Phải làm sao bây giờ?
- Thứ tư - 15/04/2020 09:12
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Gần 30 năm dạy học của tôi, bao thế hệ học trò đã chia xa như những đàn chim đã tung cánh bay vào với cao rộng cuộc đời nhưng cũng có em lại phải chịu số phận nghiệt ngã, đây thương cảm.
Người học trò mà tôi thương nhất, nghĩ đến em là lòng tôi lại day dứt “Phải làm sao bây giờ?” là em Nguyễn Đức Phục nhà ở khu phố III, phường Thác Mơ - Thị xã Phước Long - Bình Phước. Em là học sinh lớp tôi chủ nhiệm năm học 1997- 1998. Phục cao, tóc hơi lượn sóng, nước da nâu nâu, đôi mắt sáng, gương mặt toát lên vẻ thanh thoát hiền từ. Cậu trò này học tốt các môn tự nhiên.
Nhà tôi gần trường nên cứ hết tiết hai, được nghỉ giải lao lâu là lũ học trò lại kéo xuống nhà tôi. Chúng kể cho tôi nghe đủ chuyện, còn tôi thì lắng nghe và cười theo những câu chuyện ngộ nghĩnh, chỉ khi nào thấy có “vấn đề” thì mới nhẹ nhàng khuyên bảo. Cô trò tôi gắn bó không chỉ trong giờ học. Tôi thường không bao giờ phải la mắng hay xử phạt các em. Tôi chỉ bảo với chúng rằng: “Các em đã đủ lớn để cô nói với các em rằng: Chúng ta có thể không thông minh, giỏi giang, xinh đẹp, giàu sang bằng người khác, đó là lẽ bình thường. Nhưng có một điều các em nhất định không được thua kém ai đó là lòng tự trọng của một con người!”. Hiểu điều tôi nói, các học sinh của tôi rất tự giác; thầy cô nào có tiết cũng khen: “Lớp này luôn đoàn kết và cố gắng”.
Nhưng một buổi trưa, tôi đang dọn cơm thì thầy dạy toán sầm sầm chạy đến. Chưa kịp dựng xe, thầy đã oang oang: “Chị Linh! Coi học trò chị này! Giờ học toán của tui hắn lại ngồi làm thơ tặng chị”. Vừa nói thầy vừa đưa cho tôi một tờ giấy nham nhở vét xé, vừa giải thích: “Tui gọi thằng Phục lên làm bài, hắn cứ ngác ngác ngơ ngơ. Tui phát hiện hắn đang làm thơ trong giờ học toán, tui cáu! Tui xé vở hắn ra!” Thầy dạy toán là người Huế. Tôi chợt buồn, bảo thầy: “Thầy thông cảm! Lỗi này của nó, ngày mai có giờ sinh hoạt lớp tôi sẽ chấn chỉnh.”
“Bài thơ” ấy là những dòng bộc bạch đầy cảm xúc nhưng chữ viết thì đầy lỗi chính tả do cách phát âm đặc trưng của người Nam Bộ. (Tôi sửa lại lỗi chính tả còn nội dung thì giữ nguyên vẹn, chữ nghĩa vẫn y nguyên).
“Mới chợt thoáng trong em
Một niềm tin cháy bỏng
Không phải tình cha mẹ
Chẳng phải tình bạn bè
Nhưng đốt bỏng tim em
Bằng nụ cười trìu mến
Bằng giọng điệu êm nhẹ
Bằng những lời thiết tha
Lòng trào dâng kính trọng
Bằng cảm giác lạ lùng
Mùa xuân bất chợt đến
Nửa niên học trôi qua
Cô chưa từng rầy la
Dù một lời nhỏ nhẹ
Nhưng sao em sợ quá
Thời gian sao không dừng?
Sợ niên học mười hai
Lòng em sao trống rỗng
Đất trời mênh mông rộng
Phải làm sao bây giờ?”
Tôi biết chưa hay, nhưng nó là tình cảm chân thành của các em nên rất trân trọng nâng niu cho đến tận bây giờ. Vì biết tôi có làm thơ đăng báo nên học trò hay bắt chước làm thơ tặng tôi, nhất là mấy trò gái. Qua những “bài thơ” mộc mạc ấy, tôi thêm hiểu, thêm yêu quý học trò của mình và ngày càng tận tâm giảng dạy hơn. Dịp 20/11 năm ấy, nhà trường tổ chức hội diễn văn nghệ mừng ngày nhà giáo Việt Nam, tôi và vài thầy cô nữa được giao nhiệm vụ duyệt và lên kế hoạch cho chương trình. Học sinh trường nào cũng thích văn nghệ: vừa để xả stress sau những ngày học căng thẳng, vừa là cơ hội để trổ tài đam mê nên danh sách tiết mục đăng ký dài dằng dặc.
