Theo bà đi chợ

Theo bà đi chợ
Tuổi thơ, niềm sung sướng nhất của nó là được theo bà đi chợ! Vì bố mẹ đi công tác xa nên bà trông nom hai anh em nó. Trẻ con quê nó chả bao giờ biết ngủ nướng. Sáng sớm khi chú trống choai vừa dứt tiếng gáy bà đã vào âu yếm xoa má nó



THEO BÀ ĐI CHỢ

(Nguyễn Thúy Hằng)


Tuổi thơ, niềm sung sướng nhất của nó là được theo bà đi chợ!


Vì bố mẹ đi công tác xa nên bà trông nom hai anh em nó. Trẻ con quê nó chả bao giờ biết ngủ nướng. Sáng sớm khi chú trống choai vừa dứt tiếng gáy bà đã vào âu yếm xoa má nó: “Bống ơi dậy đi chợ với bà nào”, rồi bà gọi anh trai nó nâng hàng. Ba bốn rổ quả chín thơm lựng xếp chồng lên nhau nặng cỡ hơn hai chục cân chễm chệ trên đầu, đã thế bà lại còn đeo thêm cái bị to tướng. Nó mắt nhắm mắt mở tụt vội xuống đất quáng quàng rửa mặt, chào anh và lon ton chạy theo níu gấu áo bà. Ra khỏi ngõ đã tí ta tí toét ngó nghiêng xung quanh xem lũ bạn hàng xóm có thập thò nhìn theo không, ra cái vẻ “Tớ được theo bà đi chợ nhá”…


Quê nó là làng vườn ven sông, hoa trái trĩu trịt quanh năm nên quanh năm dân làng trẩy quả ra chợ bán. Chiều hôm trước bà đeo cái bị cói thoăn thoắt đánh đu từ cây ổi sang cây roi vặt quả chín. Gần đầy bị bà lại khéo léo dùng mỏ nèo móc vào quai hạ dần xuống đất, nó nhanh nhẹn đỡ lấy trút vào rổ chứa. Vườn quả  nhà nó sực nức hương thơm, ríu rít tiếng chim, suốt ngày chúng chát chao đánh nhau chí choé…Nhiều khi mải lúi húi nhặt quả nó hứng trọn mấy bãi phân chim trắng toét trên đầu. Con Mực mỗi khi thấy bà chuẩn bị ra vườn là nhảy cẫng lên ngoáy đuôi rối rít. Mực khoái nhất là được chạy tít mù trong vườn  sủa ầm ĩ trêu ghẹo lũ chào mào đanh đá choen choét ở trên cao. Nhưng mỗi khi nghe tiếng bõm dưới ao Mực lại phi luôn xuống nước bơi tùm tũm, chưa đầy một phút đã lóp ngóp công những quả roi bà khều rụng nổi dưới ao mang xếp đống trên bờ. Nó chỉ việc bê cái rổ tre xinh xinh tới nhặt, khanh khách cười mặc cho Mực rùng mình vẩy nước bắn tung toé vào người. Tài thật, những quả roi Mực công về ko một vết xước răng, cả khu vườn buổi chiều rộn rã âm thanh vui vẻ. Nó luôn miệng hỏi vặt và líu lo kể chuyện các bạn ở lớp, rồi chuyện cái Hồng, thằng Bo hàng xóm cho bà nghe. Bà trên cây mồ hôi mồ kê nhễ nhại mà cái miệng ăn trầu cười tươi đến là tươi khi bắt gặp ánh mắt đứa cháu nhỏ dưới gốc cây thi thoảng lo lắng ngước lên nhìn. 


Tinh mơ đường làng đã lao xao tiếng gọi: “Bà Chung ơi đi chợ không?”, “Chị Lan ơi chờ tôi với”. Rồi người ta tíu tít đổ ra đường trò chuyện râm ran, ai cũng khệ nệ mấy rổ hàng, vừa đội vừa giữ không khéo là đổ, thế mà còn có người buông cả hai tay, đi đánh nhịp vắt va vắt vẻo. Quê nó người ta không quen gánh mà chỉ đội, dường như văn hoá đội chỉ có ở miền cây trái bãi sông này. Một làng vườn thường xuyên lũ lụt, các quãng đường ngập nước nên khi mang hàng ra chợ bán người ta không dùng quanh gánh mà phải xắn quần thật cao và đội hàng lên đầu. Sản phẩm làng vườn luôn được nâng niu, gìn giữ khỏi bị dập nát vì còn phải bán cho người buôn mang đi chợ xa.


