Tiếng rao đêm
- Chủ nhật - 29/03/2020 18:16
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đêm. Thì hết người rao mời bánh tét, bánh chưng, rồi thì những tiếng lách chách của những miếng sắt khua nhau loảng xoảng...
Có lần tôi gọi cái anh chàng mặc áo quần và đội cái nón cối như ông già tôi ngày vừa giải phóng miền Nam từ Trường Sơn Đông trở về nhà lên tẩm quất.
Anh ta có cái mặt nhọn hoắt như lưỡi cày, có đôi môi thâm sì như sốt rét rừng mãn tính. Đôi tay gầy gò xoa xoa bóp bóp cái lưng sắp sụn bởi thức khuya viết lách của tôi. Tôi chỉ thấy ngứa lưng thêm. Bực mình, nói anh ta đấm bóp mạnh hơn một chút. Thì sức vóc như vậy, cũng chỉ làm được như vậy. Bực mình hơn, lục lọi lấy cái hộp trong có thảm nhung đỏ gồm cả một bộ những đồ giác gió. Lại còn phải lấy chai dầu gió xanh. Nhìn cái bộ dạng lớ ngớ của chàng giác hơi tôi vừa bực, vừa thương. Cuối cùng, tôi cho hắn nằm sấp, bày cho hắn những ngón nghề này mà tôi học được ở nhà trò Chất xã Quới Thành. Xong. Hỏi giá tiền. Hắn nhìn tôi mếu máo, ngân ngấn nước.
Tôi nhìn cái bộ dạng oặt kẹo như cây sậy miền thượng du bị lũ cuốn dạt bến sông La. Hắn chỉ có cái hộp đồ nghề là lành lặn. Còn tất cả là khố rách áo ôm như ông cha bần cố nông nhà mình. Tôi đưa mấy chục. Hắn rối rít cảm ơn bằng thứ tiếng quê choa.
Tôi sực nhớ câu chuyện bên quán cà phê buổi sáng hôm đó với Tình người Thanh Chương, chủ một cơ sở may. Chú ấy kể là cùng với mấy người đồng hương ăn nhậu nơi chợ ÔNG TẠ, có thằng bé cứ năn nỉ xin được đánh giày. Mấy anh em vẫn thản nhiên tửu nhục. Mãi khi khách hàng đã vãn, một Sếp trong đó đã ngà ngà gọi cậu bé Ga-vrot-sơ đến đưa cho một xấp tiền lẻ: "Mày cầm cái này rồi biến về quê đi nhé. Làm nhục dân tau".
Ơ, cái cây sậy tẩm quất cho mình rồi cũng nói ra thổ ngữ quê mình. Hắn không phải cành sậy trôi dạt xuống bến sông La. Mà nó mọc ngay ở bến nước xã Đức Ninh, Đức Thọ nhà mình. Thôi, thì là mà, cái ông nông dân của tôi nó thòi ra. Tôi giữ anh ta lại, cho anh ta ăn cơm nguội. Biết lấy mất buổi tối kiếm ăn của hắn, tôi hào phóng cho luôn đồ hút gió và chai dầu xanh. Cho xong, hắn đi rồi, tôi lại tiếc. Cái cảm giác giác rất nông dân… Xứ Nghệ.
Rồi còn bà bán bánh tét nữa. Tôi đang đói, mở ra nó nhão nhè. Bà vội thanh minh thanh nga là vừa làm kiểu bánh miền Nam này chưa quen. Thôi, chú ăn cái bánh chưng nhỏ này chắc ngon hơn. Đúng, ngon hơn thật. Nhưng lại bỏ thêm mấy ngàn.
Bà cũng nói giọng xứ Nghệ.
Tôi lên nhà chung cư nhìn xuống. Bà ngồi xuống gần bên cái bô rác công cộng và đang ăn cái Tét mình vừa chối từ. Cứ nhoi nhói. Và hứa với mình từ giờ trở đi không hát cái bài tôi rất thích cho trò nghe Bài CA DAO EM VÀ TÔI của An Thuyên.
Nếu ông ấy mà không phải ông tướng văn nghệ thì có thể. Nhưng hôm nay, ông lẫn vào Thập loại chúng sinh rồi, tôi muốn gặp người rao, ai tét, ai chưng quê tôi để Cắt nửa vầng trăng, cùng khoác áo tơi, chân lấm bùn cùng bà mời làng nước chè xanh giữa lúc trời nắng chang, gió Lào ràn rạt thổi .. Ôi, những người nông dân quê tôi. Họ không còn ruộng và ruộng không đủ nuôi họ. Vào Sài gòn cày cấy vậy.
Sáng này, ngồi gõ bàn phím lại nghe giọng Nghệ, quê hương Nguyễn Du... Họ đang rao giữa ban ngày ban mặt: Bánh mì đặc sữa, 5 ngàn một ổ. Nóng giòn thơm ngon đây!.
Tự dưng ứa nước mắt. Thời còn có tiền dám mời người ta lên nhà tẩm quất, tôi nghe giọng xứ Quảng: Bánh mì nóng giòn 1 ngàn một ổ!
Tôi thất nghiệp. Cái bánh mì ấy đã tăng 500% mà tài chính của tôi thì đã về con số không. Buồn hơn, người rao là dân quê tôi. Không rao đêm mà rao ngày. Ai mua hở trời. Bởi cùng cảnh... hai đứa cùng đau khổ.
Thời đi dạy ở những hội trường của Đại học Sư Phạm, tôi sắm toàn là những chiếc loa phóng thanh nhỏ gọn. Giờ nó vô dụng. Tôi muốn gọi người X vô danh của quê tôi cho một cái. Ai cũng có cái loa để rao cho đỡ nhọc sức. Những người đàn bà quê tôi ngoài ấy đã khản giọng mất rồi. Chắc cái em gái nhỏ rao đêm ngày xưa rao đêm giờ sống lại để nhọc nhằn rao ngày? Có lẽ chính xác hơn đây là người Mẹ cùng ba con sắp chết đói nhìn mặt trời vàng úa của cụ Nguyễn Du đang chuyển sinh một kiếp luân hồi.
Rùng mình nghĩ vẩn vơ cuộc sống ngoài kia mà nắc nỏm xót xa.
La Vinh