Quốc sắc thiên hương trong con mắt các thi nhân

Quốc sắc thiên hương trong con mắt các thi nhân
Trong các loài hoa tươi đẹp rực rỡ sắc màu trên thế gian, có một loài hoa mà người Phương Đông rất mê, tôn là “Vương của các loài hoa”, là “Quốc sắc thiên hương”. Đấy là Mẫu Đơn. Có nơi gọi là Mộc Thược Dược. Có rất nhiều bài thơ viết về hoa Mẫu Đơn, trong đó ấn tượng nhất là câu thơ: “Thiên hạ chân hoa độc Mẫu Đơn” – chỉ có hoa Mẫu Đơn mới xứng là thật hoa trong thiên hạ. Nhà Búp xin hân hạnh giới thiệu với các bạn loạt bài viết về hoa Mẫu Đơn - Quốc sắc thiên hương trong mắt các thi nhân của nhà văn La Vinh.

Trong các loài hoa tươi đẹp rực rỡ sắc màu trên thế gian, có một loài hoa mà người Phương Đông rất mê, tôn là “Vương của các loài hoa”, là “Quốc sắc thiên hương”. Đấy là Mẫu Đơn. Có nơi gọi là Mộc Thược Dược. Có rất nhiều bài thơ viết về hoa Mẫu Đơn, trong đó ấn tượng nhất là câu thơ: “Thiên hạ chân hoa độc Mẫu Đơn” – chỉ có hoa Mẫu Đơn mới xứng là thật hoa trong thiên hạ. Nhà Búp xin hân hạnh giới thiệu với các bạn loạt bài viết về hoa Mẫu Đơn - Quốc sắc thiên hương trong mắt các thi nhân của nhà văn La Vinh.

(tiếp theo)



Quốc sắc thiên hương trong con mắt các thi nhân 


Trong hàng vạn nhà thơ thời Đường thì 3 gương mặt thường được nhắc tới là "Tiên thi" Lý Bạch; "Thánh thi" Đỗ Phủ và "Chân thi" Bạch Cư Dị. Thời xưa, các nhà thơ, như Lý Bạch và Đỗ Phủ, thường làm thơ tụng ca nhau, điều này, hiếm thấy ở thời hiện đại. Thậm chí, đứng trước lầu Hoàng Hạc nổi tiếng, Lý Bạch làm thơ để ca ngợi Thôi Hiệu "nhà thơ của một bài"  Hoàng Hạc Lâu, rằng: Định viết, nhưng nhìn thấy thơ Thôi Hiệu không dám viết nữa.


Bạch Cư Dị cũng luôn kính trọng bạn mình. Ông gọi Lưu Vũ Tích là "Thi nhân". Cả hai gắn bó keo sơn qua những thăng trầm trôi nổi giữa dòng đời. Cả hai sống với chữ Chân cho nên gặp nhiều hệ lụy.


Những bài thơ hiện thực chứa đựng tư tưởng phê phán làm cho hai ông bị "vạ câu chữ" đeo đai suốt đời. Bạch bị đi đày làm Tư Mã Giang Châu, nửa đêm nghe tiếng tỳ bà trên sông mà "áo xanh đẫm lệ".


Đời bạn ông cũng đồng dạng lạ lùng. 33 tuổi, Lưu bị đuổi khỏi triều làm Tư Mã Lãng Châu. Chín (9) năm sau, vừa mới về Kinh, làm thơ động tới quyền thần, ông lại bị đày đi xuống phương Nam làm Thứ Sử Liên Châu vùng Quảng Đông. Khi mang thân già về kinh đô Lạc Dương thì đành làm tân khách cho Thái Tử.

 

Cả hai đều lưu lạc xuống nơi mà Võ Tắc Thiên trừng phạt Mẫu Đơn Hoa. Cả 2 đều có thể vận số mệnh của mình vào loài hoa Mẫu Đơn quý phái mà cứng cỏi trước bạo quyền, loài hoa được tôn là Vương của các loài hoa. 


Chân thi Bạch Cư Dị và bài thơ “Tích mẫu đơn hoa kỳ 1”: Đêm tiếc hồng phai thắp nến xem


Trù trướng giai tiền hồng mẫu đơn, 

Vãn lai duy hữu lưỡng chi tàn. 