Hôm duyệt, Phục năn nỉ thầy phụ trách - sau khi biết bài của nó bị loại - “Thầy ơi! Cho em được hát đi thầy!” Nhưng không được, nó lại chạy đến chỗ tôi vẫn cái giọng tha thiết vừa rồi: “Cô ơi! Cô cho em được hát đi cô!” Hôm nay mới là ngày duyệt thôi mà cậu chàng đã diện chiếc áo sơ mi trắng mới, rất đẹp và trang trọng. Nhưng hát thì ngang quá. Tôi nói nhỏ: “Cô cũng muốn để các em được hát hết mình nhưng chương trình chỉ được ít thời gian lắm. Thông cảm cho cô nhé!” Nó cúi mặt khẽ “dạ” rồi định chạy đi. Nhìn vẻ mặt thất vọng của Phục, tôi rất thương nên vội bảo: “Này Phục! Tiết mục của em để giành đến giờ sinh hoạt lớp, em hát cho cô và các bạn nghe nhé! Em chịu khó luyện tập thêm để đến lễ Sơ kết học kì, cô sẽ giới thiệu để em hát cho toàn trường nghe!” Mặt nó tươi lên, rồi chào tôi và chạy.
Ngày tháng qua thật mau, ngày thi tốt nghiệp cấp III đã đến, cô trò tôi bịn rịn rất lâu trong bữa liên hoan chia tay. Nhiều đứa mắt đỏ hoe, đám con trai cũng trầm hẳn không diễn đủ mọi trò buồn cười như mọi khi. Dầu đã bao lần chia tay học trò, tôi vẫn cứ bồi hồi thổn thức. Lớp tôi chủ nhiệm có nhiều em đậu đại học. Đó là niềm vui, niềm hãnh diện của các em, của gia đình và của chúng tôi - những người thầy. (Hồi ấy, các trường đại học chưa nhiều như bây giờ nên đậu đại học là rất khó). Phục đậu ngành kinh tế Nông lâm của đại học Nông - Lâm thành phố Hồ Chí Minh. Hôm lên chào tôi để đi học, em hớn hở, đôi mắt sáng long lanh, khóc: “Cô ơi! Em đậu đại học rồi! Cứ như là mơ ấy cô nhỉ! Em sắp thực hiện được ước mơ rồi!” Tôi dặn dò: “Xa nhà thì phải chú ý giữ gìn sức khỏe và chăm chỉ học. Tương lai tươi sáng đang chờ em!”
Bẵng đi một thời gian không thấy Phục gửi thư hay về thăm tôi như đã hứa. Những đứa khác thì liên tục viết thư về. Rồi một hôm, Lài - bạn cùng lớp với Phục cùng học ở đại học Nông lâm về thăm tôi, nó bảo: “Cô ơi! Thằng Phục nó phải bỏ học rồi! Nó bị điên rồi cô ạ!” Tôi bất ngờ, choáng váng, cổ tôi nghẹn lại: “Sao lại thế?” “Cô ơi, bạn ấy bị xe tải đâm vào, bị chấn thương sọ não rồi thành ra như thế.” “Gia đình đã đưa bạn ấy đi bệnh viện tâm thần Biên Hòa chưa?” “Dạ rồi cô ạ. Nhưng vẫn chẳng ăn thua gì! Hôm nay em đến thăm, nó lúc tỉnh lúc không. Tội lắm cô ơi!”
Tôi đã đến thăm em ngay sau đó. Em không nhận ra tôi nữa. Tôi nắm hai bàn tay em thương xót. Tôi bật khóc. Bao nhiêu nỗi niềm khi nhìn em ngồi một mình bên cửa ngõ, đôi mắt vô hồn nhìn ra xa, mái tóc lượn sóng rất đẹp ngày nào giờ dài ra rối bù. Bà hàng xóm nhà Phục bảo: “Nó hiền lắm, chẳng quậy phá gì đâu!”.
Tôi nhìn em, lòng nghẹn ngào thổn thức. Đâu rồi hình ảnh chàng trai 18 tuổi hồn nhiên đầy mơ ước! Tôi nhớ da diết và khắc khoải câu thơ của em hôm nào.
“Đất trời mênh mông rộng
Phải làm sao bây giờ? ”
Phải làm sao bây giờ để em lại được trở thành người bình thường mạnh khỏe để tôi được nghe em hân hoan nói với tôi rằng: “Cô ơi! Em đã thực hiện được ước mơ rồi!”?
Bùi Thị Biên Linh