Nghĩ về hạnh phúc
- Thứ ba - 14/02/2023 15:45
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
(Ảnh: Kim Anh)
NGHĨ VỀ HẠNH PHÚC
(Nguyễn Quốc Văn)
Trong đời, hầu như không có ai không khát khao hạnh phúc. Vậy hạnh phúc là gì? Làm thế nào để có được cuộc sống hạnh phúc? Cho tới hôm nay, hai câu hỏi trên vẫn là những câu hỏi chưa có câu trả lời thật thỏa đáng.
Hạnh phúc là một từ ghép Hán Việt có hai thành tố là "hạnh" và "phúc". Khi ghép lại, nghĩa của từ này được hiểu theo nghĩa tổng hợp. "Hạnh" có nghĩa thứ nhất là may mắn thoát được những gì đáng lẽ mình bị thiệt hại về vật chất hay tinh thần. Nghĩa thứ hai của hạnh là được yêu dấu, được quý mến, kính trọng. Và, cuối cùng hạnh là thỏa được những ước mong chân chính. "Phúc" có nghĩa là những sự tốt lành như giàu có, yên lành, trường thọ, đạo đức tốt, vui hết tuổi trời. Nói khác đi, phúc còn là phú, quý, thọ, khang, ninh, vv. Hạnh và phúc, xét tới cùng, được tạo thành bởi khách quan và chủ quan, trong đó các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa vô cùng quan trọng. Người được hưởng hạnh phúc là người được Trời, Đất, Người tạo điều kiện cho hưởng sự may mắn, tốt lành, cầu được ước thấy sự giàu có, an vui, sống đạo đức, trường thọ, được người khác yêu quý, kính trọng. Hạnh phúc đòi hỏi sự thỏa mãn hài hòa giữa vật chất và tinh thần. Thiếu vắng sự hài hòa này, hạnh phúc cũng sẽ vắng mặt. Nếu nghiêng hẳn về vật chất và quyền lực, người ta có thể không hạnh phúc về mặt tinh thần và ngược lại. Bởi thế, người giàu nhiều khi cũng khóc, người nghèo tiền bạc có thể lại rất ung dung.
Với người bình dân, hạnh phúc thật mộc mạc, giản dị. Đang đói rét có cơm no áo ấm. Đang thất nghiệp xin được việc làm. Nhiều năm đi ở trọ nay tích lũy đủ tiền mua được một căn hộ nhỏ. Đang cô đơn bỗng gặp được bạn tri âm. Vợ gặp chồng, con gặp cha sau nhiều ngày xa cách, vv. Hạnh phúc thoảng qua đấy nhưng không kém phần sâu sắc. Tưởng nhỏ bé mà đôi khi lại rất lớn lao.
Đối với một dân tộc, hạnh phúc phải chăng là độc lập, tự do, dân chủ? Hạnh phúc của mỗi công dân ở đây phụ thuộc vào thể chế, chính sách vì nước vì dân của nhà nước và ý thức, trách nhiệm xây dựng đất nước, cộng đồng, gia đình cũng như việc tự hoàn thiện của mỗi cá nhân trong các lĩnh vực tư tưởng, tình cảm, hành động. Nước giàu thì dân mạnh. Dân chủ tạo ra công bằng, minh bạch. Tự do đồng nghĩa với sáng tạo và phát triển. Tất cả những điều đó là tiền đề của hạnh phúc đích thực.
Còn với nhân loại, hạnh phúc chắc chắn phải là con người có quyền được hưởng các quyền cơ bản mà Liên Hợp Quốc đã đề ra như: mọi người có quyền tự do và bình đẳng, không phân biệt đối xử, quyền được sống, không bị nô lệ, không bị tra tấn, có quyền được áp dụng pháp luật ngang nhau, được bảo vệ bởi pháp luật, được xét xử công bằng bởi các phiên tòa công bằng, không bị giam giữ bất công, được hưởng quyền được xét xử và luôn vô tội cho đến khi chứng minh có tội, có quyền riêng tư, tự do đi lại, có quyền tìm nơi an toàn để sống, quyền có quốc tịch, hôn nhân và gia đình, quyền sở hữu cá nhân, tự do tư tưởng, ngôn luận, quyền tụ hợp nơi công cộng, quyền dân chủ, hưởng an sinh xã hội, quyền lao động, nghỉ ngơi, quyền có nhà ở, được giáo dục, giữ bản quyền và văn hóa, được sống trong một thế giới tự do và công bằng, có trách nhiệm với nhau và không ai có thể lấy đi những quyền và tự do của người khác? Điều cần nói là những điều trên phải được hiện thực hóa, tùy theo điều kiện của mỗi quốc gia, dân tộc.
Hạnh phúc, trước hết do Trời ban cho con người. Trời ở đây chính là vũ trụ, tạo hóa, thiên nhiên, đấng trí huệ và sáng tạo, các vị thánh thần. Muốn hạnh phúc, con người phải kính Trời. Đây là niềm tin vững chắc, vĩnh hằng, chân chính trong mọi thời đại. Niềm tin thiêng liêng ấy giúp ta đi đúng đường, tiệm cận chân lý và dễ dàng đạt được hạnh phúc.
Hạnh phúc còn nảy nở từ những tình cảm thiện lương. Bao dung, từ thiện với người, nghiêm khắc với lỗi lầm của mình, đối xử tốt với mọi người trong xã hội và gia đình, kính trên nhường dưới, tôn sư trọng đạo, sống chan hòa, hòa hợp với mọi người sẽ khiến ta cảm thấy hạnh phúc hiện diện ở mọi nơi mọi chốn, trong từng giây từng phút.
Cuối cùng, hạnh phúc của chúng ta phụ thuộc vào hành động tích cực của mỗi người khi xử lý công việc trong lao động, học tập, giao tiếp, vv. Tự giác, trách nhiệm, nỗ lực, mình vì mọi người, mọi người vì mình chính là thước đo con đường ta đi tới hạnh phúc dài hay ngắn.
Viết tới đây, tôi tin rằng, thật khó mà vươn tới hạnh phúc nếu mỗi chúng ta không tự tu luyện đạo đức để có được thế giới quan và nhân sinh quan đúng đắn, cũng như để có đủ sức khỏe, tạo dựng nên cuộc sống hạnh phúc chân chính.