Minh triêu phong khởi ưng xuy tận, 

Dạ tích suy hồng bả hoả khan.


Bản dịch của Điệp Luyến Hoa


Buồn rũ trước thềm cánh mẫu đơn, 

Chiều buông đôi nhánh mới khô tàn. 

Sớm mai gió nổi bay đi hết, 

Đêm tiếc hồng phai thắp nến xem.


Bản dịch 2:


         Đầy thềm hồng cánh Mẫu Đơn

Chiều mai sót lại không hơn hai cành

          Sợ cơn gió sớm không đành

Tiếc hồng, thắp nến, xem cành đêm nay




Có vẻ như vẫn còn mơ hồ, còn chưa hiểu về “hai cành” còn sót lại qua mấy ngày mưa gió nặng nề. Gió mưa của số phận, của những cơn bão cung đình đưa 2 thân phận đi về cát bụi. Sợ ngày mai, hai cành hoa đi rồi, nên tối nay thắp nến ra ngắm xuân sắc của hoa lần cuối. Có đau buồn nào hơn mình tiễn đưa mình khi sinh mệnh tứ đại của mình ông Trời chưa kêu mà đã “Dạ!”. Nó gợi nhớ câu chuyện chôn hoa trong Hồng Lâu Mộng… Nó cũng gợi nhớ tới một nhạc phẩm Tây Phương nhiều người biết:


"Ánh đèn vàng hiu hắt

Khói trầm cay đôi mắt

Em nằm đó..."


Thật nao lòng! Thực ra, bông Mẫu Đơn láy đi láy lại như một ám ảnh không nguôi của Chân thi họ Bạch. 


Thử đọc bài thơ “Gửi Bạch Cư Dị” của Từ Ngưng, để thêm hiểu nỗi lòng của kẻ lưu đày:


"Nơi kinh kỳ mỗi mùa hoa thắm

Bao ngựa xe đi ngắm Mẫu Đơn

Giang Châu Tư Mã chạnh buồn

Năm năm cứ nhớ phố phường Tràng An".


Thi nhân Lưu Tích Vũ và bài thơ “Uống Rượu Ngắm Hoa Mẫu Đơn”: Hoa không nở vì người già

 

Nguyên tác tiếng Hán

飲酒看牡丹

今日花前飲,

甘心醉數杯。

但愁花有語,

不為老人開。

Ẩm tửu khán mẫu đơn


Kim nhật hoa tiền ẩm

Cam tâm tuý sổ bôi

Đãn sầu hoa hữu ngữ:

Bất vị lão nhân khai.

Dịch nghĩa:

Hôm nay uống rượu bên hoa

Vui lòng say sưa mấy chén

Chỉ e hoa sẽ nói:

Không phải nở cho người già.


Câu đầu tiên, Kim nhật hoa tiền ẩm,  xác định thời gian "Ngày hôm nay". “Kim nhật” tức là sáng nay, trưa nay, chiều nay nhưng không là đêm nay. 
 

Trai thanh gái lịch con nhà quyền quý đi Hội cuối Xuân là để ngắm muôn hồng nghìn tía của hoa Mẫu Đơn.Thành Lạc Dương chẳng phải đầy ngựa xe như nước của vương gia quý tộc? 


Ngắm hoa đối ảnh cùng rượu ngon, cùng tâm sự khó giải bày thì người ta thường chọn đêm khuya tịch mịch. Bạn của Lưu là Bạch Cư Dị đã chọn đêm để ra ngắm thức Hồng của Mẫu Đơn bằng ngọn lửa nến. 


Không gian ở đây là phía truớc mặt rất gần. Người ẩm tửu với hoa mẫu đơn có thể tỏ tường, tận mặt mà nhìn nhau. Kẻ nhìn tận mặt người e cúi đầu rất thân thiết, tri âm tri kỷ.



Ngày hôm nay, giữa thanh thiên bạch nhật, truớc đóa hoa Mẫu Đơn (hình như chỉ là một đóa), ta uống rượu.


Hẳn không là bất chợt, thoáng qua. Dành cả ngày để lặng lẽ tâm sự vô thanh với hoa. Hoa không thể uống thì mình uống với riêng hoa. Cũng là hai kẻ tri âm bầu bạn.  


