Người thầy đầu tiên của tôi

Người thầy đầu tiên của tôi
Cho đến bây giờ, mấy chục năm qua đi, tôi đã là người phụ nữ cao niên có chút thành đạt nhưng tôi không khi nào quên được hình ảnh và những kỉ niệm về cô giáo Doãn Thị Chút, cô giáo, người thầy đầu tiên của tôi và nhiều đứa trẻ ở làng Duyên Phúc quê tôi.

(Ảnh: Nhà thơ Nguyễn Ánh Tuyết)


Người thầy đầu tiên của tôi

(Kính tặng hương hồn cô giáo Doãn Thị Chút).


Cho đến bây giờ, mấy chục năm qua đi, tôi đã là người phụ nữ cao niên  có chút thành đạt nhưng tôi không khi nào quên được hình ảnh và những kỉ niệm về cô giáo Doãn Thị Chút, cô giáo, người thầy đầu tiên của tôi và nhiều đứa trẻ ở làng Duyên Phúc quê tôi.


Khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, hoà bình lập lại trên đất nước. Ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, từ sau 1954 đến hết thập kỷ 60 của thế kỉ XX, tất cả trẻ em đến tuổi đi học đều đến trường.


Bắt đầu trẻ em được học lớp vỡ lòng, để làm quen với những chữ cái a, b, c, tập đánh vần và cầm bút.


Phải mất một năm tu luyện ở lớp vỡ lòng mới được chuyển lên học cấp I.


Với bọn trẻ nhà quê chỉ quen chăn trâu cắt cỏ, trông em, mò cua, bắt ốc, một chữ cắn đôi không biết thì lớp vỡ lòng vô cùng cần thiết. Để có chỗ cho bọn trẻ học, các cụ phật tử và nhà sư đã cho chúng tôi mượn 3 gian nơi các cụ thường ngồi lễ làm lớp học. Những chiếc ghế băng đóng bằng gỗ xoan,gỗ mít mượn của dân, khênh ra từ trụ sở làm bàn cho trẻ kê sách lên đấy mà viết.


Còn ghế ngồi thì các cháu cứ vận dụng linh hoạt: nhà sang thì mang chiếc ghế gỗ con, đứa mang hòn gạch nhặt ngoài vườn vào. Đứa thì phệt luôn xuống nền nhà. Vẽ chuyện, ghế làm gì, ngồi bệt chứ lấy đâu ra ghế!


Không hiểu đến tôi vào học lớp vỡ lòng của cô giáo Chút thì đã có mấy thế hệ các anh chị đã học và tốt nghiệp lớp vỡ lòng để đàng hoàng bước vào lớp I.


Cô giáo Chút là một thanh niên, xã viên tích cực gương mẫu của HTX nông nghiệp, của làng.


Cô có trình độ, đọc thông viết thạo nhất trong những người nông dân ở làng và rất yêu trẻ.


Tôi nhớ dáng cô cao cao, người gầy, sạch sẽ lắm.


Giọng nói của cô rõ ràng, rành mạch, chúng tôi cứ theo cô mà phát âm, đứa nào ngọng đến mấy rồi cũng hết. Bàn tay gầy gầy của cô kiên trì chỉ từng chữ cái trên cái bảng gỗ bé xíu.. a, b, c, ch (ch nhẹ), tr (tr nặng), ng (đơn), ngh(kép), rõ loằng ngoằng.


Khốn khổ nhất là phải phân biệt được những phụ âm khó, phụ âm ghép bằng hai, ba chữ cái.


Đọc đau cả mồm, cứ tai nọ sang tai kia có đứa cả buổi không thuộc vài chữ.


Đã thế còn vừa học vừa trêu nhau, cãi nhau chí choé.


Đương nhiên tên nhóc nghịch nhât sẽ bị xơi một thước. Cô đánh cảnh cáo thôi. Ngày ấy bị thầy cô giáo vút cho vài roi, hay cốc cho cái đau điếng vào đầu là chuyện bình thường. Yêu cho roi cho vọt, các cụ bảo thế.


Nói thế nhưng chúng tôi rất sợ ăn thước vào mông, đứa nào đứa nấy chăm chăm nhìn vào bảng, theo cô giáo đánh vần. Cô giáo cũng kiên trì luyện phát âm cho từng đứa. Mồ hôi cô trò cứ vã ra ướt nhèm cả mặt mũi. 


