ, những năm chiến tranh họp tản ra những ven đường hay mùa mưa lũ vẫn họp mua bán bằng những chiếc mủng. Nay viết vài dòng nhắc ôn lại chuyện cái chợ quê nhà một thủa để cùng hoài niệm lại một thời đã qua và biết đâu ở một khi nào đó được gặp lại một gương mặt quen đã cùng chơi bi đánh đáo ở chợ vào những năm xưa.


Nguyễn Như Thạnh