Hoa Tử Linh Lan

Hoa Tử Linh Lan
Cuộc sống thì rộng lớn, mà trong đó lại có những niềm vui nho nhỏ. Như hôm nay, mình được tặng một chậu hoa nho nhỏ, mà nó làm mình như gặp lại bạn cũ, làm mình sống lại trong khoảnh khắc một không gian rất đỗi thân thương: căn bếp nhà mình những ngày xưa, trên bậu cửa sổ có những chậu nhỏ trồng chỉ một loài hoa: Fialka!


Cuộc sống thì rộng lớn, mà trong đó lại có những niềm vui nho nhỏ. Như hôm nay, mình được tặng một chậu hoa nho nhỏ, mà nó làm mình như gặp lại bạn cũ, làm mình sống lại trong khoảnh khắc một không gian rất đỗi thân thương: căn bếp nhà mình những ngày xưa, trên bậu cửa sổ có những chậu nhỏ trồng chỉ một loài hoa: Fialka! ( tiếng Nga là thế, mình chưa biết tiếng Việt gọi là gì). 


Bạn gái nào đã từng có căn bếp ở Nga, sẽ nhận ra ngay loài hoa này. Nó mong manh, nhưng lại có điều đặc biệt để được quý, được nâng niu: dường như đó là loài hoa duy nhất mọc và nở hoa trong nhà quanh năm suốt tháng. Chỗ của fialka là trên bậu cửa sổ. Những căn nhà ở Nga thường có những ô cửa sổ lớn, để lấy ánh sáng, nhất là trong những ngày mùa đông. Bậu cửa sổ thường rất rộng và dài. Ẩn dưới bậu cửa sổ là hệ thống lò sưởi, toả ấm bằng cách cho dòng nước nóng chạy liên thông trong những ống gang, len quanh nhà. Bậu cửa sổ, vì vậy là nơi ấm áp nhất. Trong truyện của Nga hay gặp hình ảnh các cô thiếu nữ ngồi thu lu trên bậu cửa sổ đọc sách, hoặc lơ đãng nhìn ra khu vườn mùa đông tuyết phủ, chỉ thấy mấy thân cây mốc, đen sẫm, âm thầm dầm chân trong băng giá. Bậu cửa sổ cũng chính là nơi fialka sống cuộc đời của mình: một chút ánh sáng lờ mờ, một chút âm áp, vậy là đủ cho lá xanh, và hoa nở. 


Không được phiêu diêu với gió trời, không được tắm nắng, cũng chẳng được hân hoan những tiếng chim, Fialka cần hơi ấm và bàn tay ân cần của người phụ nữ đứng trong bếp ngày 3 lần nấu nướng. 


Chúng đứng xếp hàng, trắng đỏ tím hồng...ngây thơ và hiếu kỳ như lũ trẻ con, theo mẹ vào bếp, ngồi một chỗ chấm mút một món gì mẹ làm, bình yên, ngó mẹ nấu món này, món nọ. Mặc cho ngoài trời có thể là bão tuyết, có thể mưa giông, cây có thể oằn mình vật vã hay những chòm lá đung đưa thanh thản... thì trong căn bếp của mẹ vẫn là ấm, là êm, là thơm của bánh, là ngọt lành thức ăn. Bởi vậy mà Fialka gắn bó với người phụ nữ trong bếp như những đứa con quẩn quanh bíu váy mẹ. 


Ở Nga, khi đến nhà thăm nhau, ăn tối hoặc uống trà, người ta thường có quà cho người nội trợ. Rất thường xuyên, món quà đó là chậu hoa fialka. Là thứ hoa mọc trong nhà lâu năm, chậu hoa fialka mặc nhiên trở thành thứ gợi nhớ về người khách đã đến nhà. Trong câu chuyện thăm nhau, qua điện thoại, chủ nhà hân hoan báo một tin vui: Fialka của chị (cô, bà, bạn...) hôm nay lại nở hoa đấy. Và niềm vui nho nhỏ rất đỗi giản dị ấy lại có thể làm ấm, làm rạng rỡ một ngày cho hai người phụ nữ. Nhiều năm sau, dù bạn có chuyển đi sống ở đâu, thì tin vui “fialka lại ra hoa” vẫn được truyền đến cho nhau như thế. 


Đã bao nhiêu năm trời mình có căn bếp ấm và lũ fialka hiền lành, bình yên trên bậu cửa. Là bấy nhiêu người phụ nữ mình quý, mình yêu đã từng đến nhà, lưu lại tên mình trên những chậu hoa nhỏ bé.


Khi xách vali rời xứ sở ấy, mình đã đứng tần ngần lâu lâu nơi cửa bếp, lưu luyến fialka, nói với chúng bằng cái nhìn tha thiết, bất lực của mình. Mình biết các bạn ấy không thể chịu được mùa nhiệt đới, “ngọn gió nồm và cái nắng hanh hao”. 


.... Giờ đây khi con gái bất ngờ đặt vào tay mình chậu cây Fialka nhân ngày của Mẹ, mình thấy nao nao trong người. Hoa như người bạn cũ, kéo theo một mảng thời gian trở về. 


Ta từng gửi những gì rất lớn lao vào những thứ vô cùng nhỏ bé như thế. 


Chỉ là một khóm hoa! 


5/2020.

Bùi Thanh Huyền