Câu chuyện những người mẹ

Câu chuyện những người mẹ
Tuổi thơ tôi lớn lên trong chiến tranh và nghèo khó thiếu thốn đủ bề, nỗi vất vả lo toan hằn lên khuôn mặt của những bậc mẹ cha ngày đó với nỗi lo cơm cháo hàng ngày quyển sách cái bút để con cái không thất học đến những việc vá vội manh áo quần sờn rách khi mà chưa thể may cho con một bộ đồ mới.

 



 

Tuổi thơ tôi lớn lên trong chiến tranh và nghèo khó thiếu thốn đủ bề, nỗi vất vả lo toan hằn lên khuôn mặt của những bậc mẹ cha ngày đó với nỗi lo cơm cháo hàng ngày quyển sách cái bút để con cái không thất học đến những việc vá vội manh áo quần sờn rách khi mà chưa thể may cho con một bộ đồ mới. Con cái của họ như tôi và bao người khác giờ đây sống trong một cuộc sống tạm gọi là đủ đầy mới thấu nỗi xót xa thương cha thương mẹ ngày xưa nhịn ăn nhịn mặc âm thầm làm lụng vất vả trăm bề để cho chúng ta cuộc sống ngày hôm nay. Những bậc cha mẹ đó từ lâu đã thành người thiên cổ trở về với tổ tiên để lại cho chúng ta nỗi xót thương cùng lòng biết ơn và trong cuộc đời này mãi mãi nợ họ công sinh thành,nuôi dưỡng. Nhân chuyện trò với em Nguyễn Thị Thêm hàng xóm thì những ký ức tuổi thơ xưa lại ào ạt tràn về và tôi muốn viết về những người phụ nữ sống cùng thời với mẹ tôi, những người phụ nữ họ hàng hay hàng xóm quanh nhà.


Khi xưa dân Bách Thuận quê mình chỉ đội chứ không gánh như những vùng quê khác bởi tập quán cũng như điều kiện sống ở vùng đất bãi có chăng chỉ gánh khi tưới nước cho vườn rau bằng đôi thùng bằng tôn cùng đòn gánh và đôi móc xích. Khi mang các sản phẩm làm được đi bán thì tất cả được đội trên đầu những người phụ nữ, sản phẩm phần lớn được bán ở chợ nhà Thuận Vi và đội sang tận thành phố Nam Định và các chợ lân cận. Người quê mình xưa ai cũng biết đội xong nói đến đội giỏi thì phải kể đến mấy bà Trung Hoà như bà Túc, bà Gia, bà Quế, bà Cấn vì hàng ngày các bà vẫn đội hàng sang Nam Định để bán và đều phải qua ngõ nhà tôi để ra bến đò. 


Cặp mắt tuổi thơ của tôi khi đó ngây ngô nào có biết các bà đội nặng nhẹ ra sao chỉ thấy năm sáu tầng rổ hàng xếp lên nhau gọn ghẽ đội trên đầu và cứ vậy đội bộ sang tận thành phố xa cả chục cây số ngày nào cũng đi như thế chỉ trừ ngày bão lũ. Đôi khi có nghe ai nói các bà đội bảy tám chục cân hay cả tạ mấy người nâng giúp mới nổi thì đầu óc con trẻ cũng chẳng thấy được nỗi vất vả nhọc nhằn của họ có chăng chỉ thấy những gương mặt già trước tuổi thấm đẫm mồ hôi trưa hè, thân hình gầy gò dáng đi xiêu vẹo bởi sức nặng của hàng hoá. Về sau khi đã lớn đã hiểu tôi mới biết nỗi nhọc nhằn mưu sinh quên cả thân mình của các bà chỉ với một ít rau quả chợ búa hàng ngày mà nuôi sống bao người con là bạn bè trang lứa với tôi.


Ngày nay khi nhắc lại chuyện này chắc rất nhiều người lớp trẻ có thể không tin rằng một người phụ nữ yếu đuối mà đội bộ cả gần tạ hàng đi mười cây số để bán xong tôi và rất nhiều người khác cùng con cái của họ đã thấy và chứng kiến điều này. Đó là sự dẻo dai bền bỉ là sức mạnh phi thường của các bà mẹ, nó bao gồm trách nhiệm,tình thương và lòng hy sinh vô bờ bến của các bà dành cho con cái, họ đã đội trên đầu cả tương lai cho thế hệ mai sau.


Những bước chân nặng nhọc hôm nào của các bà vẫn sống mãi trong tôi như biểu tượng của một thời gian khó, là lòng cảm phục những người phụ nữ như mẹ tôi như các bà một thời hết lòng vì chồng vì con, là nỗi xót xa thương cha thương mẹ cả đời vất vả nuôi nấng con cái nên người mà không còn được nghe lời biết ơn công sinh thành nuôi dưỡng.


Nguyễn Như Thạnh