Hà Nội và kỷ niệm về một cái lỗ hổng

Hà Nội và kỷ niệm về một cái lỗ hổng
Đã có nhiều người hỏi tôi: Sao anh không sống ở Hà Nội mà viết nhiều về Hà Nội đến thế. Đúng thế! Hà Nội với tôi là những kỷ niệm khó quên của thời thơ ấu.


Đã có nhiều người hỏi tôi: Sao anh không sống ở Hà Nội mà viết nhiều về Hà Nội đến thế. Đúng thế! Hà Nội với tôi là những kỷ niệm khó quên của thời thơ ấu. Tôi đến với Hà Nội khi còn rất nhỏ. Chừng 5 hay 6 tuổi gì đó! Hà Nội của tôi ngày đó là những ngày đi chơi trong dịp hè. Tôi ở nhà ông chú ở 57 Tô Hiến Thành. Để lần đầu tiên được ngủ không có màn mà không có mẹ tôi quạt cho chống nóng. Được ngủ trên phản gỗ, có cái quạt Con Voi, để rồi một sáng lại thấy mình nằm lăn trên nền nhà gạch vì đêm lăn xuống dưới phản mà mình không hề hay biết.


Hà Nội với tôi là những ngày ngồi trên xe điện, đi ăn kem Tràng Tiền, ăn bánh mì pate bờ hồ Hoàn Kiếm nô đùa vui chơi thỏa thích trong nỗi lo lắng của người lớn và của bản thân mình là SỢ BỊ LẠC không biết đường về nhà! Rồi tôi lên Thái Nguyên, đi qua Vĩnh Phú (qua cái địa danh Rừng cọ đồi chè đồng xanh ngào ngạt) và thành phố Việt trì nơi được mệnh danh là Thành phố nơi ngã ba sông.


Rồi chúng tôi lớn lên! Hè 1979 tôi lên Hà Nội lâu hơn! Khi ấy tôi đã 13 tuổi, đã biết suy tư đã biết lo lắng việc học hành! Lên nhờ anh kèm cho môn Toán và Lý chuẩn bị cho kỳ thi vào cấp 3. Cả một mùa hè quay quắt với sách vở, với ôn bài và làm bài tập. Những lúc không có ai ở nhà tôi lại tranh thủ đi chơi. Ngày ấy công viên Thống Nhất ở gần đó mà cổng chính thì xa. Tôi men theo đường Nguyễn Đình Chiểu hình như là nơi gần nhà hát chèo. Bên kia đường, tường công viên có một lỗ hổng trên tường gạch xây đủ để hai người chui lọt. Vừa ngồi trong công viên ngắm hồ Ha-le vừa ôn bài. Tôi chứng kiến các anh các chị tâm sự trong công viên, có những nụ cười có cả những giọt nước mắt tiễn đưa những chàng sinh viên ra trận. Niềm vui và nỗi buồn! Ra đi và ở lại! Chiến tranh mà.


Rồi những đêm ca nhạc trong công viên miễn phí (chỉ mất tiền vào cổng mà mình thì đã có cổng mở sẵn rồi. Chứ nếu mất tiền vào cổng thì sao xem được.


Rồi tôi đã được nghe ca sĩ Kiều Hưng, Hữu Nội, Ái Vân, Tiến Thành, Ngọc Tân, Thanh Hoa ... và cả tay trống Hồng Kỳ nữa.


Những bài hát “Gửi em ở cuối sông Hồng”, “Chiều biên giới” hay “Làng lúa làng hoa” ... đến với tôi từ độ ấy! Có cả những bài hát mà sau này tôi không còn được nghe ai hát nữa như Cô gái Ba Lan xinh đẹp kiêu kỳ chẳng hạn. Cũng có những bài hát rất trữ tình da diết có câu “xua bóng giặc tan anh về... cho sầu riêng lại trổ bông” (bài hát Cây sầu riêng trổ bông)... Chiến tranh biên giới 1979 và biên giới Tây Nam mà!


Nhiều lúc xem chương trình tivi “KÝ ỨC VUI VẺ” ... tôi lại mường tượng ra tôi với những lần chui tường xem hát giống như cô bé trong bài hát “Mặt trời bé con” của Trần Tiến vậy. Chuyện đó chỉ một mình tôi biết!

Sau này tôi còn ở Hà Nội nhiều lần nữa, tuy nhiên cái cảm xúc về thời thơ ấu của cậu bé nhà quê lang thang gầy gò nhếch nhác ngày ấy cứ đọng mãi đọng mãi. Những bài thơ, lời nhạc về Hà Nội ra đời từ đấy!


Lương Duyên Thắng