Câu 2: Cam tâm tuý sổ bôi. "Cam tâm" nghĩa là đành lòng, có cái gì đó vui vẻ, yên ổn nhưng vui gượng kẻo mà... Vui ngoài mà bối rối, cam chịu ở bên trong


"Túy sổ bôi" nghĩa là "say mấy chén". Có thể hiểu: Đành lòng vui nên vừa uống mấy chén đã say. Nếu không có tâm sự với hoa, nếu bình thường uống rượu thì mấy chén này chưa thể say. Có thể hiểu: Đối ẩm với hoa, uống say rồi, vẫn còn thêm mấy chén nữa, cho say hơn


Câu 3: “Chỉ lo buồn, sầu thảm khi nghe hoa có nói thành lời..”. Có người dịch là “Chỉ e hoa nói nên lời”. Tôi thì nghĩ là không phải. Người ẩm tửu quá say nên đã sống trong một thế giới khác ngoài thực tại. Tác giả xác nhận lời của hoa là có thật. Hoa đã nói thành âm thanh, bằng giọng người rõ ràng.


Câu 4 “Bất vị lão nhân khai” là tiếng nói của hoa. Nhà thơ chỉ kể lại cái điều mà Thiên Nhĩ Thông của mình nghe được ở một không gian khác. Các nhà thơ xưa, là những người đã sống trong văn hóa tu luyện, đã qua tu Đạo, tu Phật, họ quả thực đã câu thông được với những sinh mệnh của vũ trụ. Chẳng phải trong kinh A Di Đà, mọi sinh mệnh của thế giới Cực Lạc đều có thể đối thoại được với nhau hay sao?


Lời của hoa: BẤT VỊ LÃO NHÂN KHAI..Câu thơ có 5 tiếng này khiến cho lời của hoa ngắn như một phủ định triệt để, ngắn như một tuyên ngôn. Nó dường như là một nhát dao dứt khoát cắt đứt quan hệ mà người ẩm tửu tưởng rằng hoa và mình là tri kỷ. Hoa nói chuyện vô thanh với mình suốt một ngày...


Không vì người già mà nở 


Lời của hoa quá bất ngờ, nó làm dậy sóng lòng người (lòng ta và lòng thi nhân). Ai có nỗi bẻ bàng bị tình phụ có thể thấy mình trong đó. 


Nhìn hời hợt ta dễ thấy đây là bài  thơ "tình già". Chiều hướng phổ biến để cảm nhận tác phẩm này là như vậy, nên có người dịch: 


"Trông hoa bỗng thấy thèm say

Ngoảnh hô thằng nhỏ kíp bày mâm ra

Cạn chung, lại mất hứng "Khà"

Ngại hoa mang vốn: Anh già còn ham"


Người ta đã liên hệ rất dung tục về mấy cha già ham vợ trẻ. Chẳng hạn Nguyễn Công Trứ "mái tuyết phau phau" cưới "kẻ đào thơ còn mảnh mảnh". Trong đêm động phòng hoa chúc, vợ hỏi tuổi đã hóm hỉnh:"Năm mươi năm trước anh mới 23". Cảm hứng này từng có bài Mẫu Đơn của Tiết Đào:


"Hương nồng tỏa gợi tình sâu lắng

Lời chẳng trao, hàm ý thiết tha

Chỉ muốn bên hiên nhàn gối chiếu

Đêm khuya, thương nhớ, ngỏ cùng hoa.."


"Không vì người già mà nở " đâu phải lời nũng nịu gái trai? Đó là khí tiết, là phẩm chất của một loài hoa không chấp nhận bạo quyền để vâng mệnh làm vừa lòng bạo quyền.

Tôi tin vào tôi. Tôi là tôi. Như núi Kính Đình tôi vững chãi, ngạo nghễ mặc thường nhân...


Lưu thi nhân đã cho hoa nói nhưng thực ra hoa đang phát ngôn cho nhân cách, cho lòng tự tôn của chính mình. Cứ đến thời là tôi nở. Bản chất quốc sắc thiên hương là của tôi. Chẳng vì một nguyên nhân nào khiến tôi phải phụ thuộc. 


"Không vì người già mà nở" có nghĩa là cũng không vì người trẻ mà tôi khoe sắc, lẳng lơ. Không vì bất cứ ai. Theo thiên tính theo thiên thời mà tôi nở.