Nó tung tăng theo bà vào chợ, các hàng rổ đựng đầy quả chín xếp  như bàn cờ với muôn hình muôn vẻ. Táo, ổi xanh bóng, tròn căng nằm cạnh những mớ hồng xiêm nâu sậm, xù xì mà vị ngọt như đã đọng vào môi vào lưỡi tới ba ngày chưa hết. Những cành nhót đỏ mọng như những chùm đèn màu, giăng cùng với chuối tiêu, đu đủ vàng ươm mời mọc, đón chào gợi lên một cảm giác ngọt ngào trong làn gió ban mai nhè nhẹ. Vô vàn là roi, roi hồng tươi, căng tròn như những đôi má trẻ, từng chùm, từng chùm xen lẫn lá xanh xếp lên nhau đẹp như mơ. Chanh và khế mới nhìn đã thấy mát mắt, chua chua nơi đầu lưỡi, xua tan đi không khí nóng bức của mùa hè. Và kìa ổi, ổi có bốn mùa, giòn thơm, ngọt dịu tan trong miệng. Ăn trái ổi dường như người ta như tỉnh lại, nghe thấy cả tiếng chim cùng tiếng gió trời. Khế ngọt, khế chua, bòng bưởi, na, chuối, cốm, hồng.. cam quất, quýt vấn vít với trứng gà, cà rốt... khoe những sắc màu vàng tươi, đỏ rực trông thật là vui mắt. Người bán người mua ồn ã, náo nhiệt cả một vùng. Những cô gái làng vườn tóc dài, da trắng, môi cười tươi thắm, tay thoăn thoắt xếp quả, giọng mời khách ngọt ngào. Người dân quê nó không bao giờ nói thách giá cao, chỉ câu trước câu sau là ngã giá. Bà xởi lởi, nhẹ vía nên hàng mang đến  một lát là hết veo. Ai cũng muốn mua của bà để lấy may mắn cho cả phiên chợ. “Nhà mình sẵn đồ hàng nên bà bán ngay không kì kèo để họ còn có tấm bánh mang về cho bọn trẻ, con ạ”, bà bảo thế. Nó biết tính bà, toét miệng cười, mũi hếch lên hít hà mùi hành mỡ thơm lựng từ hàng bánh bay sang,  tròn xoe mắt nhìn các cô buôn hàng đi chợ xa, hàng chồng chất trên gác ba ga, có khi nhìn từ đằng sau chẳng thấy đầu họ đâu, mà chỉ thấy đôi chân đang gồng lên, gắng đạp. Bà nói họ vất vả là thế  mà cả phiên chợ cũng chỉ được lãi được dăm ba bơ gạo nuôi con thôi, thương lắm! 


Nó nũng nịu kéo tay bà vào hàng bánh, chợ quê nó chủ yếu là hoa quả và bánh trái. Nào là bánh xôi, bánh mật, bánh nếp, bánh tẻ, bánh đúc, bánh rán, bánh dày giò, bánh chưng, bánh gai, bánh cuốn, bánh bèo, bánh hấp... Bánh làng nó ngon nức tiếng cả một vùng châu thổ sông Hồng, bởi dân làng nó khéo tay hay làm và cũng có lẽ còn do nguồn nước ngọt lành của con sông ngày đêm thao thiết chảy. Bánh nhiều vậy nhưng chưa tan buổi chợ đã hết veo. Đông đúc và hấp dẫn nhất là hàng bánh cuốn, được tráng nóng ngay tại chỗ. Bánh mỏng tang rưới nước mỡ nóng cuộn lẫn hành phi giòn tan. Bánh cuốn khi ăn cặp với lá mùi, ngập vào nước chấm trong, đặm vừa phải có thêm vị chua ngọt, cay cay thật là tuyệt. Người ăn ai cũng tấm tắc, xuýt xoa khi được thưởng thức vị béo ngậy của bánh, mùi thơm hấp dẫn của hành, mùi, quất, hạt tiêu. Bánh bèo thì khỏi phải nói, ngon giật mình. Giữa tấm bánh tròn như lá bèo là một lỗ nhỏ ăn sâu như đường hầm vào lòng bánh, ngập mỡ phi hành chứng tỏ người làm phải thật khéo tay khi đổ bột. Nước chấm của bánh bèo là loại nước mắm thượng hạng. Ai đi chợ cũng nhớ mua dăm bảy chiếc về làm quà. No bụng rồi mà nó vẫn thèm thuồng nhìn sang hàng bánh hấp, những lá bánh trắng mịn xếp lên nhau như cánh hoa dành dành, rắc thịt băm dậy mùi thơm đậm đà hấp dẫn. Bà âu yếm cốc đầu: “Cha bố cô, bà biết rồi. Bà sẽ mua  cho anh trai cô nhé”.