Khi chúng tôi tập cầm bút, bàn tay đứa nào cũng run run, chiếc bút chì nóng rực trong tay.


Cô giáo Chút đi từng bàn, nắm tay từng đứa uốn nắn. Cô còn vất vả hơn chúng tôi nhiều vì thấy mồ hôi cô cứ ròng ròng trên mặt. 


Cầm được chiếc bút chì chắc chắn đã là một kỳ tích


Mấy thằng mải chơi, dạy mãi vẫn không nhớ thế nào cô cũng cốc cho một nhát đau điếng.


Được cái chúng tôi tiến bộ cũng nhanh, chẳng mấy chốc đã nhận hết được mấy chục chữ cái, viết đọc được những đoạn thơ; tay em cầm quyển sách hồng. Em ra trường học vỡ lòng vui vui ...


Khi ấy cô Chút vui lắm, cô gật đầu khen ngợi chúng tôi tiến bộ, biết nghe lời.


Trẻ con đứa nào được khen chả sướng mũi nở như cái ống bơ, thích đi học lớp vỡ lòng của cô Chút.


Cô còn dạy chúng tôi hát những bài của trẻ con: em là búp măng non, em lớn lên trong mùa cách mạng…


Cô sạch sẽ gọn gàng và luôn nhắc nhở chúng tôi biết vệ sinh thân thế, tắm giặt thường xuyên cho người sạch sẽ. Giờ ra chơi cô chải đầu kẹp tóc cho bọn con gái. Đứa nào đầu có chấy cô vạch tóc bắt cho bằng hết.

Cô rủ rỉ: con gái,bận mấy thì bận không được để đầu tóc bù xù châý rận.

Cô còn dạy chúng tôi biết đan len, vá áo quần… 


Cô giáo của tôi bề ngoài có vẻ nghiêm khắc nhưng thực ra cô rất yêu trẻ, dễ gần. Chúng tôi vừa kính nể vừa rất yêu cô. 


Tôi là đứa bé đặc biệt nhất lớp (tôi mồ côi bố, mẹ chiều nên bú tí mẹ đến khi đi học. Mẹ đi làm về, tôi cứ vạch áo mẹ đứng tu bầu vú nhăn nheo chả còn tí sữa nào). Bọn trẻ ê giễu tôi chẳng sợ. Cô Chút biết thế, cứ nhẹ nhàng cô động viên, rồi tôi bỏ hẳn không tu tí mẹ nữa.


Chưa đầy một năm học lớp vỡ lòng của cô giáo Chút mà chúng tôi khác hẳn: lớn lên, sạch sẽ, có ý thức chăm lo cho mình, cho gia đình. Chúng tôi bớt hoang dại thành những đứa trẻ có giáo dục, chững chạc hẳn lên.

Và quan trọng chúng tôi đã viết, đọc thành thạo cả bài thơ dài: Tay em cầm quyển sách hồng/em ra trường học vỡ lòng vui vui/ Lại thêm được hát,được chơi/ em chăm học tập thành người trò ngoan…


Gian chùa dường như đã chật vì chúng tôi lớn lên. Nhưng cô giáo của chúng tôi mỗi ngày một gầy đi, thương lắm.


Mỗi năm vài chục đứa trẻ làng được cô giáo Chút dạy dỗ chăm lo tự tin bước vào lớp I rồi trưởng thành lên là những công nhân, bộ đội, thầy giáo, kỹ sư, bác sĩ.


Có bao nhiêu đứa trẻ làng Duyên Phúc được Người thầy đầu tiên là cô giáo Doãn Thị Chút dạy dỗ. Nhiều lắm, hàng trăm, vài trăm đứa trẻ làng được may mắn học cô Chút.


Cô giáo Doãn Thị Chút thì đã về với tiên tổ lâu rồi. Các thế hệ trẻ con học lớp vỡ lòng của cô cũng đã già hết cả. Nhưng không bao giờ chúng em quên cô giáo Chút, người thầy đầu tiên đã dạy dỗ chúng em cũng như ngôi chùa làng, mái trường đầu tiên của chúng em.


Nơi cao xanh xin mong hồn thơm cô siêu thoát cô Chút kính yêu ơi!


Nguyễn Ánh Tuyết