Nghe nói bài thơ này có cái tên dài hơn: "Cùng họ Bạch, uống rượu ngắm hoa Mẫu Đơn". Nếu quả vậy thì thật thú vị. Họ Bạch ngắm hoa ban đêm và lo cho 2 cành ngày mai sẽ về cát bụi. Còn họ Lưu ngắm hoa ban ngày khẳng định một cốt cách… rất Mẫu Đơn! Hoa dường như là là đối tượng để Lưu giải bày. Ai hay, hoa ấy là con người thứ 2, con người phân thân của chính Lưu. Hoa cũng có thể là Lưu và nhân vật tác giả rất phiếm chỉ không hề có ở câu chữ có lẽ là họ Bạch. Cũng có thể là chúng ta...


Nên nhớ rằng, 2 người lúc ấy về già. Họ đã sống xa quá rồi hào quang của thời Trinh Quán thịnh trị Lý Thế Dân.


Lưu là 1 trong "nhị Vương bát Tư Mã" định khôi phục sự đổ đốn cho nhà Đường nhưng kế hoạch  "Vĩnh Trinh cách tân" đã thành mây khói. Lưu bị giáng chức đi đày. Rồi Đường Hiến Tông phục hưng, sùng Phật. Rồi 4 vị vua kế tiếp điên đảo triều chính. Đường Vũ Tông diệt Phật sùng Đạo Giáo, ngộ độc đan dược chết tuổi 36… Lưu là nhà chính trị. Có lẽ vậy mà ẩn mình trong hoa Mẫu Đơn thể hiện ý chí không lay chuyển của kẻ sỹ trong thời loạn…


Như vậy, nghĩa của bài thơ trên có thể hiểu là:


“Hôm nay, trước hoa, uống

Bùi ngùi, mấy chén, say

Chỉ sầu, hoa có nói:

- Nở chẳng vì ông này”


Có lẽ, cái hay nằm ở bàn lề khép mở 2 tâm trạng. Nó nằm ở hai tiếng ĐẢN SẦU (chỉ thấy buồn thăm thẳm).


Tưởng rằng mình đủ tư cách uống rượu trước một loài hoa nhân cách, khí tiết. Nên mình tương giao với hoa giữa thanh thiên bạch nhật. Cả 2 đều chính nhân quân tử đối diện, đâu cần có những nghi lễ. Cuộc tương ngộ này không phải là cần e ấp, truy hoan tình cảm gái trai. Nó không cần bóng đêm để than thở, không cần nhiều người để có không khí lễ hội. Trước hoa Mẫu Đơn, thân già trải qua bao đọa đầy đang cần một đối tượng để tự vấn.


Câu 1 tự tin. Câu 2 thiếu tự tin. Đã " đành lòng" buông xuôi nghèn nghẹn với mình với Hoa lại còn tìm một giải pháp thoát mình mới đối diện được với Hoa. Đó là uống say để quên thân phận già nua, thất bại; quên thân phận tài cao, chí khí nhưng bị hất ra ngoài thế sự. Về già, mong chén rượu đục như Đỗ Phủ. Chỉ nhờ rượu thăng hoa mình thành người khác thì mới có thể ngắm hoa Mẫu Đơn giữa ban ngày, không khoảng cách.


Vậy mà, vì say, mình mới nghe lời của hoa. Không phải là 1 phán đoán mà rõ ràng từng lời sắc lạnh cứng rắn. Không nở vì người già cũng có thể hiểu là hoa sẽ vì người trẻ mà nở. Xuân sắc, sự sống hiển nhiên không vì người già mà khai nở. Muốn hưởng thụ nó thì quan trọng là cái Tâm đừng già, đừng bao giờ CAM TÂM để rồi dùng cách thức tránh mình lừa người. Có lẽ hoa đọc được cái bất Chân, bất Thiện, bất lực của người không xứng ngắm mình. Nên hoa mới BẤT VỊ…


Hiển nhiên, thơ hay có nhiều cách hiểu. Tứ tuyệt ngũ ngôn được người xưa gọi là 20 Ông Hiền…Thực ra, nhờ chữ Hán mà thơ Đường còn có những đường kinh mạch vận chuyển năng lượng thẩm mỹ độc đáo so với việc chúng ta ghi nó bằng âm La Tinh.. Bất giác nhìn hai hình vẽ chân dung của hai thi sỹ tri âm này. Thấy hình của Lưu và Bạch sao giống nhau đến thế? 