Rồi bà một tay cắp mấy cái rổ, một tay dắt nó vào hàng gạo. Gạo quê nó toàn bán bằng bơ chứ không dùng cân hoặc đấu gỗ như các nơi khác. Mỗi bơ đong đầy là tám lạng. Chả biết bơ có đủ tám lạng hay không mà cảnh đong gạo thật thú vị, người mua cầm bơ vục xuống thúng gạo xoáy thật mạnh rồi nhanh tay ngửa bơ lên nện đến thịch một cái cho gạo dồn nén xuống, sau đó dùng hai bàn tay be gạo đầy ngọn bơ rồi đổ thốc vào cái bị đang há miệng. Người bán thì cứ nhăm nhăm gạt gạo xuống hoặc kéo miệng bị lại trông thật buồn cười. Nhưng người bán kẻ mua cũng rất vui vẻ, thân tình chả thấy ai vì đầy vơi mà cãi cọ nhau bao giờ, cứ như chuyện thêm bớt là đương nhiên phải có. Bà nó cứ tủm tà tủm tỉm đợi người ta đong xong mới nhẹ nhàng ngồi xuống ghé bị vào bảo người bán: “Chị ơi đong hộ tôi cái”. Chị bán gạo cười toe sung sướng: “Bà thế này chả ai nỡ đong thiếu cho bà!”. Bà thường bảo nó: “Thêm lên một chút rồi ăn cũng hết nhưng trong lòng thì nghĩ ngợi không vui bởi vì còn nhiều người khó khăn, thiếu thốn hơn mình con ạ”. Nó thầm nghĩ sau này lớn lên đi chợ nó cũng như bà, chả bao giờ thêm bớt, mặc cả.


Thường hai bà cháu ra về lúc còn đông chợ, khi ông mặt trời đã rực rỡ chiếu hếch những tia nắng đầu tiên lên lưng ngọn tre. Bà vui vẻ hỉ hả với bị gạo đầy, mấy gói bánh và mớ tôm, mớ cá, cháu náo nức xách túi bỏng ngô, tập bánh đa đề gói trong lá chuối. Nó nhảy chân sáo trên đường làng, hít căng lồng ngực hương của ban mai. Hai bên đường hoa ngâu chúm chím óng vàng toả mùi thơm ngan ngát, những vườn ổi vườn roi sực nức ngọt ngào mùi quả quá tầm chín rụng, những bờ táo chiu chít hoa buông hương ngọt dịu, hoa rắc trắng lối đi. Và kìa vô vàn là những cánh bướm sặc sỡ chấp chới lượn vòng qua những vườn cúc vàng tươi, vườn hồng đỏ thắm, đâu đó rủ rỉ rù rì từng đàn ong dậy sớm tự bao giờ đang say sưa hút mật. Hàng nghìn hàng vạn giọt sương long lanh trên cỏ biếc bắt đầu tan làm cho không khí buổi sáng của làng vườn quê nó thêm mát lạnh, trong lành. Không gian ngập tràn âm thanh ríu ran, lảnh lót tiếng hót của đủ các loài chim: Chim Sẻ, chim Ri, Chào mào, Sáo sậu, Chích choè, Cu gáy, Vành khuyên…cứ xốn xang vang mãi khiến cho tâm hồn nó cứ ngân lên ngân lên… Nó háo hức nghĩ đến cảnh cái Hồng, thằng Bo chạy ùa ra tíu tít nhận quà từ tay nó ánh mắt lấp lánh, vừa nhai rau ráu vừa ròn rã cười vui. Con Mực chầu sẵn ở đầu ngõ cứ chạy vòng vòng, nhảy cẫng lên liếm tay bà đòi phần công nhặt quả đến khi bà dúi cho miếng bánh bèo mới thôi. Niềm vui theo bà đi chợ của nó cứ thế nhân lên, nhân lên rồi lại được hào hứng chia năm sẻ bảy… 


Theo bà đi chợ, những lời dạy bảo ân cần, những ứng xử nhẹ nhàng mà ấm áp tình người của bà cứ ngấm dần vào tâm thức nó, cứ từng ngày theo nó lớn lên. Nó cảm nhận được bao điều thú vị của cuộc sống, hưởng trọn bao niềm vui từ những ánh mắt hồn hậu, nụ cười thân thiện của những người dân mộc mạc chân quê. Nó được thoả sức hoà mình vào những sớm mai trong sáng, tha hồ hít thở hương vị ngọt ngào đặc biệt của làng vườn  yêu dấu, nơi anh em nó được hạnh phúc lớn lên trong vòng tay yêu thương của nội. Trong lòng nó ăm ắp niềm vui với bao điều xúc cảm. Nó thầm ước ao giá như cứ bé bỏng mãi để hôm nào cũng được theo bà đi chợ nhưng nó cũng lại ước mong rằng nó mau lớn lên để mang đỡ những gánh nặng cho bà. Bao yêu thương không thể nói thành lời… 


Thu 2021