Ừ nhỉ, biết đâu kiếp trước họ là anh em một nhà?


Không hiểu có duyên nợ gì với loài hoa này mà Lưu Vũ Tích làm rất nhiều thơ cho Hoa. Đây là bài "Thưởng Mẫu Đơn":


"Ngoài sân thược dược đẹp riêng mình, 

Sen trước ao tranh một chút tình. 

Duy chỉ mẫu đơn là quốc sắc, 

Nở hoa chính lúc rộn kinh thành"


Thược dược có vẻ đẹp riêng; ngay cả sen mà ở trong ao cũng vừa đủ nối với hồn nhà thơ chỉ "chút tình". Loài hoa chung thủy mà tri âm với Lưu vẫn là Mẫu Đơn 


Bì Nhật Hưu vốn nổi tiếng bởi những bài thơ tự sự mô tả nỗi khổ đau của tầng lớp dưới đáy. Người ta thường nhớ tới ông trong "Lời than của bà già nhặt hạt giẻ" ( Tượng uấn  thán) với câu chuyện người phụ nữ  già nua, cô quạnh nhặt hạt giẻ để cầm đói qua ngày  bên đồi, nơi bời bời lúa chín sắp vào kho của quan...


"Cuối thu, quả dẻ chín 

Rụng lăn dưới cỏ đồi 

Lưng còng, bà tóc bạc 

Nhặt dẻ, đạp sương mai 

Hồi lâu được một nắm 

Hết ngày đầy giỏ cời "..


Nhưng trước hoa Mẫu đơn, ông cùng hòa mình vào cảm hứng chung của các thi nhân cương cường giữ phẩm tiết :


"Hoa rụng cánh tàn mới toả thơm, 

Tên hay người gọi "Bách hoa vương". 

Khoe rằng vẻ đẹp không đâu sánh, 

Đệ nhất nhân gian một thứ hương."


Trong bài "Mẫu Đơn hồng", niềm trắc ẩn nào đã khiến Vương Duy ngậm ngùi khi biết nỗi đoạn trường của hoa:


"Nhàn tĩnh khoe vẻ lục, 

Đậm tươi sắc áo hồng. 

Tâm hoa sầu đứt ruột, 

Chúa Xuân có hay không?"


Đọc" Mẫu đơn hoa" của La Ẩn:


*Nguyên tác:


"Tự cộng đông phong lợi hữu nhân, 

Giáng la cao quyển bất thăng xuân. 

Nhược giao giải ngữ ưng khuynh quốc, 

Nhậm thị vô tình dã động nhân. 

Thược dược dữ quân vi cận thị, 

Phù dung hà xứ tị phương trần. 

Khả liên Hàn lệnh công thành hậu, 

Cô phụ nùng hoa quá thử thân."


*Dịch nghĩa :


"Như cùng với khi gió đông về mà tươi tốt, 

Rèm đỏ cuốn cao, màu xuân khôn kể xiết. 

Nếu như có thể nói được thì sẽ làm nghiêng nước, 

Còn phải vô tình thì cũng khiến động lòng người. 

Thược dược cùng với nàng là kẻ thân cận, 

Phù dung ghen ghét hương sắc đã trốn nơi nào. 

Thật đáng thương thay (cho hoa), khi Hàn lệnh làm quan, 

Mang lỗi với hương sắc làm hại đến thân (hoa)".


*Dịch thơ (bản dịch của Điệp Luyến Hoa) :


"Gió đông về thổi tốt muôn phần, 

Rèm đỏ cuốn cao, khắp xứ xuân. 

Biết nói sẽ làm cho mất nước, 

Vô tình cũng khiến phải say lòng. 

Với nàng thược dược là thân thiết, 

Đâu chốn phù dung lánh bụi trần ? 

Hàn lệnh công thành hà cớ lại, 

Lỗi cùng hương sắc hại cho thân".


Ta lại biết thêm một điển tích "Hàn lệnh"; nói về sự long đong của thân phận Mẫu Đơn  đi trong cuộc thế lắm kẻ yêu người ghét này. 


"Hàn lệnh" tức Hàn Hoằng 韓弘. Năm Nguyên Hoà thứ 14, Hàn Hoằng nhậm chức trung thư lệnh. Khi mới đến Trường An, trong cư đệ có cây mẫu đơn, bèn sai chặt đi, nói rằng: "Ngô khởi hiệu nhi nữ tử tà" 吾豈效兒女子邪 (Ta há giống nữ nhi sao). Nguyên vào thời đó kinh thành rất chuộng mẫu đơn, mỗi khi cuối xuân người người đi ngắm mẫu đơn, xe loạn kinh thành. Chuyện Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi ngắm mẫu đơn, lệnh cho Lý Bạch viết ba bài "Thanh bình điệu" là một bằng chứng cho thấy điều này! 


Thơ Nôm Nguyễn Trãi có những từ Việt  cổ nên chúng ta bị hạn chế phần nào khi thưởng thức bài "Hoa Mẫu Đơn" của ông:


"Một thân hoà tốt lại sang, 

Phú quý âu chẳng kém hải đường. 

Lai láng lòng thơ ngâm chửa đủ, 

Ngoài nương toàn ngọc triện còn hương".


Nhưng các nhà thơ hiện đại thì khác.Trong "Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thanh thì Hồ Dzếnh là gương mặt đặc biệt. Ông là Hoa Kiều trên đất Việt. Ông yêu quê hương đất nước này như chính người Việt yêu đất  nước mình thiết tha.Nhưng dù sao, hồn Việt ấy vẫn lãng đãng một màn sương khói của văn hóa Trung Hoa. 


Thực lòng, tôi chưa thấy hoa Mẫu Đơn nở trên miền đất nhiệt đới này. Có chăng, thì ở  Bắc Bộ, ở miền giáp ranh với đất Giang Nam Trung Quốc mới có hoa Mẫu Đơn. Hồ Dzếnh có bài thơ "Chiều" được Dương Thiệu Tước  phổ nhạc. Do cha ông là người gốc Quảng Đông nên với ông đất Trung Quốc chắc không xa và lời thơ của ông đậm đầy hương vị cổ Trung Quốc:


"Trên đường về nhớ đầy 

Chiều chậm đưa chân ngày  

Tiếng buồn vang trong mây.


Chim rừng quên cất cánh 

Gió say tình ngây ngây 

Có phải sầu vạn cổ, 

Chất trong hồn chiều nay".


Có lẽ ngôi giáo đường nào đó mà ông tới trong bài thơ dưới đây thực sự có hoa Mẫu Đơn? Và, một tình yêu thoáng nhẹ như "tiếng buồn vang trong mây" này chắc hẳn có cảm hứng từ hình tượng của hoa Mẫu Đơn. Loài hoa ấy làm cho tình yêu này dù buồn mà cao khiết biết bao.


Ta hãy cùng đọc tác phẩm HOA MẪU ĐƠN đã phổ nhạc này:


Mẫu đơn nở cạnh nhà thờ 

Đôi ta trinh tiết đợi chờ lấy nhau. 


Em ạ, quê ta tháp giáo đường 

Sáng chiều vẫn vọng những hồi chuông 

Ai đi xem lễ tôi đi với 

Gió dạo lời kinh toả vấn vương 


Con gái nhà Chung xinh đẹp lạ 

Đẹp hơn con gái phố phường bên 

Ngày ngày hai buổi xưa đi học 

Mượn lối vườn hoa để gặp em 


Tôi nhớ từng viên đá lát thềm 

Từng hàng ngói nhỏ mái nhà êm 

Cây doi đứng cạnh hòn non bộ 

Toả mát đường đi gạch lát nem 


Ôi vật vô tri cũng có hồn 

Những ngày nắng mới những hoàng hôn 

Tình yêu sau trước đều như vậy 

Những thoáng vui xen những nét buồn 


Chủ Nhật tự nhiên thành buổi hẹn 

Gió bay tà áo trắng như thơ 

Mẫu đơn nở giữa hai lời nguyện 

Phảng phất còn thơm đến bây giờ 


Đêm Giáng Sinh này em ở đâu 

Nghe chuông có nhớ thuở ban đầu 

Ước chi sống lại thời xưa nhỉ 

Để trẻ ra và để hẹn nhau.




Thẩm Đức Tiềm với Hắc Mẫu Đơn thi: Phúc lộc của một đời người từ đâu tới?


Gắn với hoa mẫu đơn còn có một sự kiện thời nhà Thanh. Một cái án có nhiều bình luận. Bởi, quan có tài mà lại giá áo túi cơm, sống xu nịnh vua nên tổn quá nhiều Đức. Con cháu sẽ suy tàn. Và cái Nghiệp quá nhiều nên quả báo càng nặng. Bề ngoài là hành động của ông Vua nhưng bên trong có lẽ là Nghiệp chướng. Tiếc thay, tài như thế mà phải làm điếu đóm cho người mà mình cho là dị tộc. Con cháu chỉ là phường mạt hạng và dòng họ phút chốc biến thành ma. 


Sau đây là đoạn trích trong Thanh Cung 13 triều:


"Càn Long hoàng đế phòng người Hán phản bội, nên đã gây ra những vụ "án văn tự". Bởi thế hồi đó, ngài đã tìm ra được hai vụ - một vụ là "Hắc mẫu đơn thi" (thơ vịnh hoa mẫu đơn mầu đen), còn một vụ nữa là "Trụ lâu thi cảo". Bài thơ vịnh hoa mẫu đơn đen vốn là sáng tác phẩm của Đại học sĩ Thẩm Đức Tiềm. Tiềm tên tự là Qui Ngu, vốn một tay thơ cự phách. Càn Long hoàng đế tuy vốn liếng văn chương chẳng mấy gì, nhưng lại thích khoe mình là người văn học thường xướng hoạ thi ca với bọn đình thần. Nhưng ngài chỉ sợ mình có phen lộ tẩy, lòi cái dốt nát ra khiến bọn bày tôi cười vào mũi cho, bởi thế ngài mời hai vị đại thần luôn luôn ở cạnh để làm bài "gà" cho mình. Một người tên gọi Kỷ Hiều Phong chuyên làm văn thay cho ngài. Còn một người nữa chính là Thẩm Đức Tiềm, chuyên làm thơ. Về sau Tiềm chết đi. Lương Thi Chính thế vào chân đó. 


Thẩm Đức Tiềm thấy Càn Long hoàng đế coi trọng mình nên thường có vẻ kiêu ngạo, ngay cả trước mặt ngài. Cũng vì mọi việc thơ phú đều phải nhờ Tiềm, Càn Long hoàng đế cũng bỏ qua đi, không muốn nói đến những tiểu tiết đó trái lại còn đặc biệt kính trọng là khác. Lúc sáu mươi tuổi, Tiềm vốn là một tú tài. Nhưng đến bảy mươi tuổi thì Tiềm vọt lên cái chức Tể tướng. Và đến tám mươi tuổi, Tiềm từ quan về vườn. Thế mà Hoàng đế vẫn thường còn sai người tới nhà riêng vấn an, thật là cả một điều vinh dự lớn lao cho Tiềm.


Càn Long hoàng đế có làm mười hai "Ngự chế thi tập", bèn sai đưa tới nhà Thẩm Qui Ngu để nhờ duyệt lại, và nếu cần thì sửa sang cho thơ được thập phần hoàn hảo. Thẩm Qui Ngu nhận sách, đem duyệt, chẳng thèm nể nang gì nhà vua, cứ thực mà khen chê, khiến trong tập thơ có nhiều chỗ bị phê bình quá gắt gao, với những lời lẽ rất tệ nữa, đó là chưa kể còn rất nhiều đoạn thơ bị vứt bỏ đi là khác. Khi bộ "Ngự chế thi tập" gởi trở về kinh, Càn Long hoàng đế xem lại, trong lòng thực không vui tí nào, nhưng vì nể mặt lão thần, ngài đành làm thinh, không nói gì cả.


Cách một năm sau, Thẩm Qui Ngu chết. Năm này cũng là năm mà Càn Long hoàng đế tuần du phương Nam, đi về ngả Tô Châu. Qua địa phương này, ngài bỗng nhớ lại họ Thẩm, bèn truyền chỉ xa giá tới phần mộ của Thẩm để tế viếng. Cũng trong dịp này, ngài xuống chỉ gọi hết con cháu của họ Thẩm đến. Ngài nghĩ bụng Thẩm Đức Tiềm tức Qui Ngu vốn là thi nhân một thời thì trong nhà tất nhiên phải có trước tác, thế là ngài liền hỏi thử xem. Đám con cháu của Tiềm thừa hưởng sự nghiệp của ông cha, quá sung sướng rồi, ngày đêm chỉ rủ nhau cờ bạc rong chơi, chẳng học hành gì cả, cho nên có biết chữ nghĩa gì nhiều đâu. Bởi thế, khi Càn Long hoàng đế hỏi tới, chúng đâu có biết gì là phạm huý hoặc không phạm huý, vội vào nhà lễ mễ đem hết mọi di cảo của ông cha ra và dâng lên.


Càn Long hoàng đế mở ra xem, thấy còn có rất nhiều bài thơ chưa được ghi vào trong thi tập, hơn nữa rất nhiều bài thơ làm thay cho hoàng đế cũng được chép vào trong, phía dưới chú thêm ba chữ "ĐẠI ĐẾ TÁC" (làm thay vua). Hoàng đế xem xong, bất giác thẹn quá hoá giận. Ngài tự nhủ: lão già này biết thơ của trẫm đã in và phát ra ngoài rồi, ấy thế mà lão vẫn còn đề chữ "làm thay" trong thi cảo này, há chẳng phải là có dụng ý phỉ báng trẫm? Lòng lúc này quả không được vui tí nào, song ngài vẫn chưa tìm ra cách để xử trí.


Nhưng đến lúc xem tới cuối sách, ngài thấy một bài thơ nhan đề là, "HẮC MẪU ĐƠN THI" ngay vào bài đã hạ hai câu: "Đoạt Chu phi chính sắc. Dị chủng diệc xưng vương", thì ngài không còn giữ được bình tĩnh nữa, cả giận quát lớn:


- Chà! Tên đại nghịch bất đạo Thẩm Qui Ngu giỏi thật! Rõ ràng hắn nói trẫm đã cướp ngôi thiên tử của họ Chu, lại còn chửi trẫm là dị chủng nữa. Như thế thì làm sao trẫm nhịn được?


Thế là ngài lập tức hạ chỉ:


"Thẩm Đức Tiềm lúc sinh thời được hậu ơn của triều đình. Nay xem tới di trước, trẫm mới biết y có ý phỉ báng triều, có lòng phản loạn chống đối. Vậy trẫm hạ chỉ: quật mồ phá bia của hắn, kéo thây ma hắn trong quan ra, chém đầu răn chúng. Còn con cháu họ Thẩm nhất luận đày tới Hắc Long Giang để sung quân. Chỉ giữ lại cháu nội năm tuổi, truất làm thường dân, để nối dõi tông đường mà thôi".


Vụ án văn tự này kết liễu thì cả một bọn văn nhân anh nào anh nấy hoảng quá, suốt ngày chỉ cúi đầu rụt cổ ngồi trong xó bếp, chẳng dám bò ra tới cổng nữa. Và cũng từ đó, chẳng anh nào đám ho he thơ phú để đem dâng ngự lãm."


 


Cũng cần chú thích thêm về hai câu thơ trong bài HẮC MẪU ĐƠN THÍ (Thơ hoa mẫu đơn đen) đã khiến Càn Long vì tức giận quá mà trừng phạt Thẩm Đức Tiềm:


Đoạt chu phi chính sắc.

Dị chủng diệc xưng vương


Có nghĩa là:


Cướp màu đỏ thì chẳng phải là màu sắc chính

Giống quái lạ cũng xưng vương


Trong câu thơ thứ nhất: Chu có nghĩa là màu đỏ. Hoa mẫu đơn được gọi là vua các loài hoa - mẫu đơn màu đen tức là đã bị mất đi màu đỏ. Chu còn là họ của vua nhà Minh vì thuỷ tổ triều. Minh là Chu Nguyên Chương (Minh Thái Tổ). Câu thơ trên có ý ám chỉ nhà Thanh cướp ngôi nhà Minh thì chằng phải là chính thống. Câu thứ nhì có nghĩa "giống quái lạ cũng xưng vua". Ý mỉa mai khinh ghét nhà Mãn Thanh là "dị chủng" (giống quái lạ) ám chỉ nhà Mãn Thanh thuỷ giống Man rợ ở phía bắc, chứ không phải giống Hán.


La Vinh